Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Hình tượng không gian và thời gian trong tiểu thuyết của nguyễn đình tú
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
PHAN THỊ TRANG NHUNG
HÌNH TƯỢNG KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN
TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH TÚ
Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số: 60.22.34
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ
KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Đà Nẵng, Năm 2012
Công trình được hoàn thành tại
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
Người hướng dẫn khoa học: TS. NGÔ MINH HIỀN
Phản biện 1: TS. PHAN NGỌC THU
Phản biện 2: TS. BÙI THANH TRUYỀN
Luận văn được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận văn tốt
nghiệp thạc sỹ Khoa học Xã hội và Nhân văn họp tại Đại học
Đà Nẵng vào ngày 01 tháng 12 năm 2012
Có thể tìm luận văn tại:
- Trung tâm Thông tin - Học liệu, Đại học Đà Nẵng
- Thư viện trường Đại học Sư phạm, Đại hoc Đà Nẵng
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Tiểu thuyết Việt Nam từ những năm đầu thời kỳ Đổi mới
(1986) đến nay đã đi qua một chặng đường gần 30 năm “thay da đổi
thịt”, với ý thức làm mới, làm giàu, làm khác truyền thống, thể hiện
khát vọng, nhu cầu mạnh mẽ của hầu hết người viết. Trong suốt
quãng đường ấy, tiểu thuyết Việt Nam đã không ngừng tìm cách tiến
về phía trước... Bên cạnh thế hệ nhà văn đã khẳng định vị trí vững
chắc trên văn đàn, đội ngũ các cây bút trẻ đã luôn nỗ lực tìm tòi, thể
nghiệm để làm mới tiểu thuyết. Trong số nhiều tác giả tiểu thuyết
thành công trên văn đàn, được đông đảo bạn đọc đón nhận, phải kể
đến Nguyễn Đình Tú.
Mỗi cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình đều là những góc
nhìn riêng của tác giả về cuộc đời. Điều đặc biệt ở Nguyễn Đình Tú
là trong khi nhiều nhà văn trẻ thường chọn viết về sự tốt đẹp, các
nhân vật chính diện… thì trong hầu hết các tiểu thuyết của mình,
Nguyễn Đình Tú lại tập trung viết về cái xấu, cái ác, về thế giới tội
phạm. Với những băn khoăn giải mã "cái tôi bí ẩn" của con người và
mong muốn họ được sống thiện, sống đúng với bản chất của mình,
tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú thường xoay quanh hành trình của
những con người tội lỗi, chìm ngập trong cái Ác để rồi phải trả giá
cho những hành vi của mình. Trong thế giới người rộng lớn, từ thành
thị đến nông thôn, từ chợ búa, trường học đến rừng thiêng nước
độc..., những con người tội lỗi ấy đã phải chống chọi với cái xấu, cái
Ác, tự vấn trước những lỗi lầm của bản thân trước khi có thể tìm lại
khoảnh khắc bình an cho tâm hồn.
Bên cạnh thành công của những câu chuyện đời vừa đau
đớn, xót xa, vừa thấm đẫm chất nhân văn, Nguyễn Đình Tú còn tạo
ra trong tiểu thuyết của mình hình tượng không gian, thời gian độc
đáo. Tất cả cuộc sống chân thực với "thế giới ngầm" của tội phạm
đầy nghiệt ngã, thế giới nội tâm đầy ắp những xâu xé và thế giới tâm
linh ảo diệu trong những dòng chảy thời gian đặc biệt được nhà văn
biến thành những tín hiệu nghệ thuật để thể hiện những ý đồ nghệ
thuật thú vị và mới mẻ. Vì thế, đặt vấn đề khảo sát Hình tượng không
gian và thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, người nghiên
cứu không chỉ nhằm khám phá sự táo bạo, độc đáo trong cách thức
xây dựng hình tượng không gian, thời gian nghệ thuật của Nguyễn
Đình Tú, mà còn nhìn nhận sự linh hoạt, tinh vi trong lối suy nghĩ
của nhà văn trẻ này. Qua đó, luận văn cũng góp phần khẳng định một
lần nữa tài năng, phong cách nghệ thuật Nguyễn Đình Tú trong dòng
chảy chung của văn xuôi Việt Nam đương đại.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú thu hút sự quan tâm của nhiều
nhà nghiên cứu với những hướng tìm tòi, khám phá khác nhau.
Nhà nghiên cứu Trần Tố Loan với bài viết Điểm nhìn nghệ
thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú đã phát hiện sự "thành công
trong việc sử dụng điểm nhìn không, thời gian, điểm nhìn tác giả và
nhân vật" [21] của Nguyễn Đình Tú. Qua khảo sát các điểm nhìn
không gian, điểm nhìn tác giả và nhân vật, nhà nghiên cứu nhận thấy
trong các tiểu thuyết, Nguyễn Đình Tú đều "cố gắng "khu biệt hóa"
vùng không gian để "nhìn ngắm" nhân vật của mình dịch chuyển
trong đó" [21] với điểm nhìn thời gian, "thường là hiện tại - quá khứ
hoàn thành - quá khứ - hiện tại tiếp diễn" [21] cùng sự khước từ lối
kể chuyện tuyến tính.
Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan khi quan tâm đến sự dịch
chuyển của không - thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn
Đình Tú lại coi đó như: "một tình huống hiện tại dẫn vào một đoạn
hồi cố, trở lại hiện tại với một liên hệ khác dẫn vào một hồi cố khác"
[11].
Còn nhà báo Hà Linh lại cho rằng tiểu thuyết Nguyễn Đình
Tú "có kết cấu vòng tròn, và trần thuật theo từng lát cắt bất tuân quy
luật thời gian" [19].
Hoàng Thị Thêu trong Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú
thông qua việc đánh giá đề tài, nhân vật, kết cấu, ngôn ngữ và giọng
điệu đã khẳng định: "Tuy chưa hẳn là những đột phá về mặt thể loại,
song những đóng góp của Nguyễn Đình Tú là rất đáng trân trọng trên
con đường đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại, tạo nên sắc thái
mới mẻ, đồng thời mở ra những khám phá mới, những hiệu ứng thẩm
mỹ thú vị cho người đọc" [33,tr.94].
Khuất Quang Thụy thì cho rằng tính chất của "tiểu thuyết tội
phạm học" chính là điều khác biệt quan trọng nhất làm nên đặc sắc
của tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú và "ít nhất khi đọc cuốn sách này,
chúng ta cũng bị lay động và buộc phải suy nghĩ một cách nghiêm
túc hơn, ít phiến diện hơn về một số vấn đề đặt ra trong cuộc sống
hôm nay" [36].
Nhìn chung, các nghiên cứu về không gian và thời gian trong
tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú đã được giới nghiên cứu, phê bình quan
tâm xem xét. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở
mức độ xem xét, đánh giá ở từng tác phẩm cụ thể mà chưa được nhìn
nhận trong sự bao quát, hệ thống. Vì vậy, việc khám phá hình tượng
không gian và thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú là cần
thiết, có cơ sở và ý nghĩa khoa học không chỉ đối với việc nghiên cứu
tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú mà còn đối với văn xuôi Việt Nam
đương đại.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Những yếu tố của không gian và thời gian nghệ thuật làm
nên hình tượng không gian và thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn
Đình Tú.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Các tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú đã được xuất bản từ
năm 2002 đến 2010: Hồ sơ một tử tù (Nxb Công an nhân dân, 2002),
Bên dòng Sầu Diện (Nxb Thanh niên, 2006), Nháp (Nxb Thanh niên,
2008), Phiên bản (Nxb Công an nhân dân, 2009) và Kín (Nxb Văn
học, 2010).
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng cập
nhật thêm Trong tù ngoài tội (Nxb Công an Nhân dân, 2012), một
sáng tác mới của Nguyễn Đình Tú để phục vụ nghiên cứu.
4. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện luận văn này, chúng tôi sử dụng các phương pháp
chính sau:
- Phương pháp hệ thống - cấu trúc
- Phương pháp thống kê - phân loại
- Phương pháp phân tích - tổng hợp
- Phương pháp so sánh - đối chiếu
5. Bố cục luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, Nội
dung luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú – “khuôn mặt mới” của văn
xuôi Việt Nam đương đại
Chương 2: Hình tượng không gian trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú
Chương 3: Hình tượng thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú
CHƯƠNG 1
TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH TÚ - "KHUÔN MẶT MỚI"
CỦA VĂN XUÔI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1. Một số đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết Việt Nam đương đại
1.1.1. Đổi mới về quan niệm nghệ thuật
Hướng đến tính dân chủ là điểm nổi bật trong quan niệm
tiểu thuyết của các cây bút hiện đại. Tính chất dân chủ thể hiện
trước hết ở việc giải phóng tiểu thuyết khỏi nhiệm vụ phản ánh
hiện thực một cách đầy đủ. Tiểu thuyết không chỉ là tiếng nói của
dân tộc và thời đại mà quan trọng hơn còn là phát ngôn thể hiện tư
tưởng, quan niệm riêng của người nghệ sĩ.
Hướng đến tính trò chơi cũng là một quan niệm mới về
tiểu thuyết. Các nhà văn đã phát huy vai trò của tính trò chơi để
kích thích sự tò mò, niềm hứng thú và khả năng khám phá thế giới
nghệ thuật của con người.
1.1.2. Đổi mới về đề tài, nhân vật
Từ sau 1986 đến nay, đề tài đời tư, đề tài đạo đức, thế sự
phát triển mạnh và dần trở thành chính yếu. Tiểu thuyết đương đại
đã “xông vào” mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, đồng thời “lặn
sâu” vào tâm hồn con người để lắng nghe tất cả những âm vang
của tiếng lòng bí ẩn trong con người.
Tiểu thuyết đương đại xây dựng kiểu nhân vật phức hợp,
đa bình diện. Đó là kiểu nhân vật có tính cách, tâm lý phức tạp. Có
khi đó là kiểu các nhân vật phân thân hay là kiểu nhân vật chức
năng tự sự.
1.1.3. Đổi mới về phương thức thể hiện
Sự thu hẹp về quy mô tác phẩm là đặc điểm dễ nhận ra đầu
tiên về mặt hình thức. Mặt khác, sự pha trộn nhiều thể loại hay việc
sử dụng các thủ pháp lắp ghép, huyền thoại hóa cũng là những đặc
điểm nổi trội của cấu trúc văn bản tiểu thuyết cách tân theo hướng
hiện đại. Ngoài ra, sự đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật và luân phiên
thay đổi điểm nhìn cũng là một đặc điểm mới mẻ. Ngôn ngữ và
giọng điệu trong tiểu thuyết đương đại cũng có sự sáng tạo bằng
cách tạo ra ngôn ngữ đa thanh, mang tính đối thoại cùng với sự kết
hợp của nhiều kênh ngôn ngữ và việc kết hợp nhiều giọng điệu.
1.2. Quan niệm nghệ thuật và hành trình sáng tạo văn chương
của Nguyễn Đình Tú
1.2.1. Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Đình Tú
Với Nguyễn Đình Tú, sự đổi mới văn học nghệ thuật là
thật sự cần thiết đối với nền văn học trẻ Việt Nam trong xu thế tiếp
nhận hiện đại. “Sự đổi mới ấy chỉ có thể được thực thi bởi những
nhà văn chuyên nghiệp, những người luôn có ý thức đặt chuyện
viết lên cao và quan trọng nhất so với mọi vấn đề trong cuộc sống”
[19].
Nguyễn Đình Tú còn quan niệm rằng "nhà văn cầm bút
viết chính là đang tự lý giải mình và lý giải cuộc đời" [19]. Chính
vì thế, tác giả đã đem đến cho độc giả những dự cảm trong văn
chương, những cảnh huống nhân văn giàu sức thức tỉnh.
Hiện thực trong tác phẩm của Nguyễn Đình Tú là hiện
thực "phân mảnh" góc cạnh nhiều chiều, chứ hoàn toàn không phải
là thứ hiện thực "phẳng", "dẹt". Hiện thực trần trụi, hiện thực một
chiều không nằm trong quan niệm biện chứng của nhà văn.
Việc Nguyễn Đình Tú đi sâu khai thác về vấn đề tính dục ở
con người thể hiện tinh thần đổi mới văn học và tinh thần nhân bản
của con người. Bằng hướng sáng tạo này, Nguyễn Đình Tú "đã
chạm tay đến được cái nghĩa đích thức của hai chữ: Nhà văn!
[18]".
Cùng với việc quan tâm thể hiện các nội dung hiện đại,
Nguyễn Đình Tú còn chú trọng cách viết hiện đại. Bởi theo nhà
văn, “một cuốn tiểu thuyết hay ngoài cách viết ra còn nhiều đòi hỏi
khác. Mỗi một nội dung câu chuyện sẽ có cách thể hiện phù hợp.
Cái khó của người viết là tìm phương thức thể hiện sao cho phù
hợp nhất với nội dung cần chuyển tải. Cách viết hiện đại là làm
cho người đọc đương thời thấy hay” [19].
1.2.2. Hành trình sáng tạo văn chương của Nguyễn Đình Tú
Năm 2001, Nguyễn Đình Tú được điều từ Viện Kiểm sát
quân sự Quân khu 3 về Tạp chí Văn nghệ quân đội, đảm nhiệm
công việc biên tập văn xuôi. Hiện Nguyễn Đình Tú đang là Trưởng
ban văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ quân đội, và là một trong
những hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn
Đình Tú đã cho ra đời gần chục tập truyện ngắn: Bên bờ những
dòng chảy (2001), Không thể nào khác được (2002), Nỗi ám ảnh
khôn nguôi (2003), Điệu mambo hư ảo (2006), Những bước nhảy
trong đêm (2008)... Nguyễn Đình Tú cũng là tác giả của 5 tiểu
thuyết nhận được nhiều phản hồi từ dư luận suốt mấy năm vừa
qua: Hồ sơ một tử tù (2002), Bên dòng Sầu Diện (2006), Nháp
(2008), Phiên bản (2009) và Kín (2010).
Từ tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu Diện, Nháp,
đến Phiên bản và Kín, Nguyễn Đình Tú không chỉ trở thành quán
quân về số lượng sách xuất bản so với các nhà văn 7X hiện nay mà
còn khẳng định được tài năng thực sự của mình.
1.3. Tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú - bước đột phá mới trong
nghệ thuật tiểu thuyết
1.3.1. Một góc nhìn riêng về hiện thực
Hiện thực cuộc sống được đề cập trong tiểu thuyết Nguyễn
Đình Tú tập trung ở hai phương diện, đó là sự lầm lỗi của con
người khi bị cái Ác thống trị và vấn đề tình yêu, tình dục của con
người với tất những gì là bản năng nhất, chân thực nhất.
Thay vì chọn viết về những đề tài dễ gây sự chú ý như
sex, đồng tính…, về cái đẹp, cái chính diện, Nguyễn Đình Tú quan
tâm đến cái xấu, cái ác và thế giới tội phạm. Qua những trang viết
rất đời của mình, tác giả lý giải nguyên nhân sự biến hoá khốc liệt
của phẩm cách con người trong đời sống, đi sâu vào khám phá
hành trình phạm vào cái xấu, cái ác với mong muốn con người
được sống thiện, sống đúng với bản chất của mình.
Bên cạnh sự phản ánh và rung chuông báo động về sự tha
hóa của một bộ phận thanh thiếu niên đang trượt dài vào lầm lỗi,
dính vào tội ác, làm ảnh hưởng đến bộ mặt xã hội, tiểu thuyết
Nguyễn Đình Tú đã tái hiện diện mạo một thời đại đang hình
thành, biến chuyển, từ số phận những con người. Tác phẩm của
nhà văn đầy ắp chất liệu đắt giá của đời sống, mang màu sắc thời
sự nóng hổi. Đó là những câu chuyện về thân phận người như
những nốt nhạc dịu dàng nhưng da diết, đau đớn.
Tình yêu, tình dục hiện diện trong tiểu thuyết Nguyễn
Đình Tú vừa thiêng liêng, cao quý vừa nhục dục, tự nhiên, hoan
lạc. Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, tuy mật độ xuất hiện của
sex khá dày nhưng đã được người viết phân bố hợp lý và phù hợp
với cao trào của diễn biến tâm lý nhân vật. Vấn đề tính giao trở
thành một tri thức để truyền dạy nên đã tạo được hiệu quả thẩm mỹ
nhất định và dễ dàng được người đọc chấp nhận, do đó, tình dục
trong tác phẩm được hướng đến như sự hòa hợp tâm hồn và thể
chất để đạt đến cái tuyệt đối.
Cùng với sex, bạo lực, cái chết, sự hư vô, đồng tính... tiểu
thuyết Nguyễn Đình Tú phản ánh chân thực, bản chất nỗi cô đơn
của con người trong nhịp quay xã hội công nghiệp, nỗi đau quá
khứ và sự mất mát đến trống rỗng, sự cô đơn của kiếp người. Nó
trở thành những ám ảnh không nguôi đối với con người, mang giá
trị nhân đạo sâu sắc.
Thông qua hiện thực cuộc sống với hành trình thanh lọc,
thanh tẩy con người trong các trang văn của Nguyễn Đình Tú, nhà
văn đã hướng con người về cái Thiện, cái đẹp, cảnh báo con người
về các quan hệ ứng xử, nguy cơ suy thoái đạo đức, lối sống đang
tiềm ẩn những điều bất ổn.
1.3.2. Những bước đầu thể nghiệm kỹ thuật tiểu thuyết mới
Sự thể nghiệm ở đề tài trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình
Tú được nhìn nhận với khái niệm khá mới mẻ trong nền văn học,
tiểu thuyết "Tội phạm học" [36]. Nguyễn Đình Tú đã sử dụng một
số kĩ thuật viết của văn học hậu hiện đại, các kiểu kết cấu lắp ghép
và kết cấu liên văn bản trong tiểu thuyết của mình để khám phá
thân phận người phụ nữ trong hành trình sống đã mất đi tính nữ.
Kết cấu lắp ghép phù hợp với tiểu thuyết có dung lượng lớn và nội
dung phong phú của Nguyễn Đình Tú, giúp thâu tóm nhiều tri thức
về tình yêu, bạo lực, hôn nhân, gia đình, kinh doanh, tâm linh, tù
tội... vào trong một khung truyện chính. Kiểu kết cấu liên văn bản
được sử dụng với sự tương tác của các thể loại (lời bài hát, nhật
ký, bức thư, trích báo, chat, entry...) và sự diễn ngôn ở trong các
trang tiểu thuyết (Kinh thánh, đạo Phật, văn hóa mẫu, tín ngưỡng,
những cứ liệu lịch sử, vấn đề ngoại cảm, huyền thoại...) đã giúp
Nguyễn Đình Tú "lạ hóa" các tác phẩm của mình. Nhờ lối sử dụng
kết cấu linh hoạt, sáng tạo mà thế giới nhân vật của Nguyễn Đình
Tú được soi sáng từ nhiều phía, nhiều quan điểm tạo sự hấp dẫn
cho tác phẩm.
Bút pháp huyền ảo siêu nhiên và huyền ảo tâm lý được
Nguyễn Đình Tú sử dụng chừng mực nhưng rất nhuần nhuyễn và
tự nhiên góp phần làm thêm tính hấp dẫn cho các tiểu thuyết của
nhà văn.
Không gian và thời gian trong tiểu thuyết đã được Nguyễn
Đình Tú tạo dựng thành những hình tượng nghệ thuật, có ý nghĩa
biểu hiện riêng. Chúng được tạo dựng một cách mới mẻ, khác biệt
hẳn với không gian và thời gian nghệ thuật trong văn học truyền
thống. Thông qua những hình tượng độc đáo này nhà văn đã làm cho
tác phẩm của mình đậm chất nhân văn, nhân bản hơn.
Với những cách tân mới mẻ trong nghệ thuật tiểu thuyết,
Nguyễn Đình Tú cũng đã khẳng định được một lối viết riêng khá
độc đáo và sáng tạo. Những cách tân đó thể hiện sự nỗ lực của tác
giả trong việc sự hòa nhập vào dòng chảy của tiểu thuyết đương
đại Việt Nam.