Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Kế toán thuế tại các tổ chức tín dụng: Tài liệu tham khảo / Nguyễn Thị Kim Phụng, Hoàng Thị Thanh Hằng
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------
TS. NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG (CHỦ BIÊN)
PGS.,TS. HOÀNG THỊ THANH HẰNG ( ĐỒNG CHỦ BIÊN)
KẾ TOÁN THUẾ
TẠI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
TP.HỒ CHÍ MINH, 2021
2
LỜI MỞ ĐẦU
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, khi đăng ký thành lập doanh
nghiệp, các doanh nghiệp phải nộp thuế cho Nhà nước. Các loại thuế và mức đóng thuế phụ
thuộc vào loại hình kinh doanh và những phát sinh thực tế trong quá trình hoạt động của
doanh nghiệp. Tổ chức tín dụng (TCTD) là tổ chức kinh tế kinh doanh tiền tệ, dịch vụ ngân
hàng với nội dung nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán. Khi nộp thuế,
các nghiệp vụ phát sinh cũng được kế toán tại đơn vị theo dõi, xử lý như các nghiệp vụ kinh
tế khác.
Hiện nay đã có nhiều tác giả ở Việt Nam viết về thuế và Kế toán liên quan đến các
loại thuế tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên,
những tài liệu chuyên sâu về kế toán các loại thuế tại một loại hình doanh nghiệp đặc biệt,
các TCTD ở Việt Nam, còn khá hạn chế. Do đó, nhóm tác giả đã nổ lực nghiên cứu, giới
thiệu những kiến thức cần thiết liên quan đến kế toán về các loại thuế tại TCTD ở Việt Nam
để người đọc có thể tìm hiểu, khám phá.
Với mong muốn trên, nhóm tác giả biên soạn tài liệu tham khảo “ KẾ TOÁN THUẾ
TẠI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG”. Tài liệu này được biên soạn dựa trên sự tham khảo
chế độ kế toán và các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về thuế, cùng với những
tài liệu chuyên sâu về hoạt động TCTD .
Nội dung tài liệu tham khảo được trình bày gồm có 5 chương:
Chương 1: “Khái quát về thuế và kế toán thuế tại các TCTD”. Chương này nhóm
tác giả giới thiệu hai nội dung cơ bản: Một là khái quát về TCTD và thuế áp dụng tại
TCTD; Hai là nguyên tắc kế toán thuế tại TCTD. Qua đó, người đọc thấy rõ sự khác biệt
loại hình hoạt động TCTD so với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thông thường, có
thể dễ dàng tiếp cận những vấn đề liên quan đến thuế tại TCTD. Đồng thời chương này
cũng giúp người đọc có một cái nhìn tổng quan về kế toán thuế tại TCTD, hiểu được yêu
cầu kế toán thuế để có cơ sở tiếp cận nội dung tiếp theo.
Từ chương 2 đến chương 5, nhóm tác giả trình bày chi tiết về các loại thuế tại TCTD
ở Việt Nam. Cụ thể các chương như sau:
3
+Chương 2: Kế toán thuế TNCN
+Chương 3: Kế toán thuế GTGT
+Chương 4: Kế toán thuế TNDN
+Chương 5:Kế toán các loại thuế khác tại TCTD
Trong mỗi chương, nhóm tác giả tập trung vào sáu nội dung căn bản: Quy định về
từng loại thuế, quy trình xử lý nghiệp, chứng từ sử dụng, tài khoản kế toán, phương pháp
hạch toán và ví dụ minh họa. Trong từng loại thuế TCTD phải nộp, các tình huống xử lý
nghiệp vụ được nêu ở phần ví dụ minh họa để đọc giả hiểu rõ hơn. Cuối mỗi chương, nhóm
tác giả trình bày một số câu hỏi và bài tập để người đọc có thể hệ thống lại kiến thức và
thực hành.
Với những kiến thức về kế toán thuế tại TCTD, tài liệu tham khảo này có thể hỗ trợ
hữu ích trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đặc biệt, với sinh viên ngành tài chính ngân
hàng, kế toán kiểm toán có thể tham khảo để phục vụ cho các môn học kế toán ngân hàng,
kiểm toán ngân hàng, quản trị ngân hàng.
Trong quá trình biên soạn, nhóm tác giả đã có nhiều cố gắng trình bày nội dung theo
hướng giúp người đọc dễ tiếp cận vấn đề nhất. Tuy nhiên, những thiếu sót là điều không
thể tránh khỏi. Vì vậy, nhóm tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý bạn đọc.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về cho nhóm tác giả theo địa chỉ email : [email protected]
TP. Hồ Chí Minh, ngày … tháng … năm ….
Đại diện nhóm tác giả
TS. Nguyễn Thị Kim Phụng
4
MỤC LỤC
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT THUẾ VÀ KẾ TOÁN THUẾ TẠI TCTD 7
1.1.KHÁI QUÁT TCTD...................................................................................................7
1.2. KHÁI QUÁT THUẾ TẠI TCTD ............................................................................11
1.3. NGUYÊN TẮC KẾ TOÁN THUẾ.........................................................................14
CHƯƠNG 2: KẾ TOÁN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ............................................16
2.1.QUY ĐỊNH VỀ THUẾ TNCN.................................................................................16
2.2.QUY TRÌNH XỬ LÝ NGHIỆP VỤ ........................................................................19
2.3.CHỨNG TỪ KẾ TOÁN...........................................................................................23
2.4. TÀI KHOẢN SỬ DỤNG ........................................................................................24
2.5. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN.............................................................................25
2.6.VÍ DỤ MINH HỌA..................................................................................................27
CHƯƠNG 3 : KẾ TOÁN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG...............................................34
3.1.QUY ĐỊNH VỀ THUẾ GTGT.................................................................................34
3.2.QUY TRÌNH XỬ LÝ NGHIỆP VỤ ........................................................................41
3.3. CHỨNG TỪ KẾ TOÁN..........................................................................................45
3.4. TÀI KHOẢN SỬ DỤNG ........................................................................................46
3.5. PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN..........................................................48
3.6.VÍ DỤ MINH HỌA..................................................................................................50
CHƯƠNG 4: KẾ TOÁN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP...............................57
4.1. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP HIỆN HÀNH...........................................57
4.2.THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP HOÃN LẠI...............................................75
CHƯƠNG 5: KẾ TOÁN CÁC LOẠI THUẾ KHÁC TẠI TCTD...............................88
5.1.THUẾ NHÀ THẦU..................................................................................................88
5.2.THUẾ NHẬP KHẨU...............................................................................................98
5.3.THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP......................................................103
5.4.MỘT SỐ LOẠI THUẾ KHÁC …………………………………………………..106
TÀI LIỆU THAM KHẢO …………………………………………………………….111
PHỤ LỤC 1 : MỘT SỐ CHỨNG TỪ LIÊN QUAN ĐẾN THUẾ TNCN TẠI TCTD117
5
PHỤ LỤC 2: CHỨNG TỪ LIÊN QUAN ĐẾN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ...........134
PHỤ LỤC 3:CHỨNG TỪ LIÊN QUAN ĐẾN THUẾ TNDN ....................................139
PHỤ LỤC 4: CHỨNG TỪ LIÊN QUAN ĐẾN THUẾ NHÀ THẦU, THUẾ NHẬP
KHẨU VÀ THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP ........................................159
PHỤ LỤC 5 : PHẦN MỀM HỖ TRỢ KÊ KHAI THUẾ ……………………………178
6
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
STT TỪ VIẾT TẮT NỘI DUNG
1 GTGT Giá trị gia tăng
2 HTKK Hỗ trợ kê khai
3 NHNN Ngân hàng Nhà nước
4 TCTD Tổ chức tín dụng
5 TNCN Thu nhập cá nhân
6 TNDN Thu nhập doanh nghiệp
7 TSCĐ Tài sản cố định
7
CHƯƠNG 1
KHÁI QUÁT THUẾ VÀ KẾ TOÁN THUẾ TẠI
TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Mục tiêu: Nội dung chương này giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về TCTD, thuế
và các quy định liên quan đến kế toán thuế tại TCTD.
1.1.KHÁI QUÁT TCTD
1.1.1.Khái niệm TCTD
TCTD là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng.
Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi
mô và quỹ tín dụng nhân dân1
.
Trong đó, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc
một số các nghiệp vụ sau đây: Nhận tiền gửi; Cấp tín dụng;Cung ứng dịch vụ thanh toán
qua tài khoản
2
.
Theo định nghĩa trên, TCTD bao gồm các đặc trưng: Một là TCTD là doanh nghiệp
được thành lập theo Luật các TCTD và các quy định khác của pháp luật; Hai là hoạt động
kinh doanh đặc thù của TCTD là huy động vốn: nhận tiền gửi, vay vốn ngân hàng nhà nước
… và sử dụng vốn: cấp tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán. Ba là tính rủi ro: nguy cơ
mất vốn hoặc có thể gây ra rủi ro cho toàn hệ thống tín dụng, vì vậy, điều kiện thành lập và
hoạt động vô cùng chặt chẽ, yêu cầu vốn theo quy định và nguồn nhân lực có chuyên môn
nghiệp vụ.
Như vậy, TCTD ở Việt Nam giống như một định chế trung gian tài chính, có thể
huy động vốn từ nơi thừa và cấp tín dụng cho nơi thiếu vốn. Điều này khá tương đồng với
các TCTD ở Châu Âu. Tại Châu Âu, Ngân hàng Trung Ương Châu Âu căn cứ theo khoản
4 chỉ thị số 2006/48/EC của Nghị Viện và Hội đồng Châu Âu, định nghĩa TCTD (Credit
1 Theo Khoản 1 Điều 4 Luật các TCTD số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 của Quốc hội
2 Theo Khoản 12 Điều 4 Luật các TCTD số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 của Quốc hội
8
Institution) là đơn vị nhận tiền gửi hoặc các khoản phải trả khác từ dân chúng và cấp tín
dụng cho họ.
1.1.2.Các loại hình TCTD ở Việt Nam
Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài
chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
1.1.2.1.Ngân hàng
Ngân hàng là loại hình TCTD có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng
theo quy định3
. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm
ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.
+Ngân hàng thương mại
Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động
ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật TCTD nhằm mục tiêu
lợi nhuận.
Các hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng thương mại gồm có :
➢ Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi
không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi,
kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả
đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.
➢ Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc
cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp
vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và
các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.
➢ Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh
toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm
thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng
thông qua tài khoản của khách hàng.
3 Theo Khoản 2 Điều 4 Luật các TCTD số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 của Quốc hội
9
+ Ngân hàng chính sách
Khác với NHTM kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, ngân hàng chính sách hoạt động
không vì mục tiêu lợi nhuận mà nhằm phục vụ một số đối tượng đặc biệt trong nền kinh tế.
+ Ngân hàng hợp tác xã
Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ
tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật TCTD
nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống
các quỹ tín dụng nhân dân.
1.1.2.2.Tổ chức tín dụng phi ngân hàng
TCTD phi ngân hàng là loại hình TCTD được thực hiện một hoặc một số hoạt động
ngân hàng theo quy định của luật các TCTD , trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân
và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng4
. Tổ chức tín dụng phi
ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng
phi ngân hàng khác.
➢ Công ty tài chính : Là doanh nghiệp thuộc loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng,
huy động vốn cho vay, đầu tư, cung ứng dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ nhưng
nguyên tắc không được làm dịch vụ thanh toán và không được nhận tiền gửi của
khách hàng cá nhân. Công ty tài chính bao gồm :
− Công ty tài chính tổng hợp là công ty tài chính được thực hiện các hoạt động quy
định tại Luật Các TCTD và Nghị định về hoạt động của công ty tài chính và công
ty cho thuê tài chính
− Công ty tài chính chuyên ngành gồm công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài
chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính theo quy định tại Nghị định về
hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính và hướng dẫn của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
➢ Công ty cho thuê tài chính: Là công ty tài chính chuyên ngành, hoạt động chính là
cho thuê tài chính theo quy định tại Nghị định về hoạt động của công ty tài chính và
4 Theo Khoản 4 Điều 4 Luật các TCTD số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 của Quốc hội
10
công ty cho thuê tài chính. Dư nợ cho thuê tài chính phải chiếm tối thiểu 70% tổng
dư nợ cấp tín dụng.
1.1.2.3.Tổ chức tài chính vi mô
Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động
ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh
nghiệp siêu nhỏ.5
1.1.2.4.Quỹ tín dụng nhân dân
Quỹ tín dụng nhân dân là TCTD do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện
thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định
nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
1.1.3.Đặc điểm TCTD
Một là TCTD là một doanh nghiệp. TCTD hội đủ điều kiện của một doanh nghiệp
: Có chủ thể thành lập doanh nghiệp, có tên riêng, có trụ sở hoạt động, có đăng ký kinh
doanh, có ngành nghề kinh doanh phù hợp theo quy định của pháp luật.
Hai là TCTD là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ và cung ứng các dịch vụ ngân hàng.
Tiền tệ là đối tượng kinh doanh trực tiếp của TCTD. Hoạt động kinh doanh chính của TCTD
là hoạt động ngân hàng. Cho dù tồn tại dưới hình thức nào, TCTD cũng thực hiện các
nghiệp vụ căn bản của một định chế tài chính trung gian là huy động vốn và cung cấp tín
dụng cho nền kinh tế. Đây là điểm khác biệt trong đặc điểm kinh doanh của TCTD so với
các doanh nghiệp thông thường.
Ba là TCTD là tổ chức chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam. Luật
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qui định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng”. Đồng thời, luật Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam còn nêu rõ một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam là cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, trừ
trường hợp do Thủ tướng chính phủ quyết định. Ngoài ra, Luật các TCTD qui định: “Mọi tổ
chức có đủ điều kiện qui định theo Luật các tổ chức tín dụng và các qui định khác của pháp
5 Theo Khoản 5 Điều 4 Luật các TCTD số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 của Quốc hội
11
luật, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động thì được thực hiện
một phần hoặc toàn bộ hoạt động ngân hàng tại VN”.
Như vậy, theo các đặc điểm trên của TCTD, TCTD là một doanh nghiệp trong nền
kinh tế. Nhưng TCTD không phải là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường
mà là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, được thực hiện toàn bộ hoặc một số
hoạt động ngân hàng. TCTD chịu sự quản lý, kiểm soát của NHNN. Chính vì vậy, khi xét
về chế độ kế toán, kế toán TCTD cũng chịu sự chi phối của Luật kế toán giành cho doanh
nghiệp nói chung. Ngoài ra, kế toán tại TCTD phụ thuộc vào các quy định, đặc thù riêng
mà các cơ quan quản lý Nhà nước giành cho TCTD. Chẳng hạn, việc phân loại các đối
tượng kế toán là tài sản hay nguồn vốn tại TCTD được căn cứ vào chuẩn mực kế toán số 1,
chuẩn mực chung, áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, về hệ thống tài khoản
kế toán, TCTD có hệ thống tài khoản kế toán riêng do có nhiều nghiệp vụ đặc thù chỉ xảy
ra tại TCTD mà các doanh nghiệp thông thường không có.
1.2.KHÁI QUÁT THUẾ TẠI TCTD
1.2.1.Khái niệm thuế và các loại thuế
Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ
kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế
6
.Hệ thống thuế hiện hành của Việt
Nam gồm các loại thuế sau đây:
-Thuế Thu nhập cá nhân (Thuế TNCN): Thuế TNCN là khoản tiền thuế mà người có thu
nhập phải nộp một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách Nhà nước
sau khi đã tính các khoản được giảm trừ.
- Thuế Giá trị giá tăng (Thuế GTGT): Thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của
hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng
-Thuế Thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN): Thuế TNDN là loại thuế trực thu, đánh
vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh
doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
-Thuế nhà thầu: Thuế nhà thầu là loại thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài
có phát sinh thu nhập từ cung ứng dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam.
6 Điều 3 Luật số: 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc Hội Về Quản lý thuế
12
-Thuế Xuất khẩu (Thuế XK): Thuế Xuất khẩu là loại thuế gián thu, đánh vào các hàng
hóa được phép xuất khẩu qua biên giới Việt Nam, đây là những mặt hàng Nhà nước hạn
chế xuất khẩu.
-Thuế Nhập khẩu (Thuế NK): Thuế Nhập khẩu là một loại thuế mà một quốc gia hay
vùng lãnh thổ đánh vào hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình nhập khẩu.
- Thuế tiêu thụ đặc biệt: Thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu, đánh vào một số
hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước hạn chế tiêu dùng, thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định
của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Thuế bảo vệ môi trường: Đây là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử
dụng gây tác động xấu đến môi trường. Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân, sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế.
-Thuế tài nguyên: Đây là loại thuế gián thu, là số tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp cho
Nhà nước khi khai thác tài nguyên thiên nhiên (nếu tài nguyên này thuộc đối tượng chịu
thuế). Theo đó, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân khi khai thác tài nguyên thiên nhiên thì có
nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế theo quy định.
-Thuế sử dụng đất nông nghiệp: Tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp
đều phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp (gọi chung là hộ nộp thuế). Hộ được giao
quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không sử dụng vẫn phải nộp thuế sử dụng đất nông
nghiệp.
-Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Là loại thuế mà tổ chức, cá nhân sử dụng đất phi
nông nghiệp phải nộp Ngân sách nhà nước. Bao gồm đất ở đô thị, nông thôn; Đất sử dụng
sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.
Trong các loại thuế trên, không phải bất kỳ doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng phải
nộp đủ. Tùy theo lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, các loại thuế doanh nghiệp nộp sẽ
khác nhau.
1.2.2. Các loại thuế áp dụng tại TCTD
Theo quy định pháp luật hiện hành, các loại thuế cơ bản TCTD ở Việt Nam phải nộp
có thể bao gồm :
- Thuế TNCN:
13
TCTD thực hiện nộp thuế TNCN theo quy định hiện hành về thuế TNCN tương tự
các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thông thường khác. TCTD trả thu nhập thuộc diện
chịu thuế TNCN cho người lao động có trách nhiệm kê khai, nộp thuế TNCN định kỳ thay
cho người lao động đó. Các vấn đề liên quan đến thuế TNCN như cách tính thuế, thuế suất,
đối tượng chịu thuế… tại TCTD tương tự các doanh nghiệp khác.
- Thuế GTGT:
Là một tổ chức kinh doanh hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nên TCTD cũng chịu
sự chi phối của Luật thuế GTGT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Khi
TCTD có hàng hóa, dịch vụ kinh doanh chịu thuế GTGT thì cũng phải nộp thuế GTGT như
các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.
- Thuế TNDN:
Thuế TNDN là loại thuế trực thu, đánh vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao
gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác theo
quy định của pháp luật. Từ khái niệm trên có thể thấy, thuế TNDN phụ thuộc vào kết quả
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thuế TNDN được xác định trên thu nhập chịu
thuế nên các doanh nghiệp chỉ nộp thuế khi họ kinh doanh có lợi nhuận. Người nộp thuế
TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế.
Thuế TNDN tại TCTD được tính tương tự các doanh nghiệp khác được quy định trong Luật
Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Khi hoạt động, một TCTD ở VN phải kê khai và nộp 3 loại thuế cho Ngân sách nhà
nước: Thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TNDN. Ngoài 3 loại thuế trên, hiện nay, tại Việt Nam
có nhiều loại thuế khác như thuế Nhà thầu, thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu, thuế Tiêu thụ
đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường, thuế Tài nguyên, thuế Sử dụng đất nông nghiệp, thuế Sử
dụng đất phi nông nghiệp. Tình hình áp dụng các loại thuế này tại TCTD như sau:
- Khi TCTD có sử dụng các dịch vụ hoặc hàng hóa của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại
Việt Nam thì có thể nộp các khoản thuế nhà thầu theo quy định tùy trường hợp.
-TCTD không kinh doanh các đối tượng chịu thuế thuế Xuất khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt,
thuế Tài nguyên, thuế Bảo vệ môi trường nên TCTD không kê khai và nộp thuế giống như
thuế TNCN, thuế GTGT hay thuế TNDN.
14
- Khi TCTD mua hàng nhập khẩu thì TCTD phải làm tờ khai hải quan, đóng thuế Nhập
khẩu và các loại thuế khác nếu có ( Thuế GTGT, thuế TTĐB kèm theo hàng nhập khẩu)
- TCTD không sản xuất nông nghiệp nên không nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.
- TCTD có thể sử dụng đất phi nông nghiệp để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình
như xây dựng trụ sở, văn phòng làm việc. Khi có phát sinh khoản thuế này, hàng năm,
TCTD nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho Ngân sách nhà nước theo quy định.
Như vậy, trong các loại thuế còn lại ngoài thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TNDN thì
TCTD có thể nộp thuế nhà thầu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế Nhập khẩu.
1.3.YÊU CẦU KẾ TOÁN THUẾ TẠI TCTD
Là một đối phản ánh của kế toán, tương tự như các đối tượng khác, thuế tại TCTD
cũng bị chi phối bởi các nguyên tắc kế toán cơ bản.
- TCTD phải xác định, tính toán và nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thuế đơn vị phải nộp
ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Tùy theo từng loại thuế, TCTD nộp theo
định kỳ hàng tháng hoặc quý hoặc năm. Chẳn hạn như đối với thuế TNDN, định kỳ hàng
quý, Hội sở TCTD tạm nộp cho cơ quan thuế và mỗi năm quyết toán một lần.
- Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến thuế tại TCTD đều phải lập chứng từ kế
toán .Chứng từ kế toán phải được lập rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, chính xác. Chứng từ kế toán
chỉ được lập một lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.
- Các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến thuế tại TCTD phải được ghi nhận vào sổ kế toán
một cách khách quan, đầy đủ, đúng thực tế và đúng kỳ kế toán mà nghiệp vụ phát sinh,
không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hay chi tiền. Kế toán đảm bảo áp dụng đúng nguyên
tắc cơ sở dồn tích khi hạch toán kế toán.
- Khi phản ánh nghiệp vụ vào các sổ kế toán có liên quan, kế toán đảm bảo tính cân đối
giữa phát sinh Nợ và và phát sinh Có trên các tài khoản theo nguyên tắc hạch toán kép.
CÂU HỎI ÔN TẬP
Câu 1: Anh (Chị) hãy trình bày thế nào là TCTD và các loại hình TCTD hiện nay ở Việt
Nam.
Câu 2: Anh (Chị) hãy cho biết các loại thuế tại TCTD?
Câu 3: Anh (Chị) hãy trình bày và phân tích các nguyên tắc kế toán thuế tại TCTD ?
15
Câu 4: Giả sử anh (chị) đang làm công tác kế toán thuế tại một Ngân hàng thương mại, anh
(chị) hãy cho biết các loại thuế ngân hàng phải nộp Ngân sách Nhà nước theo định kỳ hàng
tháng, hàng quý, hàng năm ?
Câu 5: Anh (Chị) hãy cho biết sự khác biệt cơ bản giữa kế toán thuế tại TCTD và tại các
doanh nghiệp thông thường trong nền kinh tế.
*****