Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Bút pháp lãng mạn và hiện thực trong truyện ngắn của macxim gorky.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------
NGUYỄN THỊ HIỀN
Bút pháp lãng mạn và hiện thực trong truyện
ngắn của Macxim Gorky
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
2
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong lịch sử văn học Nga và Xô Viết văn hào Macxim Gorky có một
vị trí đặc biệt. Ông là người khai sinh và đồng thời là bậc thầy của nền văn
học Xô Viết. Với toàn bộ sáng tác của Gorky, văn học Nga trở thành ngọn cờ
đầu của nền văn học thế giới đương đại trong công cuộc thức tỉnh và đấu tranh
giải phóng nhân loại cần lao khỏi ách thống trị của chủ nghĩa tư bản. Gorky
sáng tác và thành công trên nhiều thể loại như truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết,
tự thuật, bút ký, chân dung văn học với những tác phẩm tiêu biểu như Macar
Trudra (truyện ngắn), Bà lão Izerghin (truyện ngắn), Dưới đáy (kịch), Người
mẹ (tiểu thuyết), Trên khắp liên bang Xô Viết (kí), L. Tonxtoi (chân dung văn
học)… Trong số đó truyện ngắn của ông thực sự để lại cho người đọc những
ấn tượng khó phai bởi giá trị nhân văn sâu sắc và những thủ pháp nghệ thuật
đặc sắc. Văn hào đã kết hợp cả hai bút pháp hiện thực và lãng mạn để làm bật
lên những phẩm chất tốt đẹp của con người cùng khổ trong xã hội Nga đương
thời. Viết những tác phẩm lãng mạn, Gorky đã kế thừa truyền thống của
những cây viết đại thụ trước đó như Puskin, Lermontop… Nhân vật trong các
truyện ngắn của Gorky là những con người tràn đầy ý chí tự do, bất khuất,
chiến đấu và chiến thắng. Nhưng cảm hứng trữ tình toát ra từ những tác phẩm
lãng mạn của Gorky không phải đưa con người rời xa thực tại xã hội, mà trái
lại, gợi mở cho độc giả suy nghĩ sâu xa vào những vấn đề xã hội – chính trị
của nước Nga đương thời. Và những vấn đề xã hội – chính trị ấy lại được
Gorky thể hiện thông qua những trang miêu tả về diện mạo và cũng từ ý thức
3
của quần chúng nhân dân Nga lao khổ. Macxim Gorky là nhà văn đã quen
thuộc với nhiều độc giả khi còn học trong trường phổ thông với tác phẩm Một
con người ra đời và Thời thơ ấu (trích dẫn). Với lối viết đậm chất triết lý dân
gian, gần gũi với đông đảo bộ phận những người dân nghèo, Macxim Gorky
đã trở thành “nhà văn của những người chân đất”, của những kẻ khốn cùng
dưới đáy xã hội. Việc nghiên cứu đề tài “Bút pháp lãng mạn và hiện thực
trong truyện ngắn của Macxim Gorky” giúp chúng tôi hiểu rõ hơn những
điểm nổi bật của truyện ngắn Gorky, đồng thời thấy rõ những đóng góp của
đại văn hào cho nền văn học Nga thế kỷ XX.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Có thể nói trong hầu hết các truyện ngắn của mình, Macxim Gorky đã
chủ yếu sử dụng hai bút pháp là bút pháp lãng mạn và bút pháp hiện thực. Đã
có nhiều bài viết, công trình đề cập về vấn đề này nhưng các tác giả mới chỉ
dừng lại ở mức độ bao quát, giới thiệu, chưa đi sâu vào tìm hiểu cụ thể. Đó là
những cơ sở, những tài liệu rất quý báu giúp chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu
đề tài này. Có thể kể đến một số ý kiến tiêu biểu của các tác giả như
Korolenko, Đỗ Xuân Hà, Lưu Đức Trung, Phùng Hoài Ngọc, Từ Đức Trịnh,
nhóm tác giả Nguyễn Kim Đính, Hoàng Ngọc Hiến, Huy Liên…
Ngay từ khi mới ra đời truyện ngắn của Macxim Gorky đã làm xôn xao
dư luận và được đón nhận như một hiện tượng lạ, một tín hiệu mới “dự báo
điều lành trong bầu trời ảm đạm của văn học Nga hồi ấy”. Nhà văn Nga nổi
tiếng, đồng thời là bạn vong niên, là người thầy học đầu tiên của Macxim
Gorky là Korolenko (1853 – 1921) đọc những trang truyện này đã nhận xét:
“Truyện của anh là lạ thế nào ấy! Đây là chủ nghĩa lãng mạn mà chủ nghĩa
lãng mạn thì đã chết từ lâu rồi. Anh là nhà văn hiện thực chứ không phải lãng
mạn, anh là nhà văn hiện thực. Nhưng rồi sau khi đọc truyện Tsencas ông
4
cũng rất khen và nói: Anh biết xây dựng tính cách cho nhân vật của anh, nói
năng hành động là do chính bản thân. Tôi đã nói rằng anh là nhà văn hiện thực
mà. Nhưng suy nghĩ một lát ông nói thêm – nhưng đồng thời cũng là một nhà
văn lãng mạn” [9, tr. 57].
Tác giả Phùng Hoài Ngọc khi giới thiệu về Macxim Gorky đã lý giải vì
sao trong những năm cuối thế kỷ XIX, văn học Nga đã đi sâu vào nghệ thuật
hiện thực, bỏ lại xu hướng văn học lãng mạn ở đầu thế kỷ mà giờ đây Gorky
lại khơi dậy? Đó là do yếu tố lãng mạn của Gorky thực chất là một lý tưởng
cách mạng vừa ra đời, tuy còn trừu tượng nhưng đặc biệt mạnh mẽ.
Tác giả Từ Đức Trịnh cũng có cùng tư tưởng khi nhận định rằng trong
truyện ngắn thời kỳ đầu Gorky sử dụng cả hai bút pháp lãng mạn và hiện thực,
nhưng cảm hứng chung vẫn là lãng mạn anh hùng. Nhờ đó mà sức khái quát
nghệ thuật trong truyện của nhà văn đạt đến độ chính xác sâu sắc và chân thực
hơn, con người và cuộc sống hiện lên một tầm vóc cao lớn hơn.
Gorky đã kế thừa truyền thống lãng mạn tiến bộ của những nhà văn
Nga nổi tiếng từ trước đó, đặc biệt là Puskin. Ngay từ nhỏ nhà văn tương lai
cũng đã từng say mê hình tượng những nhân vật lãng mạn, sôi động, chan
chứa khát vọng tự do trong sáng tác của Bairon, Sile, đặc biệt tiếp thu một
cách sâu sắc sự bất khuất, luôn vươn dậy mãnh liệt của nhân dân biểu hiện
trong những câu chuyện dân gian Nga. Và nhà văn đã gắn liền cảm hứng trữ
tình lãng mạn của mình với những truyền thống tốt đẹp tiềm tàng trong nhân
dân lao động. Cảm hứng trữ tình toát ra từ những tác phẩm lãng mạn của
Gorky không phải để con người hoài nghi với thực tại, chìm vào trong ảo
tưởng viển vông mà trái lại đang khích lệ tinh thần của người dân Nga, khơi
dậy sức mạnh còn đang tiềm tàng trong bản thân họ, vực họ dậy đấu tranh với
thực tại nghiệt ngã. Còn trong những tác phẩm hiện thực thời kỳ đầu của
5
Gorky có thể thấy nhà văn vừa tập trung phê phán, đả kích cái thế giới trưởng
giả đang phè phỡn trên xương máu của nhân dân lao động, đồng thời miêu tả
cuộc sống của nhân dân, của những người cùng cực trong xã hội. Gorky miêu
tả nhân dân không phải từ bề ngoài để quan sát, đồng cảm, mà chính từ ý thức
của nhân dân để nhìn nhận, đánh giá xã hội và con người. Đó là những quan
điểm của nhóm tác giả Nguyễn Kim Đính, Hoàng Ngọc Hiến, Huy Liên được
thể hiện trong cuốn Lịch sử văn học Xô Viết (tập I, quyển I), nhà xuất bản Đại
học và Trung học chuyên nghiệp, năm 1982.
Tác giả Đỗ Xuân Hà trong Tuyển tập truyện ngắn của Macxim Gorky
cũng khẳng định rằng chủ nghĩa lãng mạn của Gorky được biểu hiện ở thái độ
tích cực của quần chúng đang thức tỉnh, muốn cải tạo lại hiện thực. Trong
những tác phẩm lãng mạn của mình, Gorky không có ý muốn vẽ ra cho người
ta một cuộc sống xa lạ để lãng quên cuộc sống đang có, mà muốn phát hiện ra
và phóng đại lên những khả năng hiện có trong con người nhưng đang còn bị
những điều tầm thường, nhỏ mọn của cuộc đời che khuất. Bên cạnh đó, nhà
văn đồng thời sáng tác cả hai mảng truyện ngắn hiện thực và truyện ngắn lãng
mạn nên không thể không có sự tác động qua lại giữa hai hình thức phản ánh
cuộc sống, sự xâm nhập của bút pháp lãng mạn vào các tác phẩm hiện thực và
ngược lại.
Như vậy, thông qua một số ý kiến của các nhà nghiên cứu, có thể đi đến
thống nhất những đặc điểm của nghệ thuật viết truyện ngắn của Gorky như:
nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, luôn hướng đến các hình tượng nhân
vật có nhân cách lớn, bản lĩnh lớn giàu tính lãng mạn anh hùng; khắc họa sinh
động thế giới nhân vật những đám người lang thang xin ăn, những kẻ chân đất
khốn cùng và phương pháp sáng tác của nhà văn vừa mới mẻ, vừa hiện thực,
vừa lãng mạn.
6
Có thể nói Macxim Gorky là một tài năng độc đáo, là một nhà văn kiểu
mới của một thời đại mới. Nếu như năm 1897 trên báo chí chỉ có 10 bài phê
bình nói về các tác phẩm của ông thì đến năm 1899 đã có 45 bài, năm 1900 có
160 bài, năm 1901 con số ấy lên tới gần 300, và ngày nay có lẽ là gấp nhiều
lần như thế nữa. Vinh quang của Gorky đã nhanh chóng vượt qua biên giới
của tổ quốc mình, sang Tây Âu và ngày nay là trên toàn thế giới. Tên tuổi của
ông được đặt ngang hàng với những tên tuổi chói lọi nhất của văn học hiện
thực Nga như L.Tonxtoi, Tsekhov…
Trên đây là một số công trình, bài viết đề cập đến bút pháp lãng mạn và
hiện thực trong truyện ngắn của Macxim Gorky. Tuy chỉ dừng lại ở mức độ đề
cập vấn đề nhưng dù sao đây cũng là những nguồn tài liệu rất quý báu giúp
chúng tôi hoàn thiện, làm sáng tỏ đề tài này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: những biểu hiện của bút pháp lãng mạn và hiện
thực trong truyện ngắn của Macxim Gorky như nghệ thuật xây dựng hình
tượng nhân vật mang nhân cách lớn, chất trữ tình trong miêu tả thiên nhiên…
Phạm vi nghiên cứu: những truyện ngắn tiêu biểu được in trong tập
Tuyển tập truyện ngắn Macxim Gorky do Cao Xuân Hạo, Phạm Mạnh Hùng,
Hoàng Cơ, Nguyễn Thụy Ứng, Đỗ Quyên, Hoàng Ngọc Hiến dịch, Nhà xuất
bản Lao động ấn hành năm 2007.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp chủ yếu
sau:
Phương pháp hệ thống: Nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đã chọn những
truyện ngắn tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn và hiện thực trong Tuyển tập
truyện ngắn của Macxim Gorky. Do đó, để việc nghiên cứu được thuận lợi,