Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Chuyên đề giáo dục hoà nhập (97-2003) ppt
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
Phần I
CAN THIỆP SỚM CHO TRẺ KHUYẾT TẬT,
CÁC NGUYÊN TẮC CỦA CAN THIỆP SỚM
I. Khái niệm chung
Can thiệp sớm là những chỉ dẫn ban đầu và các dịch vụ dành cho trẻ và gia
đình trẻ khuyết tật trước tuổi tiểu học nhằm kích thích và huy động sự phát triển tối
đa ở trẻ, tạo điều kiện và chuẩn bị tốt cho trẻ tham gia vào hệ thống giáo dục bình
thường và cuộc sống sau này.
Can thiệp sớm là việc trợ giúp nhằm vào tất cả các trẻ em có nguy cơ hoặc
đã bị khuyết tật. Việc trợ giúp này bao gồm toàn bộ giai đoạn từ chẩn đoán trước
khi sinh cho đến lúc trẻ đến tuổi đi học; việc phát hiện và chẩn đoán sớm cho đến
lúc hướng dẫn. Can thiệp sớm có liên quan đến cả đứa trẻ lẫn cha mẹ, gia đình và
mạng lưới rộng lớn. Tuy nhiên, cho tới nay, chúng ta vẫn chưa coi trọng việc chẩn
đoán trước khi sinh là một bộ phận không thể tách rời của can thiệp sớm.
II. Các nguyên tắc cơ bản
1. Mọi trẻ đều có khả năng học tập
Trẻ khiếm thính hay khiếm thị vẫn có trí tuệ bình thường. Mục tiêu giáo dục
đặt ra cho trẻ khuyết tật cũng giống như cho trẻ bình thường. Công việc của trẻ
khuyết tật cũng giống như công việc của trẻ bình thường, trừ những công việc đòi
hỏi trẻ phải có khả năng nghe bình thường hoặc khả năng nhìn tốt. Ví dụ, một
người mù không thể lái xe ô tô được; trẻ chậm phát triển trí tuệ phát triển chậm hơn
(và có những hạn chế do khuyết tật gây ra), nhưng vẫn có thể học được. Ngày nay,
học tập đã trở thành quyền lợi của trẻ em bình thường cũng như trẻ khuyết tật.
2. Trẻ khuyết tật cũng phải học các kỹ năng mà trẻ bình thường học và sử dụng
Trẻ khuyết tật trước hết là một đứa trẻ, sự phát triển của trẻ khuyết tật
cũng tuân theo tiến trình, quy luật như trẻ bình thường, tuy nhiên có chậm hơn
ở những khía cạnh nhất định. Trẻ khuyết tật càng học được nhiều kỹ năng như
ở trẻ bình thường thì chúng càng có khả năng tham gia vào nhiều hoạt động
hơn trong gia đình cũng như xã hội, trẻ khuyết tật càng dễ dàng được chấp
nhận hơn trong cộng đồng nếu như những hành vi của chúng càng giống trẻ
bình thường. Vì vậy, trẻ khuyết tật cần phải học các kỹ năng như trẻ bình thường.
3. Những năm đầu tiên rất cần thiết để trẻ học tập
Năm năm đầu tiên trong cuộc đời một con người là những năm tháng rất quan
trọng, đây là thời gian mà nền tảng cho cuộc sống được hình thành. Một nền tảng tốt
tạo cho đứa trẻ cơ hội có một cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa, đồng thời để chúng
1
trở thành một thành viên có ích cho xã hội. Những năm này rất quan trọng đối với trẻ
và đặc biệt quan trọng đối với trẻ khuyết tật.
Việc bắt đầu can thiệp càng sớm càng tốt là rất cần thiết. Bắt đầu diễn ra từ
khi cha mẹ trẻ cho rằng trẻ có vấn đề, điều này có thể hạn chế những vấn đề về giáo
dục và cư xử sau này trong cuộc sống của trẻ.
4. Cha mẹ là những người quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ
Với việc can thiệp sớm, các giáo viên cần phải cung cấp tri thức, hướng dẫn
phụ huynh cách chăm sóc, giáo dục trẻ. Phụ huynh không chỉ là người tiếp xúc với
trẻ nhiều hơn giáo viên hoặc chuyên gia mà còn là người hiểu trẻ, chăm sóc trẻ
bằng cả tình yêu thương ruột thịt của mình.
Ở Việt Nam, ông bà, cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình có vai trò
quan trọng trong việc giáo dục trẻ, đặc biệt là trẻ khuyết tật.
5. Mỗi trẻ và mỗi gia đình đều khác nhau
Một đặc trưng cơ bản trong giáo dục đặc biệt là tính cá thể hoá cao. Ngay
với trẻ bình thường thì mỗi đứa trẻ là một con người riêng biệt. Mỗi trẻ có tiền đề
phát triển khác nhau, có tốc độ phát triển, có khả năng lĩnh hội, có đặc điểm khí
chất… khác nhau. Do vậy không thể có một cách chăm sóc giáo dục giống nhau
cho mọi đứa trẻ, ngay cả đối với trẻ ở cùng một nhóm khuyết tật. Mặt khác, trình
độ hiểu biết của mỗi gia đình khác nhau, mức độ quan tâm đến con cái khác nhau
và mỗi gia đình có hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, do đó chúng ta không thể xây
dựng một chương trình can thiệp sớm cho mọi đối tượng. Can thiệp sớm tập trung
vào nhu cầu của trẻ và gia đình trẻ, mỗi trẻ cần có một chương trình cá nhân riêng,
chương trình này phải được xây dựng trên cơ sở khả năng, nhu cầu của trẻ và phải
phù hợp với quan điểm giáo dục của phụ huynh, nhu cầu và khả năng của gia đình.
III. Ý nghĩa của can thiệp sớm
1. Ý nghĩa đối với trẻ
Can thiệp sớm có thể ngăn ngừa những nhân tố nguy hiểm tới đứa trẻ hay
những nguyên nhân dẫn đến sự chậm phát triển hoặc rối loạn chức năng. Điều này
có thể đạt được bằng cách giúp cho trẻ có được sự kích thích và tác động qua lại
một cách đúng đắn với môi trường xung quanh ở ngay giai đoạn đầu của sự phát
triển của trẻ.
Can thiệp sớm để đồng thời thực hiện chức năng chữa bệnh.
Can thiệp sớm sẽ giảm các ảnh hưởng của những bệnh mãn tính và khuyết
tật chức năng lâu dài. Có thể ngăn cản sự chậm phát triển cũng như các khuyết tật
khác gia tăng.
2. Ý nghĩa đối với cha mẹ
2
Can thiệp sớm là những phương pháp hiệu quả để giúp cha mẹ cư xử với đứa
trẻ khuyết tật của họ. Chương trình can thiệp sớm chủ động lôi cuốn cha mẹ vào
quá trình can thiệp cho trẻ nên họ có thể tự phát hiện ra khả năng và năng lực của
chính mình về khả năng để xử lý, hướng dẫn và điều trị chăm sóc trẻ.
Can thiệp sớm giúp cha mẹ không cần phải căng thẳng về vấn đề tình cảm
của mình, do đó góp phần quan trọng vào quá trình chấp nhận. Can thiệp sớm làm
cho giảm bớt hay loại trừ sự bất lực của nhiều cha mẹ trong việc xử lý các vấn đề
của trẻ, cải thiện mối quan hệ cha mẹ và đứa con, mối quan hệ về mặt tình cảm
được cân bằng hơn và tránh được một số công việc chăm sóc trẻ không cần thiết.
Can thiệp sớm sẽ tránh được việc cha mẹ không cung cấp thông tin. Những
thông tin này liên quan đến:
- Việc chẩn đoán, nguyên nhân khuyết tật và dự đoán tiến triển của bệnh.
- Kiến thức về sự phát triển bình thường và cần phải thúc đẩy sự chậm phát
triển hoặc điều chỉnh sự phát triển không bình thường như thế nào.
- Hệ thống hỗ trợ của xã hội mà họ được hưởng.
3. Ý nghĩa đối với gia đình
Can thiệp sớm có thể tránh cho anh chị em trong gia đình rơi vào tình thế
không thuận lợi dẫn đến kết quả là chính sự phát triển của chúng lại bị cản trở
và một số vấn đề về hành vi có thể nảy sinh. Can thiệp sớm có thể đảm bảo
rằng hệ thống gia đình biết cách tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp
với hoàn cảnh là có một đứa trẻ khuyết tật trong nhà. Can thiệp sớm làm nhẹ
gánh nặng cho gia đình là tạo ra sự giúp đỡ cho gia đình như quan tâm hàng
ngày và các phương tiện khác.
4. Ý nghĩa đối với xã hội
- Can thiệp sớm làm cho xã hội nhận biết được thực tế là còn có những
đứa trẻ bị khuyết tật, chúng cũng là một bộ phận của cộng đồng và có quyền
được giúp đỡ. Can thiệp sớm giúp mở rộng cơ hội cho trẻ em vì chúng học
được qua trường phổ thông một cách có hiệu quả hơn. Chúng có thể không
phải nhờ cậy nhiều vào quỹ công cho khuyết tật hay dựa vào phúc lợi. Khi đứa
trẻ lớn dần lên, cha mẹ không cần hướng dẫn nhiều như trước bởi vì ngay từ
đầu họ đã được hướng dẫn cách thức để họ xử lý những vấn đề của trẻ.
IV. Các giai đoạn của can thiệp sớm
Hầu hết các chương trình can thiệp sớm ở trẻ đều tiến hành theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Phát hiện, chẩn đoán và giới thiệu trẻ vào chương trình.
Giai đoạn 2: Thực hiện chương trình, bao gồm các hoạt động liên quan tới
việc cung cấp các dịch vụ.
3
Giai đoạn 3: Kết thúc, tập trung vào các hệ thống chuyển tiếp cho trẻ từ
chương trình can thiệp sớm tới những can thiệp tiếp theo.
1. Giai đoạn 1
* Phát hiện: là tìm tòi các dấu hiệu và tín hiệu cho thấy sự phát triển của trẻ có
nguy cơ hoặc đang tiến triển một cách không bình thường. Phát hiện bao gồm việc quan
sát các dấu hiệu, tín hiệu nói trên và các chương trình khám sàng lọc. Kết quả không
phải là một sự chẩn đoán, trẻ em được sàng lọc ra để kiểm tra tiếp. Hiện nay ở Việt
Nam, hệ thống dịch vụ khám sàng lọc cho trẻ sơ sinh hoặc chẩn đoán để phát hiện trẻ có
vấn đề hoặc nguy cơ vẫn còn thiếu. Đây là một thiệt thòi lớn cho trẻ khuyết tật. Vì như
ta đã biết, những năm tháng đầu tiên trong cuộc đời có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng
cho sự phát triển. Trẻ bị phát hiện chậm tháng nào trong những năm đầu đời này thì sự
trì hoãn trong sự phát triển chung của trẻ sau này sẽ được tính bằng cấp số nhân.
* Chẩn đoán: bao gồm việc nhận ra một khuyết tật về phát triển cùng
với các nguyên nhân được đặt ra. Việc chẩn đoán được thực hiện theo kết quả
của việc phát hiện các dấu hiệu và tín hiệu cho thấy sự lệch lạc hay có nguy cơ
về mặt phát triển. Phát hiện, chẩn đoán sớm mới có hy vọng điều trị, ngăn chặn
tật và để kịp thời tiến hành phục hồi chức năng.
Trẻ em được phát hiện qua khám sàng lọc được đưa tới các địa chỉ thích
hợp để thực hiện các chẩn đoán toàn diện và sâu hơn. Trước khi tham gia vào
chương trình giáo dục đặc biệt, trẻ em được đánh giá chẩn đoán và đánh giá
toàn diện về các nhu cầu giáo dục của chúng. Mục đích chính của quá trình này
là để xác định trẻ bị khuyết tật như thế nào và nếu có thể cũng xác định phạm
vi, cách thức giáo dục và dịch vụ cần thiết để can thiệp. Quá trình đánh giá đó
phải đa dạng và do nhiều nguồn, phải được kết luận bằng nhóm chuyên gia đa
chức năng. Các thành viên của nhóm này phải đa dạng tuỳ theo đặc điểm riêng
của mỗi trẻ.
2. Giai đoạn 2
Các nhân viên của chương trình dùng các công cụ đánh giá và các quy
trình khác nhau để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ tham gia chương
trình. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân là bước nối tiếp của đánh giá
ban đầu trong chuỗi làm việc liên tục của chương trình can thiệp sớm. Quy trình
thực hiện kế hoạch cá nhân cũng tương tự như tất cả các chương trình can thiệp
sớm. Kế hoạch giáo dục cá nhân là sự xác định rõ mục tiêu giáo dục, biện pháp
thực hiện để đạt được những mục tiêu này.
Một vấn đề khác có trong giai đoạn 2 là sự đánh giá. Nội dung được thông
qua của chương trình tập trung vào trẻ thường đưa ra những kết quả đánh giá rộng.
4
Đánh giá này có hai nội dung chủ yếu: đánh giá để thấy rõ quy trình của trẻ với
mục đích định hướng và đánh giá kết quả trên toàn cầu để xác định tác động của
chương trình (chủ yếu những thay đổi trong chỉ số IQ hay mức độ phát triển).
3. Giai đoạn 3
Đây là giai đoạn chuyển sang môi trường kế tiếp của trẻ, giai đoạn này
thường rất ít khi nhận được sự quan tâm của nhà trường. Tuy nhiên giai đoạn
chuyển tiếp là giai đoạn liên quan đến các chương trình can thiệp sớm. Hơn thế
nữa việc chăm sóc trẻ trong thời gian chuyển tiếp có thể tạo ra sự khác biệt về sự
thành công hay thất bại trong các bước tiếp theo. Phần lớn những chương trình
can thiệp sớm thực hiện quy trình chuyển tiếp không chính thức nhưng cũng có
những chiến lược đáng kể. Những chương trình như thế có thể sẽ có ích trong
việc lập kế hoạch và thực hiện giai đoạn chuyển tiếp với cha mẹ và con cái giữa
các chương trình.
Tóm lại: Can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật là một quá trình bao gồm các giai
đoạn. Các giai đoạn này là: phát hiện (khám sàng lọc), chẩn đoán, các đánh giá ban đầu,
xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, thực hiện theo kế hoạch, đánh giá và chuyển sang
các môi trường tiếp theo. Mặc dù các giai đoạn liệt kê ở đây là theo thứ tự logic, trong
thực tế chúng hoà nhập và đan xen lẫn nhau mà không thể tách biệt rõ rệt. Các giai đoạn
của chương trình can thiệp sớm có thể giống nhau. Tuy nhiên, có những khác biệt rất
lớn trong từng bước chi tiết. Các công cụ, các quy trình đánh giá được sử dụng để xây
dựng chương trình cá nhân, kỹ thuật đánh giá, chất lượng sử dụng nguồn nhân lực, sự
phối hợp các lực lượng… trong mỗi chương trình can thiệp sớm có thể khác nhau.
Câu hỏi ôn tập
1. Khái niệm can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật.
2. Tại sao phải can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật?
3. Công tác can thiệp sớm tại địa phương. Những thuận lợi và khó khăn. Đề
xuất kế hoạch thực hiện để có chương trình can hiệu đạt hiệu quả.
Phần II
CÁC KHUYẾT TẬT THƯỜNG GẶP Ở TRẺ MẦM NON
NGUYÊN NHÂN, CÁCH PHÒNG TRÁNH VÀ CÁC DẤU HIỆU
PHÁT HIỆN SỚM TRẺ KHUYẾT TẬT
5
I. Khái niệm về trẻ khuyết tật và các loại tật
1. Thế nào là trẻ khuyết tật?
Trẻ khuyết tật là những trẻ bị giảm hoặc mất một phần khả năng về nghe,
nhìn, nói, vận động, phát triển trí tuệ hoặc có những cấu tạo và hành vi bất thường
không giống những trẻ bình thường khác.
2. Các loại tật thường gặp ở trẻ Mầm non
- Trẻ có khó khăn về vận động.
- Trẻ có khó khăn về nghe: khiếm thính, điếc.
- Trẻ có khó khăn về nhìn: khiếm thị.
- Trẻ chậm phát triển về trí tuệ và hành vi không thích ứng.
- Trẻ khó khăn về nói và ngôn ngữ.
- Rối loạn tình cảm, không quản lý được hành vi.
- Trẻ tự kỷ.
- Trẻ có khuyết tật khác về sức khỏe.
- Trẻ khiếm thính kết hợp với khiếm thị.
- Trẻ đa tật.
- Trẻ có khó khăn trong học tập.
3. Khái niệm về các loại tật thường gặp
3.1. Tật vận động
Là tật của cơ quan vận động làm ảnh hưởng đến chức năng vận động đi
đứng, ngồi nằm, sờ mó, cầm nắm của cơ thể.
Trường hợp nặng: biểu hiện liệt toàn thân hoặc liệt tay chân, nằm ngồi, đi lại
khó khăn.
Trường hợp nhẹ: bị giảm chức năng vận động của một trong các bộ phận của
cơ thể, đi lại, vận động, cầm nắm khó khăn.
3.2. Tật về thính giác hay còn gọi là khó khăn về nghe: khiếm thính, điếc
Là tật ảnh hưởng đến bộ phận nhạy cảm, truyền dẫn và phân tích âm thanh
của con người. Có nhiều mức độ:
- Mức độ nặng (điếc): trẻ không nghe được tiếng động to như sấm, tiếng trống
cách tai 30-50cm; không nghe được tiếng thét gần tai và không nói được (câm).
- Mức độ nhẹ (nghễnh ngãng): trẻ điếc một tai, không nghe được tiếng nói
bình thường nhưng gọi to cách xa 1m có thể nghe được.
3.3. Tật thị giác - khó khăn về nhìn
Là tật làm ảnh hưởng đến chức năng nhìn của mắt.
Trường hợp nặng: mù cả hai mắt, không phân biệt được sáng tối.
Trường hợp nhẹ hơn: trẻ phân biệt được ánh sáng nhưng không phân biệt được
6
màu sắc, không nhận rõ hình dạng các vật, không đếm được ngón tay khi ở cách xa
30cm, đi lại dò dẫm, dùng tay lần sờ, không đọc được chữ viết bình thường.
Mức độ nhẹ hơn như mắt lác (lé); mắt có sẹo giác mạc che lấp đồng tử ảnh
hưởng đến chức năng nhìn; trẻ bị quáng gà do thiếu Vitamin A; tật sụp mi; tật giảm
thị lực một hoặc hai mắt... Trong những trường hợp này trẻ còn nhìn được vật lờ
mờ, có thể phân biệt được màu, đọc được chữ khi ghé sát mắt.
3.4. Tật thiểu năng trí tuệ hay còn gọi là chậm phát triển trí tuệ
Là tật của hệ thần kinh trung ương làm ảnh hưởng đến chức năng nhận biết
và tư duy.
- Trường hợp nặng: trẻ có khó khăn về nhận thức và hiểu biết nên rất khó
khăn trong học tập. Thường tật này đi kèm với một số dị tật bẩm sinh khác: bại
não, não bé bẩm sinh...
- Trường hợp nhẹ: trẻ nhớ khó khăn, khả năng tư duy kém, tư duy theo lối
trực diện, hay quên, học thường lưu ban do không tiếp thu được bài.
3.5. Tật ngôn ngữ - khó khăn về nói
Là tật gây ảnh hưởng đến khả năng nói của trẻ làm cho trẻ không thể diễn đạt
bằng lời nói về ý muốn của mình hoặc diễn đạt khó khăn do bộ phận phát âm có tật.
- Trường hợp nặng: mất ngôn ngữ, ngôn ngữ bị ảnh hưởng trầm trọng, khó
khăn trong giao tiếp.
- Trường hợp nhẹ: trẻ nói ngọng, nói lắp, diễn đạt khó khăn làm ảnh hưởng
đến khả năng giao tiếp.
3.6. Tật về rối loạn tình cảm, hành vi bất thường
Trẻ có tổn thương não hoặc do cấu trúc gen làm cho trạng thái tâm lý, tình
cảm của trẻ quá hưng phấn hoặc trầm cảm. Nhiều trường hợp trẻ quá hưng phấn có
những hành vi bất thường, đứng, ngồi không yên, không kiểm soát được hành vi và
không thích ứng với môi trường làm cho trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
3.7. Trẻ tự kỷ
Là bệnh thuộc hệ thần kinh trung ương có thể do gen hoặc nguyên nhân khác
chưa được biết. Trẻ mắc bệnh này có biểu hiện rất khác nhau như: thờ ơ, lãnh đạm,
không quan tâm với môi trường xung quanh, không có giao tiếp bằng mắt và sống
trong thế giới riêng của mình, hoặc có những hoạt động vận động tăng động. Trẻ ưa
các hoạt động mạnh như: chạy nhảy, gõ tiếng động; hoạt động theo ý thích của riêng
mình. Trẻ tự kỷ chỉ thích âm nhạc, có trẻ chỉ thích màu đỏ…
3.8. Các tật khác về sức khỏe
Tật động kinh do tổn thương hệ thần kinh, gây co giật toàn thân hoặc một
vài bộ phận; co giật có thể thành cơn theo chu kỳ hoặc không theo chu kỳ.
7
Trẻ bị thiếu hụt một bộ phận nào đó của cơ thể gây ảnh hưởng đến chức
năng các cơ quan của cơ thể.
3.9. Trẻ khiếm thính kết hợp với khiếm thị
Đây là một khuyết tật nặng, trẻ đồng thời thiếu hụt chức năng của hai bộ
phận giác quan quan trọng nghe và nhìn nên trẻ sẽ có khó khăn hơn những trẻ chỉ
bị một loại tật.
3.10. Trẻ đa tật
Khi trẻ có từ hai tật trở lên.
3.11. Trẻ có khó khăn về học
Trẻ có chỉ số IQ thấp hơn mức bình thường và cao hơn mức bình thường đều
có thể đưa đến cho trẻ những khó khăn trong học tập và cuộc sống.
II. Nguyên nhân gây ra khuyết tật
1. Nguyên nhân trong thời kỳ mẹ mang thai
- Mẹ bị mắc một sô bệnh trong 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai do siêu vi
trùng, cúm, sốt phát ban...
- Mẹ dùng thuốc không đúng chỉ định.
- Ngộ độc thai nghén; ngộ độc hóa chất độc hại.
- Mẹ mắc một số bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng trong thời kỳ mang thai:
sốt rét, lao, nhiễm trùng cấp, viêm họng, viêm phế quản...
- Mẹ bị ốm, dinh dưỡng kém.
2. Nguyên nhân trong khi sinh
- Mẹ đẻ khó, phải can thiệp bằng dụng cụ.
- Mẹ chuyển dạ lâu trẻ bị ngạt.
- Mẹ đẻ quá nhanh gây sang chấn cho trẻ trong khi sinh.
- Trẻ ngôi ngược; ngôi ngang sa tay, sa chân.
- Trẻ bị đẻ non, thiếu tháng.
- Trẻ thiếu cân dưới 2500gr.
3. Nguyên nhân sau khi sinh và quá trình nuôi dưỡng
- Trẻ bị vàng da tan máu kéo dài.
- Trẻ bị dị tật bẩm sinh.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng do quá trình nuôi dưỡng: thiếu sữa mẹ, nuôi không
đúng cách, thiếu các vi chất dinh dưỡng...
- Trẻ bị mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính: viêm phế quản cấp, ỉa chảy cấp,
bại liệt, lao, ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm não... gây tổn thương não và các cơ
quan bộ phận.
- Trẻ bị tai nạn:
8