Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Biểu tượng “trời - đất” trong ca dao, tục ngữ người việt.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------------
KHÓA LUÂN T ̣ ỐT NGHIÊP ĐẠI HỌC ̣
NGÀNH SƯ PHẠM NGỮ VĂN
Đề tài:
BIỂU TƯỢNG “TRỜI – ĐẤT” TRONG CA DAO, TỤC
NGỮ NGƯỜI VIỆT
Người hướng dẫn:
TS Lê Đức Luận
Người thực hiện:
Lê Thị Thu Trang
Đà Nẵng, tháng 5/2013
2
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới từ hàng ngàn năm trước đây
đã nảy sinh, phát triển và lưu truyền các sáng tác ngôn từ của quần chúng nhân
dân. Trải qua nhiều biến động của lịch sử văn học, ngày nay các nhà nghiên cứu
gọi các sáng tác dân gian bằng thuật ngữ “Văn học dân gian”. Cuộc sống vốn là
dòng chảy vô cùng tận, con người ta chỉ là một hạt cát nhỏ bé khi đứng trước vũ
trụ mênh mông, vì thế nhiều khi ta chỉ mải miết trốn chạy cái chết mà quên mất
mình đang sống. Tìm đến về với văn học dân gian, ta cho mình những phút giây
ngừng nghỉ trên đường đời, để được tiếp thêm sức lực, để thu nhận kiến thức làm
hành trang cho con đường phía trước.
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ca dao, tục ngữ là những viên
ngọc sáng. Nó thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cũng như những kinh
nghiệm sống của ông cha. Đến với ca dao, tục ngữ, là ta đến với thế giới lung
linh sắc màu, ở đó ta được ngụp lặn trong nền văn hóa dân gian, ta bắt gặp
những đều giản dị nhưng lại là chân lí của cuộc sống, và để rồi ta tìm thấy mình
đâu đó giữa dòng chảy của văn hóa Việt.
Ca dao, tục ngữ là vùng đất mà ở đó chỉ với những chất liệu bình thường từ
cuộc sống, những người lao động tài hoa đã gieo trồng những biểu tượng được
cả cộng đồng chấp nhận. Có thể nói biểu tượng trong ca dao, tục ngữ là một sáng
tạo độc đáo của các tác giả dân gian, nó thể hiện quan niệm thẩm mĩ, tư tưởng
của nhân dân ta. Đến với thế giới biểu tượng trong ca dao, tục ngữ để ta biết rằng
có những giá trị không bao giờ tan biến, con người và sự vật nói chung, một khi
đã xuất hiện trên thế gian, bằng cách này hay cách khác đều sẽ để lại dấu ấn của
mình.
Qua việc tìm hiểu bước đầu, chúng tôi nhận thấy thế giới biểu tượng trong
ca dao, tục ngữ thật sự rất cuốn hút. Đặc biệt là biểu tượng “trời - đất”. Trong số
3
những tài liệu mà chúng tôi bao quát được từ trước đến nay, chúng tôi nhận thấy
chưa có đề tài nào đi sâu nghiên cứu vấn đề này. Vì thế để có thể hiểu sâu hơn ý
nghĩa của biểu tượng nói chung và đặc biệt là ý nghĩa của biểu tượng “trời - đất”
trong ca dao tục ngữ nói riêng, chúng tôi chọn đề tài: Biểu tượng “trời - đất”
trong ca dao, tục ngữ người Việt.
2. Lịch sử vấn đề
Văn học dân gian mang vẻ đẹp bình dị nhưng lại có sức hút kỳ diệu, từ lâu
các nhà nghiên cứu đã ưu ái đối với nền “văn học mẹ” này và dành nhiều tâm
huyết cho nó. Trong văn học dân gian thì ca dao, tục ngữ là hai mảng thành công
nổi trội của các tác giả dân gian. Vì thế, ca dao, tục ngữ là một phần không thể
thiếu trong các công trình nghiên cứu về văn học dân gian nói chung, bên cạch
đó còn có các công trình đi sâu nghiên cứu riêng ca dao, tục ngữ. Ngoài các công
trình có tính chất sưu tầm thì có các công trình nghiên cứu tiêu biểu như:
Cuốn “Vũ Ngọc Phan tác phẩm” (tập 3) do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn
hành là tập hợp công trình của Vũ Ngọc Phan về tục ngữ, ca dao, dân ca Việt
Nam được biên soạn lại. Đến với “Vũ Ngọc Phan tác phẩm” (tập 3) là đến với
thế giới của văn học dân gian Việt Nam, ở đó không chỉ ghi lại những câu tục
ngữ, những bài ca dao, dân ca tiêu biểu mà ta còn bắt gặp những nhận xét tinh tế,
những kiến thức bổ ích về văn học dân gian Việt Nam.
Cuốn “Thi pháp ca dao” của tác giả Nguyễn Xuân Kính là một công trình
nghiên cứu về ca dao dưới góc độ của thi pháp học. Công trình này là kết quả
của quá trình học tập và nghiên cứu nhiều năm của tác giả. Đây là công trình
nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện, công phu về thi pháp ca dao từ trước đến nay.
Về phần biểu tượng trong ca dao, tác giả cũng nêu một số biểu tượng, hình ảnh
thường xuyên xuất hiện trong ca dao như: cây trúc, cây mai, hoa nhài, con bống,
con cò. Theo tác giả, trúc, mai thường được dùng với ý nghĩa tượng trưng cho
đôi bạn trẻ, cho tình duyên, hoa nhài trong ca dao được hiểu là một thứ hoa đẹp,
hoa quý. Biểu tượng con bống, con cò trong ca dao cũng được tác giả đi sâu tìm
4
hiểu, về con cò tác giả cho rằng: “Trong kho tàng ca dao người Việt có hai bộ
phận nhắc đến con cò. Ở bộ phận thứ nhất, như Vũ Ngọc Phan quan niệm, con
cò là hình ảnh của người nông dân xưa. Những lời thuộc bộ phận thứ hai là loại
ca dao thanh mà tục, tục mà thanh. Trong những lời đó, con cò không phải là
hình ảnh của người nông dân, cũng không phải là phong kiến thống trị” [6,
tr.214]. Ở phần kết luận, tác giả đã nêu những ý kiến gây được sự chú ý nơi
người đọc, trong đó có ý kiến cho rằng: “Tuy cùng xây dựng các biểu tượng trên
cơ sở là hiện thực khách quan nhưng nhiều ý nghĩa của các biểu tượng trong ca
dao khác hẳn so với thơ bác học…” [6, tr.234].
Cuốn “Cấu trúc ca dao trữ tình người Việt” của tác giả Lê Đức Luận, ở
công trình này tác giả đã di sâu nghiên cứu về cấu trúc của ca dao trữ tình. Ở
phần nội dung, tác giả đã lần lượt trình bày: cấu trúc ngôn ngữ và đặc trưng cấu
trúc ngôn ngữ trong ca dao; hệ thống đơn vị ngôn liệu tạo lời trong ca dao trữ
tình; phương thức tạo lời trong ca dao trữ tình. Công trình này của tác giả Lê
Đức Luận đã cho ta một cách tiếp cận khá thú vị, đồng thời giúp ta hiểu hơn giá
trị, những nét đẹp văn hóa của ca dao trữ tình người Việt. Trong phần kết luận
tác giả khẳng định: “Ngôn ngữ ca dao là ngôn ngữ thuần Việt, mang đậm phong
cách phong cách ngôn ngữ địa phương, gắn liền với phong tục tập quán khu vực
dân cư, còn lưu giữ nhiều yếu tố cổ. Ngôn ngữ ca dao cũng là ngôn ngữ của biểu
tượng, ngôn ngữ giàu hình ảnh và hình tượng, giàu tính biểu cảm và đa nghĩa”
[12, tr.306].
Cuốn “Ca dao Việt Nam và những lời bình” do tác giả Vũ Thu Hương
tuyển chọn đã tập hợp những công trình nghiên cứu được đánh giá cao của nhiều
tác giả, qua đó làm rõ những điểm nổi bật của ca dao rồi đi đến những bài ca dao
tiêu biểu. Trong bài viết “Từ những chất liệu bình thường trong đời sống dân dã,
ca dao đã tạo nên những hình tượng xúc động” tác giả Minh Hiệu đã nhận xét:
“Ca dao thường rất ngắn: có khi toàn bài lại chỉ có một câu lục bát, đâu còn chỗ
để từ số lượng mà tạo chất lượng? Nhưng cũng chính vì khuôn khổ rất hạn hẹp
5
như vậy mà bản thân ca dao càng cần phải lấy hình tượng điển hình hóa làm cứu
cánh” [10, tr.76]. Tác giả Trương Thị Nhàn trong bài viết: “Giá trị biểu trưng
nghệ thuật của các vật thể nhân tạo trong ca dao cổ truyền Việt Nam” đã cho ta
một cái nhìn khái quát về thế giới vật thể nhân tạo trong ca dao cũng như cơ chế
hình thành nghĩa biểu trưng nghệ thuật của các vật thể nhân tạo trong ca dao.
Tác giả kết luận: “Khản năng biểu trưng hóa nghệ thuật của các vật thể nhân tạo
trong ca dao góp phần tạo nên một nét đặc trưng rất cơ bản trong nghệ thuật
ngôn ngữ của ca dao: ngôn ngữ nghệ thuật ca dao mang tính khái quát cao điển
hình của tính hàm súc và “ý tại ngôn ngoại” trong những sáng tác văn học. [10,
tr.121].
Ngoài ra còn có các công trình nghiên cứu khác như: “Văn học dân gian
Việt Nam” của tác giả Đinh Gia Khánh (chủ biên); “Tìm hiểu thi pháp tục ngữ
Việt Nam” của tác giả Phan Thị Đào; “Văn học dân gian người Việt góc nhìn thể
loại” của tác giả Kiều Thu Hoạch… Đến đây, ta có thể thấy việc nghiên cứu văn
học dân gian Việt Nam, đặc biệt là ca dao, tục ngữ đã được nhiều nhà nghiên
cứu quan tâm và gặt hái được không ít thành quả. Tuy nhiên, việc nghiên cứu
chuyên về biểu tượng “trời - đất” trong ca dao, tục ngữ lại là cánh cửa đang còn
bỏ ngõ. Từ thành tựu của các công trình nghiên cứu đi trước và niềm đam mê
với văn học dân gian, chúng tôi xin mạnh dạn nghiên cứu đề tài: Biểu tượng
“trời - đất” trong ca dao, tục ngữ người Việt.
3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu về biểu tượng trời đất trong ca dao, tục ngữ, trước hết chúng tôi
muốn nắm bắt được ý nghĩa của biểu tượng “trời - đất” và qua đó có cứ liệu để
hiểu sâu sắc hơn về thế giới biểu tượng trong ca dao, tục ngữ. Tiếp cận đề tài với
cái nhìn khoa học, chúng tôi muốn bạn đọc có thể thấy được vẻ đẹp văn hoá Việt
thông qua lớp trầm tích biểu tượng trong ca dao, tục ngữ.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4. 1. Đối tượng
6
Đối tượng nghiên cứu của công trình này là biểu tượng “trời - đất” trong
ca dao, tục ngữ.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Về phạm vi nghiên cứu, chúng tôi đi vào tìm hiểu một số biểu tượng tiêu
biểu trong ca dao, tục ngữ để có thể thấy được nét đặc sắc của biểu tượng nói
chung, qua đó, đi sâu tìm hiểu biểu tượng “trời - đất”, nắm bắt được ý nghĩa và
giá trị của biểu tượng “trời - đất” trong ca dao, tục ngữ.
5. Ý nghĩa khoa học, thực tiễn
Công trình nghiên cứu khoa học này sẽ làm rõ biểu tượng “trời - đất” trong
ca dao, tục ngữ và những giá trị của nó đối với nền văn học dân gian. Dù còn
khiêm tốn về tri thức nhưng cũng mong công trình nghiên cứu này có thể góp
phần phát hiện thêm những nét đẹp của biểu tượng trong kho tàng văn học dân
gian Việt Nam nói chung và ca dao, tục ngữ nói riêng, đồng thời có thể là tư liệu,
làm điểm tựa các công trình nghiên cứu về sau.
6. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng kết hợp nhiều phương pháp
trong đó có ba phương pháp cơ bản được sử dụng:
- Phương pháp thống kê, phân loại.
- Phương pháp phân tích, đánh giá.
- Phương pháp so sánh, tổng hợp.
7. Bố cục đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tham khảo, đề tài gồm ba chương:
Chương 1: Khái quát về biểu tượng và biểu tượng trong ca dao, tục ngữ
người Việt
Chương 2: Đặc trưng của biểu tượng “trời - đất” trong ca dao, tục ngữ
người Việt
Chương 3: Thi pháp thể hiện biểu tượng “trời - đất” trong ca dao, tục ngữ
người Việt
7
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
KHÁI QUÁT VỀ BIỂU TƯỢNG VÀ BIỂU TƯỢNG TRONG CA DAO,
TỤC NGỮ NGƯỜI VIỆT
1.1. Khái niệm biểu tượng và các loại biểu tượng
1.1.1. Khái niệm biểu tượng
Mỗi dân tộc tồn tại trên thế giới đều có những đặc sắc riêng về văn hoá và
yếu tố tạo nên sắc diện văn hoá chính là các biểu tượng. Các biểu tượng góp
phần làm nên bộ mặt của một nền văn hóa ở những đường nét cơ bản nhất,
những ý nghĩa hàm ẩn mà biểu tượng khơi gợi ra như một quy ước thẩm mỹ của
cộng đồng. Nghiên cứu biểu tượng trong văn học là hành trình khám phá con
đường trở về cội nguồn văn hoá cũng là cuộc hành trình tìm kiếm những giá trị
chân, thiện, mỹ của dân tộc. Về khái niệm biểu tượng, có một số nhà nghiên cứu
đã đưa ra những ý kiến, định nghĩa như sau:
Theo Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong Từ Điển thuật
ngữ văn học thì: “Trong nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống
bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Còn trong nghĩa hẹp, biểu tượng là một
phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc
biệt có khản năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện
tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lí sâu xa
về con người và cuộc đời” [18, tr.24].
Nguyễn Xuân Kính trong Thi pháp ca dao quan niệm: “biểu tượng là hình
ảnh cảm tính về hiện thực khách quan, thể hiện quan điểm thẩm mĩ, tư tưởng của
từng nhóm tác giả (có khi của riêng một tác giả), từng thời đại, từng dân tộc và
từng khu vực cư trú ” [6, tr.185].
Như vậy, có thể thấy rằng các định nghĩa trên đều có một quan điểm khá
chung và thống nhất về biểu tượng. Tóm lại, có thể hiểu biểu tượng là một loại
hình ảnh nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được