Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Đặc điểm hồi ký năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương của ma văn kháng
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
THIỀU THỊ THẮM
ĐẶC ĐIỂM HỒI KÝ NĂM THÁNG NHỌC NHẰN
NĂM THÁNG NHỚ THƯƠNG CỦA MA VĂN KHÁNG
Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số : 60.22.34
TÓM TẮT
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Đà Nẵng - Năm 2013
Công trình được hoàn thành tại
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
Người hướng dẫn khoa học : TS. PHAN NGỌC THU
Phản biện 1: TS. Ngô Minh Hiền
Phản biện 2: TS. Bùi Thanh Truyền
Luận văn đã được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận văn tốt
nghiệp Thạc sĩ Khoa học xã hội và Nhân văn họp tại Đại học Đà
Nẵng vào ngày 15 tháng 12 năm 2013
Có thể tìm hiểu luận văn tại :
- Trung tâm Thông tin - Học liệu, Đại học Đà Nẵng
- Thư viện Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Hồi ký là thể loại khá quen thuộc và hấp dẫn bởi lẽ bất kể ai
cũng có thể hồi tưởng ghi chép lại những hình ảnh của cuộc sống mà
mình đã trải qua hoặc đã từng chứng kiến và để lại kỷ niệm khó quên
trong cuộc đời mình. Nhưng không phải ai cũng viết thành công hồi
ký, và cuốn hồi ký nào ra đời cũng đón nhận được tình cảm của
người đọc. Một tác phẩm ký nghệ thuật phải thực sự mang được
những giá trị nhân văn và thẩm mỹ nhất định. Ở nước ta do những
điều kiện của lịch sử, phải đến những thập niên đầu thế kỷ XX, hồi
ký mới ra đời cùng với tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc.
Nhà văn Ma Văn Kháng từng có nhiều thành công nổi bật với
các tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết, đã được nhận nhiều giải thưởng
của Hội Nhà văn Việt Nam, của ASEAN năm 1998. Và gần đây, năm
2012, ông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh
- giải thưởng cao quý nhất về văn học và nghệ thuật của nước ta. Sau
hành trình sáng tác hơn nửa thế kỷ, bước vào tuổi bảy mươi, đáp ứng sự
chờ đợi của bạn đọc ông đã cho ra đời hồi ký Năm tháng nhọc nhằn năm
tháng nhớ thương, đầy ắp chất liệu hiện thực đời sống - lịch sử - xã hội,
và giàu giá trị thẩm mỹ. Vì thế, việc đi sâu phát hiện những đặc điểm nổi
bật của hồi ký Ma Văn Kháng không chỉ giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc
hơn về cuộc đời lao động nghệ thuật của một tác gia, mà qua đó còn có
thể thấy được phần nào cả tiến trình vận động và phát triển của nền văn
xuôi hiện đại nước ta từ nửa sau thế kỷ XX cho đến khi bước vào công
cuộc đổi mới hội nhập.
Mặt khác, Ma Văn Kháng còn là một trong những tác gia có
tác phẩm được chọn đưa vào chương trình dạy học bộ môn Văn ở
nhà trường phổ thông các cấp. Do đó, đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu đặc
2
điểm hồi ký Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương của Ma
Văn Kháng cũng là một việc làm cần thiết, góp phần cung cấp thêm
nguồn tài liệu tham khảo bổ ích, thiết thực cho việc dạy học văn
trong nhà trường.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Những công trình, bài viết liên quan gián tiếp đến đề tài
Trong thời gian qua tìm hiểu về Ma Văn Kháng và hành trình
sáng tác của ông có các bài viết, công trình: Ma Văn Kháng - tiểu
thuyết tập 1” của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện (2003), luận văn thạc
sĩ Cảm hứng bi kịch nhân văn trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng của
Bùi Lan Hương (2004), Giọng điệu nghệ thuật trong tiểu thuyết thời
kì đổi mới của Ma Văn Kháng của Mai Thị Nhung (2008), Một số
vấn đề về tiểu thuyết Việt Nam trong thời kì đầu đổi mới của Phan Cự
Đệ, Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 từ chuyển mình đến thành tựu tác
giả Bùi Như Hải (2009). Ở những bài viết này, các tác giả đi tìm
giọng điệu của Ma văn Kháng trong văn học thời kì đổi mới, từ đó
khẳng định đóng góp và tài năng của ông trong văn học Việt Nam,
đặc biệt là nền văn học đổi mới.
Năm 2011, Hà Linh trong bài viết Nhà văn Ma Văn Kháng:
sống còn để mang thương tích đã nhận xét Ma Văn Kháng là nhà văn
mải miết đi tìm chất thơ của đời sống và cố gắng chuyển nó vào
trong tác phẩm bằng một lối văn giàu nhịp điệu.
Trong năm 2012, Lưu Khánh Thơ đăng bài Ma Văn Kháng –
“kẻ khuấy động” văn đàn; Bình Nguyên Trang có bài Nhà văn Ma
Văn Kháng: nửa thế kỷ một mình một ngựa, Xuân Tùng với bài
Người giật giải cây bút vàng. Các tác giả đều đưa ra nhận định: Ma
Văn Kháng vô cùng sung sức ở những đề tài đương đại, không ngừng
3
tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của đời sống, luôn đề cao cái mới,
cái nhân bản làm người.
2.2. Một số bài nghiên cứu có liên quan trực tiếp đến hồi ký
Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương
Trong năm 2009 xuất hiện nhiều bài nghiên cứu về hồi ký Năm
tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương như: Ma Văn Kháng con
đường hồi ức của Hồ Anh Thái; Ma Văn Kháng và hồi ký tự truyện
mới của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện; Ma Văn Kháng với hồi ký
“Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” của Bùi Bình Thi;
Đọc hồi ký Ma Văn Kháng thấy bóng văn nhân của Đinh Hương
Bình và Văn trong hồi ký và hồi ký của một nhà văn của Thi Thi,...
Các tác giả của các bài viết đều cho rằng đây là cuốn sách đầy đủ
trong đó một cuộc đời nhiều nếm trải, phản ánh bức tranh đời sống xã
hội trải dài trong non một thế kỷ với hình thức thể hiện vừa như tâm
sự vừa như kể chuyện. Nhìn chung, các bài viết ấy đều thống nhất ở
thái độ khen ngợi tác phẩm, họ đánh giá cao về chất hiện thực và chất
văn chương của tác phẩm.
Năm 2010 có hai công trình nghiên cứu Thể hồi ký tự truyện
trong hồi ký Ma Văn Kháng và Đặng Thị Hạnh của Lê Thị Kim Liên
và Hình tượng tác giả trong hồi ký tự truyện của Tô Hoài, Nguyễn
Khải, Ma Văn Kháng của Nguyễn Thị Kim Nguyên. Cả hai cuốn đều
khảo sát tác phẩm và chỉ ra rằng đây là cuốn hồi ký - tự truyện đặc
sắc của Ma Văn Kháng.
Có thể nói tìm hiểu về hồi ký Năm tháng nhọc nhằn năm tháng
nhớ thương của Ma Văn Kháng hầu hết chỉ mới dừng lại ở các bài
điểm sách trên tạp chí, trang web chứ chưa có những công trình đi
sâu nghiên cứu một cách sâu sắc và hệ thống về đối tượng. Ở luận
văn này, chúng tôi bước đầu nhận diện về tư tưởng và nghệ thuật của
4
tác phẩm để thấy thêm được những đóng góp của nhà văn ở thể tài
này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn đi sâu làm nổi bật đặc điểm hồi ký của Ma Văn
Kháng trên hai bình diện nội dung và nghệ thuật.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Hồi ký Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Nhà
xuất bản Hội Nhà văn, 2011.
Ngoài ra trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi tham khảo các
tác phẩm khác của Ma Văn Kháng và hồi ký của các tác giả khác để
có thêm cơ sở nhận diện những nét nổi bật trong hồi ký Ma Văn
Kháng.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng những phương pháp chủ yếu sau: Phương
pháp lịch sử, Phương pháp so sánh, Phương pháp phân tích, tổng
hợp, Phương pháp tiếp cận hệ thống.
5. Đóng góp của luận văn
- Tìm hiểu đặc điểm hồi ký Năm tháng nhọc nhằn năm tháng
nhớ thương của Ma Văn Kháng sẽ giúp người đọc thấy thêm những
đóng góp cũng như vị trí của nhà văn trong nền văn học Việt Nam
hiện đại.
- Luận văn có thể là tư liệu giúp cho việc học tập, giảng dạy và
nghiên cứu của học sinh, sinh viên trong nhà trường.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tài liệu tham khảo,
luận văn gồm có ba chương:
5
Chương 1: Vài nét về thể hồi ký và sự ra đời của hồi ký Năm
tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương
Chương 2: Thế giới hiện thực trong hồi ký Năm tháng nhọc
nhằn năm tháng nhớ thương của Ma Văn Kháng
Chương 3: Phương thức nghệ thuật thể hiện trong hồi ký Năm
tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương của Ma Văn Kháng
6
CHƯƠNG 1
VỀ THỂ HỒI KÝ VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA HỒI KÝ
NĂM THÁNG NHỌC NHẰN, NĂM THÁNG NHỚ THƯƠNG
1.1. VÀI NÉT VỀ THỂ HỒI KÝ
Hồi ký là một thể văn xuôi tự sự thuộc loại hình ký. Những
năm gần đây, nó trở thành thể loại thu hút được sự quan tâm của
nhiều người và có vị trí quan trọng trong đời sống văn học nói chung
và đời sống văn học ở Việt Nam nói riêng. Hồi ký ra đời trên cơ sở
một hoàn cảnh lịch sử xã hội nhất định, văn nghệ sĩ trở thành một
tầng lớp có vai trò trong xã hội. Chính họ vừa là chủ thể và cũng là
một trong những đối tượng thẩm mỹ của tác phẩm.
Tuy nhiên cũng cần phân biệt hồi ký và tự truyện. Đây là hai
khái niệm rất gần nhau nhưng không hoàn toàn trùng khít. Cả hồi ký
và tự truyện đều lấy chất liệu từ thế giới hiện thực hồi ức nhưng hồi
ký có thể thuật lại sự việc khách quan đã qua, còn tự truyện, nói như
Nguyễn Khải “là tiểu thuyết đi tìm cái tôi đã mất”, do tác giả tự viết
về cuộc đời mình.
Ở phương Tây, hồi ký vốn xuất hiện rất sớm. Nhưng ở nước ta,
phải đến khi văn hóa phương Đông thực sự tiếp thu và sáp nhập với
văn hóa phương Tây, hồi ký mới ra đời cùng với tiến trình hiện đại
hóa nền văn học dân tộc, bắt đầu từ thế kỷ XX. Trong giai đoạn
1930-1945, Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Cỏ dại (Tô Hoài) là
những tập hồi ký - tự truyện đầu tiên đã xuất hiện trong nền văn xuôi
hiện đại nước ta. Nhưng từ năm 1945 đến 1975 một số tác phẩm hồi
ký để lại ấn tượng đáng ghi nhận. Bốn mươi năm nói láo (Vũ Bằng,),
Bước đường viết văn (Nguyên Hồng), Đời viết văn của tôi (Nguyễn
công Hoan), Tự truyện (Tô Hoài), Ta đã làm chi cho đời ta (Vũ
Hoàng Chương).
7
Sau 1975, chiến tranh khép lại, cuộc sống trở lại đời thường, nhà
văn có điều kiện nhìn lại cuộc đời mình và sự việc những ngày đã qua của
hoàn cảnh lịch sử xã hội, đất nước và nhất là từ ngày công cuộc đổi mới
được phát động, lần lượt nhiều hồi ký của các nhà văn như: Tô Hoài,
Đặng Thai Mai, Lưu Trong Lư, Huy Cận, Anh Thơ,... Chính sự xuất hiện
nhiều tác phẩm hồi ký của các nhà văn trên văn đàn những năm cuối thập
niên 80 của thế kỷ XX đã tạo nên một mảng sinh động của đời sống văn
học mà có thể nói rằng, trước đó chưa có.
Có thể thấy, giá trị của một tập hồi ký vượt lên cả nhu cầu tự
nói về mình và sự hấp dẫn nghệ thuật là vẻ đẹp nhân cách của người
cầm bút. Bởi “hồi ký là một bức tranh về một thời đại, bên cạnh câu
chuyện của mình, tác giả đi tìm hiểu những mảnh đời khác” và “trong
khi đi tìm hiểu cái tôi, tác giả viết tặng ta một tác phẩm văn học”.
1.2. MA VĂN KHÁNG VÀ SỰ RA ĐỜI HỒI KÝ NĂM THÁNG
NHỌC NHẰN NĂM THÁNG NHỚ THƯƠNG
1.2.1. Con đường từ một nhà giáo đến nhà văn
Ma Văn Kháng sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản, buôn bán
nhỏ nên ông được quan tâm chăm sóc, học hành tử tế. Lớn lên, Ma
Văn Kháng lại sớm gặp được ánh sáng cách mạng. Thế nên hành
trình tư tưởng của ông khá thuận chiều.
Sau bốn năm ở nước bạn trở về, ông lại “ngược dòng nước lũ”
xung phong đi thẳng lên miền Tây Bắc xa xôi và chọn mảnh đất Lào
Cai để dạy học, với ý nguyện góp phần đem ánh sáng đến cho đồng
bào các dân tộc ít người. Hơn hai mươi năm làm nghề dạy học ở
miền núi, chính sự trải nghiệm từ trong cuộc đời nhà giáo ở miền đất
vùng cao này đã dồn nén vốn sống và năng lượng cảm xúc để ông trở
thành nhà văn.
8
Sau ngày đất nước thống nhất 1976, Ma Văn Kháng chuyển về Hà
Nội công tác, có dịp tiếp xúc giao lưu với đồng nghiệp, được đến thêm với
nhiều miền quê, được chứng kiến hiện thực ngổn ngang, xô bồ, hỗn tạp
với cả hai mặt trong sự giằng co, tranh chấp tích cực và tiêu cực để vươn
lên với thời cuộc mới. Trong suốt cuộc đời mình đã trải, dù phải hoặc
được phân công đảm trách nhiều công việc nhưng Ma Văn Kháng vẫn
không nguôi niềm say mê “nặng nợ với văn chương”.
Hành trình đời sống và đời văn của Ma Văn Kháng có hai
chặng lớn: hai mươi mốt năm ở Lào Cai và từ năm 1976 đến nay về ở
thủ đô Hà Nội, tương ứng với hai mảng đề tài lớn trong sáng tác của
ông: viết về cuộc sống và con người miền núi trong đấu tranh cách
mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội; viết về cuộc sống đô thị thời hậu
chiến với tất cả những tính chất bề bộn, phức tạp của nó.
Hơn nửa thế kỷ cầm bút, phụng sự cái Đẹp, lấy cái Đẹp làm lí
tưởng để theo đuổi, với rất nhiều “những nhọc nhằn và nhớ thương”
cùng sự lao động không ngừng nghỉ, Ma Văn Kháng đã để lại một sự
nghiệp văn học với hơn chục cuốn tiểu thuyết, khoảng 200 truyện
ngắn và một hồi ký. Nhà văn đã khẳng định được tên tuổi, tài năng
của mình bằng các giải thưởng văn học. Với ông, viết văn trước tiên
là câu chuyện của tình yêu, của đam mê và tài năng, là dồn nén
những ưu tư cá nhân. Song viết văn còn là thái độ, trách nhiệm và
tình yêu của một công dân với đất nước và dân tộc mình.
Sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người trong thời kì
mới, đem đến cho nhà văn những nguồn cảm hứng mới và cả những
cách tân trong việc thể hiện tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, cũng
như sự chuyển đổi hội nhập cả về thể tài, thể loại cùng với ngôn ngữ,
giọng điệu.
9
1.2.2. Về sự ra đời của hồi ký Năm tháng nhọc nhằn năm
tháng nhớ thương
Nhìn lại nửa thế kỷ lao động nghệ thuật trên con đường từ nhà
giáo đến nhà văn với những thành tựu mà Ma Văn Kháng đã đạt
được, khi nhà văn đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” người đọc càng
nhận ra rằng đó không chỉ là cái duyên với nghề mà đó còn là kết quả
của một quá trình lao động nghệ thuật bền bỉ, dẻo dai đầy tâm huyết.
Với Ma Văn Kháng, cuốn hồi ký không nằm trong dự định
sáng tác từ trước. Ông đã tâm sự về lí do viết hồi ký vì “tiềm thức đã
ghi nhớ” và “kí ức chưa phai mờ”. Đó chỉ là một cuộc trò chuyện với
chính mình,... một cuộc độc thoại, hoặc giả mở rộng ra là cho người
thân trong gia đình và bạn bè thân thiết thôi.
Là nhà văn đọc nhiều, ham hiểu biết, Ma Văn Kháng đã vừa học
tập kinh nghiệm viết hồi ký của người đi trước, vừa mạnh dạn từ đổi mới
về quan niệm nghệ thuật, đến chủ động tạo ra bút pháp sáng tạo đem lại
một thế giới hồi ức giàu bản sắc, vừa truyền thống, vừa thời sự có sức thu
hút người đọc. Qua từng trang sách hiện lên rõ nét bức tranh của đời sống
xã hội trải dài non một thế kỉ với chân dung phong phú các loại người xuất
hiện trong mối quan hệ với tác giả hoặc trong sự quan sát chăm chú của
ông theo góc nhìn của người viết văn.
Hồi ký Ma Văn Kháng còn là một nỗi niềm tự bạch của một
nhà văn luôn đau đáu với cuộc đời, tâm huyết với văn chương và bạn
bè nhưng qua đó vẫn thấy một không gian xã hội rộng lớn. Ông đã
lấy chính cuộc đời thăng trầm, đầy trải nghiệm của mình để xây dựng
cốt truyện hoàn chỉnh, để “tiểu thuyết hóa” mà vẫn hấp dẫn, lôi cuốn
độc giả. Vì vậy, tác phẩm đã thực sự để lại dấu ấn góp phần khẳng
định thêm vị trí và đóng góp của sự nghiệp Ma Văn Kháng trong đời
sống văn học Việt Nam đương đại.
10
CHƯƠNG 2
THẾ GIỚI HIỆN THỰC TRONG HỒI KÝ
NĂM THÁNG NHỌC NHẰN NĂM THÁNG NHỚ THƯƠNG
CỦA MA VĂN KHÁNG
2.1. HIỆN THỰC HỒI ỨC VỀ NHỮNG “NĂM THÁNG NHỌC
NHẰN”
2.1.1. Nhọc nhằn trong hoàn cảnh chung của lịch sử đất
nước
So với giai đoạn trước, hầu hết những hồi ký viết sau 1986
hiện thực không chỉ được biểu hiện với xu hướng lãng mạn – sử thi
mà chủ yếu với khát vọng “nhìn thẳng vào sự thật” thế giới hồi ức
được nhớ lại như nó vốn có. Hồi ký Năm tháng nhọc nhằn năm tháng
nhớ thương của Ma Văn Kháng đã thuật lại hành trình một chặng
đường cuộc sống với biết bao chuyện đời, chuyện người mà thế hệ
mình đã được chứng kiến và nếm trải. Trong lớp lớp những câu
chuyện ấy là gương mặt đất nước một thời vừa gian khổ, nhưng cũng
đầy thương cảm, chia sẻ, yêu quý.
Hồi ký của Ma Văn Kháng đã cung cấp cho ta cái nhìn đa
chiều, không kém phần chân thực, sinh động về hiện trạng đất nước
những năm trước và trong thời kì đổi mới. Đó là cách nhìn nhận,
đánh giá con người theo định kiến giai cấp của một bộ phận cán bộ
lãnh đạo non kém về trình độ và ấu trĩ máy móc một thời đã đẩy bao
trí thức vào cuộc sống khốn cùng, nghèo khổ, gặp số phận không
may. Đó còn là những năm tháng dài con người bị ám ảnh bởi miếng
cơm, manh áo.
Ngòi bút tâm tình của Ma Văn Kháng như nghẹn ngào, như
thắt lại trước cảnh đất nước những năm dài khổ cực, đau đớn. Song
Ma Văn Kháng không nhằm mục đích ôn nghèo, kể khổ mà cái chính
11
là gợi lại kỷ niệm khó quên của một thời để thấy được từng bước vận
động và phát triển của đời sống đất nước gắn với số phận con người
trong cái nhìn biện chứng.
2.1.2. Nhọc nhằn trong hoàn cảnh riêng
Hồi ký văn học Việt Nam từ sau 1986 nói chung bao trùm
trong cảm hứng đời tư thế sự. Hồi ký của Ma Văn Kháng cũng không
nằm ngoài quy luật tự biểu hiện ấy. Vốn là người Hà Nội, từ tuổi
thanh xuân Ma Văn Kháng đã tự nguyện lên công tác và lập nghiệp
trên mảnh đất Lào Cai. Va chạm với thực tế nơi quê hương vùng cao
ấy, nhà văn đã ghi lại những gian truân, cực nhọc mà ông cùng gia
đình phải trải qua: đồng lương giáo viên ít ỏi; có lúc ông bị căn bệnh
thấp khớp nặng, đi đứng khó nhọc; có lúc căn bệnh sốt rét tái phát
tưởng chừng như không qua khỏi.
Việt Nam từ nền kinh tế tập thể bao cấp chuyển sang nền kinh
tế thị trường đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không khí thông
thoáng, cởi mở hiện diện khắp mọi nơi. Song mặt trái của nền kinh tế
thị trường với sự chi phối mạnh mẽ của đồng tiền cũng đã làm nảy
sinh những bất cập mới. Những dấu ấn lịch sử thời đại đã tác động
không nhỏ đến đời sống cá nhân của mỗi con người trong đó có bản
thân và gia đình của nhà văn. Đó là sự vất vả vì miếng cơm manh áo,
chỗ ở, những lục đục trong quan hệ gia đình...
Điều đáng quý là ở chỗ, nhà văn không phải kể lại để kêu ca,
mà cái chính như là nhớ lại những kỷ niệm của một thời gian khổ
không thể nào quên. Người đọc thấy được ở đây một nghị lực sống,
một ý chí vươn lên trong số phận nhà văn hòa đồng với số phận
chung của mọi người.
2.1.3. Nhọc nhằn trong lao động nghệ thuật của nhà văn và
đồng nghiệp