Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRẦN BẢO LÂN
BẢN SẮC DÂN TỘC
TRONG CA KHÚC MỚI VIỆT NAM
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HÓA DÂN GIAN
MÃ SỐ: 62317005
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
HƢỚNG DẪN KHOA HỌC
PSG.TS. NGUYỄN THỤY LOAN
- HÀ NỘI 2013 -
2
QUY ƢỚC VIẾT TẮT VÀ KÝ HIỆU
Các chữ và ký hiệu viết tắt
- GS: Giáo sư
- KHCN: Khoa học Công nghệ
- KHXH: Khoa học Xã hội
- Nxb: Nhà Xuất bản
- TP: Thành phố
- tr: trang số
- (?): chưa xác định
- (…): phần không trích dẫn
Các ký hiệu nốt nhạc
- C: đô - A: la
- D: rê - B: xi giáng
- E: mi - H: xi
- F: fa - #: thăng
- G: xon - b: giáng
Các ký hiệu chữ cái trên đây chỉ biểu thị tên nốt nhạc chứ không liên
quan tới các quãng cụ thể nào theo quy định của nhạc lí phương Tây.
3
MỤC LỤC
Trang
Quy ƣớc viết tắt và ký hiệu............................................................................. 1
Mục lục ............................................................................................................. 2
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 3
CHƢƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH
NGHIÊN CỨU................................................................................................. 9
1.1. Giới thuyết một số khái niệm.................................................................. 9
1.2. Tình hình nghiên cứu về bản sắc dân tộc trong văn hóa nói chung và
trong ca khúc mới ở nƣớc ta ...................................................................... 154
1.3. Các lý thuyết và phƣơng pháp nghiên cứu đƣợc sử dụng trong
luận án.......................................................................................................................33
Tiểu kết ........................................................................................................... 43
CHƢƠNG 2: BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG CA KHÚC MỚI VIỆT
NAM VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA NÓ.................................................... 45
2.1. Bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam và những yếu tố tạo nên
bản sắc đó ..................................................................................................................45
2.2. Những biến đổi của bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam... 72
Tiểu kết ........................................................................................................... 92
CHƢƠNG 3: TỪ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG CA KHÚC MỚI VIỆT
NAM, GÓP BÀN THÊM VỀ BẢN SẮC DÂN TỘC NÓI CHUNG......... 94
3.1. Về bản sắc dân tộc trong quốc gia có nhiều thành phần dân tộc ...... 94
3.2. Về tính khách quan, chủ quan của bản sắc dân tộc.......................... 112
Tiểu kết ......................................................................................................... 112
KẾT LUẬN .................................................................................................. 126
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA NGHIÊN CỨU SINH ĐÃ CÔNG BỐ
THỂ HIỆN NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ......................... 129
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 130
PHỤ LỤC..................................................................................................... 143
4
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Lịch sử loài người gắn liền với những nền văn hoá phong phú và đa
dạng. Mỗi quốc gia, mỗi tộc người đều có lịch sử hình thành, tồn tại và phát
triển khác nhau để tạo nên những nền văn hoá truyền thống đặc trưng của dân
tộc ấy. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã
tạo cho mình một nền văn hoá độc đáo không lẫn vào với văn hóa của các dân
tộc khác trên thế giới, đó cũng chính là bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Ca khúc mới Việt Nam được hình thành từ những năm 30 của thế kỷ
trước, trên cơ sở tiếp thu các kỹ thuật sáng tác cũng như phương thức ghi
nhạc của phương Tây. Chính vì vậy, đã có những ca khúc chịu ảnh hưởng
đậm nét âm nhạc nước ngoài. Tình hình này kéo dài suốt quá trình phát triển
của ca khúc từ khi hình thành cho tới nay, trong đó vấn đề bản sắc dân tộc
trong ca khúc mới Việt Nam nói riêng cũng như trong âm nhạc Việt Nam nói
chung, luôn là đề tài dành được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.
Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (1986), nhất là trong những
năm gần đây, lĩnh vực ca khúc đã và đang có những hoạt động hết sức sôi nổi
với các chương trình ca nhạc, các cuộc thi sáng tác ca khúc mới hay các cuộc
thi tìm kiếm tài năng diễn ra muôn hình muôn vẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh các
hoạt động giao lưu văn hóa diễn ra ngày càng gia tăng hiện nay, việc du nhập
những yếu tố âm nhạc nước ngoài vào âm nhạc Việt Nam nói chung và ca
khúc mới nói riêng cũng ngày càng đa dạng và phức tạp ở cả nội dung lẫn
hình thức biểu hiện của tác phẩm.
Trong các chương trình ca nhạc hiện nay, người ta thấy bản sắc dân tộc
trong nhiều ca khúc bị mờ nhạt, thậm chí có những ca khúc không mang bản
sắc dân tộc. Tình hình trên đã gây ra nhiều cuộc tranh luận trong giới âm nhạc
5
và cả ngoài giới âm nhạc. Thậm chí, đã có những bài viết thể hiện sự lo lắng
cho nền ca khúc Việt Nam, chẳng hạn như bài Ca khúc trẻ đi về đâu? viết
năm 2006 của Đỗ Tuấn, trong bài viết này tác giả chia sẻ: “(…) sáng tác và
thưởng thức ca khúc của giới trẻ là nhu cầu không thể thiếu trong xã hội. Tuy
nhiên thời gian qua, cả giới nhạc sĩ lẫn người nghe chân chính đều có chung
nhận xét: nhạc trẻ giờ đã biến tướng, "bị" bình dân hóa với các giai điệu lai
căng, vay mượn các nước.” [119]. Năm 2009, trong bài viết Ca khúc Việt đi
về đâu?, tác giả Nguyễn Đình San cũng đã thể hiện sự lo lắng của mình rằng:
“(…) những bài hát đang ra đời có khuynh hướng xa lạ với tình cảm lớn lao
mang tính truyền thống của người Việt như tình cảm với quê hương xứ sở, Tổ
quốc. Nghệ thuật cùng dần xa chất liệu dân gian mà có khuynh hướng lai
căng, bắt chước.” [108]…
Những lo lắng của các tác giả trên là có cơ sở, bắt nguồn từ thực trạng
đời sống ca nhạc nước nhà. Trong đó, nhiều ca khúc đang có nguy cơ xa rời
bản sắc dân tộc, nhất là những ca khúc đang phổ biến trong giới trẻ hiện nay.
Có thể nói, việc tìm hiểu những khía cạnh liên quan đến bản sắc dân tộc
để làm sáng tỏ các vấn đề trên trong bối cảnh hiện nay là cấp thiết. Chính vì
vậy, tôi đã chọn đề tài Bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam làm đối
tượng nghiên cứu cho luận án này.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Với những lý do chọn đề tài nêu trên, mục tiêu nghiên cứu đề ra cho
luận án sẽ là:
- Tìm hiểu thực chất vấn đề bản sắc dân tộc với những biểu hiện cụ thể
của nó trong ca khúc mới Việt Nam.
- Chỉ ra những yếu tố nền tảng đối với việc biểu hiện bản sắc dân tộc
trong ca khúc mới Việt Nam.
6
- Làm rõ sự biến đổi của phương thức biểu hiện bản sắc dân tộc trong
ca khúc mới ở hai giai đoạn lịch sử của đất nước là trước và trong đổi mới.
Trên cơ sở đó, đánh giá những tác động của phương thức biểu hiện tới bản sắc
dân tộc trong ca khúc Việt Nam thời đổi mới và đưa ra một vài gợi mở có thể
góp phần đưa ca khúc Việt Nam phát triển theo hướng dân tộc – hiện đại.
- Với kết quả tìm hiểu bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam, rút
ra một số nhận thức về bản sắc dân tộc nói chung.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của luận án chính là bản sắc dân tộc trong ca
khúc mới Việt Nam với những khía cạnh liên quan.
Phạm vi nghiên cứu:
Trong khuôn khổ luận án, không thể phân tích tất cả những ca khúc
mới đã được sáng tác cho tới nay. Vì vậy, chỉ có thể lựa chọn một số bài đã và
đang phổ biến, được sáng tác ở các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước
gắn với các thế hệ tác giả ca khúc.
Chúng tôi đã cân nhắc và lựa chọn 60 ca khúc dự kiến để thực hiện
điều tra xã hội học về bản sắc dân tộc trong các ca khúc đó. Sự lựa chọn
danh sách ca khúc chính thức cho luận án này sẽ là những ca khúc có tỷ lệ
động thuận khá cao trong kết quả đánh giá của công chúng – từ 70% trở lên.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, có thể một số ca khúc khác ở các giai
đoạn lịch sử khác nhau sẽ được xem xét thêm – kể cả những bài chúng tôi tự
mình lựa chọn hoặc những bài đã được sử dụng trong công trình, bài viết
của tác giả khác.
Ngoài ra, một số băng, đĩa tiếng và đĩa hình về các chương trình ca
nhạc hoặc giọng hát ca sĩ đã phát hành sẽ được sử dụng để tìm hiểu phần hoà
âm phối khí cũng như phần biểu diễn.
7
Các ca khúc dành cho các lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng và những tác
phẩm thuộc thể loại thanh xướng kịch không nằm trong phạm vi nghiên cứu
của đề tài này.
4. Ý nghĩa khoa học thực tiễn của luận án
- Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện về
bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam.
- Hệ thống hoá những khía cạnh biểu hiện của bản sắc dân tộc trong ca
khúc mới dưới góc nhìn âm nhạc học và văn hoá học.
- Làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các yếu tố cổ truyền dân tộc với bản sắc
dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam.
- Khẳng định vai trò đặc biệt của các yếu tố dân gian đối với việc biểu
hiện bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam.
- Chỉ ra những biến đổi cụ thể của bản sắc dân tộc trong ca khúc thời
đổi mới và gợi mở phương hướng góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc trong ca
khúc Việt Nam ở thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.
- Góp bàn thêm về một số vấn đề vẫn còn tồn tại những quan điểm
chưa thống nhất hoặc trái chiều liên quan tới bản sắc dân tộc nói chung. Đó
là, mối quan hệ giữa các yếu tố dân gian với bản sắc dân tộc, bản sắc dân tộc
trong quốc gia có nhiều thành phần dân tộc và bản sắc dân tộc mang tính
khách quan hay chủ quan.
- Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên
cứu những vấn đề liên quan tới bản sắc dân tộc trong âm nhạc nói riêng và
văn hóa nói chung.
5. Bố cục luận án
Với mục tiêu đề tài đã nêu trên, ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu
tham khảo và phụ lục, luận án sẽ gồm 3 chương:
- Chương 1: Cơ sở lý luận và tổng quan về tình hình nghiên cứu
8
- Chương 2: Bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam và những
biến đổi của nó
- Chương 3: Từ bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam, góp bàn
thêm về bản sắc dân tộc nói chung.
9
CHƢƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN
VÀ TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày 3 nội dung chính: một số khái
niệm cơ bản, tổng quan về tình hình nghiên cứu cùng những vấn đề đặt ra từ
đó và các lý thuyết, phương pháp sẽ được sử dụng để giải quyết các vấn đề
trong luận án.
Sau đây, xin đi vào nội dung thứ nhất của chương.
1.1. GIỚI THUYẾT MỘT SỐ KHÁI NIỆM
Luận án nghiên cứu về bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam. Vì
vậy, trước hết chúng tôi sẽ giới thuyết về hai khái niệm cốt lõi được dùng
nhiều trong luận án: “bản sắc dân tộc” và “ca khúc mới”.
1.1.1. Khái niệm “bản sắc dân tộc”
Vấn đề bản sắc dân tộc thực ra đã được các nhà nghiên cứu quan tâm từ
nhiều năm nay, tuy nhiên vẫn còn những quan điểm cho rằng đây là vấn đề
mang tính ước lệ, thậm chí là trừu tượng. Bởi vậy, cần tìm hiểu khái niệm này
thông qua các từ điển và cả ý kiến của các tác giả trong những công trình, bài
viết có liên quan.
Sau đây là chi tiết vấn đề.
1.1.1.1. Khái niệm “bản sắc dân tộc” qua các từ điển
Cho tới nay, chưa thấy cuốn từ điển nào đưa ra khái niệm đầy đủ về
bản sắc dân tộc. Vì vậy, nghĩa của các từ “bản sắc” và “dân tộc” sau khi được
làm rõ sẽ là cơ sở để hiểu về nghĩa chung của cụm từ “bản sắc dân tộc”.
Bản sắc (character) – theo Từ điển tiếng Việt thông dụng, là một danh
từ mang nghĩa “sắc thái, đặc tính, đặc thù riêng khác1
” [65, tr.47]. Với Từ
1 Những chữ viết nghiêng là chúng tôi dùng để nhấn mạnh ý cần nói.
10
điển tiếng Việt, “bản sắc” cũng là danh từ chỉ “những yếu tố tốt đẹp tạo nên
một tính chất đặc thù nói chung” [53, tr.82]. Còn Đại từ điển tiếng Việt cho
rằng: “bản sắc” là danh từ chỉ sắc thái, đặc tính, đặc thù riêng khác” [66,
tr.66]. Những cách giải nghĩa này đã cho thấy “bản sắc” chính là đặc tính, đặc
thù riêng có.
Dân tộc – một danh từ được Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam giải
nghĩa theo các cấp độ khác nhau: “Dân tộc (ethnie) đồng nghĩa với cộng đồng
mang tính tộc người” [121], nhưng ở cấp độ khác thì “Dân tộc (nation) hay
quốc gia dân tộc là một cộng đồng chính trị – xã hội được chỉ đạo bởi một
nhà nước thiết lập trên một lãnh thổ nhất định” [121]. Theo Từ điển tiếng Việt
thông dụng thì “dân tộc” (nation, race, nationality) là danh từ chỉ “cộng đồng
người được hình thành từ lâu đời, có ngôn ngữ, truyền thống văn hóa, tâm lí
đặc trưng” [65, tr.316]. Còn Đại từ điển tiếng Việt giải thích từ “dân tộc” theo
ba nghĩa. Nguyên văn như sau:
dân tộc dt 1. Cộng đồng người ổn định hình thành trong quá
trình lịch sử của xã hội, có chung tiếng nói, lãnh thổ, đời sống
kinh tế và tâm lý: đoàn kết dân tộc. 2. Dân tộc thiểu số, nói tắt:
ưu tiên học sinh dân tộc - cán bộ dân tộc. 3. Cộng đồng người ổn
định làm thành nhân dân một nước, một quốc gia gắn bó với
nhau trong truyền thống, nghĩa vụ và quyền lợi: dân tộc Việt
Nam [66, tr.399].
Khái niệm này – tuy được giải thích theo ba nghĩa, nhưng nghĩa thứ
nhất gần giống với nghĩa thứ ba, cho nên thực ra từ “dân tộc” có thể được
hiểu theo hai cấp độ dân tộc có quy mô khác nhau. Ở cấp độ thứ nhất, “dân
tộc” ứng với quy mô quốc gia như trong các ví dụ được trích ở trên: “đoàn kết
dân tộc”, “dân tộc Việt Nam”. Ở cấp độ thứ hai, “dân tộc” ứng với quy mô
dân tộc ít người trong một quốc gia – dân tộc như ở các ví dụ: “ưu tiên học
sinh dân tộc”, “cán bộ dân tộc”.
11
Qua cách giải thích của các từ điển, có thể hiểu “dân tộc” là danh từ chỉ
một cộng đồng người có lịch sử hình thành cụ thể với những mối liên kết đặc
trưng. Dân tộc có hai cấp độ là dân tộc tộc người và dân tộc quốc gia.
Với nghĩa của các danh từ “bản sắc” và “dân tộc” ở trên, kết hợp lại
thành cụm danh từ “bản sắc dân tộc”, trong đó danh từ “bản sắc” là yếu tố
nói lên những đặc tính cốt cách của tất cả mọi sự vật hiện tượng từ nhỏ đến
lớn, chẳng hạn như bản sắc cá nhân, bản sắc gia đình, bản sắc địa phương,
bản sắc tộc người…, còn danh từ “dân tộc” là yếu tố giới hạn cụ thể cho ý
nghĩa của danh từ “bản sắc”, ví dụ: dân tộc tộc người, dân tộc quốc gia…
Như vậy, có thể hiểu: bản sắc dân tộc là bản tính, cốt cách của một cộng
đồng người với những lối suy nghĩ, tiến hành và biểu hiện văn hóa theo cách
riêng của dân tộc mình.
1.1.1.2. Khái niệm “bản sắc dân tộc” qua các công trình, bài viết
Trong những năm gần đây, cụm từ “bản sắc dân tộc” thường được
các nhà nghiên cứu sử dụng trong các công trình, bài viết, nhất là những
bài có liên quan đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của nước nhà. Một số tác
giả còn đưa ra khái niệm cụ thể về cụm từ này nhằm phục vụ cho các mục
tiêu liên quan đến văn hóa dân tộc mà họ đang được tìm hiểu. Có thể dẫn ra
một số trường hợp:
Tìm hiểu về bản sắc dân tộc của văn hóa, các tác giả Đỗ Huy và
Trường Lưu cho rằng: “bản sắc dân tộc chính là cách thức tiến hành xây dựng
nền văn hoá văn minh của dân tộc ấy” [18, tr.06].
Cũng tìm hiểu bản sắc dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, Quang Đạm –
tác giả bài viết Thử miêu tả bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam nhận
xét: “Bản sắc dân tộc là sắc thái bao quát một cách uyển chuyển, linh hoạt
những đặc điểm của một dân tộc tạo nên diện mạo và dạng hình riêng của dân
12
tộc ấy không thể đồng nhất với các dân tộc khác trong cộng đồng khu vực hay
là cộng đồng loài người” [62, tr.15].
Phạm Vũ Dũng, trong cuốn Hỏi và đáp về cơ sở văn hoá Việt Nam thì giải
thích bản sắc dân tộc như sau: “Bản sắc văn hoá dân tộc (…) là căn cước, là
chứng minh thư của văn hoá bất kỳ dân tộc nào. Nó chính là cái để phân biệt văn
hoá dân tộc này và văn hoá dân tộc khác, khiến cho văn hoá của dân tộc này
không trở thành “cái bóng” của văn hoá dân tộc khác và ngược lại” [46, tr.22].
Tác giả Trần Độ qua bài Về bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam
nhận định: “(…) tìm bản sắc dân tộc là tìm cái cốt lõi, cái tinh túy của tính
dân tộc ở mỗi lĩnh vực cụ thể của văn hóa và nghệ thuật” [62, tr.25].
Bàn về bản sắc dân tộc trong lĩnh vực âm nhạc, nhà nghiên cứu Nguyễn
Thụy Loan – tác giả bài viết Bàn về biến số - hằng số và bản sắc dân tộc
trong âm nhạc Việt Nam viết: “Tìm bản sắc dân tộc trong âm nhạc Việt Nam
(…) đó là tìm những gì mà người Việt Nam ưa thích sử dụng trong âm nhạc
của mình và gìn giữ chúng trong chiều dài lịch sử.” [30, tr.01].
Trong bài viết Giữ lấy bản sắc trong nền âm nhạc Việt Nam của
Nguyễn Thanh có đoạn: “Vậy thì bản sắc văn hóa Việt Nam là gì? (…) ở một
giới hạn nào đó cái bản sắc ấy là ngôn ngữ, hơi thở, nhịp điệu, thẩm mỹ của
người dân Việt Nam được thể hiện qua ngôn ngữ âm nhạc, mà người nghe
thông qua đó sẽ biết chắc chắn đấy là âm nhạc Việt Nam” [44, tr.1111-1112].
Mặc dù khái niệm về bản sắc dân tộc trong các công trình bài viết dẫn
ra ở trên được giải thích chủ yếu nhằm phục vụ mục tiêu nghiên cứu của tác
giả, chúng đều phản ánh những đặc điểm riêng riêng của một dân tộc, là cái
dùng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.
Một điểm cũng cần lưu ý – như đã trình bày ở tiểu mục 1.1.1.1, theo
cách giải thích trong các từ điển, từ “dân tộc” có thể được sử dụng và được
hiểu theo hai cấp độ khác nhau. Trên thực tế, cho tới nay, ở Việt Nam, từ
13
“dân tộc” cũng vẫn thường được dùng chung cho cả hai cấp độ là quốc gia
và tộc người. Chẳng hạn, trong Văn kiện của Đảng về chính sách Dân tộc,
điều này đã được thể hiện qua đoạn viết: “Các dân tộc2
trong đại gia đình
Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”
[123, tr.01]; hoặc cũng Văn kiện của Đảng ở Hội nghị đại biểu toàn quốc
giữa nhiệm kỳ khóa VII có ghi: “Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở
rộng giao lưu quốc tế phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc
văn hóa dân tộc” [111, tr.01]. Có thể thấy, nội dung đoạn trích thứ nhất thể
hiện từ “dân tộc” thay thế từ “tộc người”, còn từ “dân tộc” trong nội dung
đoạn trích thứ hai thì thể hiện ở cấp độ “dân tộc quốc gia”. Vì thế, khái niệm
bản sắc dân tộc cũng có thể được sử dụng khi nói về văn hóa của một dân
tộc theo một trong hai cấp độ nói trên – dân tộc ở cấp độ quốc gia hoặc dân
tộc ở cấp độ tộc người.
Như vậy, với cách giải thích của các từ điển cũng như cách giải thích
của các tác giả công trình, bài viết, có thể định nghĩa: bản sắc dân tộc chính
là tính cách riêng của một cộng đồng người với những lối suy nghĩ, tiến hành
và biểu hiện văn hóa theo cách của dân tộc mình.
Trong một số công trình, bài viết, có khi những cụm từ “tính dân tộc”,
“tính cách dân tộc”, “bản sắc văn hóa của quốc gia – dân tộc” được sử dụng
thay vì cụm từ “bản sắc dân tộc”. Về cơ bản, những cụm từ trên đều chứa
đựng ý nghĩa tương tự như “bản sắc dân tộc”. Bên cạnh đó, như đã trình bày ở
phía trên, bởi thuật ngữ “dân tộc” có thể được dùng cho cả hai cấp độ, cho
nên, trong luận án này, chúng tôi sẽ tìm hiểu các vấn đề về bản sắc dân tộc ở
cả cấp độ tộc người và quốc gia. Ngoài ra, trong một chừng mực nhất định,
bản sắc vùng cũng sẽ được xem xét như là một cấp độ cộng cư của những tộc
khác nhau trong một địa bàn nhỏ hơn cấp độ quốc gia.
2 Các chữ nghiêng – đậm là chúng tôi muốn nhấn mạnh.
14
Tuy nhiên, để tách bạch hai cấp độ đầu tiên liên quan tới khái niệm
này, khi đề cập tới những vấn đề liên quan tới bản sắc dân tộc ở cấp độ quốc
gia, chúng tôi sử dụng cụm từ “dân tộc”, còn khi đề cập những vấn đề liên
quan tới bản sắc dân tộc của từng tộc trong đại gia đình Việt Nam thì chúng
tôi dùng cụm từ “tộc người” hoặc “thành phần dân tộc”.
1.1.2. Khái niệm “ca khúc mới” đƣợc dùng trong luận án
Trước hết, đây là một khái niệm phổ thông thường dùng để chỉ những
ca khúc được hình thành từ những năm 30 của thế kỷ trước, trên cơ sở tiếp
thu các thủ pháp sáng tác và phương thức ghi nhạc của phương Tây – như đã
nêu ở mục Lý do chọn đề tài. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan
cho rằng “ca khúc mới” là cách gọi tắt của “ca khúc nhạc mới”
3
, như một
cách để phân biệt với các bài dân ca thuộc loại ca khúc trong âm nhạc cổ
truyền Việt Nam.
Cụm từ “ca khúc mới” còn thường được nhiều người gọi tắt là “ca
khúc” với cách hiểu cùng nghĩa. Có thể dễ dàng tìm thấy cách gọi này ở ngay
trang bìa các tuyển tập như: Về quê – 60 ca khúc4
phát triển dân ca người Việt
(Nxb Âm nhạc phát hành năm 2002); 30 năm ca khúc Việt Nam 1975 – 2005
(Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Nxb Âm nhạc phát hành năm 2005); Bài hát Việt –
99 ca khúc tuyển chọn trong chương trình bài hát Việt 2005 (Nxb Thanh niên
phát hành năm 2006)… Vì vậy, trong luận án này, chúng tôi cũng sẽ sử dụng
cụm từ “ca khúc mới” theo cả hai cách gọi như trên – “ca khúc mới” hoặc “ca
khúc”, cho phù hợp với từng tình huống nghiên cứu. Riêng cụm từ “ca khúc
thời đổi mới” cũng mang ý nghĩa là ca khúc mới nhưng được sáng tác ở thời
kỳ đổi mới của đất nước.
Tiếp theo, xin chuyển sang nội dung thứ hai của chương.
3 Theo bài giảng của nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan, Hà Nội tháng 8 - 2013.
4 Chữ nghiêng gạch chân là do chúng tôi muốn nhấn mạnh.
15
1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG
VĂN HÓA NÓI CHUNG VÀ TRONG CA KHÚC MỚI Ở NƢỚC TA
Do mục tiêu nghiên cứu của luận án có liên quan mật thiết tới bản sắc
dân tộc nói chung, vì thế trong mục này cần tìm hiểu cả những công trình bài
viết liên quan ít nhiều tới bản sắc dân tộc trong văn hóa nói chung của các tác
giả đi trước. Xin được bắt đầu bằng tiểu mục dưới đây:
1.2.1. Khái quát về các giai đoạn nghiên cứu
Trước khi trình bày tình hình nghiên cứu về bản sắc dân tộc trong ca
khúc mới Việt Nam, chúng tôi sẽ xem xét tình hình nghiên cứu về bản sắc dân
tộc trong các lĩnh vực văn hóa và âm nhạc nói chung ở nước ta:
1.2.1.1. Trong các lĩnh vực văn hóa và âm nhạc nói chung
Việc nghiên cứu về bản sắc dân tộc trong các lĩnh vực văn hóa ở Việt
Nam đã có từ lâu. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả phản ánh lịch sử đất nước từ
những tài liệu thu thập được, chúng tôi chia tình tình nghiên cứu ở nước ta về
bản sắc dân tộc trong văn hóa nói chung thành những giai đoạn sau:
a, Giai đoạn trước 1954
Đây là giai đoạn lịch sử khá phức tạp – mặc dù chính quyền thực dân
Pháp còn hiện diện công khai trên đất nước ta, nhất là ở những vùng thành thị,
vẫn có sự đan xen của các nhóm hoạt động chính trị khác. Đặc biệt, từ khi
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) đã trở thành một lực lượng đối lập và
tiến tới giành chính quyền (1945). Nhiều ca khúc cách mạng cũng vì thế mà
kịp thời ra đời đáp ứng nhiệm vụ đấu tranh cách mạng cùng với không khí
hưởng ứng của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, do bối cảnh thực tiễn lịch
sử, mọi hoạt động nghiên cứu khoa học giai đoạn này nhìn chung vẫn bị chi
phối theo sự quản lý của chế độ thực dân.
Được biết có một số một số công trình nghiên cứu về văn hóa Việt
Nam của các học giả Pháp, tuy nhiên cho đến nay vẫn không thấy có tài liệu
nào có liên quan trực tiếp đến bản sắc dân tộc trong lĩnh vực âm nhạc.