Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Khảo sát kĩ năng làm văn nghị luận của học sinh một số trường thpt ở quảng nam.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------
VŨ THỊ THOA
Khảo sát kỹ năng làm văn nghị luận của học sinh
một số trường THPT ở Quảng Nam
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
KHẢO SÁT KỸ NĂNG LÀM VĂN NGHỊ LUẬN CỦA HỌC SINH MỘT SỐ
TRƯỜNG THPT Ở QUẢNG NAM.
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả
trong khóa luận này là trung thực và chưa có ai công bố trong bất kỳ một công trình nào
khác.
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành tốt khóa luận tốt nghiệp của khóa học 2008 -2012, trước hết tôi xin
gửi lời cảm ơn chân thành đến Thạc sĩ Nguyễn Đăng Châu, giảng viên Khoa Ngữ văn,
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã tận tình giúp đỡ tôi trong quá trình làm
khóa luận. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP-ĐHĐN đã có những
hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện giúp tôi hoàn thành khóa luận. Cảm ơn các thầy cô
giáo ở một số trường THPT tỉnh Quảng Nam đã cung cấp ngữ liệu để tôi có thể hoàn
thành tốt khóa luận. Cảm ơn gia đình, bạn bè và người thân đã luôn ủng hộ, giúp đỡ tôi.
Mặc dù đã rất cố gắng song không tránh khỏi những sai sót. Kính mong sự đóng
góp của quý thầy cô, cùng mọi người để khóa luận của tôi hoàn thiện hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Sinh viên thực hiện
Vũ Thị Thoa
CÁC CHỮ VIẾT TẮT
THPT : Trung học phổ thông
THCS : Trung học cơ sở
SGK : Sách giáo khoa
HS : Học sinh
GV : Giáo viên
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Cơ sở lí luận :
Trong chương trình Ngữ văn THPT phân môn Làm văn là một trong ba phân môn
của môn Ngữ văn. Làm văn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp tri thức
và kĩ năng cơ bản về các kiểu văn bản cho học sinh. Đây là môn học mang tính chất thực
hành tổng hợp. Làm văn vận dụng kết quả tổng hợp của việc học tập hai phân môn Văn
học và Tiếng Việt để tạo lập văn bản. Nhiệm vụ chủ yếu của Làm văn trong nhà trường là
rèn luyện cho học sinh các kĩ năng làm văn như kĩ năng tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, lập
luận, dựng đoạn... Thành thục các kĩ năng này, học sinh sẽ viết được một bài văn rõ ràng,
mạch lạc, đầy đủ ý, đúng yêu cầu của từng kiểu văn bản.
Thực hiện đúng qui trình các thao tác kĩ năng làm văn là yêu cầu rất quan trọng
nhằm viết thành công một bài văn. Kĩ năng làm văn vừa là chuỗi các thao tác hoạt động
vừa là các bước phát triển đúng hướng để giải quyết một luận đề nào đó. Chính vì vậy mà
Gớt- tơ nhà văn nổi tiếng của Đức đã quả quyết nói rằng "Tất cả đều phụ thuộc vào bố
cục". Trong phạm vi nhà trường trung học phổ thông kĩ năng này rất cần cho học sinh khi
làm bất kì bài văn nào.
1.2. Cơ sở thực tế:
Chương trình Làm văn THPT trước đây có những tiết học dành riêng cho việc lập
dàn ý. Ở mỗi kiểu văn bản đều có 1- 2 tiết lí thuyết dạy rèn luyện kĩ năng này. Thế nhưng
chương trình Làm văn hiện nay không có các tiết riêng để dạy về các thao tác kĩ năng làm
văn mà các thao tác kĩ năng đó được dạy gộp với các bài về cách làm bài văn,... Vì vậy kĩ
năng làm văn của học sinh hiện nay cũng rất hạn chế. Khi khảo sát các em làm bài kiểm
tra, chúng tôi thấy nhiều em thường bỏ qua khâu thực hiện các thao tác kĩ năng làm văn.
Khi gặp một đề văn các em chỉ bỏ ra một vài phút để đọc đề rồi cắm cúi viết. Chính vì
vậy trong bài viết của các em việc sắp xếp ý rất lộn xộn, nhiều ý trùng lặp hoặc thiếu
ý…Có nhiều trường hợp các em phát hiện thiếu ý muốn "quay lại" để bổ sung nhưng
không kịp nữa đành viết thêm vào rồi ghi bổ sung làm bài viết rời rạc chắp vá hoặc bỏ
hẳn ý đó. Đôi khi nó lại là phần rất quan trọng .
Từ những cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn trên, vấn đề đặt ra với phân môn Tập
làm văn là: Cần giúp cho học sinh có kĩ năng thực hiện các thao tác làm văn nhằm nâng
cao kĩ năng làm văn cho các em nhất là từ khi thực hiện đổi mới phương pháp dạy học.
Để mục tiêu đó thật sự có được kết quả, sau đây chúng tôi xin thực hiện đề tài “Khảo sát
kỹ năng làm văn nghị luận của học sinh một số trường THPT ở Quảng Nam” để tìm ra
những nguyên nhân và đề ra hướng khắc phục cho tình trạng chung này.
2. Lịch sử vấn đề
Làm văn ở chương trình THPT chủ yếu là văn nghị luận, văn nghị luận là loại văn
có vai trò quan trọng trong đời sống mỗi con người và cũng là loại văn có lịch sử lâu đời.
Chỉ tính riêng những bài nghiên cứu, những tài liệu dạy học và kĩ năng lập ý cho bài văn
thì rất phong phú. Dưới đây là những công trình nghiên cứu chủ yếu về kĩ năng làm văn
trong văn nghị luận.
Trần Thanh Đạm (chủ biên), (1992), Làm văn 12 và Dàn bài làm văn 12, Nxb
Giáo dục, tác giả chỉ xoay quanh kỹ năng lập ý cho bài văn nghị luận.
Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Quang Ninh, Cao Đức Tiến, Hà Bình
Trị (1993), Tài liệu giáo khoa thực nghiệm phân ban làm văn 10, Nxb Giáo dục Hà Nội.
Trong cuốn này, kĩ năng lập ý được đề cập đến trong phần lập dàn ý nói chung cho văn
nghị luận, tuy nhiên đó cũng chỉ là những hướng dẫn còn rất khái quát.
Nguyễn Công Lý (1997), Tập làm văn (Giáo trình dành cho sinh viên khoa Ngữ
văn Cao đẳng Sư phạm), Nxb Đà Nẵng. Tác giả khẳng định rằng để có một bài văn nghị
luận hoàn chỉnh người viết phải trải qua hai công đoạn là khâu tạo ý và khâu hành văn.
Trần Đình Sử (chủ biên), (2002), Làm văn 12, Nxb Giáo dục. Ở đây, tác giả chỉ
dẫn cụ thể về các bước lập ý, các bước lập dàn bài cho bài văn nghị luận nói chung và
nghị luận văn học nói riêng
Đỗ Ngọc Thống (chủ biên), Nguyễn Thành Thi, Phạm Minh Diệu (2007), Làm văn
(Giáo trình Cao đẳng Sư phạm), Nxb ĐHSP Hà Nội, đề cập đến việc lập ý cho bài văn
nghị luận xã hội với hai bước: (Bước 1) dựa vào yêu cầu và chỉ dẫn của đề để tìm ra vấn
đề trọng tâm và ý lớn mà bài viết cần làm sáng tỏ. (Bước 2) tìm ý nhỏ bằng cách bằng
cách đặt ra các câu hỏi, vận dụng những hiểu biết về văn học và cuộc sống xã hội để trả
lời các câu hỏi đó.
Trên đây là những tài liệu làm cơ sở lí luận để chúng tôi thực hiện đề tài “Khảo sát
kỹ năng làm văn nghị luận của học sinh một số trường THPT ở Quảng Nam”. Thực hiện
đề tài này chúng tôi mong muốn góp phần cải thiện tình hình học tập môn Làm văn của
học sinh THPT Quảng Nam nói riêng và học sinh THPT cả nước nói chung.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Miêu tả một vài nét về thực trạng và khả năng thực hiện
các thao tác làm văn của học sinh một số trường THPT Quảng Nam.
Phạm vi nghiên cứu: Xem xét giới hạn ở loại văn bản nghị luận
4. Phương pháp nghiên cứu
Với đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau.
- Phương pháp điều tra trắc nghiệm.
- Phương pháp khảo sát, thống kê.
- Phương pháp tổng hợp, khái quát.
5. Bố cục của khóa luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, phần Tài liệu tham khảo phần Nội dung của khóa
luận gồm 3 chương.
Chương 1: Một số vấn đề về kỹ năng làm văn nghị luận của học sinh THPT
Chương 2: Khảo sát thực trạng thực hiện qui trình các kĩ năng làm văn của học
sinh THPT Quảng Nam
Chương 3: Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng làm văn nghị luận
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KĨ NĂNG LÀM VĂN NGHỊ LUẬN CỦA
HỌC SINH THPT
1.1 Phân môn Làm văn trong chương trình Ngữ văn THPT hiện nay
1.1.1 Khái quát về văn nghị luận.
a) Khái niệm
“Trong cuộc sống ta thường bắt gặp văn nghị luận dưới dạng các ý kiến nêu ra
trong cuộc họp, các bài xã luận, bình luận, bài phát biểu ý kiến trên báo chí.
Văn nghị luận là văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư
tưởng, quan điểm nào đó. Muốn thế, văn nghị luận phải có luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn
chứng thuyết phục.
Những tư tưởng, quan điểm bài văn nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn
đề đặt ra trong đời sống thì mới có ý nghĩa”. [15, tr. 9]
Văn nghị luận có hai kiểu bài chính là nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nghị
luận xã hội thường tập trung nghị luận vào những vấn đề có tính xã hội như một quan
điểm, tư tưởng, một hiện tượng đời sống, một vấn đề luân lí, đạo đức, lối sống... Nghị
luận văn học là dạng bài thường tập trung nghị luận những vấn đề có tính văn học như
một vấn đề văn học, một nhận định, ý kiến về một tác phẩm văn học (thơ, truyện) hoặc
đưa ra những đánh giá về chính tác phẩm văn học...
Dù là văn nghị luận văn học hay văn nghị luận xã hội cũng phải đảm bảo tính triết
lý sâu sắc, tính biện luận mạnh mẽ và tính thuyết phục lớn lao. Văn nghị luận dùng lí lẽ
để giải thích, chứng minh hoặc tuyên truyền để người khác nghe theo, tin theo. Các lí lẽ
đưa ra phải được biện luận, tức là được phân tích, giảng giải, tổng hợp theo một trình tự
nào đó để người đọc, người nghe thông suốt, chấp nhận. Nghĩa là cái đích cuối cùng
nhằm đến của bài văn nghị luận là thuyết phục người khác bằng cái lí, cái tình.
Nét chung của hai kiểu bài này là đều lấy lập luận làm phương thức biểu đạt chính
để người viết trình bày ý kiến, quan điểm thái độ... về một vấn đề (văn học hoặc chính trị,
đạo đức, lối sống) bằng cách dùng lí lẽ và dẫn chứng nhằm giúp người đọc, người nghe
hiểu, đồng tình, ủng hộ và làm theo quan niệm, cách hiểu của mình.
Bài văn nghị luận văn học và nghị luận xã hội thường được cấu thành từ các yếu tố:
Vấn đề nghị luận, luận điểm, luận cứ và lập luận. Vấn đề nghị luận (tức là luận đề) là nội
dung được đem ra bàn luận trong bài viết. Vấn đề này được triển khai qua hệ thống luận
điểm – những ý kiến, quan điểm bàn luận xung quanh vấn đề nghị luận. Hệ thống luận
điểm bao giờ cũng được trình bày theo một trình tự nhất định và được làm sáng tỏ bằng
các luận cứ - lí lẽ và dẫn chứng cụ thể.
Văn nghị luận thiên về việc trình bày ý kiến, quan điểm và có vẻ đẹp riêng mang
tính trí tuệ. Vì thế điều quan trọng nhất của văn nghị luận là nghệ thuật lập luận nhằm bày
tỏ quan điểm ý kiến trước vấn đề nhằm tác động vào tư tưởng, tình cảm người đọc, người
nghe.
b) Những đặc trưng cơ bản của văn nghị luận
Đặc trưng cơ bản đầu tiên của văn nghị luận là vấn đề có ý nghĩa xã hội, đó chính
là nội dung nghị luận. Thành phần nội dung quan trọng để xây dựng nên bài văn nghị
luận là “vấn đề có tính xã hội”. Điều ấy có nghĩa là, vấn đề đem bàn luận không phải của
riêng ai. Vì vậy mới có hô ứng để làm cho vấn đề sáng tỏ minh bạch bằng sự phong phú,
nhiều chiều của lí lẽ và thực tế. Vấn đề xuất hiện do nhu cầu thực tiễn và lí luận. Tìm
hiểu vấn đề, xác định rõ vấn đề, phân tích lí giải vấn đề và giải quyết vấn đề một cách
khoa học là đặc trưng nghiên cứu của quá trình nghị luận. Văn nghị luận có sức mạnh hấp
dẫn và phổ biến trong đời sống con người là vì nó biết đặt “vấn đề có ý nghĩa xã hội” và
tìm cách giải quyết nó bằng lập luận nhiều chiều. Như vậy “vấn đề có ý nghĩa xã hội” là
nội dung chính của văn nghị luận. Vì thế văn nghị luận mang đậm tính chất nghiên cứu
và có tính lí luận cao.
Đặc trưng thứ hai của văn nghị luận là tính logic của văn nghị luận: Bản thân của
thuật ngữ này cho biết nghị luận là bàn bạc, phân tích, đồng tình hay một vấn đề nào đó
để tìm hiểu và thẩm định giá trị lí luận và thực tiễn của nó. Bài văn nghị luận thường
xuyên vận dụng luận lí. Điều đó đòi hỏi người làm văn nghị luận phải có kiến thức phong
phú và phải biết cách lập luận linh hoạt đó chính là tính logic trong văn nghị luận. Tính
logic trong văn nghị luận thể hiện trong việc hoàn chỉnh nguyên tắc chuẩn mực của ngôn
ngữ, hướng lời nói và viết vào những chuẩn mực đó một cách có suy nghĩ. Ngoài cú pháp
đảm bảo sự chặt chẽ trong suy nghĩ để con người hiểu nhau trong giao tiếp, văn nghị luận
còn phải vận dụng phép tu từ, chuyển nghĩa để diễn đạt đầy đủ ý tứ tạo nên phong cách
uyển chuyển của nó.
Toàn bộ quá trình lập luận trong văn nghị luận đều dựa vào khái niệm, nhận định,
luận điểm, luận cứ, luận chứng và những thao tác diễn dịch, quy nạp, suy luận từ trừu
tượng đến cụ thể và ngược lại. Tất nhiên văn nghị luận không phải là quá trình tư duy lí
luận thuần túy về những ý tưởng có sẵn mà sáng tạo ra những quan niệm, luận điểm có
tính chất lí thuyết làm công cụ để khám phá vấn đề mới hơn và phong phú hơn. Như vậy
trong văn nghị luận tư duy, ngôn ngữ và logic có quan hệ chặt chẽ và thống nhất với nhau
trong quá trình sản sinh văn bản.
Đặc trưng tiếp theo của văn nghị luận là tính chỉnh thể trong kết cấu. Một bài văn
nghị luận dù đơn giản đến đâu cũng đều mang tính chỉnh thể của một văn bản. Chỉnh thể
ấy được xây dựng và hoàn thiện bằng hệ thống ngôn ngữ phong phú kết hợp với văn
phong chính luận thấm nhuần tính nghệ thuật. Ngoài tính xác thực của vấn đề và quan
điểm, ngoài tính khách quan khoa học của quá trình lập luận, văn nghị luận còn mang
tính nghệ thuật trong khi trình bày ý kiến riêng và văn phong của người viết. Mục đích và
ý đồ trao đổi bàn bạc, vấn đề trong văn nghị luận đều hướng tới sự thống nhất, văn bản
nghị luận thành một chỉnh thể.
Văn nghị luận đạt tới tính chỉnh thể toàn vẹn nếu người viết hiểu biết tường tận
vấn đề nắm vững mục đích nghị luận và có phương tiện ngôn ngữ dồi dào, thao tác lập
luận chặt chẽ, thấu lí đạt tình tác động mạnh mẽ và thường xuyên vào trí tuệ và tỉnh cảm
trí óc và trái tim của người đọc, người nghe.
Tính chất đối thoại cũng là một trong những đặc trưng của văn nghị luận: Văn
nghị luận lấy việc đề xuất, bàn bạc, phê bình vấn đề có ý nghĩa xã hội làm nội dung chính
nên bao giờ nó cũng có “một ai đó” để giao tiếp, đối thoại. Văn nghị luận chẳng những
mang đặc điểm bàn luận mà còn theo đuổi mục đích thuyết phục người khác tin vào ý
kiến đúng đắn, có lí lẽ của lập luận minh chứng trong bài văn. Do vậy hình ảnh của người
đối thoại cũng trở thành nội dung cần quan tâm đúng mức khi viết văn nghị luận. Cảm
hứng thuyết phục bằng sự thật và chân lí trong nhận thức cuộc sống xã hội và trong văn
học thông qua nghị luận buộc người viết phải đối thoại trực tiếp hoặc gián tiếp với người
khác trước hết bằng lí lẽ.