Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Bút pháp hiện thực nghịch dị của oe qua tiểu thuyết “một nỗi đau riêng".
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------
NGUYỄN THỊ HỒNG GIANG
Bút pháp hiện thực nghịch dị của Oe qua tiểu
thuyết “Một nỗi đau riêng
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ánh sáng tinh khiết của vầng thái dương, vẻ đẹp kiêu sa của hoa anh đào
cùng sự hùng vĩ, nên thơ của đỉnh Fuji nghìn năm tuyết phủ đã khiến Nhật Bản trở
thành mảnh đất thiên đường từ hàng ngàn năm về trước. Nhưng đến thế kỉ XX
người ta mới bàng hoàng nhận ra tất cả chỉ còn là quá khứ. Sự tàn phá của thiên tai
cùng với hậu quả khủng khiếp của chiến tranh đã in hằn lên “khuôn mặt” Nhật Bản
những “vết rạn nứt” không thể xóa nhòa.
Cuộc sống khắc nghiệt và bức bối của thời hậu chiến đã bao trùm lên và thít
chặt lấy số phận những người dân Nhật Bản trong sự cô đơn, bế tắc, tuyệt vọng.
Tuy nhiên, cuộc sống đó lại là mảnh đất màu mỡ cho văn học tỏa sáng, và trong đó
mỗi nhà văn là một tấm gương đa sắc phản chiếu xã hội. Nếu Akutagawa
Ryunosuke - nhà văn nổi bật nhất trong mười lăm năm thời đại Taisho, chủ trương
không chạy theo đề tài phương Tây mà trở về với gốc truyện truyền thống nhưng
hiện đại hóa trong phân tích tâm lí, miêu tả khách quan, pha trộn giữa hiện thực và
huyền ảo; Kawabata Yasunari - chiếc cầu nối tài hoa cho sự gặp gỡ của cảm thức
Đông Tây, miệt mài đi tìm những nét tinh tế và sâu sắc bên trong vẻ đẹp truyền
thống Nhật Bản thì Oe Kenzaburo - người sinh ra bởi tính đa nghĩa của Nhật Bản
lại bị cuốn theo một dòng chảy khác - dòng chảy hiện đại. Tính hiện thực, chất nhân
văn thấm đẫm trong từng trang viết của Oe đã tạo nên những áng văn tuyệt tác tiêu
biểu cho chủ nghĩa hiện thực Nhật Bản thế kỉ XX, trong đó nổi bật hơn cả là cuốn
tiểu thuyết Một nỗi đau riêng.
Với Một nỗi đau riêng Oe đã “sáng tạo ra một thế giới tưởng tượng(…)miêu
tả tình trạng đau đớn trong khổ cảnh của con người hiện đại bằng sự liên kết những
ngụ ngôn và sinh hoạt hiện thực(…)đã miêu tả thành công quan hệ của con người
trong một thế giới hỗn độn, một thế giới mà ở đó tri thức, tình cảm, giấc mơ, dã
tâm, thái độ,… hòa quyện với nhau một cách kì diệu”[7]. Ngòi bút hiện thực mang
màu sắc dị nghịch của Oe đã luồn lách, khám phá để chạm tới ranh giới của nỗi đau
và tình thương, của tội lỗi và hận thù, từ đó khơi dậy tình yêu và lòng vị tha trong
tâm hồn nhân loại.
Vì vậy, nghiên cứu về Bút pháp hiện thực nghịch dị của Oe qua tiểu thuyết
“Một nỗi đau riêng” chúng tôi không chỉ muốn đưa đến cho bạn đọc một cái nhìn
toàn diện và sâu sắc hơn về hiện thực xã hội Nhật Bản và bi kịch cuộc sống của
nhân dân Nhật Bản sau thảm họa chiến tranh mà chúng tôi còn muốn khẳng định về
tài năng, phong cách và tấm lòng của nhà văn lớn Oe Kenzaburo.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Bám chặt rễ vào mạch nguồn văn hóa phương Đông truyền thống, hấp thụ
một cách tinh tế và sáng tạo những giá trị của tư duy Trung Hoa, kết hợp với văn
hóa bản địa độc đáo, văn học Nhật Bản trong suốt chiều dài định hình và phát triển
đã kết tinh được nhiều thành tựu đặc sắc. Nền văn học xứ sở Phù Tang từ lâu đã trở
thành mảnh đất huyền bí thu hút giới nghiên cứu, phê bình. Công trình nghiên cứu
về văn học Nhật Bản vì vậy rất đa dạng và phong phú, nhưng vấn đề “nóng” nhất
đối với giới nghiên cứu hiện nay có lẽ là dòng văn học hiện đại - viết về hiện thực
Nhật Bản thời kì hậu chiến tranh. Với sự xuất hiện của hàng loạt cây bút tài năng,
có phong cách riêng độc đáo như Oe Kenzaburo, Abe Kobo, Mitshima Yukio,
Noshaka Akiyuki, Inowe Yashushi, Wantanabe Dzunichi,… văn chương Nhật Bản
trở nên mới lạ hơn, hiện thực Nhật Bản được phản ánh trong văn học tinh tế, sắc nét
hơn. Theo đó, người đọc đã tìm thấy nhiều mảng sáng, tối trong đời sống và xã hội
Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung mà văn học truyền thống chưa hề đào xới. Vì
thế, đây là mạch nguồn không hề vơi cạn, là trường lực hấp dẫn các nhà nghiên cứu,
phê bình.
Oe là nhà văn hiện đại thật sự đầu tiên của nền văn học Phù Tang. Sinh năm
1935, Oe thuộc lớp những nhà văn thời hậu chiến của một nước Nhật mang trong
mình nhiều vết thương, nhiều kí ức cay đắng. Với nghệ thuật cô đúc thực tại và
huyền thoại “sáng tạo nên một bức tranh về thế giới đảo điên của con người”, văn
chương Oe đã giành được nhiều giải thưởng văn học uy tín và danh giá như giải
Akutagawa, Tanizaki, Shicho và giải Nobel năm 1994. Vì vậy, cuộc đời và văn
phẩm của Oe là đề tài có sức hấp dẫn với nhiều độc giả, nhiều nhà nghiên cứu trong
và ngoài nước Nhật. Riêng ở Việt Nam, các tác phẩm của Oe đã được đông đảo bạn
đọc đón nhận. Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt trong đó có tiểu
thuyết Một nỗi đau riêng. Viết về Oe cũng như về tiểu thuyết Một nỗi đau riêng, ta
có thể kể một số công trình và bài viết sau:
Trong cuốn Nhật Bản - Đất nước, con người, văn học, hai tác giả Ngô Minh
Thủy và Ngô Tự Lập đã giới thiệu với bạn đọc về nền văn hóa đặc sắc, giàu truyền
thống của Nhật Bản. Bên cạnh đó, cuốn sách còn giới thiệu khái quát về lịch sử văn
học Nhật Bản, trong đó, các tác giả cho rằng người Nhật nên tự hào về hai nhà văn
đạt giải Nobel là Kawabata Yasunari và Oe Kenzaburo. Những nhận xét về nhà văn
Oe: “ông đại diện cho dòng văn học hậu chiến(…)chịu ảnh hưởng của Jean - Paul
Sartre và Henry Miller, ông tạo cho mình một văn phong riêng độc đáo, trở thành
nhà văn Nhật hàng đầu thời hậu chiến”[17, tr.120] của hai tác giả đã góp phần
khẳng định phong cách riêng và chỗ đứng của Oe trong nền văn học hiện đại Nhật
Bản.
Với bài viết Trong cánh rừng sâu thẳm của hồn người, tác giả Maya Jaggi đã
đưa đến cái nhìn tổng quát và nhất quán về cuộc đời, con người, tác phẩm và niềm
tin của Oe. Viết về cuộc đời Oe, tác giả nhấn mạnh: “mối ràng buộc giữa Oe và con
trai của ông - Hikari kéo dài hơn ba mươi năm, đã gợi hứng cho Oe viết một chuỗi
những tác phẩm tiểu thuyết vô song mà nhân vật chính là người cha có những đứa
con bị tổn thương não”. Viết về tiểu thuyết Một nỗi đau riêng, tác giả nhận xét rằng:
“mối liên hệ giả tưởng mà ông nối kết giữa đứa con tật nguyền với những nạn nhân
chịu hệ lụy của thảm họa hạt nhân đã hình thành nên một tác phẩm mang cho ông
tầm ảnh hưởng quốc tế. Đó là Một nỗi đau riêng. Nathan, người dịch cuốn tiểu
thuyết cũng nhận thấy một nguồn năng lượng diệu kỳ, mạnh mẽ và làm ta choáng
ngợp trong tác phẩm này”[20].
Cuốn luận văn Con người tha hóa trong tiểu thuyết “Một nỗi đau riêng” của
Oe Kenzaburo của tác giả Ôn Thị Mỹ Linh là một trong số ít những công trình tiếng
Việt có giá trị nghiên cứu về cuộc đời nhà văn Oe và tiểu thuyết Một nỗi đau riêng.
Qua công trình này, tác giả đã đưa đến cho chúng ta một cái nhìn khá toàn diện và
mới mẻ về những nguồn ảnh hưởng và quan niệm sáng tạo nghệ thuật của Oe. Tác
giả chỉ ra rằng, không chỉ môi trường giáo dục, truyền thống văn chương gia đình,
tư tưởng của các bậc thầy Đông - Tây như: Mark Twain, Selma Lagerlof, Kazuo
Wantanabe, Francois Rabelais, Jean - Paul Sartre,…là những yếu tố ảnh hưởng trực
tiếp và góp phần hình thành nên phong cách riêng cho Oe, mà nước Nhật của thời
hậu chiến tranh, nước Nhật của sự nhập nhằng, tính đa nghĩa cũng là những yếu tố
ảnh hưởng sâu sắc đến văn phong và tư tưởng nghệ thuật của Oe. Cũng qua công
trình này, tác giả khẳng định trong tiểu thuyết Một nỗi đau riêng của Oe, vấn đề
“con người tha hóa” là vấn đề cốt lõi và xuyên suốt, từ đó tác giả đã đi sâu phân tích
biểu hiện của con người tha hóa trong tác phẩm qua nhiều phương diện. “Tha hóa
trong tiểu thuyết Một nỗi đau riêng không chỉ biểu hiện qua những biến dạng của
không gian, thời gian, ngoại hình nhân vật mà còn biểu hiện trong sự biến dạng của
tâm hồn nhân vật. Nhân vật của Oe chơi vơi trong nỗi ám ảnh, sợ hãi, chết chóc,
chìm đắm trong tâm trạng cô đơn, bất lực, không tìm thấy một lối thoát cho sự hiện
hữu của mình trong cuộc đời. Tâm thế bất ổn, hoài nghi, lo âu, sợ hãi với những ám
ảnh chiến tranh chết chóc là tâm trạng điển hình của con người thế kỉ XX, sau rất
nhiều những cú sốc kinh hoàng của chiến tranh, của bom nguyên tử, của sự mất cân
bằng trong xã hội kĩ trị khi kinh tế phát triển quá nhanh”[13, tr.111].
Bài viết Nhà văn Oe Kenzaburo: Tái sinh cùng “Một nỗi đau riêng” của tác
giả Mai Hiền cũng có những nhận xét khá sắc sảo về con người, cuộc đời nhà văn
Oe và tiểu thuyết Một nỗi đau riêng. Trong bài viết tác giả đã trích dẫn diễn văn của
Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc trong lễ trao giải Nobel 1994: “ông là người cùng với
quyền năng của thi ca, đã sáng tạo ra một thế giới mộng tưởng, nơi cuộc sống và
huyền thoại thẫm đặc lại, tạo nên một bức tranh gây bối rối cho những xác tín của
con người hôm nay(…)Ông được biết đến như một nhà văn, một niềm tự hào của
người đã chết, trên thế giới ông sáng chói, và là người theo chủ nghĩa hoà bình” để
khái quát về văn phong, tư tưởng và vị trí của Oe trong nền văn học Nhật Bản hiện
đại. Viết về tiểu thuyết Một nỗi đau riêng, tác giả nhận định: “Cái tầm của Một nỗi
đau riêng là ở chỗ, Kenzaburo Oe đã viết về thảm kịch Hiroshima theo một cách rất
riêng. Đó là cái cách ông gắn hành trình tái sinh của đứa trẻ bị bại não với quá trình
hồi sinh của dân tộc Nhật Bản sau thảm họa thất trận năm 1945”[7].
Những cây bút kiệt xuất trong văn học Nhật Bản hiện đại của tác giả Nguyễn
Tuấn Khanh là một trong những công trình có giá trị nghiên cứu về nền văn học
Nhật Bản hiện đại. Trong cuốn sách này, tác giả đã giới thiệu một cách khái quát về
cuộc đời, sự nghiệp, những tác phẩm nổi tiếng và đóng góp của chín cây bút kiệt
xuất trong nền văn học Nhật Bản hiện đại mà Oe Kenzaburo là cây bút thứ tám. Oe
được đánh giá “là nhà văn Nhật Bản thứ hai được nhận giải thưởng Nobel Văn học
cao quý, bởi tài năng thu hút độc giả vào một cuộc đối thoại đầy sức khơi gợi về
thân phận con người và là một trong những tiếng nói tha thiết, sôi nổi nhất của
lương tâm trước truyền thống văn hóa của đất nước. Mặc dù tiếp thu nhuần nhuyễn
các di sản văn hóa và trí tuệ của thế giới phương Tây, các tác phẩm của ông vẫn
xem xét một cách kỹ lưỡng những mối quan hệ sống còn giữa các nhân với thể chế
chính trị xã hội bằng một văn phong thấm nhuần sức mạnh tưởng tượng của truyền
thống dân gian và vỡ òa ra với một năng lượng dữ dội của chủ nghĩa hiện thực dị
nghịch Bakhtinian”[12, tr.391].
Cuốn Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản của tác giả Nguyễn Nam Trân đã
dành những trang gần cuối cho Oe Kenzaburo, khẳng định tài năng của Oe và vị trí
không thể thay thế của ông trong lịch sử văn học hiện đại Nhật Bản. Sau khi giới
thiệu chung về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của nhà văn Oe, tác giả đã có những
dòng so sánh Oe với Mitshima Yukio để thấy được phong cách riêng biệt, độc đáo
của mỗi nhà văn trong dòng chảy văn học hiện đại: “Có thể xem Mitshima Yukio và
Oe Kenzaburo là hai nhà văn lớn của Nhật Bản, là hai khuôn mặt của Janus trong
thần thoại Hi Lạp hoặc hoa cúc và lưỡi liềm - hai hình ảnh biểu tượng cho sự trái
ngược nằm trong lòng văn hóa Nhật Bản(…)Hai ông tượng trưng cho hai phong
cách văn chương đối chọi nhau, hai nhân sinh gần như đối lập: Mitshima thần bí,
Oe khai phóng; Mitshima bảo thủ, Oe cấp tiến; Mitshima xem Nhật Bản như một
thần quốc, Oe mơ về cái làng vũ trụ trong đó người Nhật Bản chỉ là thành viên;
Mitshima ngưỡng mộ vẻ đẹp thân xác(…)Oe trân trọng con người ngay cả khi họ
yếu kém hay mang khuyết tật”[18, tr.622].
Oe Kenzaburo và nỗi đau nhân loại trong một nỗi đau riêng - Bài viết của
tác giả Đào Thị Thu Hằng bên cạnh những dòng khái quát về cuộc đời nhà văn Oe
đã phân tích khá sâu một vài nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của tiểu thuyết Một
nỗi đau riêng. Trong bài viết, tác giả nhận định rằng với việc xây dựng một không
gian, thời gian mang tính kịch, cách kể đặc biệt của văn phong dòng ý thức, tính
chất tự thuật với sự đan cài ngôi kể nhà văn Oe đã lột tả được tận cùng bi kịch của
một người cha trong việc lựa chọn đối mặt hay chạy trốn khỏi đứa con tật nguyền.
Thế giới nhân vật trong tác phẩm cũng đồng thời được khắc họa sinh động nhưng
méo mó, dị hình: nhân vật luôn thường trực tâm trạng cô đơn, lâm vào trạng thái
thất vọng và mất phương hướng trong cuộc sống,…Nhưng trong thế giới đó tác giả
bộc lộ một niềm tin rằng ước vọng cao đẹp và lòng nhân ái của con người luôn
chiến thắng: “Một nỗi đau riêng đã được nhạc sĩ thiên tài Oe Kenzaburo soạn thành
một bản bi ca ca ngợi con người. Câu chuyện thương tâm về người cha với đứa con
dị tật vì thế không còn là vấn đề cá nhân nữa mà trở thành vấn đề nhân loại và nỗi
đau riêng sẽ được chia sẻ bởi tiếng đồng vọng từ mọi kiếp người”[6].
Nhìn chung, do hạn chế về ngoại ngữ nên những tư liệu tiếng nước ngoài về
tác giả Oe Kenzaburo và tiểu thuyết Một nỗi đau riêng chúng tôi không có điều kiện
để tiếp cận. Những tư liệu tiếng Việt tuy không nhiều và chỉ dừng lại ở phương diện
khái quát, nhưng đã giúp chúng tôi nắm bắt được phần nào về đời tư, sự nghiệp
sáng tác của nhà văn Oe. Một số công trình đã chỉ ra được phong cách nghệ thuật
của nhà văn vĩ đại này. Một số công trình khác đã đi vào khám phá tư tưởng cũng
như nghệ thuật của tiểu thuyết Một nỗi đau riêng. Và rất nhiều tác giả chú ý đến sự