Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Khai thác nghệ thuật diễn xướng hò khoan phục vụ phát triển du lịch tại quảng nam.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA LỊCH SỬ
----------------
Đề tài:
KHAI THÁC NGHỆ THUẬT DIỄN XƯỚNG
HÒ KHOAN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
TẠI QUẢNG NAM
Sinh viên thực hiện : Nguyễn Thị Thảo
Chuyên ngành : Việt Nam Học
Lớp : 11CVNH
Người hướng dẫn : PGS TS. Lưu Trang
Đà Nẵng, tháng 5/2015
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
Nghệ thuật diễn xướng là một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc trong kho
tàng văn hoá phi vật thể của người Việt. Các loại hình nghệ thuật diễn xướng với
những ý nghĩa thẩm mĩ nhất định phục vụ đắc lực cho đời sống tinh thần của con
người, đồng thời thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc. Dù trải qua bao nhiêu thăng
trầm của lịch sử, các loại hình nghệ thuật diễn xướng với sức sống mãnh liệt của mình
vẫn giữ được những giá trị đặc sắc và phát huy những giá trị này ngay trong thời đại
công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Ở Quảng Nam các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đã từng gắn bó chặt
chẽ với lao động sản xuất, có mặt trong mọi hoạt động sinh hoạt và cả trong các lễ
nghi phong tục. Cụ thể là những hình thức hò hát trữ tình dân gian, những loại hình
diễn xướng tự sự, đặc biệt có thể kể đến như: nghệ thuật tuồng, hát bài chòi, hát bả
trạo, hò khoan...Đây là những loại nghệ thuật đặc sắc không thể thiếu trong đời sống
của người dân xứ Quảng.
Trong cơ cấu thể loại diễn xướng trữ tình dân gian ở Quảng Nam, có lẽ hò khoan
cũng chiếm vị trí rất là quan trọng. Giai điệu hò khoan bắt nguồn từ sinh hoạt dân gian
miền sông nước, là "lời ăn tiếng nói" của quần chúng lao động được trải nghiệm, thu
nhận qua vốn sống hàng ngày mà biểu lộ ra, qua tài năng của các nghệ nhân được cải
biến đi, nâng tầm lên thành vần điệu cho nghệ thuật hơn, làm phương tiện để trao đổi,
bày tỏ, chuyển tải tâm tình giữa những cá thể, những tập thể với nhau trong cộng đồng.
Hò khoan có những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc và hoàn toàn có thể khai thác
phục vụ du lịch. Việc khai thác phục vụ du lịch cũng là một trong những biện pháp để
có thể bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật này.
Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập việc giao lưu hợp tác với các
nước đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Văn hoá nước ngoài du nhập vào nước ta khá
nhiều do đó việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống
là việc làm cần thiết. Một trong những biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của
các loại hình nghệ thuật, trong đó có loại hình hình nghệ thuật diễn xướng hò khoan là
khai thác chúng phục vụ hoạt động du lịch. Các loại hình nghệ thuật diễn xướng nói
chúng và làn điệu hò khoan nói riêng chính là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phi
vật thể vô cùng độc đáo và hấp dẫn đối với mỗi du khách.
Với mong muốn được nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật diễn xướng hò
khoan tại Quảng Nam, góp phần vào việc giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc của
mảnh đất xứ Quảng và bảo tồn các giá trị cũng như khai thác loại hình nghệ thuật này
phục vụ du lịch, tôi đã lựa chọn đề tài “Khai thác nghệ thuật diễn xướng hò khoan
phục vụ phát triển du lịch tại Quảng Nam” để làm khóa luận tốt nghiệp của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.
Hò khoan là một loại hình nghệ thuật dân tộc rất độc đáo. Tuy nhiên số lượng đề tài,
bài viết nghiên cứu về loại hình nghệ thuật này còn rất hạn chế.
Có thể kể đến một số tác phẩm, tác giả sau: cuốn "Tổng hợp văn hóa, văn nghệ dân
gian đất Quảng Nam" (2001) do nhóm tác giả Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi
Văn Tiếng, NXB Đà Nẵng. Đã trình bày chi tiết về các loại hình nghệ thuật dân gian ở
Quảng Nam, trong đó Hò khoan cũng được tác giả giới thiệu khá cụ thể. Trong cuốn
"Tiểu vùng văn hóa - xứ Quảng" (2001) cũng có đề cập đến những nét độc đáo của loại
hình nghệ thuật hò khoan xứ Quảng. Tác phẩm "Văn hóa dân gian Quảng Nam - Đà
Nẵng" (2008) do Võ Văn Hòe chủ biên, NXB Đà Nẵng đã giới thiệu về nghệ thuật dân
gian của Quảng Nam và Đà Nẵng qua đó có thể thấy sự đa dạng của các loại hình nghệ
thuật này. Ngoài ra còn có nhạc sĩ Trần Hồng với hàng loạt tác phẩm về âm nhạc truyền
thống xứ Quảng như: "Những điệu hò xứ Quảng", "Hát bả Trạo", "Âm nhạc kịch dân
ca"...
Trong quá trình tìm hiểu về hò khoan, người viết nhận thấy đây là một loại hình
nghệ thuật dân gian hết sức độc đáo. Tuy nhiên, các tài liệu và nghiên cứu này mới chỉ
tập trung nghiên cứu dưới góc độ văn hóa và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của hò
khoan. Còn các đề tài nghiên cứu về hò khoan với mục đích phục vụ du lịch thì chưa
được các tác giả đề cập đến và chưa được công bố.
3. Mục đích nghiên cứu.
Nghiên cứu về nghệ thuật diễn xướng hò khoan Quảng Nam và khả năng khai
thác phục vụ du lịch, trước hết là nhằm tìm hiểu về các khái niệm, các hình thức, phân
loại nghệ thuật diễn xướng của nước ta và vai trò của nghệ thuật diễn xướng với sự
phát triển du lịch hiện nay.
Từ đó, đi sâu vào tìm hiểu về làn điệu hò khoan xứ Quảng cũng như là khả năng
khai thác loại hình này để phục vụ du lịch. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp khả thi
nhằm bảo tồn, khai thác những giá trị đặc sắc của hò khoan để làm phong phú thêm
các sản phẩm du lịch ở Quảng Nam.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
4.1. Đối tượng nghiên cứu.
Đối tượng chính mà đề tài hướng đến là nghệ thuật diễn xướng hò khoan Quảng
Nam và khả năng phục vụ du lịch của nó. Trên cở sở những giá trị đặc sắc của nghệ
thuật diễn xướng hò khoan cùng với khả năng đưa vào phát triển du lịch của loại hình
nghệ thuật này, đề xuất những giải pháp bảo tồn và khai thác loại hình này một cách
hợp lý nhằm phát triển du lịch tại Quảng Nam.
4.2. Phạm vi nghiên cứu.
- Phạm vi thời gian.
Nghệ thuật diễn xướng hò khoan là một bộ phân trong nghệ thuật dân gian xứ
Quảng, được hình thành và gắn liền với quá trình định cư, lập nghiệp của người Việt
trên mảnh đất này. Làn điệu hò khoan nói riêng và các loại hình nghệ thuật của Quảng
Nam nói chung ra đời gắn liền với quá trình lao động, sản xuất, chinh phục tự nhiên
và các hoạt động mang tính tập thể của người dân nơi đây. Nghệ thuật truyền thống xứ
Quảng được hình thành vào khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX và tiếp tục phát
triển cho đến ngày nay. Đó cũng chính là giới hạn thời gian cho đề tài.
- Phạm vi không gian.
Đề tài đi sâu vào tìm hiểu về nghệ thuật diễn xướng hò khoan trên địa bàn tỉnh
Quảng Nam.
5. Phương pháp nghiên cứu.
- Phương pháp thu thập, tổng hợp, phân tích tư liệu.
Hệ thống hoá các tài liệu, các báo cáo tổng kết, các văn bản về tình hình kinh tế,
văn hóa xã hội của địa phương, sự hình thành và phát triển của hò khoan. Dựa trên
những báo cáo, bài viết từ đó phân tích để thấy được xu hướng khai thác hò khaon vào
trong du lịch Quảng Nam.
- Phương pháp thực địa.
Bên cạnh phương pháp nghiên cứu trên, tiến hành nghiên cứu khảo sát thực tế,
thông qua việc phỏng vấn và thu thập thông tin từ các học giả có bài viết nghiên cứu
về vấn đề này, những nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, những nghệ sĩ trực tiếp biểu
diễn và khách du lịch. Đây là phương pháp để so sánh đối chiếu để xác minh những
tài liệu thực tế đã thu thập được. Từ đó chọn lọc những thông tin chính xác, đầy đủ
phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài.
6. Đóng góp của đề tài.
- Về lí luận: Đề tài thu thập, tổng hợp để đưa ra cái nhìn khách quan, chính xác về
nghệ thuật diễn xướng hò khoan Quảng Nam với đầy đủ các giá trị của nó với việc
phát triển du lịch. Từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để phát triển du lịch.
- Về thực tiễn: Khóa luận cung cấp thêm tư liệu về loại hình nghệ thuật diễn
xướng hò khoan và những đặc điểm về tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh
Quảng Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở cho các nhà quản lý và doanh
nghiệp du lịch tham khảo, hoạch định chiến lược bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn tài
nguyên này, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương.
7. Kết cấu đề tài.
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, đề tài có kết cấu gồm
3 chương:
Chương 1 : Nghệ thuật diễn xướng và nghệ thuật diễn xướng hò khoan Quảng
Nam.
Chương 2: Thực trạng khai thác nghệ thuật diễn xướng hò khoan phát triển du
lịch tại Quảng Nam.
Chương 3: Một số giải pháp bảo tồn và khai thác du lịch đối với loại hình nghệ
thuật diễn xướng hò khoan.