Siêu thị PDFTải ngay đi em, trời tối mất

Thư viện tri thức trực tuyến

Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật

© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Chỉ dẫn lập luận trong văn chính luận hồ chí minh sau cách mạng tháng tám.
PREMIUM
Số trang
125
Kích thước
847.6 KB
Định dạng
PDF
Lượt xem
1401

Chỉ dẫn lập luận trong văn chính luận hồ chí minh sau cách mạng tháng tám.

Nội dung xem thử

Mô tả chi tiết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

LÊ KIỀU DUYÊN

CHỈ DẪN LẬP LUẬN

TRONG VĂN CHÍNH LUẬN HỒ CHÍ MINH

SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Chuyên ngành: Ngôn ngữ học

Mã số: 60.22.01

TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ

KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Đà Nẵng, Năm 2014

Công trình được hoàn thành tại

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. TRƯƠNG THỊ DIỄM

Phản biện 1: PGS.TS. NGUYỄN NGỌC CHINH

Phản biện 2: PGS.TS. HOÀNG TẤT THẮNG

Luận văn được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận văn tốt

nghiệp thạc sỹ Khoa học Xã hội và Nhân văn họp tại Đại học

Đà Nẵng vào ngày 27 tháng 12 năm 2014

Có thể tìm luận văn tại:

- Trung tâm Thông tin - Học liệu, Đại học Đà Nẵng

- Thư viện trường Đại học Sư phạm, Đại hoc Đà Nẵng

1

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong giao tiếp xã hội, con người luôn cần dùng tới lập luận.

Lập luận không chỉ xuất hiện trong lời của các chính trị gia, trong

các văn bản nghị luận mà có mặt ngay cả trong giao tiếp thường

nhật. Lập luận luôn được sử dụng như là một phương thức trao đổi

thông tin: để thanh minh, để giải thích một sự kiện nào đó, để thuyết

phục người khác hay đơn giản chỉ để bác bỏ ý kiến của ai đó.

Trong một lập luận, bên cạnh nội dung miêu tả còn có các dấu

hiệu hình thức mà nhờ chúng, người nghe nhận ra được cái đích của

hành vi lập luận như là một hành động ở lời. Chúng là các dấu hiệu

hình thức giúp người nghe nhận ra được hướng lập luận và đặc tính

lập luận của các luận cứ trong một quan hệ lập luận. Chúng được gọi

chung là chỉ dẫn lập luận.

Gần đây, một số luận văn, khóa luận đã có đề cập đến các chỉ

dẫn lập luận, nhưng chưa có công trình nào tập trung đi sâu miêu tả

thật đầy đủ về các chỉ dẫn lập luận và phân tích giá trị của nó trong

văn chính luận dưới góc nhìn ngữ dụng học.

Vì lý do trên, chúng tôi chọn khảo sát chỉ dẫn lập luận trong văn

chính luận Hồ Chí Minh nhằm góp phần bổ sung và làm rõ thêm tác

động, hiệu lực của chúng trong lập luận. Cụ thể, đề tài luận văn của

chúng tôi là: “Chỉ dẫn lập luận trong văn chính luận Hồ Chí Minh

sau Cách mạng Tháng Tám”.

Chúng tôi chọn văn chính luận để khảo sát bởi lẽ văn chính luận

là thể loại đặc trưng chứa nguồn ngữ liệu phong phú về các kiểu

quan hệ lập luận; chọn các tác phẩm văn chính luận của Hồ Chủ tịch

bởi lẽ nơi đây không chỉ hàm chứa tư duy sắc bén, trí tuệ siêu phàm,

2

lý luận vững chắc mà còn mang đậm những lẽ thường dân tộc để đưa

“lập luận” đến gần với “thuyết phục”.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Thực hiện đề tài này, thông qua việc khảo sát, thống kê, phân

loại, phân tích các hình thức chỉ dẫn lập luận trong các văn bản chính

luận của Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng Tám, chúng tôi muốn

làm rõ bản chất của các dấu hiệu lập luận; tính quy ước của hành vi

lập luận; đánh giá vai trò, sự tác động của chúng trong mỗi cấu trúc

lập luận. Đồng thời, qua đó, chúng tôi muốn góp phần khẳng định tài

sử dụng ngôn ngữ cũng như tầm trí tuệ của vị lãnh tụ kính yêu của

dân tộc Việt Nam.

Triển khai đề tài này, chúng tôi tự đặt ra những nhiệm vụ chủ

yếu cần giải quyết như sau:

- Tổng kết vấn đề lý thuyết liên quan đến lập luận chú trọng đến

lý thuyết về chỉ dẫn lập luận.

- Thống kê các hình thức chỉ dẫn lập luận của các đoạn văn lập

luận trong 30 tác phẩm chính luận của Hồ Chí Minh từ sau Cách

mạng Tháng Tám.

- Miêu tả, phân tích, nhận xét đặc tính của các yếu tố chỉ dẫn lập

luận đó.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các hình thức chỉ dẫn lập

luận trong văn chính luận Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng Tám.

3

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Trong khuôn khổ có hạn, luận văn tập trung nghiên cứu hai hình

thức chỉ dẫn lập luận là tác tử và kết tử lập luận trong 30 tác phẩm

văn chính luận Hồ Chí Minh từ sau Cách mạng Tháng Tám.

4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu

4.1. Nguồn tư liệu

- Tuyển tập văn chính luận của Hồ Chí Minh, Lữ Huy Nguyên

tuyển chọn và giới thiệu, NXB Giáo dục, 1997.

- Hồ Chí Minh toàn tập, từ tập 4 đến tập 12, NXB Chính trị

Quốc gia, Hà Nội, 2009.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Để giải quyết được nhiệm vụ mà đề tài đặt ra, chúng tôi sử dụng

một số phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp thống kê, phân loại;

- Phương pháp phân tích, miêu tả;

- Phương pháp so sánh.

5. Bố cục đề tài

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung chính của luận văn

được triển khai trong 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý thuyết

Chương 2: Tác tử lập luận trong văn chính luận Hồ Chí Minh

sau Cách mạng Tháng Tám

Chương 3: Kết tử lập luận trong văn chính luận Hồ Chí Minh

sau Cách mạng Tháng Tám

4

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

6.1. Vấn đề về chỉ dẫn lập luận

Đỗ Hữu Châu là người đầu tiên đề cập đến chỉ dẫn lập luận.

Trong công trình Đại cương ngôn ngữ học, khi bàn về quan hệ giữa

các luận cứ (p, q) với kết luận (r), ông cho rằng: chúng có hiệu lực

lập luận khác nhau. Giữa các luận cứ có thể có quan hệ đồng hướng

hoặc nghịch hướng. Nhờ có chỉ dẫn lập luận mà người nghe nhận ra

được hướng lập luận và các đặc tính lập luận. Chỉ dẫn lập luận không

chỉ là các từ hư (tác tử, kết tử lập luận) mà ngay nội dung miêu tả, từ

ngữ được dùng (từ thực) để thể hiện nội dung miêu tả và vị trí luận

cứ cũng có giá trị như là các chỉ dẫn lập luận. Theo tác giả, tác tử lập

luận là một yếu tố khi đưa vào nội dung nào đấy thì sẽ làm thay đổi

tiềm năng lập luận của nó, độc lập với thông tin miêu tả. Với việc chỉ

ra tác tử lập luận là những từ hư, những tiểu từ tình thái, Đỗ Hữu

Châu đã gợi mở hướng nghiên cứu mới về ý nghĩa của hư từ trong

tiếng Việt. Về kết tử lập luận, tác giả cũng phân loại theo quan hệ:

đồng hướng, nghịch hướng; theo vị trí: kết tử hai vị trí, kết tử ba vị

trí; theo chức năng: kết tử dẫn nhập luận cứ, kết tử dẫn nhập kết luận.

Tuy nhiên, dưới góc độ một công trình có tính chất đại cương, tác giả

đã không đi sâu vào vấn đề này.

Hoàng Phê, trong công trình Toán tử - Logic tình thái xem chỉ

dẫn lập luận là những toán tử trong logic, tác động đến những đơn vị

thuộc một cấp độ nào đó nhất định để tạo ra những đơn vị mới.

Tác giả Nguyễn Đức Dân bước đầu lý giải rõ ràng hơn về thang

độ và định hướng lập luận của các tác tử “ít/chút ít”, “kia/ thôi”,

“những - chỉ - có”, “mới... đã”, “còn... đã”, “chưa... đã”, “đã...

vẫn”, “đã... còn/vẫn còn”... Tác giả khẳng định, từ hư có vai trò quan

5

trọng trong sự hình thành nghĩa của câu nhưng nghĩa đó độc lập với

thực từ. Theo tác giả, “trong ngôn ngữ tồn tại một lớp từ định hướng

lập luận. Mỗi khi có một từ của lớp này xuất hiện trong câu, người ta

có thể rút ra một kết luận về sự kiện được đề cập trong câu theo hướng

nào đó mà không thể rút ra kết luận theo hướng ngược lại”.

Vấn đề chỉ dẫn lập luận cũng được các luận văn, luận án nghiên

cứu nhưng chủ yếu tập trung khảo sát kết tử lập luận, như: Tìm hiểu

kết tử đồng hướng trong tiếng Việt (Luận văn thạc sĩ, Trần Thị Lan,

1994), Kết tử lập luận “thực ra/thật ra”, “mà” và các quan hệ lập

luận (Luận văn thạc sĩ, Kiều Tuấn, 1996), Hiệu lực lập luận của nội

dung miêu tả, của thực từ và các tác tử “chỉ”, “những”, “đến”

(Luận văn thạc sĩ, Lê Quốc Thái, 1997)...

Ngoài ra, vấn đề này còn được trình bày trong một số bài báo

của tạp chí Ngôn ngữ như: Logic - ngữ nghĩa của từ “mà”, Logic -

ngữ nghĩa của từ “thì” (Nguyễn Đức Dân); Kết tử “vì” trong lập

luận tiếng Việt, Kết tử nghịch hướng “tuy vậy/tuy thế” trong tiếng

Việt (Nguyễn Thị Thu Trang)...

Cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu về chỉ dẫn lập luận

trong thể loại văn chính luận. Tiến hành nghiên cứu đề tài này, chúng

tôi tiếp thu thành quả của các công trình nghiên cứu trên làm cơ sở

cho hướng nghiên cứu của mình.

6.2. Vấn đề về văn chính luận Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là một tác gia lớn để lại cho hậu thế một khối

lượng đồ sộ các tác phẩm thuộc nhiều thể loại, được viết với nhiều

phong cách khác nhau. Hơn ba mươi năm nay, đã có rất nhiều bài

viết, bài bình luận của các nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa, nhà

nghiên cứu trong và ngoài nước bàn về các giá trị tư tưởng, giá trị

6

giáo dục, giá trị nghệ thuật trong các trước tác của Người.

Các tác giả nước ngoài đã đánh giá rất cao khi nhận xét về các

tác phẩm văn chính luận Hồ Chí Minh: “Với lối văn xuôi gọn gàng

và chặt chẽ, trong đó việc tước bỏ những tình tiết rườm rà không cần

thiết cho việc thể hiện đã làm cho bút pháp của Người thêm duyên

dáng và bóng bẩy... Người đã viết tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ

thực dân Pháp và ra tờ báo Người cùng khổ... Các bài báo này đã

cho chúng ta thấy nghệ thuật viết văn bậc thầy của tác giả, và hơn

thế nữa, chúng ta thấy mầm mống của quan điểm chính trị - tư tưởng

luôn nổi lên và hòa quyện với những giá trị thuần văn hóa” (Phêlich

Pita Rodrighetx – Cuba). Hay: “Một đặc điểm của Hồ Chủ tịch là

người trình bày những việc hết sức phức tạp bằng những lời lẽ rất

ngắn gọn, dùng những hình ảnh hết sức trong sáng khiến cho ai cũng

có thể hiểu được” (U. Bơcset - Úc).

Trong “Hồ Chí Minh, Tác gia - Tác phẩm - Nghệ thuật ngôn từ”

đã có rất nhiều bài viết nghiên cứu về văn chính luận Hồ Chí Minh,

trong đó có một số bài liên quan đến lập luận. Đi sâu nghiên cứu

phong cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh trong văn chính luận về cách

dùng từ, đặt câu, về nghệ thuật ngôn ngữ..., các bài viết đó vừa chỉ ra

vừa phân tích những đặc sắc về ngôn ngữ.

Tác giả Nguyễn Phan Cảnh, “bước đầu tìm hiểu ngôn ngữ Hồ

Chí Minh qua những lời kêu gọi” đã chỉ ra “trong cách diễn đạt,

điều trước tiên là các bài viết của Hồ Chủ tịch có một tính logic chặt

chẽ phù hợp với yêu cầu của phong cách chính luận - người viết phải

chú ý trước hết sự trình bày một cách đúng đắn hệ thống luận điểm,

trong trình tự logic, tránh sự phức tạp, chủ yếu là chú ý đến nội

dung. Hồ Chủ tịch đã dùng rộng rãi trong các bài viết của mình các

7

hình thức suy lý diễn dịch, nhất là suy lý tỉnh lược và tam đoạn luận

phức hợp”.

Tác giả Nguyễn Đăng Mạnh đã viết về Tuyên ngôn độc lập:

“Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận - văn chính luận

thuyết phục người ta bằng những lý lẽ, nếu đánh địch thì cũng đánh

bằng những lập luận chặt chẽ, bằng những bằng chứng không ai

chối cãi được. Văn chính luận nếu có dùng đến hình ảnh, có gợi đến

tình cảm thì chẳng qua cũng chỉ để phụ giúp thêm cho sự thuyết phục

bằng lý lẽ mà thôi”.

Tác giả Trần Ngọc Thêm trong “Một vài suy nghĩ về các phương

thức tổ chức trong văn bản ngôn ngữ của Bác” đã khẳng định: trong

các bài viết của Hồ Chí Minh, không có một bài nào không có tính

mục đích. Tác giả đề cập đến một cách lập luận phổ biến trong các

văn bản Hồ Chí Minh: “để nêu bật một vấn đề trọng tâm trong hàng

loạt vấn đề có liên quan với nhau, Bác bao giờ cũng trình bày, sắp

xếp chúng theo kiểu xâu chuỗi. Chỉnh thể trên câu như vậy được gọi

là chỉnh thể với cấu trúc mắt xích: (A->B. B->C. C->D...). Một dạng

cụ thể của mô hình này mà Bác dùng là: “Để (muốn) A thì B. Để

(muốn) B thì C. Để (muốn) C thì D...”.

Tác giả Nguyễn Như Ý khi “thử nghiên cứu phong cách ngôn

ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quan điểm lý thuyết giao tiếp ngôn

ngữ”, có nêu một kiểu lập luận mà Bác đã sử dụng “đoạn lập luận

tăng cấp để diễn đạt logic nhận thức về quá trình thực hiện một

nhiệm vụ hay quá trình tác động lên một đối tượng để đạt mục đích”.

Những công trình này đã đóng góp vào việc phát hiện giá trị to

lớn về di sản ngôn ngữ Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vấn đề về chỉ dẫn

lập luận trong văn chính luận chưa được tập trung nghiên cứu trong

8

công trình cụ thể nào. Trong luận văn này, kế thừa thành quả của

người đi trước, chúng tôi tìm hiểu chỉ dẫn lập luận (kết tử và tác tử

lập luận) trong văn chính luận của Bác sau Cách mạng Tháng Tám.

7. Đóng góp của luận văn

Luận văn có những đóng góp sau:

- Giới thiệu và phân tích các hình thức chỉ dẫn lập luận trong

văn chính luận của Hồ Chí Minh.

- Qua khảo sát, phân loại, phân tích, miêu tả chỉ dẫn lập luận

trong văn chính luận Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng Tám, luận

văn sẽ góp phần chỉ ra hiệu quả của việc sử dụng các yếu tố (hư từ,

trợ từ, quan hệ từ...) để thay đổi hiệu lực lập luận.

- Luận văn có thể là tài liệu tham khảo có ích cho việc giảng dạy

bộ môn Ngữ dụng học, Tiếng Việt thực hành, Tập làm văn... trong

nhà trường.

- Đối với công việc hiện tại, việc thực hiện luận văn sẽ giúp

người viết nâng cao khả năng vận dụng chỉ dẫn lập luận trong xây

dựng văn bản hành chính thuộc lĩnh vực chuyên môn được giao.

CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

1.1. LÝ THUYẾT LẬP LUẬN

1.1.1. Khái niệm lập luận

Lập luận (argumentation) là đưa ra những lý lẽ (luận cứ) nhằm

dẫn dắt người nghe đến một kết luận hay chấp nhận một kết luận nào

đấy mà người nói muốn đạt tới.

9

1.1.2. Vị trí và sự hiện diện của luận cứ, kết luận

a) Trong một lập luận, kết luận (r) có thể đứng ở đầu, ở giữa

hoặc cuối các luận cứ.

b) Các thành phần của luận cứ, kết luận có thể hiện diện

tường minh hoặc hàm ẩn.

1.1.3. Phân biệt lập luận, miêu tả, logic và thuyết phục

a) Lập luận và miêu tả

b) Lập luận và chứng minh suy diễn logic

c) Lập luận và thuyết phục

1.1.4. Đặc tính của quan hệ lập luận

a) Quan hệ định hướng lập luận

Giữa các luận cứ có quan hệ định hướng lập luận, có nghĩa là p

và q được đưa ra để hướng tới một r nào đấy. Có hai quan hệ:

a1) Quan hệ đồng hướng lập luận khi các luận cứ đều đưa đến

một kết luận chung.

a2) Quan hệ nghịch hướng lập luận khi luận cứ này hướng đến

kết luận còn luận cứ kia phủ định kết luận đó.

a3) Hướng lập luận (kết luận) là do luận cứ có hiệu lực mạnh

nhất quyết định.

b) Chỉ dẫn lập luận

b1) Tác tử lập luận

Tác tử lập luận là những yếu tố tác động vào một phát ngôn sẽ

tạo ra một định hướng nghĩa làm thay đổi tiềm năng lập luận của

phát ngôn.

b2) Kết tử lập luận

“Kết tử lập luận là những yếu tố (như các liên từ đẳng lập, liên

10

từ phụ thuộc, các trạng từ và các trạng ngữ...) phối hợp hai hay một

số phát ngôn thành một lập luận duy nhất”. Nhờ kết tử lập luận mà

các phát ngôn trở thành luận cứ hay kết luận.

b3) Các dấu hiệu giá trị học

Các phương tiện được dùng làm dấu hiệu giá trị học: Các yếu tố

của hiện thực được lựa chọn thành nội dung miêu tả; cách sắp xếp, tổ

chức nội dung thông tin cũng có giá trị lập luận; các thực từ được

dùng để miêu tả có giá trị lập luận.

1.1.5. Lẽ thường, cơ sở của lập luận

Lẽ thường là những chân lý thông thường có tính chất kinh

nghiệm, không có tính tất yếu bắt buộc như các tiền đề logic, mang

đặc thù của địa phương hay dân tộc, có tính khái quát mà nhờ chúng,

ta có thể xây dựng những lập luận riêng. Các lẽ thường giúp ta lý giải

được vai trò của tác tử và kết tử. Lẽ thường cho chúng ta biết được

dùng tác tử nào ở phát ngôn luận cứ cho phù hợp với phát ngôn kết

luận mà chúng ta muốn dẫn người nghe đến.

1.1.6. Vai trò của lập luận

Lập luận là một chiến lược hội thoại nhằm dẫn dắt người nghe,

người đọc đến một kết luận mà người nói, người viết có định hướng,

có chủ đích nêu ra. Nó là một trong những nhân tố quan trọng của

thuyết phục (nhân tố lý lẽ). Lập luận thường vận động trong diễn

ngôn để dẫn đến kết luận cuối cùng, đích của toàn bộ diễn ngôn. Lập

luận có vận động thì mới đi tới kết luận cuối cùng.

1.2. VẤN ĐỀ PHÂN ĐOẠN VĂN BẢN THÀNH CÁC ĐOẠN VĂN LẬP LUẬN

1.2.1. Khái niệm “đoạn văn”

Có thể hiểu: đoạn văn là một bộ phận của văn bản do câu tạo

Tải ngay đi em, còn do dự, trời tối mất!