Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Luận án tiến sĩ: Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia và quyền con người
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
HOÀNG TRẦN NHƯ NGỌC
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA
VÀ QUYỀN CON NGƯỜI
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
HÀ NỘI – 2019
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
HOÀNG TRẦN NHƯ NGỌC
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA
VÀ QUYỀN CON NGƯỜI
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 9229001
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. NGUYỄN TÀI ĐÔNG
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án này là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các tài liệu và số liệu trong luận án là trung thực, đảm bảo tính
khách quan, khoa học và có nguồn gốc rõ ràng.
Tác giả
Hoàng Trần Như Ngọc
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
1. Tính cấp thiết của luận án....................................................................................1
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án ...................................................2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án ....................................................2
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án.......................................3
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án...............................................................3
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án .............................................................4
7. Cơ cấu của luận án...............................................................................................4
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ
TÀI LUẬN ÁN...........................................................................................................5
1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan lý luận về chủ quyền quốc gia và quyền
con người .................................................................................................................5
1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền
quốc gia và quyền con người.................................................................................16
1.3. Các công trình nghiên cứu liên quan tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ
giữa chủ quyền quốc gia và quyền con người và giá trị thời đại...........................20
Kết luận chương 1..................................................................................................27
CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA
VÀ QUYỀN CON NGƯỜI.....................................................................................29
2.1. Khái niệm chủ quyền quốc gia và quyền con người ......................................29
2.2. Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia và quyền
con người ..............................................................................................................38
Kết luận chương 2..................................................................................................66
CHƯƠNG 3: NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA
VÀ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH.................67
3.1. Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia..67
3.2. Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người......88
Kết luận chương 3................................................................................................111
CHƯƠNG 4: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA CHỦ
QUYỀN QUỐC GIA VÀ QUYỀN CON NGƯỜI - GIÁ TRỊ THỜI ĐẠI.......112
4.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa chủ quyền quốc gia
và quyền con người..............................................................................................112
4.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia và quyền con người là cơ sở
nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam ..........127
4.3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia và quyền con người mang giá
trị nhân văn, tiến bộ và phổ quát..........................................................................139
Kết luận chương 4................................................................................................145
KẾT LUẬN............................................................................................................146
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN.......................................................................................149
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................150
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
IMF : Quỹ tiền tệ quốc tế
UNESCO : Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của luận án
Quyền con người là một giá trị cao quý, nhân văn và là sản phẩm lịch sử mang
tính phổ biến. Quyền con người gắn liền với truyền thống lịch sử, chế độ chính trị,
trình độ phát triển của mỗi quốc gia dân tộc. Trong thời đại ngày nay, quyền con
người là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, là một trong những yếu tố
không thể thiếu khi hoạch định chính sách, pháp luật và quan hệ đối ngoại của mỗi
quốc gia. Ở nước ta, khi xác định con người là mục tiêu và động lực của mọi chính
sách phát triển kinh tế - xã hội; tất cả vì con người thì quyền con người là vấn đề
được sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước, thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Cũng như con người khi sinh ra đều có quyền sống, quyền tự do và quyền
mưu cầu hạnh phúc, mỗi dân tộc đều có quyền bình đẳng, quyền tự quyết dân tộc.
Điều đó được khẳng định trong nhiều bản Tuyên ngôn trên thế giới. Nó được khẳng
định trong “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được
Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự
do”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về
vấn đề chủ quyền dân tộc, là chân lý lớn của thời đại. Chủ quyền quốc gia gắn liền
với quyền con người luôn là lẽ sống, mục đích phấn đấu suốt đời của Người.
Chủ quyền quốc gia và quyền con người là vốn có, chứ không phải được
thừa nhận hay thụ hưởng từ bất kỳ một sự ban phát nào. Những quyền đó được
nhân loại nhận thức ngày càng sâu sắc là một giá trị phổ quát. Trong tư tưởng Hồ
Chí Minh, chủ quyền quốc gia và quyền con người luôn gắn bó mật thiết, quan hệ
biện chứng với nhau. Theo Người, độc lập dân tộc, thống nhất có chủ quyền toàn
vẹn lãnh thổ là điều kiện tiên quyết, là tiền đề thực hiện quyền con người của Việt
Nam và mọi dân tộc bị áp bức.
Tuy nhiên, trong lịch sử cho đến nay, vấn đề chủ quyền quốc gia và quyền
con người lại thường xuyên bị các thế lực đế quốc, phản động lợi dụng như là một
thủ đoạn trong chiến lược bành trướng; và hiện nay là một trong các mũi tấn công
2
của âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ do đế quốc Mỹ đứng đầu, nhằm
chống phá các nước xã hội chủ nghĩa bằng cách can thiệp vào công việc nội bộ của
các nước hoặc xâm phạm độc lập chủ quyền của các nước; đặc biệt ở Việt Nam.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề chủ quyền quốc gia và quyền con người, trên
thực tế vừa khẳng định các thành tựu đã đạt được, phát hiện các khía cạnh mới nảy
sinh, vừa phê phán các quan điểm sai trái có liên quan đến chủ quyền quốc gia,
quyền con người trong chiến lược âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của
chủ nghĩa đế quốc. Đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có nhiều quan niệm
khác nhau, thậm chí đối lập nhau, nên rất cần có sự nghiên cứu khoa học công phu,
nghiêm túc, để nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn. Hơn nữa, theo chủ quan của
tác giả thì trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay, ở Việt Nam hầu như chưa có công
trình nghiên cứu chuyên sâu nào về ý nghĩa lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ
Chí Minh về chủ quyền quốc gia và quyền con người.
Với những lý do đó, tôi chọn đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền
quốc gia và quyền con người” làm luận án tiến sĩ của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
Mục đích nghiên cứu của luận án là luận giải làm rõ những nội dung cơ bản của
tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia và quyền con người; khái quát giá trị thời
đại của vấn đề này trong tiến trình cách mạng Việt Nam và đối với nhân loại.
Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án là: Thứ nhất, luận giải làm rõ một số vấn
đề lý luận về chủ quyền quốc gia và quyền con người. Thứ hai, phân tích các nội
dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia và quyền con người.
Thứ ba, lý giải khoa học về mối quan hệ biện chứng giữa chủ quyền quốc gia và
quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ tư, khái quát giá trị thời đại của
tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia và quyền con người.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu của luận án: Luận án nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí
Minh về chủ quyền quốc gia và quyền con người thông qua các tác phẩm và thực
tiễn cách mạng của Người gắn liền với hai cuộc cách mạng ở Việt Nam: Từ cách
3
mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục khẳng
định tư tưởng đó của Người là cơ sở nền tảng của tư tưởng, là kim chỉ nam cho
hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc
gia, bảo đảm quyền con người trong tiến trình cách mạng Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu của luận án: Về nội dung, luận án đi sâu tìm hiểu khái
niệm chủ quyền quốc gia và quyền con người; cơ sở hình thành, nội dung cơ bản, giá
trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia và quyền con người. Về
không gian là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bao gồm cả vùng trời, vùng
biển và đất liền). Về thời gian là quá trình đảm bảo chủ quyền quốc gia và quyền con
người trong tiến trình cách mạng Việt Nam.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
Cơ sở lý luận của luận án là phép biện chứng duy vật, đặc biệt là phép biện
chứng duy vật về lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng
Cộng sản Việt Nam về mối quan hệ biện chứng giữa chủ quyền quốc gia và quyền
con người.
Phương pháp nghiên cứu của luận án là phương pháp lôgic - lịch sử; phân
tích - tổng hợp; so sánh - đối chiếu - khái quát hóa, phương pháp chuyên gia, điều
tra xã hội học...
Tuy nhiên, trong luận án này tác giả đề cao phương pháp lôgic - lịch sử. Cái
lịch sử là làm rõ quá trình hình thành, phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ
quyền quốc gia và quyền con người. Cái lôgic là làm rõ cấu trúc (kết cấu) của tư
tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia và quyền con người. Cả hai phương diện
này phải thống nhất với nhau.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án đưa ra những lý giải khoa học về mối quan hệ biện chứng giữa chủ
quyền quốc gia và quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh; khái quát giá trị
của vấn đề này trong tiến trình cách mạng Việt Nam và đối với nhân loại.
4
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy và nghiên
cứu một số môn học có liên quan đến quyền con người và chủ quyền quốc gia ở các
trường đại học và cao đẳng hiện nay của Việt Nam.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4
chương, 10 tiết.
5
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ
TÀI LUẬN ÁN
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia và quyền con người là chủ đề
được đông đảo các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu, bàn luận với nhiều khía
cạnh, góc độ khác nhau. Tùy vào tính chất, mục tiêu, mục đích, phạm vi nghiên cứu
và góc độ tiếp cận mà nội dung của chủ đề này có nhiều cách lý giải khác nhau.
Việc phân tích, tổng hợp, đánh giá các công trình nghiên cứu có liên quan sẽ giúp
cho luận án tránh được sự trùng lặp và tạo ra tính mới ở nội dung nghiên cứu.
1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan lý luận về chủ quyền quốc gia
và quyền con người
1.1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan lý luận chung về chủ quyền
quốc gia và quyền con người trên thế giới và Việt Nam
- Về quyền con người:
“Quyền con người trong thế giới hiện đại” (Trung tâm Nghiên cứu Quyền
Con người, Hà Nội, 1995) của các tác giả Phạm Khiêm Ích và Hoàng Văn Hảo, là
công trình phục vụ trực tiếp đề tài KX 07-16, cung cấp những văn kiện quốc tế quan
trọng về quyền con người và chủ quyền quốc gia như: Tuyên ngôn Độc lập (Hợp
Chủng Quốc Hoa Kỳ 1776); Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền (Cộng hòa
Pháp 1789); Tuyên ngôn Toàn thế giới về Nhân quyền (Liên Hợp Quốc
10/12/1948); Tuyên ngôn về Quyền và Tự do của Con người và của Công dân (Liên
bang Nga 22/11/1991); Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Nhân quyền châu Á
(Bangkok 17/4/1993); Tuyên ngôn Vienna và Chương trình hành động (Hội nghị thế
giới về Nhân quyền thông qua ngày 25/6/1993 tại Vienna, Austria). Đây là những
văn kiện quốc tế quan trọng, là kết quả đấu tranh của các lực lượng tiến bộ và hòa
bình, của các nước thuộc địa và phụ thuộc nhằm giành lại các quyền chính đáng và
cơ bản của con người. Những văn kiện này còn là tài liệu tham khảo bổ ích và tin
cậy khi nghiên cứu về quyền con người và chủ quyền quốc gia.
6
“Quyền con người - Các văn kiện quan trọng” do tác giả Phạm Khiêm Ích
chủ biên (Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998), viết dưới dạng song ngữ,
đã sưu tầm, hệ thống các văn kiện quốc tế về quyền con người như: Hiến chương
Liên hợp quốc (26/6/1945); Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền (10/12/1948);
Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng (9/12/1948); Công ước quốc tế
về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (21/12/1965); Công ước quốc tế về
Các quyền Dân sự và Chính trị (16/12/1966); Công ước quốc tế về Các quyền Kinh
tế, Xã hội và Văn hóa (16/12/1966); Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em
(20/11/1989) v.v.. Đây hầu hết là những Tuyên ngôn và các Công ước mà Việt Nam
đã gia nhập ký kết. Các văn kiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn quan niệm của cộng
đồng quốc tế về Nhân quyền, nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ các văn kiện quốc tế mà
nước ta đã tham gia ký kết.
Trung tâm nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh kết hợp với Hội nghiên cứu quyền con người Trung Quốc với công trình
“Quyền con người ở Trung Quốc và Việt Nam: Truyền thống, lý luận và thực tiễn”,
(Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003), gồm nhiều bài viết của các học
giả, cán bộ nghiên cứu từ nhiều cơ quan khoa học, quản lý của hai nước Trung
Quốc và Việt Nam, đề cập đến các khía cạnh truyền thống, lý luận, những thành tựu
và thách thức trong việc bảo đảm quyền con người ở hai nước. Đây là tài liệu hữu
ích trong việc thúc đẩy sự hưởng thụ các quyền con người, cũng như phục vụ cuộc
đấu tranh về quyền con người của hai nước trên trường quốc tế.
Viện Nghiên cứu Quyền con người với công trình “Một số văn kiện của Liên
Hợp Quốc về quyền con người trong quản lý tư pháp” (Nhà xuất bản Công an nhân
dân, Hà Nội, 2009), tập hợp đầy đủ nhất toàn bộ hệ thống các văn kiện có liên quan
đến quyền con người trong quản lý tư pháp được Liên Hợp Quốc thông qua từ trước
đến nay; là chủ đề quan trọng, nhằm tăng cường tính trách nhiệm của các cơ quan tư
pháp, góp phần ngăn ngừa và hạn chế vi phạm quyền và tự do cơ bản của cá nhân,
công dân trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, bảo vệ quyền và nhân phẩm của
những người đang bị giam giữ, cải tạo.
7
Tác giả Võ Khánh Vinh (Chủ biên) với các công trình “Quyền con người:
Tiếp cận đa ngành và liên ngành khoa học xã hội” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội,
Hà Nội, 2009), “Quyền con người: Tiếp cận đa ngành và liên ngành luật học” (Nhà
xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010), chỉ ra có rất nhiều khoa học có đối tượng
nghiên cứu liên quan đến quyền con người như luật học, triết học, xã hội học, chính
trị học, nhân học, văn hóa học, sử học... Với cách tiếp cận đa chiều, đa ngành,
chúng ta nhận thức được một cách sâu sắc, toàn diện giá trị quyền con người, tạo ra
môi trường rộng lớn hơn, dân chủ hơn cho nghiên cứu quyền con người, phát huy
có hiệu quả cho sự phát triển của con người.
Trong “Về các nhóm quyền trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”
(Tạp chí Thông tin quyền con người, số 2 (18)/2013), của tác giả Nguyễn Thanh
Tuấn, đã phân tích một cách kỹ lưỡng Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và
chia quyền con người thành hai nhóm quyền: Các quyền dân sự, chính trị và các
quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Nếu các quyền dân sự, chính trị được hiện thực hóa
có thể tức thời, thì các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa được hiện thực hóa dần dần,
từng bước, tương ứng với nguồn lực sẵn có của quốc gia.
Các tác giả Võ Khánh Vinh, Lê Mai Thanh (Chủ biên) với công trình “Pháp
luật quốc tế về quyền con người” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014), đã
khái lược về luật quốc tế, điều ước quốc tế cũng như vai trò luật quốc tế và điều ước
quốc tế trong quá trình tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Công trình
cũng cung cấp một số văn kiện quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người,
tư cách thành viên của Việt Nam trong các điều ước khu vực về quyền con người tại
châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, chính sách thúc đẩy, bảo đảm quyền con người của
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Nhìn chung, các văn kiện quốc tế này,
tuy khác nhau về thời gian và địa điểm ra đời, nhưng đều thống nhất, nhất quán với
nhau đề cao và bảo vệ các quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của con người.
“Chủ nghĩa xã hội và quyền con người” của các tác giả Đặng Dũng Chí,
Hoàng Văn Nghĩa (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014), dưới góc độ
triết học đã chỉ ra về bản chất, quyền con người gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là
8
bản chất, động lực, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Tác giả đã luận giải muốn giải
phóng toàn diện con người, thì không chỉ giải phóng họ trong quan hệ kinh tế, mà
còn trong các quan hệ về chính trị, văn hóa, xã hội...
“Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam 2013 công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công
dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong chương II, từ
điều 14 đến điều 49 của Hiến pháp.
Tác giả Nguyễn Thanh Tuấn với đề tài cấp Nhà nước KX 04.27/11-15:
“Quyền con người trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
và hội nhập quốc tế - Lý luận và thực tiễn”, giải quyết những vấn đề mang tính vĩ
mô và liên ngành nhằm góp phần xác lập quyền con người, quyền công dân và giải
quyết vấn đề quyền con người phù hợp với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Nhìn chung, nhóm các công trình nghiên cứu này đã cung cấp cách nhìn đa
chiều, liên ngành khoa học, truyền thống, hiện đại và đều thống nhất chủ quyền dân
tộc và quyền con người là những quyền cơ bản, thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Đặc biệt, một vài công trình khẳng định quyền con người là bản chất, động lực, mục
tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Trong các nghiên cứu về quyền con người ở Việt Nam hiện nay không thể
không đề cập đến các giáo trình, bài giảng ở các trường đại học, các học viện như:
Giáo trình “Quyền con người” của Học viện Khoa học xã hội (Nhà xuất bản Khoa
học xã hội, Hà Nội, 2011), giáo trình “Lý luận về quyền con người” của Học viện
Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Chính trị - Hành chính,
Hà Nội, 2010), giáo trình “Lý luận và pháp luật về quyền con người” của Khoa
Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009).
Các công trình này đã phân tích một cách cơ bản khái quát về nguồn gốc, tính chất,
đặc điểm và lịch sử phát triển tư tưởng về quyền con người.
9
- Về chủ quyền quốc gia:
“Độc lập dân tộc của các nước đang phát triển trong xu thế toàn cầu hóa”
(Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006), của tác giả Thái Văn Long, đã chỉ
ra những nhân tố tác động tới độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của các nước
đang phát triển trong xu thế toàn cầu hóa như: Chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội,
lịch sử truyền thống. Từ đó, tác giả đưa ra một số định hướng, giải pháp trong chiến
lược phát triển và bảo vệ chủ quyền quốc gia của các nước đang phát triển.
Các tác giả Phan Văn Rân, Nguyễn Hoàng Giáp với công trình “Chủ quyền
quốc gia dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa và vấn đề đặt ra với Việt Nam” (Nhà
xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010), đã chỉ ra một số quan niệm về chủ
quyền quốc gia dân tộc trong lịch sử, và trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay quan
niệm về chủ quyền quốc gia đã có sự thay đổi nhất định so với quan niệm truyền
thống. Chủ quyền quốc gia dân tộc ngày nay còn bao hàm cả lĩnh vực an ninh phi
truyền thống, trong quyết định con đường phát triển quốc gia gắn với phát triển kinh
tế - xã hội hội nhập quốc tế.
Tác giả Nguyễn Xuân Thắng với “Độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế của
Việt Nam trong bối cảnh mới” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011), đã
làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Từ
góc độ chính trị học, tác giả đã phân tích giải quyết khái niệm chủ quyền quốc gia là
sự kết hợp thống nhất, biện chứng của hai mặt: một mặt là khuôn khổ độc lập - ranh
giới luật pháp bên ngoài và bên trong của quốc gia; một mặt là năng lực tự chủ -
quyền lực thực tế cả về đối nội và đối ngoại mà quốc gia đó nắm giữ.
“Nhận thức về chủ quyền quốc gia và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện
nay” (Tạp chí Cộng sản, số 833/2012), của tác giả Đỗ Sơn Hải, đã chỉ ra sự “mềm
hóa” của khái niệm chủ quyền quốc gia và mối quan hệ giữa chủ quyền quốc gia và
chính sách hội nhập quốc tế. Tác giả cho rằng, hội nhập quốc tế luôn gắn liền với
trách nhiệm quốc tế và để thực hiện được những trách nhiệm này, đôi khi phải chấp
nhận hy sinh một phần lợi ích quốc gia, và sâu xa hơn, là một phần chủ quyền quốc
gia (quốc gia không thể hành động hoàn toàn và tuyệt đối theo ý muốn chủ quan
10
được). Một số quốc gia khác, vì e ngại chủ quyền bị xâm hại, nên bỏ lỡ cơ hội trong
tiến trình hội nhập quốc tế. Như vậy, hội nhập quốc tế như “con dao hai lưỡi”, chỉ
có những người biết sử dụng nó thì mới đạt được hiệu quả mong muốn.
“Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc
của các nước đang phát triển sau chiến tranh lạnh” (Nhà xuất bản Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2013, của tác giả Nguyễn Hữu Toàn, đề cập đến vấn đề độc lập dân
tộc, chủ quyền quốc gia, các cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của các nước
đang phát triển. Trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay, vấn đề độc lập dân
tộc là bảo vệ, củng cố vững chắc độc lập, thống nhất, có chủ quyền toàn vẹn lãnh
thổ của Việt Nam; bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm thất bại
âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình - bạo loạn lật đổ” của chủ nghĩa đế quốc và
các thế lực thù địch; bảo vệ công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa;
bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tác giả Phạm Thị Hoàng Hà với bài “Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt
Nam về vấn đề dân tộc”, trong sách “Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội,
2014), đã phân tích trong từng giai đoạn cách mạng Việt Nam, tư tưởng nhất quán
trong chính sách dân tộc của Đảng ta là: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng,
giúp nhau cùng phát triển. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến vấn đề bình đẳng: Tất
cả các dân tộc, dù đông hay ít người đều có tư cách chính trị - xã hội - pháp lý như
nhau trong các quan hệ tộc người, trong quyền hạn và nghĩa vụ đối với đất nước.
Dưới góc nhìn an ninh quốc phòng, tác giả Đàm Trọng Tùng đã phân tích
các yếu tố đe dọa đến độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia trong bài “Các yếu tố đe
dọa an ninh phi truyền thống đối với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia” (Tạp chí
Lý luận chính trị, số 6/2015). Theo tác giả, một loạt các yếu tố đe dọa an ninh phi
truyền thống là: biến đổi khí hậu, an ninh tài chính, an ninh năng lượng, khủng bố,
các vấn đề về môi trường... đã trở thành vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến sự tồn
vong của quốc gia và nhân loại.