Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

LỄ NGHĨA TRONG NỀN ĐẠO ĐỨC KHỔNG MẠNH
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
Lễ nghĩa trong nền đạo đức Khổng Mạnh
LỄ NGHĨA TRONG NỀN ĐẠO ĐỨC KHỔNG MẠNH
1. Đặt Lại Vấn Đề - Vai trò của Lễ Nghĩa.
Luận văn sau đây nhắm tìm hiểu vai trò của của lễ nghĩa trong nền đạo đức Khổng Mạnh.
Chúng tôi đặc biệt chú ý tới vai trò của lễ nghĩa vì nhiều lý do, trong đó có một lý do rất
quan trọng, đó là vai trò của lễ nghĩa đã hòa lẫn vào trong huyết quản của người Việt. Quá
sâu đậm đến độ văn hóa, cách thẩm định giá trị của người Việt không thể tách rời khỏi quan
niệm lễ và nghĩa. Nhưng cũng vì gốc rễ nó đâm sâu gắn chặt vào cuộc sống, nên cái lễ cũng
là một trở ngại khiến xã hội Việt không dễ tiến bộ. Sự quá trọng nghi lễ đến độ nô lệ vào
hình thức cuả nghi mà quên đi tinh thần của lễ, đã làm xã hội đông phương nói chung, và
xã hội Việt nói riêng trì trệ. Cái tính nệ nghi thức không chỉ khiến con người viễn đông thiếu
suy tư và thụ động, nó còn bóp nghẹt tình cảm con người. Và đây là cái cớ khiến nhóm trí
thức theo Tây phương đã kịch liệt đả phá lễ nghĩa Nho giáo.[1]
Luận văn của chúng tôi không chối bỏ công lao của những người từng phá núi đắp sông,
biến bãi biển thành ruộng dâu trong lãnh vực văn hóa, những bậc đại nho đã từng gây dựng
nền văn hóa dân tộc. Chúng tôi củng không phủ định những đóng góp của những người phê
bình Nho giáo. Những vị sau đã nhìn ra sự nguy hại của tinh thần lệ lễ, tình trạng chậm
chạp vì quá trọng hình thức và sự thiếu suy tư vì quá nô lệ vào những lễ nghi, những tập
tục. Đi xa hơn, qua luận văn này, chúng tôi theo một cái nhìn khách quan, tìm cách đào sâu,
tìm hiểu thêm tinh thần của lễ nghĩa. Tuy nhắm khôi phục tinh thần lễ nghĩa, chúng tôi cũng
ý thức được cái ma lực của lễ, và do đó cùng lúc muốn phá bỏ huyền thoại quá lệ thuộc vào
nghi lễ mà những nhà hủ nho từng khư khư ôm vào. Qua công việc khôi phục lại cái địa vị
vốn có của lễ nghĩa, luận văn này tiếp tục chương trình đào bới lại cái giá trị của nền đạo
nghĩa Việt mà chúng tôi đã bắt đầu vào những năm gần đây.[2] Luận văn gồm hai phần
chính: phần thứ nhất tìm hiểu chữ lễ trong văn bản của Nho học, đặc biệt trong Luận Ngữ,
Mạnh Tử, Lễ Ký, và phần nào đó trong tư tưởng của Tuân Tử; phần thứ hai đi xa hơn, nhắm
khơi quật và đào sâu tư tưởng Việt qua việc phân tích và nhận định sự biến chuyển từ quan
niệm lễ trong triết học Trung Hoa tới cách sống theo lễ trong cuộc sống của người Việt.
Chúng tôi đặc biệt tìm hiểu sự liên quan mật thiết giữa chữ lễ và chữ nghĩa, một đặc điểm
mà ta thấy ít có (hay hiếm hoi) trong lối tư duy của người phương Bắc. Mạnh Tử đã từng
nhấn mạnh tới nhân nghĩa, và phần nào đó lễ nghĩa,[3] nhưng chỉ nơi Việt Nho, chúng ta
mới thấy tầm quan trọng của nghĩa.[4] Nếu những nhận xét của các học giả như cố Giáo sư
Trần Đình Hượu, các Giáo sư Trần Quốc Vượng và Phan Đại Doãn tại Đại Học Khoa Học Xã
Hội Nhân Văn Hà Nội có căn bản, thì đối với các nho gia Việt, và ngay cả giới bình dân Việt,
lễ nghĩa mới thực là quan trọng. Nếu chỉ có lễ, tức chỉ có hình thức, thì đó chỉ là tính chất
bên ngoài, chứ chưa có thể nói lên được cái bản chất của lối sống của người Việt. Từ những
nghiên cứu này, chúng tôi muốn chứng minh, lễ mà thiếu nghĩa sẽ bị sa đọa vào cái hố
trọng hình thức thiếu nội dung, nhưng nếu thiếu lễ, nghĩa trở lên trống rỗng. Nói theo kiểu
bình dân, lễ là cái vỏ, trong khi đó, nghĩa là cái ruột; và nói theo ngôn ngữ Aristotle, thì lễ là
mô thức (forma) và nghĩa là chất liệu (materia).