Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Trích CẢM XÚC CUỘC SỐNG TỪ CHIẾC XE LĂN - Phần 2 ppt
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BIẾT MÌNH LÀ AI
Ali có một chú chó cưng tên là Marley. Điều đặc biệt là mỗi khi Marley xuất hiện cùng cô chủ, mọi
người đều đối xử với nó nồng hậu như cách họ đối xử với một con người. Mà quả thật, Marley cũng thể hiện
nhiều điệu bộ rất “con người”. Nhưng tôi có cảm giác rằng Marley luôn nhận thức được sự thật rằng nó khiếm
khuyết. Vâng, Marley là một chú chó chỉ có 3 chân. Tuy nhiên, dường như khiếm khuyết này chẳng phải là một
trở ngại lớn đối với Marley.
Marley thực sự không bận tâm đến khiếm khuyết của mình. Mỗi khi được Ali dẫn đi dạo, Marley được
rất nhiều người yêu quý. Đa số họ, đặc biệt là bọn trẻ, cảm thấy tiếc cho nó. Họ muốn biết điều gì đã xảy đến
với Marley và tại sao nó lại bị mất một chân như vậy. Nhưng rồi ngay sau đó, mọi người đều nhận ra rằng
Marley không hề bận tâm đến điều này. Và Ali cũng không.
Ali bảo rằng chú chó Marley khiến con bé nhớ đến tôi.
Nếu xem chuyện mất một cái chân hay gãy cổ là những thương tật thì đối với tôi, đó chẳng qua là do ta
đã quá chú tâm đến hình thức của mình mà thôi. Tuy nhiên, có thể thấy rằng giữa động vật và con người có
cách phản ứng khác nhau trước những thương tật trên cơ thể. Ở con người luôn tồn tại nhận thức về “cái tôi” -
tức là hình ảnh ta vẽ nên cho cuộc sống của mình. Theo đó, khi con người bị mất một chân hay gãy cổ thì nhận
thức của họ về hình ảnh bản thân sẽ thay đổi. Trong khi đó, động vật lại không có hề cảm giác về “hình ảnh cái
tôi” nên việc bị thương tật chẳng ảnh hưởng nhiều đến chúng. Tất nhiên là chúng nhận thức được việc mình bị
thương tật và đương nhiên là chúng cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu được lành lặn.
Tôi không muốn tỏ ra ghen tỵ với chú chó của Ali nhưng tôi tuyệt đối tin rằng nếu không có “hình ảnh
cái tôi”, nếu không có cái bản ngã riêng thì cuộc sống của mỗi người sẽ rất khác biệt so với hiện tại - một cuộc
sống mà ta đang trải nghiệm với tư cách một con người. Tôi đã quan sát cuộc sống của những chú chó như
Marley và tôi nhận ra rằng: Chúng luôn tràn ngập tình yêu đối với cuộc đời. Con người chúng ta có vẻ cũng yêu
thương cuộc đời đấy, nhưng chúng ta lại không nhận thức trọn vẹn về mỗi ngày trôi qua. Trong khi đó, những
chú chó dường như cảm nhận được rằng cuộc sống vốn dĩ rất tốt đẹp, và dường như chúng cũng hiểu về một
tình yêu vị tha. Vì không có bản ngã, nên chúng thích thể hiện tình yêu thương. Còn con người chúng ta khi yêu
thương, chúng ta luôn rụt rè, e ngại, không dám mở rộng trái tim mình. “Cái tôi” đã khiến ta luôn phải tự hỏi:
“Liệu mình có bị tổn thương không? Liệu người ta có đáp trả tình yêu của mình không? Liệu những nhu cầu
của mình có được đáp ứng hay mình có bị bỏ rơi không?”. Các chú chó không có những câu hỏi như thế. Với
chúng, yêu đơn giản là yêu.
Cái chết có vẻ cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng đối với động vật. Chúng yêu cuộc sống bởi vì
chúng không sợ chết. Còn với chúng ta, cái chết thực sự là một nỗi ám ảnh bởi ta coi đó như một sự đe dọa vào
phút cuối đời. Chúng ta bị dằn vặt vì những cảm xúc: “Không lý nào mình lại phải chết! Không lý nào cuộc
sống lại tiếp tục, mọi thứ vẫn y nguyên mà lại không có mình!”.
Cái chết rất tàn nhẫn; nhưng với Marley và những anh em của nó, chết cũng giống như mất một cái chân
mà thôi.
Một phần trong sự trưởng thành của con người chính là phát triển cá tính. Điều này sẽ bắt đầu bằng việc
những đứa trẻ từ một đến ba tuổi bỏ chạy khỏi bố mẹ. Thường thì chúng sẽ chạy một quãng ngắn, sau đó quay
lại nhìn xem phía sau có ai đuổi theo không. Tất nhiên, đó chỉ là biểu hiện ban đầu của việc phát triển cá tính
của trẻ.
Chúng ta sẽ luôn bị ám ảnh vì điều này và quẩn quanh trong đầu mình những câu hỏi như: “Tôi là ai?”
“Tôi sẽ trở thành người như thế nào?” và “Tôi nên trở thành người như thế nào?”.
Làm sao ta có thể trả lời các câu hỏi trên khi mà thế giới ta đang sống luôn đầy rẫy những câu khẩu hiệu
như: “Hãy trở thành tất cả những gì bạn có thể trở thành”? Làm sao chúng ta có thể tìm ra hình ảnh của bản
thân trong một thế giới luôn quan niệm rằng giá trị của mỗi người sẽ được xác định bằng vẻ đẹp, địa vị, quyền
lực và sự giàu có?