Siêu thị PDFTải ngay đi em, trời tối mất

Thư viện tri thức trực tuyến

Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật

© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Con người trong thế giới tinh thần : Trải nghiệm triết học cá biệt luận
PREMIUM
Số trang
435
Kích thước
2.2 MB
Định dạng
PDF
Lượt xem
1918

Con người trong thế giới tinh thần : Trải nghiệm triết học cá biệt luận

Nội dung xem thử

Mô tả chi tiết

CON NGƯỜI TRONG THẾ GIỚI

TINH THẦN

—★—

Tác giả: Nikolai Alexandrovich Berdyaev

Người dịch: Nguyễn Văn Trọng

Nhà xuất bản Tri Thức 3/2016

ebook©vctvegroup

20-10-2018

Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com

N. A. BERDYAEV

TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM

N. A. Berdyaev là triết gia Nga nổi tiếng của thế kỉ XX. Ông

sinh năm 1874 trong một gia đình quý tộc Nga ở Kiev. Năm 1894

ông vào học trường sĩ quan quân đội, nhưng cảm thấy môi

trường không phù hợp nên đã chuyển sang học trường Đại học

Kiev. Ông tham gia hoạt động trong phong trào sinh viên, và

năm 1898 bị bắt giam một tháng. Sau đó ông bị đi đày ở miền

Bắc (1901-1902).

Thời gian 1905-1906 ông cùng với S. N. Bulgakov thành lập

tạp chí Những vấn đề của cuộc sống nhằm tập hợp những trào lưu

mới trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.

Năm 1920 ông được khoa Lịch sử - Ngữ văn trường Đại học

Moscow bầu làm giáo sư.

Năm 1922 ông cùng nhiều trí thức và những người hoạt động

văn hóa nổi tiếng khác bị trục xuất khỏi nước Nga Xô viết. Sau

khi bị trục xuất ông đã ở Đức rồi định cư tại Pháp.

Ông cùng với S. L. Frank và S. N. Bulgakov là những người đặt

cơ sở cho sự phục hưng nền triết học tôn giáo Nga. Ông đã xây

dựng triết học về bản diện cá nhân và tự do trong tinh thần của

chủ nghĩa hiện sinh. N. A. Berdyaev được xem là người có ảnh

hưởng lớn đến sự phát triển của chủ nghĩa hiện sinh Pháp. Ông

mất ngay tại bàn làm việc ở ngoại ô Paris năm 1948.

N. A. Berdyaev định hướng triết học của mình là triết học biện

sinh cá biệt luận. Ông bàn về con người trong thế giới tinh thần

của nó, xem mỗi con người là một tiểu vũ trụ với tính cá biệt. Tự

đáy lòng ông tin vào tính hiện thực tiên khởi của tinh thần, hiện

thực ấy được phản ánh lại thông qua các biểu tượng và kí hiệu

của thế giới bên ngoài vẫn được người ta xem là hiện thực

“khách quan” của thế giới tự nhiên và lịch sử, nhưng trong quan

niệm của ông đó chỉ là hiện thực thứ cấp. Ông xây dựng một khái

niệm độc đáo của riêng mình để chỉ con người cá biệt trong thế

giới tinh thần: “Личность”. Từ “Личность” trong tiếng Nga sử

dụng thông thường có nghĩa là một nhân vật, một con người cá

biệt. Tính từ phái sinh (личный) có nghĩa là thuộc về cá nhân

riêng tư. Từ gốc của “Личность” là лицо, có nghĩa là gương mặt.

Triết gia N. A. Berdyaev đã dùng từ “Личность” để định nghĩa

một khái niệm triết học về con người chủ thể trong hiện hữu

tinh thần của mình. “Личность” là chủ thể có diện mạo riêng

biệt không thể lặp lại, bao gồm cả hình hài đặc thù cho mỗi con

người. Chúng tôi tạm dịch “Личность” là “bản diện cá nhân”.

Khái niệm “bản diện cá nhân” được ông triển khai chi tiết

năm 1936 trong một bài báo khoa học với nhan đề vấn đề con

người công bố trên tạp chí “Путь”, 1936, j50 c. 3-26. Triết học cá

biệt luận về con người được ông xây dựng hoàn chỉnh trong tác

phẩm Bàn về nô lệ và tự do của con người. Tác phẩm này lần đầu

tiên được xuất bản ở Paris năm 1939 (YMCA-Press, s.d. [1939],

224 стр. (Клепинина N-36)), tái bản lần thứ hai năm 1972. Tác

phẩm xuất hiện ở Nga năm 1995 và được in lại nhiều lần sau đó.

Tác phẩm mà các bạn đang cầm trên tay, chúng tôi dịch cả hai

tác phẩm trên của N. A. Berdyaev và lấy nhan đề chung cho cuốn

sách là Con người trong thế giới tinh thần.

N. A. Berdyaev, giống như I. Kant, theo nhị nguyên luận và

cho rằng con người đồng thời thuộc về hai thế giới: thế giới tinh

thần và thế giới tự nhiên. Bản diện cá nhân có thể được hiểu như

thể hiện của con người trong thế giới tinh thần. Khó khăn trong

việc thấu hiểu triết học hiện sinh cá biệt luận của N. A. Berdyaev

là ở chỗ chúng ta bị quy định bởi ngôn ngữ thường ngày gắn với

những khái niệm quen thuộc về thế giới tự nhiên. Người ta sử

dụng những khái niệm ấy để sắp xếp thế giới tự nhiên vào các ô

ngăn trong một cấu trúc và gán cho chúng những ý nghĩa dựa

trên các quan sát thường nghiệm của mình. Khi sử dụng ngôn

ngữ ấy để xem xét bản diện cá nhân trong thế giới tinh thần, N.

A. Berdyaev đưa chúng ta vào những tình huống đầy nghịch

thường, ví dụ như: “Bản diện cá nhân không phải là một bộ phận

và không thể là một bộ phận trong quan hệ với một cái toàn vẹn

nào đó, dù đó có là cái toàn vẹn rộng lớn, toàn thể thế giới đi

nữa”; hoặc là: “Xét từ quan điểm hiện sinh thì xã hội là một bộ

phận của bản diện cá nhân, là phương diện xã hội của nó, cũng

giống như vũ trụ là một bộ phận của bản diện cá nhân, là

phương diện vũ trụ của nó”. Tuy nhiên, nếu chúng ta ý thức

được mình đang đọc tác phẩm của một người theo nhị nguyên

luận, cùng đồng hành với ông đi vào thế giới tinh thần chứ

không phải thế giới tự nhiên và cố gắng không “ngoại hiện hóa”

những gì vốn thuộc thế giới tinh thần “bên trong” của bản diện

cá nhân, rất có thể chúng ta sẽ thấu đạt được ý nghĩa định hướng

tình thần nhân bản của tác giả và làm cho thế giới tinh thần của

chúng ta được phong phú hơn.

N. A. Berdyaev cho rằng bản diện cá nhân là tự do và độc lập

của con người trong quan hệ với thiên nhiên, với xã hội, với nhà

nước, thế nhưng không những nó không phải là tự khẳng định vị

kỉ, mà còn là ngược lại. Cá biệt luận dịch chuyển trọng tâm bản

diện cá nhân từ giá trị của những cái chung khách quan - xã hội,

dân tộc, nhà nước, tập thể - sang giá trị của bản diện cá nhân.

Tuy nhiên, cá biệt luận hiểu bản diện cá nhân trong đối lập sâu

sắc với thói vị kỉ. Thói vị kỉ phá hủy bản diện cá nhân. Khép kín

vào bản thân một cách vị kỉ và chăm chú vào bản thân mình,

thiếu khả năng bước ra khỏi bản thân, chính là tội lỗi bẩm sinh,

cản trở việc thực hiện sự đầy đủ của cuộc sống cho bản diện cá

nhân, cản trở việc cập nhật hóa những sức mạnh của nó. Bản

diện cá nhân bước ra khỏi bản thân đi đến với những bản diện

cá nhân khác trong mối quan hệ tương-thông-cộng-đồng, nhưng

không ngoại hiện hóa và khách thể hóa. Bản diện cá nhân là

“tôi” và “anh/chị”, một cái “tôi” khác, một bản diện cá nhân. Kẻ

vị kỉ chỉ biết cái “không phải tôi”, nhưng không biết cái “tôi”

khác, hắn ta không biết tới tự do trong việc bước ra khỏi cái “tôi”.

N. A. Berdyaev cho rằng không thể có bản diện cá nhân nếu

không tồn tại cái đứng cao hơn nó, nếu không có cái thế giới trên

núi để bản diện cá nhân leo lên. Hiện hữu của bản diện cá nhân

đòi hỏi phải có hiện hữu của các giá trị siêu cá biệt. Từ nhân học

ông đi đến hiện hữu của Thượng Đế. Nhưng N. A. Berdyaev bác

bỏ quan niệm Thượng Đế như sức mạnh thống trị thế gian và sử

dụng con người vốn là tạo vật của mình như phương tiện để tự

vinh danh mình. Ông quan niệm một Thượng Đế - bản diện cá

nhân mong mỏi con người - bản diện cá nhân đáp lại lời hiệu

triệu của Người và Người có thể giao lưu tình yêu với nó. Thượng

Đế bộc lộ bản thân mình trong thế giới tinh thần của con người,

nhưng Thượng Đế không cai quản thế gian như một quân vương.

N. A. Berdyaev tự xem mình là tín đồ Kitô giáo, nhưng không

ràng buộc bản thân với bất cứ giáo hội nào. Ông cho rằng cuộc

sống tôn giáo bao giờ cũng là cuộc sống cá nhân riêng tư trong

thâm nhập vào chiều sâu của nó. Ông viết rằng từ thời thơ ấu

ông đã xác định kiểu tôn giáo của ông là tinh thần nội tâm và tự

do.

Berdyaev cho rằng có ba trạng thái của con người, ba cấu trúc

của ý thức có thể hàm nghĩa như “ông chủ”, “kẻ nô lệ” và “người

tự do”. Ông chủ và kẻ nô lệ có tính tương liên, chúng không thể

hiện hữu người này không có người kia. Còn người tự do hiện

hữu tự thân nó, nó có trong bản thân mình phẩm chất riêng của

nó mà không có tính tương liên với cái đối lập với nó. Ông chủ là

ý thức hiện hữu cho bản thân mình, nhưng là ý thức hiện hữu

cho bản thân mình thông qua kẻ khác, thông qua kẻ nô lệ. Nếu

như ý thức của ông chủ là ý thức hiện hữu của kẻ khác cho bản

thân mình, thì ý thức của nô lệ là ý thức hiện hữu của bản thân

mình cho kẻ khác. Còn ý thức của người tự do là ý thức hiện hữu

của mỗi người cho bản thân mình, nhưng tự do bước ra khỏi bản

thân mình đi đến với kẻ khác và đi đến với tất cả mọi người. Giới

hạn tột cùng của tình trạng nô lệ là tình trạng không có ý thức

của nó. Thế giới của tình trạng nô lệ là thế giới tinh thần xa lạ với

bản thân mình. Ngoại hiện hóa là nguồn gốc của tình trạng nô lệ.

Tự do là nội hiện hóa.

Berdyaev cho rằng thống trị là mặt trái của tình trạng nô lệ.

Con người không được trở thành ông chủ, mà phải là người tự do.

Plato đã nhận xét rằng chính bạo chúa cũng là kẻ nô lệ. Nô dịch

kẻ khác cũng là nô dịch bản thân mình. Ý chí vươn tới hùng

mạnh bao giờ cũng là ý chí nô lệ. César, vị anh hùng của chủ

nghĩa đế quốc, là kẻ nô lệ, nô lệ của thế gian, nô lệ của ý chí vươn

tới hùng mạnh, nô lệ của khối đông người mà thiếu khối đông

người ấy thì ông ta không thể thực hiện được ý chí vươn tới hùng

mạnh. Ông chủ chỉ biết đến chiều cao mà những kẻ nô lệ nâng

ông ta lên, César chỉ biết đến chiều cao mà đám quần chúng

nâng ông ta lên. Thế nhưng những kẻ nô lệ, đám quần chúng,

cũng quăng xuống tất cả các ông chủ, tất cả các César. Berdyaev

nhấn mạnh: “Tự do là tự do không phải chỉ thoát khỏi các ông chủ, mà

còn thoát khỏi các nô lệ nữa. Ông chủ bị hạn định từ bên ngoài, ông chủ

không phải là bản diện cá nhân, cũng như kẻ nô lệ không phải là bản

diện cá nhân, chỉ có người tự do mới là bản diện cá nhân, dẫu cho toàn

bộ thế gian đều muốn nô dịch anh ta”.

Ông viết tiếp: “Tình trạng sa đọa của con người bộc lộ ra hơn hết

trong chuyện nó là tên bạo chúa. Có một khuynh hướng vĩnh hằng vươn

tới bạo ngược. Con người là tên bạo chúa, nếu không ở trong việc lớn thì

cũng ở trong việc nhỏ, nếu không ở trên những nẻo đường lịch sử thì

cũng ở trong gia đình của mình, trong cửa hàng của mình, trong văn

phòng của mình, trong cơ quan quan liêu mà nó giữ một vị trí nhỏ bé

nhất. Con người có xu thế không sao chế ngự được là sắm vai diễn và ở

trong vai diễn ấy tự ban cho mình một ý nghĩa đặc biệt, bạo ngược với

những người xung quanh.” Berdyaev nhận xét rằng con người là

tên bạo chúa cả với bản thân mình, và có lẽ nhiều hơn hết là với

chính bản thân mình. Nó bạo ngược với bản thân bằng những

đức tin giả trá, những dị đoan, những huyền thoại. Bạo ngược với

bản thân bằng những nỗi sợ hãi đủ kiểu, bằng những ám ảnh

bệnh hoạn. Bạo ngược với bản thân bằng lòng ghen tị, lòng tự ái,

lòng thù hận. Lòng tự ái bệnh hoạn là bạo ngược đáng sợ nhất.

Con người bạo ngược với bản thân bằng ý thức tình trạng yếu

đuối và ti tiện của mình và bằng khao khát hùng mạnh và vĩ đại.

Ông cho rằng con người có một khuynh hướng vĩnh hằng hướng

tới chuyên chế, khao khát quyền lực và thống trị. Bằng ý chí nô

dịch của mình con người không chỉ nô dịch người khác, mà cả

bản thân mình nữa. Cái ác tiên phát là quyền lực của người đối

với người, là hạ nhục phẩm giá con người, là bạo hành và thống

trị. Tình trạng bóc lột của con người đối với con người mà Marx

coi là cái ác tiên khởi, chỉ là cái ác phái sinh, hiện tượng này là

khả dĩ, như tình trạng thống trị của con người đối với con người.

Thế nhưng con người trở thành ông chủ của người khác, là vì

theo cấu trúc ý thức của mình nó đã trở thành kẻ nô lệ cho ý chí

muốn thống trị. Cũng vẫn sức mạnh ấy, mà nó dùng để nô dịch

người khác, lại nô dịch chính bản thân nó. Người tự do không

muốn thống trị ai hết. Đáng sợ nhất là kẻ nô lệ đã trở thành ông

chủ. Trong tư cách ông chủ thì dù sao nhà quý tộc cũng ít đáng

sợ hơn: ông ta ý thức được tính cao thượng và phẩm giá vốn có từ

trước của mình, nên không có lòng thù hận. Nhà quý tộc như thế

không bao giờ là kẻ độc tài, không bao giờ là người muốn vươn

tới hùng mạnh. Tâm lí của kẻ độc tài mà về thực chất vốn dĩ là kẻ

hãnh tiến, chính là sự méo mó của con người. Nó là kẻ nô lệ cho

những hành động nô dịch của mình. Lãnh tụ của đám đông cũng

ở trong tình trạng nô lệ giống như đám đông, hắn ta không có

hiện hữu ở bên ngoài đám đông, ở bên ngoài đám nô lệ mà hắn

ta thống trị, hắn ta hoàn toàn bị ném ra bên ngoài. Tên bạo chúa

là tạo vật của khối quần chúng đang cảm thấy kinh sợ khi đối

diện với hắn. Ý chí vươn tới hùng mạnh, vươn tới ưu thế và thống

trị, chính là bệnh cuồng si, đó không phải là ý chí tự do và ý chí

vươn tới tự do. Kẻ cuồng si với ý chí vươn tới hùng mạnh nằm

trong tay quyền lực của định mệnh và biến thành con người

định mệnh. César - nhà độc tài, vị anh hùng của chủ nghĩa đế

quốc, tự đặt mình dưới dấu hiệu của định mệnh, ông ta không

thể dừng lại được, không thể tự giới hạn mình được, ông ta cứ đi

xa mãi, xa mãi tiến tới cái chết. Đó là con người đã bị số phận

định đoạt. Ý chí vươn tới hùng mạnh không bao giờ biết đủ. Nó

không chứng tỏ tình trạng sung túc sức mạnh hiến dâng bản

thân cho mọi người. Ý chí đế quốc chủ nghĩa tạo ra vương quốc

hư ảo phù du, sinh ra những tai họa và những cuộc chiến tranh.

Ý chí đế quốc chủ nghĩa là xuyên tạc ma quái sứ mệnh đích thực

của con người.

Berdyaev cho rằng ý chí vươn tới hùng mạnh, ý chí đế quốc

chủ nghĩa là kinh tởm đối với phẩm giá và tự do của con người;

triết lí đế quốc chủ nghĩa cũng không bao giờ nói rằng nó bảo vệ

tự do và phẩm giá của con người. Nó ca tụng bạo lực đối với con

người như trạng thái cao cả nhất. Tuy nhiên, bản thân vấn đề

bạo lực và mối quan hệ với nó rất phức tạp. Người ta phẫn nộ

chống lại bạo lực, khi những hình thức bạo lực là thô bạo và đập

ngay vào mắt: đánh đập, bỏ tù, giết chóc con người. Nhưng người

ta lại ít để ý tới những hình thức bạo lực giấu mặt. Ông viết: “Thế

nhưng đời sống con người đầy rẫy những hình thức bạo lực không thấy

rõ, tinh tế hơn. Bạo lực tâm lí còn đóng vai trò lớn hơn là bạo lực thân

thể. Con người mất đi tự do và trở thành nô lệ không phải chỉ vì bạo lực

thân thể. Thôi miên xã hội mà con người phải chịu đựng từ nhỏ có thể

nô dịch anh ta. Hệ thống giáo dục có thể hoàn toàn làm con người mất

đi tự do, khiến cho anh ta không có khả năng tự do xét đoán. Sức nặng,

tính đồ sộ của lịch sử cưỡng bức con người. Cưỡng bức con người có thể

bằng cách đe đọa, bằng cách lây nhiễm, vốn là thứ đã biến thành hành

động tập thể... Lòng căm thù bao giờ cũng muốn tước đoạt tự do... Dư

luận xã hội kết tinh lại, trở thành rắn chắc biến thành bạo lực đối với

con người. Con người có thể trở thành nô lệ của dư luận xã hội, nô lệ của

các phong tục, tập quán, của những xét đoán và những ý kiến mà xã hội

áp đặt. Khó mà đánh giá hết được bạo lực do báo chí thời nay thực hiện.

Con người trung bình của thời đại chúng ta có những ý kiến và những

xét đoán của tờ báo mà anh ta đọc mỗi buổi sáng, tờ báo ấy gây tác động

ép buộc anh ta. Và với tính dối trá và dễ mua chuộc của báo chí thì

những kết quả nhận được thật kinh khủng trong ý nghĩa nô dịch con

người, làm mất tự do, lương tâm và xét đoán của anh ta. Trong khi đó

bạo lực này tương đối ít nhận thấy được. Nó thấy rõ chỉ ở trong những

nước có chế độ độc tài, mà ở đó việc làm giả các ý kiến và xét đoán của

con người là hoạt động của nhà nước, vẫn còn có bạo lực sâu sắc hơn

nữa, đó là bạo lực của quyền lực tiền bạc. Đó là nền chuyên chế giấu mặt

trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Người ta không cưỡng bức con người một

cách trực tiếp, khả dĩ nhận thấy được. Cuộc sống con người phụ thuộc

vào tiền bạc, vào cái sức mạnh thế gian vô diện mạo nhất, vô phẩm tính

nhất, trao đổi như nhau với mọi thứ. Con người không mất đi tự do

lương tâm, tự do tư duy, tự do xét đoán một cách trực tiếp, bằng bạo lực

thân thể, nhưng nó bị đặt vào vị thế phụ thuộc vật chất, dưới mối đe dọa

bị chết đói và vì thế mà mất đi tự do. Tiền bạc đem lại độc lập, không có

tiền bạc là bị phụ thuộc. Thế nhưng người có tiền cũng bị nô lệ, chịu tác

động bạo lực vô hình. Trong vương quốc của thần tài con người buộc

phải bán sức lao động và việc lao động của anh ta không còn được tự do

nữa.” Berdyaev nhận xét rằng về mặt tâm lí người ta thường cảm

nhận một trạng thái quen thuộc, thiếu vắng chuyển động, như là

tự do. Chuyển động đã là một bạo lực nào đó đối với thế giới xung

quanh, đối với môi trường vật chất xung quanh và đối với những

người khác. Chuyển động là biến dịch, và nó chẳng hỏi xem thế

giới có đồng ý với những hoán vị, vốn là kết quả của biến dịch ấy

do chuyển động sinh ra. Cảm nhận xem yên tĩnh như không có

bạo lực, còn chuyển động, biến dịch là bạo lực, cảm nhận như

thế có những hậu quả mang tính bảo thủ trong đời sống xã hội.

Tình cảnh nô lệ quen thuộc, đã được thiết lập từ lâu, có thể

không có vẻ như bạo lực, còn chuyển động hướng đến tiêu diệt

tình cảnh nô lệ có thể có vẻ như bạo lực. Cải cách xã hội được

tiếp nhận như bạo lực bởi những người mà đối với họ chế độ xã

hội quen thuộc là tự do, dù cho chế độ ấy bất công kinh khủng.

Những nghịch lí của tự do là như thế trong đời sống xã hội. Tình

trạng nô lệ rình rập con người từ mọi phía. Cuộc đấu tranh cho

tự do đòi hỏi kháng cự lại, và không có kháng cự thì hùng khí của

đấu tranh sẽ suy yếu đi. Tự do đã trở thành cuộc sống quen

thuộc, sẽ chuyển sang thành nô dịch con người mà không dễ

nhận ra được, đây là tự do đã bị khách thể hóa, trong khi đó tự do

là vương quốc của chủ thể. Con người là nô lệ bởi vì tự do thì khó

khăn, còn nô lệ lại dễ dàng.

Berdyaev nhận xét rằng thông thường người ta xem bạo lực là

sức mạnh, là sức mạnh bộc lộ ra. Ca ngợi bạo lực luôn có nghĩa là

ngưỡng mộ sức mạnh. Thế nhưng bạo lực không những không

đồng nhất với sức mạnh, mà còn không bao giờ được gắn với sức

mạnh. Ông cho rằng sức mạnh trong ý nghĩa thâm sâu của nó có

nghĩa là chiếm lĩnh được cái mà nó hướng tới, không phải là

thống trị vốn bao giờ cũng duy trì tính ngoại tại, nhưng là kết

hợp nội tại đầy thuyết phục và chinh phục. Người ta tìm đến bạo

lực là do bất lực, là do chẳng có được sức mạnh đối với người mà

người ta thực hiện bạo lực. Ông chủ chẳng có sức mạnh nào đối

với nô lệ của mình. Ông chủ có thể hành hạ anh ta, nhưng việc

hành hạ ấy chỉ có nghĩa là gặp phải trở ngại không thể vượt qua

được. Và khi ông chủ có được sức mạnh thì ông ta thôi không

còn là ông chủ nữa. Tình trạng bất lực tận cùng đối với người

khác biểu hiện ra trong việc giết chết anh ta. Trong thế giới bị

khách thể hóa, thế giới thường ngày, vô diện mạo, ngoại hiện,

người ta gọi là sức mạnh không phải cái vốn là sức mạnh trong ý

nghĩa hiện sinh của ngôn từ. Điều này thể hiện ra trong xung đột

của sức mạnh và giá trị. Những giá trị cao nhất trên thế gian hóa

ra yếu ớt hơn những giá trị thấp nhất, những giá trị cao nhất bị

xé nát, những giá trị thấp nhất chiến thắng. Cảnh sát và cai đội,

chủ ngân hàng và con buôn mạnh hơn là thi sĩ và triết gia, hơn là

nhà tiên tri và thánh nhân. Trong thế giới bị khách thể hóa vật

chất mạnh hơn Thượng Đế. Con trai của Thượng Đế bị hành

hình. Socrates bị đầu độc. Các nhà tiên tri bị ném đá. Những

người khởi xướng và những người sáng tạo tư duy mới, đời sống

mới, bị truy bức, bị đàn áp và không hiếm khi bị xử tử. Con người

trung bình của tính thường nhật xã hội chiến thắng. Chỉ có ông

chủ và nô lệ chiến thắng, còn những người tự do thì người ta

không chịu đựng nổi. Giá trị cao nhất - bản diện cá nhân con

người thì người ta không muốn thừa nhận, còn giá trị thấp nhất -

nhà nước với bạo lực và thói dối trá của nó, với hoạt động do

thám và sát nhân lạnh lùng, thì người ta tôn vinh như giá trị cao

nhất và cúi rạp mình một cách nô lệ trước giá trị ấy. Trong thế

giới bị khách thể hóa, người ta chỉ yêu mến cái hữu hạn, người ta

không chịu đựng nổi cái vô hạn. Và quyền lực ấy của cái hữu hạn

luôn là tình cảnh nô lệ của con người, còn cái vô hạn khả dĩ tàng

ẩn ắt sẽ là giải phóng. Ông viết: “Người ta gắn sức mạnh với những

phương tiện tệ hại được tôn vinh là tất yếu cho những mục đích được

xem là tốt lành. Thế nhưng toàn bộ cuộc sống đầy ắp những phương tiện

ấy, còn những mục đích thì chẳng bao giờ đi tới được. Và con người trở

thành nô lệ của những phương tiện mà tựa hồ như chúng đem lại sức

mạnh cho con người. Con người tìm kiếm sức mạnh trên những con

đường lầm lạc, trên những con đường bất lực, biểu lộ ra trong những

hành động bạo lực”.

Con người phải nhận thức thế nào về tình trạng sa đọa như

thế của thế gian? Berdyaev cho rằng có hai quan điểm va chạm

nhau. Một quan điểm cho rằng có một trật tự không đổi, vĩnh

cửu, hợp lí của tồn tại; nó thể hiện ra trong trật tự xã hội vốn

không do con người tạo nên và con người phải phục tùng nó.

Quan điểm thứ hai cho rằng những cơ sở của đời sống xã hội

đang bị tổn thương bởi tình trạng sa đọa; những cơ sở ấy không

phải vĩnh cửu và không phải do áp đặt từ tạo hóa, chúng thay đổi

tùy theo hoạt động tích cực và sáng tạo của con người. Quan

điểm thứ nhất nô dịch con người, quan điểm thứ hai giải phóng

con người.

Để đối lập lại với ý thức quyền uy hay là với chế độ quyền uy

của cuộc sống, cần phải đưa ra không phải lí tính, không phải tự

nhiên, cũng không phải xã hội có chủ quyền, mà là tinh thần, tức

là tự do, khởi nguyên tinh thần trong con người tạo lập nên bản

Tải ngay đi em, còn do dự, trời tối mất!