Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Kể truyện người em trong truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
--------------------------------
NGUYỄN THỊ NGỌC LAN
KIỂU TRUYỆN NGƯỜI EM
TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH CÁC DÂN TỘC
VIỆT NAM
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
HÀ NỘI - 2013
ii
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
--------------------------------
NGUYỄN THỊ NGỌC LAN
KIỂU TRUYỆN NGƯỜI EM
TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH CÁC DÂN TỘC
VIỆT NAM
Chuyên ngành: Văn học dân gian
Mã số: 62.22.01.25
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS.NGUYỄN THỊ BÍCH HÀ
HÀ NỘI - 2013
iii
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình
nào khác.
Tác giả luận án
NGUYỄN THỊ NGỌC LAN
iv
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN .................................................................................................... iii
MỤC LỤC .................................................................................................................iv
1. Lý do chọn đề tài .......................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 3
3. Mục đích nghiên cứu .................................................................................. 13
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................. 13
5. Phương pháp nghiên cứu .......................................................................... 14
6. Đóng góp của luận án................................................................................. 15
7. Cấu trúc của luận án .................................................................................. 16
CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ KIỂU TRUYỆN NGƯỜI EM ............................ 17
1.1. Diện mạo kiểu truyện người em ................................................................. 17
1.1.1. Nhận diện kiểu truyện người em .................................................................. 17
1.1.2. Cơ sở địa - văn hóa của kiểu truyện người em ............................................. 20
1.2. Đặc điểm nhân vật trong kiểu truyện người em....................................... 26
1.2.1. Nhân vật chính ............................................................................................. 27
1.2.2. Nhân vật đối thủ ........................................................................................... 31
1.2.3. Nhân vật trợ giúp ......................................................................................... 34
1.3. Đặc điểm cấu tạo cốt truyện trong kiểu truyện người em ....................... 42
1.3.1. Cấu tạo cốt truyện đơn giản ......................................................................... 43
1.3.2. Cấu tạo cốt truyện phức tạp ......................................................................... 46
CHƯƠNG 2 DIỄN HÓA MÔ TÍP TRONG KIỂU TRUYỆN NGƯỜI EM ........ 51
2.1. Mô típ “chiếm đoạt gia tài” ....................................................................... 51
2.1.1. Cấu trúc của mô típ trong kiểu truyện ......................................................... 51
2.1.2. Sự diễn hóa của mô típ “chiếm đoạt gia tài” ............................................... 53
2.2. Mô típ “lựa chọn hôn nhân” ..................................................................... 58
2.2.1. Cấu trúc của mô típ trong kiểu truyện ......................................................... 58
2.2.2. Sự diễn hóa của mô típ “lựa chọn hôn nhân” .............................................. 59
2.3. Mô típ “cướp vợ/chồng” ............................................................................ 68
v
2.3.1. Cấu trúc của mô típ trong kiểu truyện ......................................................... 68
2.3.2. Sự diễn hóa của mô típ “cướp vợ/chồng” .................................................... 70
2.4. Mô típ “thử thách” ..................................................................................... 74
2.4.1. Cấu trúc của mô típ trong kiểu truyện ......................................................... 74
2.4.2. Sự diễn hóa của mô típ “thử thách” ............................................................. 76
2.5. Mô típ “bắt chước không thành công” .................................................... 79
2.5.1. Cấu trúc của mô típ trong kiểu truyện ......................................................... 79
2.5.2. Sự diễn hóa của mô típ “bắt chước không thành công” ............................... 80
2.6. Mô típ “tặng thưởng” ................................................................................ 85
2.6.1. Cấu trúc của mô típ trong kiểu truyện ......................................................... 85
2.6.2. Sự diễn hóa của mô típ “tặng thưởng” ......................................................... 86
2.7. Mô típ “trừng phạt” ................................................................................... 90
2.7.1. Cấu trúc của mô típ trong kiểu truyện ......................................................... 90
2.7.2. Sự diễn hóa của mô típ “trừng phạt” ............................................................ 91
CHƯƠNG 3 KIỂU TRUYỆN NGƯỜI EM CỦA VIỆT NAM TRONG TƯƠNG
QUAN VỚI TRUYỆN CÙNG KIỂU Ở CHÂU Á VÀ CHÂU ÂU ..................... 98
3.1. Kiểu truyện người em của Việt Nam trong tương quan với truyện cùng
kiểu ở một số quốc gia châu Á.............................................................................. 100
3.1.1. Lược khảo kiểu truyện người em ở một số quốc gia châu Á ..................... 101
3.1.2. Các phương diện tương quan ..................................................................... 105
3.2. Kiểu truyện người em của Việt Nam trong tương quan với truyện cùng
kiểu ở một số quốc gia châu Âu ........................................................................... 122
3.2.1. Lược khảo kiểu truyện người em ở một số quốc gia châu Âu ................... 122
3.2.2. Các phương diện tương quan ..................................................................... 124
KẾT LUẬN ............................................................................................................ 148
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ......................... 151
TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 152
PHỤ LỤC ............................................................................................................... 164
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới, kiểu truyện người em là
một trong những kiểu truyện quen thuộc và tiêu biểu. Sự tập hợp những truyện kể có
cùng chủ đề và mô típ đã góp phần định dạng một kiểu truyện độc đáo, tạo nên màu
sắc riêng biệt trong bức tranh toàn cảnh sống động, chân thực của truyện cổ tích. Trí
tưởng tượng không có giới hạn của nhân dân đã làm nên những câu chuyện hấp dẫn
với sự đan xen giữa cái xác thực và cái hoang đường kỳ ảo, lãng mạn bay bổng mà
vẫn giàu triết lý nhân sinh.
1.1. Nằm trong nguồn mạch chung của thể loại, kiểu truyện người em là sản
phẩm sáng tạo tất yếu, thể hiện một kiểu nhận thức xã hội của con người trong thời
đại cổ tích. Đứng trước những biến động lớn lao đang diễn ra trong thực tại, con
người từ chỗ ngỡ ngàng đã dần bộc lộ nhu cầu được khám phá, nhận thức. Tuy nhiên,
tại thời điểm đó con người chưa đủ khả năng khái quát và phân tích những vấn đề xã
hội còn rất mới mẻ và phức tạp nên tất cả được quy về “sân khấu gia đình” để giải
thích. Vì lẽ đó, truyện cổ tích thường xoay quanh đề tài sinh hoạt gia đình, phản ánh
những xung đột gia đình. Được tái hiện trong kiểu truyện người em, đời sống hiện
thực được mô tả với bao bất công, ngang trái. Tập trung quyền lực trong gia đình,
những người anh (chị) là nhân vật bề trên với bản chất xấu xa, còn người em là nhân
vật thấp hèn nhưng hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp. Mang đặc điểm khái quát
hóa, sự đối lập giữa các thành viên trong gia đình thực chất là đối lập giữa các tầng
lớp trong xã hội phân hóa giai cấp. Sự đối lập ấy còn được thấy qua chung cục cuộc
đời nhân vật: những người anh (chị) bao giờ cũng bị trừng phạt thích đáng còn người
em được hưởng hạnh phúc, giàu sang. Kết thúc đó làm cho người nghe thấy thỏa mãn
trước sự thắng thế tuyệt đối của cái thiện trước cái ác, hoàn toàn phù hợp với triết lý
đạo đức dân gian. Những biểu hiện độc đáo ở nhiều phương diện đã khẳng định giá
trị và vị trí của kiểu truyện người em bên cạnh các kiểu truyện khác trong kho tàng cổ
tích Việt Nam đồng thời cho thấy, đây thực sự là đối tượng khoa học cần phải được
khám phá một cách cụ thể và nghiêm túc.
1.2. Nhận ra sức hấp dẫn của kiểu truyện người em trong kho tàng truyện cổ
tích Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã có những kiến giải mang tính chất gợi mở về
một số khía cạnh nổi bật của kiểu truyện. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề cốt lõi như cốt
truyện, nhân vật, mô típ… cần phải được đào sâu và mở rộng hơn nữa, nhằm đi đến
2
những phát hiện khoa học về cấu trúc tổng thể cũng như cấu trúc bộ phận của một
kiểu truyện tiêu biểu. Mặt khác, tìm hiểu những dấu hiệu cụ thể minh chứng cho tính
độc đáo của kiểu truyện người em của các dân tộc Việt Nam đồng thời với việc mở
rộng nội dung nghiên cứu theo hướng so sánh với truyện cùng kiểu của một số quốc
gia khác trên thế giới cũng là cần thiết và phù hợp với xu hướng nghiên cứu văn hóa,
văn học dân gian trong thời gian gần đây. Sự gần gũi về chủ đề, nhân vật, kết cấu, mô
típ… trong truyện cổ tích về người em của các quốc gia được lý giải bằng nhiều
nguyên nhân khác nhau, có thể bằng con đường giao lưu văn hóa hoặc cũng có thể
bằng sự nội sinh do chính những điều kiện xã hội lịch sử tương đồng… Không chỉ
tương đồng mà chính sự khác biệt cũng là một dấu hiệu thẩm mỹ liên quan đến đặc
điểm sinh sống, đến văn hóa, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng của các quốc gia hay các
vùng lãnh thổ. Phát hiện mối liên hệ trên nhiều phương diện trong kiểu truyện người
em của Việt Nam và một số quốc gia khác, giúp ta có một “cái nhìn tham chiếu” đầy
đủ, sáng tỏ về giá trị nội dung và hình thức của kiểu truyện. Có thể thấy đây là một
hướng nghiên cứu mới mẻ và đúng đắn về kiểu truyện người em, cũng là lý do thôi
thúc chúng tôi mạnh dạn lựa chọn đề tài.
1.3. Xuất phát từ thực tiễn giảng dạy, chúng tôi nhận thấy truyện cổ tích là một
trong những thể loại được đưa vào giảng dạy với số lượng tương đối lớn trong các
cấp học. Đặc biệt trong chương trình đào tạo đại học, thuộc khối kiến thức chuyên
ngành, môn văn học dân gian nói chung và thể loại cổ tích nói riêng luôn được chú
trọng. Tiếp cận một kiểu truyện độc đáo trong kho tàng cổ tích đồ sộ của dân tộc
đồng thời đặt kiểu truyện này trong sự đối sánh với những truyện cùng kiểu ở một số
quốc gia trên thế giới không đơn thuần là những “thao tác” khoa học thuần túy mà
chính là một cách tự nâng cao năng lực nghiên cứu, cảm thụ văn học và trau dồi kiến
thức phục vụ cho công tác giảng dạy môn văn học dân gian của bản thân tác giả luận
án trong trường đại học.
Từ những lý do trên, chúng tôi lựa chọn tìm hiểu đề tài: Kiểu truyện người em
trong truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam với mong muốn tìm đến những chứng cứ
xác thực minh chứng cho sự đặc sắc của kiểu truyện. Đồng thời đi từ một vấn đề cụ
thể của truyện cổ tích, khám phá và tìm hiểu sâu sắc hơn những vấn đề khác của thể
loại cũng là một việc làm ý nghĩa và cần thiết đối với chúng tôi trong quá trình nghiên
cứu và giảng dạy văn học dân gian.
3
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Sơ lược tình hình nghiên cứu kiểu truyện người em ở nước ngoài
Nghiên cứu các vấn đề của thể loại cổ tích nói chung, nhiều nhà khoa học
thuộc các trường phái nghiên cứu khác nhau đã phát hiện ra sự tồn tại của những cốt
truyện giống nhau không chỉ trong phạm vi một quốc gia hay khu vực mà trên khắp
thế giới. Đây là cơ sở quan trọng cho việc tiếp cận truyện cổ tích từ góc độ típ và mô
típ - một xu hướng nghiên cứu tương đối phổ biến từ cuối thế kỷ XIX đến nay.
Có thể kể đến Antti Aarne - một đại biểu của trường phái Phần Lan, với công
trình Verzeichnis der Märchentypen - Danh mục các thể loại cổ tích, đăng trên FF
năm 1910 [2;tr.86]. Khảo sát một khối lượng lớn truyện cổ tích châu Âu, ông nhận ra
những cốt truyện giống nhau được lặp đi lặp lại và gọi đó là típ. Ông tiến hành lập
một danh mục các típ, mỗi típ được đặt tên, đánh số và được trình bày sơ lược trong
vài dòng ngắn gọn. Cách làm đó đã gợi ý các nhà sưu tầm và nghiên cứu truyện cổ
tích ở nhiều nước thêm vào các tuyển tập một bảng đánh số các típ theo hệ thống
Aarne. Kế thừa và phát triển lý thuyết từ A.Aarne, Stith Thompson công bố cuốn The
type of the Folktale - A Classification and Bibliography, được gọi tắt là Từ điển A-T
(1928). Công trình này được mở rộng từ bảng chú dẫn của A.Aarne, trở thành công
cụ hữu ích cho công tác nghiên cứu truyện kể dân gian. Tiếp đó xuất phát từ mối
quan tâm tới mô típ - một cấp độ chi tiết cấu thành típ, S.Thompson biên soạn công
trình Motif - index of folk - literature, A Classification of Narrative Element in Folk -
Tale, Ballads, Myths, Fables, Medieval, Romances, Exempla, Local Legends gồm 6
tập (xuất bản từ 1932 - 1936, tái bản năm 1955 -1958). Dựa trên nguồn tư liệu đa
dạng về các thể loại như truyện cổ tích, ballad, thần thoại, truyện ngụ ngôn…
S.Thompson đã lập nên một bảng phân loại các mô típ trong 23 chương từ A đến Z
như sau: chương A - các mô típ thần thoại về tạo hóa, vũ trụ, thần linh… ; chương B -
các mô típ về các con vật thần thoại; chương C - các mô típ liên quan đến điều cấm kị
hay bắt buộc; chương D - các mô típ ma thuật; chương E - các mô típ liên quan đến
cái chết, linh hồn, đầu thai; chương F - các mô típ về những điều kỳ diệu; chương G -
các mô típ về lực lượng đáng sợ như yêu tinh, phù thủy; chương H - các mô típ liên
quan đến thử thách; chương J - các mô típ liên quan đến sự khôn ngoan và ngốc
nghếch; chương K - các mô típ liên quan đến sự lừa dối, đánh lừa…; chương L - các
mô típ về sự đảo ngược của vận mệnh; chương M - các mô típ liên quan đến vệc phán
xử, mặc cả, hứa hẹn…; chương N - các mô típ về sự may rủi và số phận; chương P -
4
các mô típ về hệ thống xã hội, luật pháp…; chương Q - các mô típ về thưởng và phạt;
chương R - các mô típ bị bắt và bỏ trốn; chương S: các mô típ về sự độc ác; chương T
- các mô típ liên quan đến giới tính; chương U - các mô típ có khuynh hướng thuyết
giáo (trong truyện ngụ ngôn); chương V - các mô típ liên quan đến tôn giáo; chương
W - các mô típ miêu tả tính cách nhân vật; chương X - các mô típ hài hước; chương Z
- hỗn hợp các mô típ. Trong khung phân loại của S. Thompson xuất hiện khá nhiều
típ truyện về người em, chẳng hạn típ 400 - The man on a quest for his lost wife, típ
552A - The girl who married with animal, típ 554 - The greatful animals, típ 570 -
The Rabbit-herd, típ 707 - The birds of truth, típ 550 - Search for the golden birds, típ
551 - The sons on a quest for a wonderful remedy for their father, típ 545 - The cats
castle, típ 780 - The singing bone,…
Nghiên cứu truyện cổ tích về người em, đáng chú ý nhất là công trình nổi tiếng
Nhân vật truyện cổ tích hoang đường xuất xứ của hình tượng (1958) của E.M.
Mêlêtinxki. Bàn về Nguồn gốc của truyện cổ tích về người em và vai trò của nó trong
việc hình thành truyện anh hùng ca thần thoại [63;tr.90-207], E.M.Mêlêtinxki đã phân
tích cơ sở làm nảy sinh truyện cổ tích về người em và khẳng định: “Việc lý tưởng hoá
người em trong truyện cổ tích thần thoại là một hiện tượng xã hội. Đó là một sự biểu
hiện riêng biệt... khuynh hướng dân chủ nhằm đối lập lại tình trạng bất công đã xuất
hiện trong thời kỳ tan rã của chế độ thị tộc”.
Trước đó, theo tổng kết của E.M.Mêlêtinxki, vấn đề lý tưởng hóa người em
không được đặt ra trong nghiên cứu của một số trường phái văn học. Trường phái
thần thoại chỉ coi “người con trai út hay người con gái út trong truyện cổ tích như
những buổi bình minh ban mai che khuất các vì sao đêm là các anh hay các chị của
mình. Họ không có ý muốn giải thích việc lý tưởng hóa người em” hay trường phái
vay mượn cũng “tỏ ra thờ ơ với vấn đề này”. Còn với một đại diện của trường phái
Phần Lan là V.Anđerson, ông cũng chỉ ra sự hạn chế trong luận điểm của V.Anđerson
và quả quyết: “Anđerson còn lâu mới nhìn thấy ý nghĩa xã hội trong chủ đề người
em”. E.M.Mêlêtinxki cho rằng trường phái nhân chủng học là trường phái đầu tiên đề
cập đến vấn đề lý tưởng hóa người em. Ông đặc biệt chú ý tới các tài liệu nhân chủng
học nói về phong tục minôrat như Eltôn với Nguồn gốc lịch sử nước Anh, Macskallôt
với The childhood of fiction, Phreder với Truyện dân gian trong lời di huấn của
Vetkhôn…
Trên cơ sở đó, nhà nghiên cứu nhận định: Nhân vật người em trở thành trung
tâm của việc hình thành và phát triển của đề tài truyện cổ tích thần kì ở các dân tộc đã
5
trải qua quá trình tan rã của chế độ thị tộc phụ hệ, quá trình tan rã của công xã gia
đình và sở hữu công xã. Trong quá trình tan rã ấy, người anh thường hành động như
những kẻ chiếm đoạt sở hữu công xã, còn người em trở thành khốn khổ. Ông lý giải
hiện tượng này bằng những lập luận thuyết phục: “Với việc tăng cường vai trò gia
đình trong sản xuất xã hội chế độ mẫu hệ bắt đầu có chiều hướng tan rã, người đàn
ông trở thành chủ gia đình. Người đàn ông đã được coi là kẻ thừa kế ngay trước lúc
chuyển hoàn toàn việc tính họ hàng theo bên cha”.
Việc tách ra khỏi gia đình lớn để ở riêng của các cá nhân, kéo theo việc phân
chia gia tài với mục đích đảm bảo quyền lợi của bản thân đã tạo điều kiện thuận lợi
cho việc phát sinh chế độ minôrat (đứng về phía người em) và chế độ maiôrat (đứng
về phía người anh) trong việc phân chia tài sản. Đầu tiên “bên cạnh các người con trai
của các em gái, người con trai út dần dần cũng được coi là người thừa kế di sản. Việc
tranh chấp di sản của người con trai út với các con cái của người em gái cha đã báo
trước sự chiến thắng của chế độ tư hữu gia đình đối với chế độ sở hữu họ hàng”. Về
sau cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của hình thái gia đình phụ hệ, người
anh cả được đưa lên vị trí hàng đầu, chỉ sau người cha. Khi tách ra ở riêng, phần tài
sản mà họ được chia trở thành tài sản tư hữu thực sự. Sự thống nhất kinh tế của gia
đình lớn đã bị phá vỡ. Khi phân chia khối tài sản chung, những người con lớn thường
lợi dụng nguyên tắc gia trưởng để chiếm phần hơn, đặc biệt là sau khi cha mẹ mất đi.
Có thể nói phong tục maiôrat đã thể hiện sự bất bình đẳng trong việc khẳng định
quyền thừa kế tài sản của các thành viên trong cùng một gia đình đồng thời biến
người em thành con người khốn khổ chịu nhiều bất hạnh thua thiệt nhất. Lúc này sự
phân biệt trưởng thứ đã khá rõ ràng. Anh trở thành chủ - kẻ thống trị còn em là kẻ đi
ở, làm thuê. Đi vào truyện cổ tích, người em giống như người mồ côi, người con
riêng… trở thành nhân bật bất hạnh. Và “những hạng người bị thất thế, bị thiệt thòi
kể trên xuất hiện ngày càng đông với sự phát triển của chế độ tư hữu, với sự phân hóa
giai cấp ngày càng sâu sắc trong xã hội. Những hạng người ấy, là nguồn gốc của
những nhân vật truyện cổ tích…”. Phân tích của E.M.Mêlêtinxki mang tính lý luận
sâu sắc, cho chúng tôi hình dung tương đối đầy đủ về nguồn gốc hình thành kiểu
truyện người em cũng như hình tượng nhân vật trung tâm - người em út.
Thuyết minh cho những vấn đề thi pháp truyện cổ tích thần kì, trong tập giáo
trình Sáng tác thơ ca dân gian Nga, tập 1 (xuất bản tại Liên Xô năm 1978, giới thiệu
ở Việt Nam năm 1983) A.M.Nôvicôva bàn về xung đột xã hội trong truyện cổ tích
thần kì, cũng chú ý đến nguyên nhân làm nảy sinh kiểu truyện người em. Theo đó:
6
“Thời kỳ tan rã của chế độ công xã nguyên thủy được đánh dấu bởi sự xuất hiện chế
độ sở hữu tư nhân nó là nguyên nhân của sự khẳng định quyền con trưởng và phá vỡ
sự bình đẳng về vật chất và tinh thần. Quá trình tan rã của thị tộc được phản ánh trong
truyện cổ tích dưới dạng sự tan rã của gia đình. Truyện cổ tích kể về sự thù địch giữa
anh em với nhau về quyền thừa kế…” đồng thời nhà nghiên cứu cũng nhận thấy kiểu
truyện người em “có trong truyện cổ tích các dân tộc trên toàn thế giới… chốt chặt
vào chủ đề người em út là một chuỗi những mô típ ổn định: việc chia gia tài không
công bằng, thắng lợi của người em trong cuộc đua tranh, sự nham hiểm và ganh ghét
của người anh” [66;tr.291]. Tác giả xác định truyện cổ tích về người em ở Nga được
phân thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm những biến thể của chủ đề chia gia tài
không công bằng. Nhóm thứ hai, người em thường phải đối diện với sự phản trắc của
người anh. Tác giả còn liên hệ: “có tính chất song trùng, gần gũi với các truyện cổ
tích về người con trai út là các truyện cổ tích về người con gái út… Cơ sở xung đột
của các truyện cổ tích thuộc nhóm này là lòng ganh ghét của các người chị. Mô típ
chính của các truyện về người con gái út là mô típ kết hôn với con thú thần kì”
[66,tr.293]. Bước đầu khảo sát tư liệu về kiểu truyện người em, chúng tôi cũng thấy rõ
những dấu hiệu này trong truyện cổ tích Việt Nam.
2.2. Tình hình nghiên cứu kiểu truyện người em ở Việt Nam
Mang trong mình những đặc điểm tương đồng và khác biệt về cả nội dung và
hình thức so với các kiểu truyện, kiểu truyện người em với nhân vật trung tâm là
người em út cũng từng bước thu hút được sự chú ý của các nhà folklore.
2.2.1. Nhìn lại lịch sử nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy một vài khía cạnh nổi
bật thuộc kiểu truyện người em như nguồn gốc nảy sinh, phương thức biểu hiện, ý
nghĩa phản ánh, đặc điểm hình tượng... đã được các nhà nghiên cứu đề cập rải rác
trong một số giáo trình, tạp chí chuyên ngành.
Năm 1973, Đinh Gia Khánh trong giáo trình Văn học dân gian tập II (in lại
trong Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1998) đã nhận ra nét bản chất
trong nghệ thuật của truyện cổ tích khi cho rằng: “truyện cổ tích phản ánh cuộc
sống với những mâu thuẫn của nó, phản ánh những con người với những sự việc
khác nhau do hoàn cảnh, do thành phần giai cấp tạo nên. Để phục vụ cho mục đích
phản ánh đó, truyện cổ tích thường đưa ra những tình thế tương phản” và “cũng để
biểu hiện được những mâu thuẫn và phức tạp của cuộc sống, truyện cổ tích hay sử
dụng sự nhắc lại như là một phương pháp nghệ thuật. Sự nhắc lại có tác dụng khác
7
nhau” [45;tr.341]. Để minh chứng, tác giả dẫn ví dụ truyện Phượng hoàng và cây khế
- một truyện cổ tích tiêu biểu trong kiểu truyện người em. Ông phân tích sự tương
phản giữa hai nhân vật bằng cách chỉ ra sự đối lập về hoàn cảnh và tính cách giữa
họ: người em nghèo nhưng không thiết tha đến của cải còn người anh giàu nhưng
lại tham lam. Được đặt trong hoàn cảnh như nhau: cả hai cùng bắt gặp chim đến ăn
khế, cùng được chim đưa ra đảo lấy vàng nhưng một đằng giả dối, tham lam, một
đằng thật thà, trung hậu nên dẫn tới cách họ xử lý hoàn cảnh khác nhau. Như vậy sự
nhắc lại ở đây rõ ràng có tác dụng nêu bật tâm lý của nhân vật này bằng cách đối
chiếu với tâm lý của nhân vật kia. Tuy chỉ dẫn ra một trường hợp nhưng có thể thấy
đây là công thức chung của kiểu truyện.
Từ năm 1974 đến năm 1989, trong hơn 15 năm, diện mạo của kiểu truyện
người em được phác họa có phần rõ nét hơn. Cao Huy Đỉnh trong Tìm hiểu tiến trình
văn học dân gian Việt Nam (1974) nói đến: “Một kiểu truyện cổ tích phổ biến về
người em hiền lành, chăm chỉ lao động nhất định sẽ được hưởng hạnh phúc đối lập
với người anh độc ác, gian tham nhất định phải đền tội…” đồng thời chỉ ra đặc tính
của các nhân vật đối lập: “Thường thường, người anh (chị) cả bao giờ cũng lười
biếng, độc ác, tham lam. Còn người em, nhất là em út (trai hay gái) bao giờ cũng hiền
lành, thật thà, ngoan ngoãn và dũng cảm. Mọi liên hệ ruột thịt đã bị phá vỡ hoàn toàn
vì những tính xấu đó của người anh (chị) cả. Nhân dân muốn xây dựng lại những tình
cảm tự nhiên đó - đã mất từ khi có chế độ tư hữu - bằng cách lý tưởng hóa người em
út hay cô gái út” [24;tr.62]. Trong mục Đặc điểm truyện cổ tích Việt Nam in cuối tập V
- Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (1982), nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi nhận
định: một trong những đối tượng mà truyện cổ tích bênh vực chính là người em và
những vấn đề phức tạp nhưng lại phổ biến thuộc phạm vi gia đình như mâu thuẫn
quyền lợi anh - em “còn thấy lặp đi lặp lại nhiều lần” [121;tr.461]. Khi tham gia biên
soạn Từ điển văn học, tập 1 (1983) tác giả Chu Xuân Diên trong mục Cây khế cũng
nói đến số phận người em út trong mối quan hệ xung đột với người anh cả, coi đây là
“loại xung đột gia đình nảy sinh khi công xã thị tộc mẫu hệ tan rã, chế độ gia đình
phụ hệ và gia đình riêng ra đời làm cơ sở cho sự hình thành quyền anh cả trong lĩnh
vực thừa kế tài sản” [14;tr.112]. Võ Quang Nhơn với Văn học dân gian các dân tộc ít
người Việt Nam (1983, in lại trong Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1998)
đã dành tới hơn một trang phân tích nguồn gốc, sự hình thành của “loại truyện về các
nhân vật bất hạnh”. Ông cho rằng: “Cùng với sự giải thể của gia đình lớn về mặt xã
hội, xuất hiện sự tích luỹ tài sản tư hữu theo từng gia đình riêng lẻ. Cơ sở xã hội và
8
kinh tế sâu xa ấy tạo điều kiện cho sự xuất hiện một loạt truyện dân gian khá phổ biến
ở các dân tộc ít người. Đó là truyện về các nhân vật như người em út, người con
riêng” và phỏng đoán “có thể hạt nhân đầu tiên, đơn giản nhất của loại truyện về
người mồ côi là kiểu truyện về những người anh em mồ côi… Trong những truyện
này, ban đầu hai anh em ăn ở hòa thuận với nhau thương yêu đùm bọc nhau. Nhưng
về sau, hoặc do nhân vật thứ ba trong gia đình nhỏ là người chị dâu xúi giục, xúc
xiểm, hoặc do lòng tham của người anh mà người em bị ruồng rẫy, xua đuổi ra khỏi
cuộc sống êm ấm của gia đình nhỏ… Một điều đã trở thành quy luật, là các tác giả
dân gian xây dựng truyện thường tập trung những nét tốt đẹp để ca ngợi phẩm chất
cao quý của người em. Đó là những con người cần cù lao động, trung hậu, thực thà,
tốt bụng. Vì vậy họ được lực lượng từ thiện giúp đỡ” [45;tr.627]. Nguyễn Ngọc
Thường trong bài báo Về mối quan hệ giữa motip và cốt truyện (1987) đã phát hiện ra
sự khác biệt giữa hai dạng truyện chứa đựng “mô típ anh - em”. Dạng thứ nhất: “anh
em tình nghĩa thủy chung, do anh lấy vợ mà nảy sinh mâu thuẫn bộ ba. Truyện kết
thúc bi thảm nhưng nặng tình nặng nghĩa”. Dạng thứ hai: “tố cáo thái độ tham lam,
độc ác của người anh và chị dâu đối với em: người em bị anh chiếm hết tài sản để lại,
em chỉ được một vật ít giá trị (cây khế, con dao). Người em nhờ cần cù, nhân đạo
cộng với thế lực thần linh trở nên giàu có, còn người anh tham lam bị trừng trị”. Tác
giả lý giải thêm: “mâu thuẫn ấy là xung đột giữa thành viên trưởng với thành viên thứ
trong gia đình (thị tộc). Đó là xung đột quyền lợi giữa người bóc lột với người bị bóc
lột mà tác giả truyện cổ tích đứng về phía những người bất hạnh” [94].
Năm 1995, với bài viết Hướng dẫn tìm hiểu truyện “Cây khế” tác giả Đỗ Bình
Trị cũng khẳng định: “Cơ sở xã hội - lịch sử của nhân vật người em út và xung đột
anh em trong truyện cổ tích là sự xuất hiện và tồn tại quyền thừa kế tài sản của con
trưởng (maiôrat) cùng với gia đình phụ quyền và chế độ tư hữu”. Về kết cấu của
truyện, ông coi đây thuộc dạng kết cấu đồng quy: “Theo dạng kết cấu này, hai nhân
vật, đối lập hoàn toàn về phẩm chất, cùng gặp một hoàn cảnh y như nhau, nhưng xử
sự khác hẳn nhau về phẩm chất, cuối cùng đi đến những chung cục trái ngược nhau”
[77;tr.216].
Năm 1998, trong công trình Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sỹ trong truyện
cổ Việt Nam và Đông Nam Á, tác giả Nguyễn Bích Hà có liên hệ đến kiểu truyện
người em và đưa ra nhận xét: “Những người anh hoặc người chị luôn luôn được đặt
trong cùng một thử thách với người em. Qua thử thách mà họ bộc lộ sự khác hẳn
nhau về tính cách, đạo đức, tài năng… Người em luôn nhường nhịn, độ lượng còn
9
người anh tham lam, độc ác, ích kỷ… Kết thúc truyện người anh hoặc chị có chết
cũng không bao giờ do chính người em trả thù. Theo nguyên tắc kết cấu của kiểu
truyện này thì người em dù có bị anh chị hành hạ đến đâu chăng nữa thì cũng tha
bổng cho người anh hay chị hoặc giúp họ khi có dịp” [33;tr.137]. Tuy nhiên, mở rộng
tư liệu khảo sát chúng tôi thấy xuất hiện sự trả thù trực tiếp của người em đối với anh,
dù tỉ lệ không nhiều.
Năm 1999, trên Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2, Chu Xuân Diên có bài viết Về
cái chết của mẹ con người dì ghẻ trong truyện “Tấm Cám” (in lại trong Văn hoá dân
gian mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại). Ở mục IV, khi nói về “sự
bắt chước không thành công” trong truyện Tấm Cám, tác giả có liên hệ đến kiểu
truyện người em: “Trong truyện cổ tích mô típ sự bắt chước không thành công được
dùng phổ biến trong các chủ đề xung đột anh em, chị em. Trong loại truyện phân chia
tài sản không công bằng khá phổ biến trong nhiều dân tộc ở Đông Nam Á (kể cả Nam
Trung Quốc vốn thuộc khu vực văn hóa Đông Nam Á tiền sử) nhân vật người anh
ghen ghét muốn trở nên giàu có như người em, đã bắt chước không thành công những
điều người em đã từng làm một cách thành công”. Theo tác giả: “sở dĩ như vậy là do
lòng tham của người anh, hoặc do không làm đúng theo lời chỉ bảo “thiêng liêng” (lời
dặn của thần chẳng hạn) hoặc đối xử thô lỗ với kẻ giúp sức có phép thần (như con
chim thần chẳng hạn)... Như vậy trong mô típ sự bắt chước không thành công của
truyện cổ tích, ta thấy có sự nhấn mạnh vào yếu tố đạo đức” [15;tr.519]. Đây là một
trong những gợi ý giúp chúng tôi nhìn nhận đầy đủ hơn ý nghĩa phản ánh của mô típ
“bắt chước không thành công” - một mô típ rất đặc trưng trong kiểu truyện người em.
Năm 2002, trong Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian
(tái bản lần thứ nhất) Đỗ Bình Trị khái quát: “xung đột xã hội trong truyện cổ tích,
đặc biệt trong truyện cổ tích thần kì, thường diễn ra trong phạm vi những quan hệ gia
đình. Ta hiểu vì sao nhân vật bất hạnh luôn luôn là những thành viên lép vế nhất
trong gia đình gia trưởng ngày xưa: người em út, người con riêng” [96;tr.13]. Đồng
quan điểm, nhóm tác giả Phạm Thu Yến, Lê Trường Phát, Nguyễn Bích Hà khi biên
soạn Giáo trình văn học dân gian (dành cho hệ đào tạo từ xa) cũng chỉ rõ: “Nhóm
truyện người em là nhóm truyện mà mâu thuẫn và đấu tranh xã hội được ẩn dưới
quan hệ giữa những người anh (hay chị) với người em út, em nuôi trong gia đình. Sự
đối lập của họ hầu như không được trình bày trực diện, thường được giải thích bằng
sự đối xử không công bằng giữa các thành viên trong gia đình” [107;tr.73].
Tháng 5/2008, trên tạp chí Văn học và Ngôn ngữ, tác giả Phan Xuân Viện có
10
bài viết: Trình giảng tác phẩm văn học dân gian với hiện tượng vượt khung/giao
thoa. Đặt vấn đề về hiện tượng vượt khung/giao thoa giữa các thể loại, tiểu loại, tác
giả phân tích sự giao thoa giữa tiểu loại “cổ tích thần kì” và “cổ tích thế tục” qua một
số truyện cổ tích về người em út, tác giả đã xác định được các yếu tố thi pháp nổi bật
của kiểu truyện: kết cấu, đề tài - cốt truyện, hệ thống nhân vật… đồng thời xác lập
một số mô típ phổ biến như: mô típ nhân vật trợ thủ thần kì, mô típ bắt chước không
thành công [104].
Sự nhìn nhận và đánh giá khách quan về kiểu truyện người em như trên, bước
đầu đã chứng tỏ sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong nước đối với kiểu truyện. Tuy
nhiên các ý kiến nhìn chung còn khá sơ lược, thiên về giới thuyết, khái quát mà chưa
có sự phân tích kỹ lưỡng.
2.2.2. Trong khoảng chục năm trở lại đây, những vấn đề cụ thể của kiểu
truyện người em như nhân vật, cốt truyện, mô típ… trở thành đối tượng nghiên cứu
chính, được khai thác có hệ thống và toàn diện hơn trong một số khóa luận tốt
nghiệp, luận văn thạc sỹ ở các cơ sở đào tạo trong nước.
Năm 2002, đề tài Kiểu nhân vật người em trong truyện cổ tích các dân tộc
Việt Nam, được Nguyễn Thị Huyền Hậu khai thác trong khóa luận tốt nghiệp trường
Đại học Sư phạm Hà Nội. Theo tác giả, khái niệm “người em” không nằm trong thi
pháp thể loại mà biểu hiện trong nội dung và quan hệ của con người cụ thể: “Là
nhân vật văn học, nó mang tính loại hình, biểu tượng trước khi mang giá trị phản
ánh và giá trị nghệ thuật: có anh có chị thì nhân vật được gọi là em. Hoàn cảnh,
quan hệ của anh, chị với em ở mỗi gia đình là rất khác nhau và phản ánh vào trong
văn chương cũng muôn màu muôn vẻ như vậy”. Từ đó tác giả xác định một số dạng
quan hệ anh chị em thường gặp trong truyện cổ dân gian, như dạng “anh (chị) em
xung đột gay gắt về quyền lợi, trong đó người em đại diện cho chính nghĩa, còn
phía anh (chị) là kẻ ác, phi nghĩa… Đây là mô hình quan hệ cho ta hình tượng xã
hội đậm nét hơn ở một giai đoạn mà đời sống đã phát triển tới trình độ khá cao về
vật chất lẫn tinh thần”. Bằng việc khảo sát 45 truyện cổ tích, tác giả khóa luận đã có
những phát hiện về đặc điểm nhân vật người em, sự phát triển của hình tượng nhân
vật trong kết cấu tác phẩm đồng thời chỉ ra ý nghĩa của kiểu nhân vật này trong
truyện cổ tích các dân tộc.
Năm 2003, kiểu truyện người em được triển khai trong khóa luận tốt nghiệp
trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 - Tìm hiểu kiểu truyện người em út trong truyện cổ