Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Tiếng cười trong văn xuôi hồ anh thái.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------
VŨ THỊ HUỆ
Tiếng cười trong văn xuôi Hồ Anh Thái
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Sự phát triển của văn xuôi Việt Nam sau 1986 đã tạo ra nhiều gương
mặt mới, nhiều hiện tượng mới lạ được bạn đọc hoan nghênh. Hồ Anh Thái
là một trong những nhà văn chiếm được nhiều thiện cảm của công chúng.
Ông xuất hiện trên văn đàn được xem như một hiện tượng văn chương để lại
dấu ấn đậm nét trong nền văn xuôi đương đại Việt Nam. Với sức viết dồi
dào, quá trình lao động nghiêm túc, tác giả đã thể hiện rõ cá tính sáng tạo
nghệ thuật và một cái nhìn thấu đáo vào hiện thực xã hội Việt Nam hôm nay.
Hồ Anh Thái là người đem đến một giọng văn tươi mới, trẻ trung, tinh
nghịch, hiện đại với một phong cách viết khá độc đáo đậm dấu ấn cá nhân.
Bằng tài năng, nhiệt huyết, trái tim giàu yêu thương của mình, nhà văn Hồ
Anh Thái đã để lại cho văn học Việt Nam những tác phẩm có giá trị với một
cách viết mới mẻ, một văn phong mang dấu ấn cá nhân sâu sắc.
Hồ Anh Thái là một trong số không nhiều những cây bút xuất hiện sớm
và để lại dấu ấn văn xuôi đương đại Việt Nam. Tác phẩm của ông tái hiện
nhiều kiếp người, cảnh người trong nhiều thời điểm, nhiều tình huống để
qua đó nói lên cảm nhận về nhân sinh. Điểm nổi bật trong các sáng tác của
Hồ Anh Thái mà người đọc dễ dàng nhận thấy đó là “tiếng cười” một yếu tố
đặc sắc tạo nên thành công văn xuôi Hồ Anh Thái. Bằng tiếng cười nhà văn
đã phanh phui mọi sự nghịch lý của cuộc sống hiện đại, dũng cảm dùng con
chữ nhảy thẳng vào mọi sự nhốn nháo lố bịch của mọi tầng lớp người trong
xã hội. Nhưng bao trùm tất cả tiếng cười và giọng điệu châm biếm, tố cáo ấy
là những ưu tư về đời sống và tính cách con người Việt.
Tiếng cười trong văn xuôi Hồ Anh Thái cho chúng ta thấy chân dung của
hiện thực cuộc sống với bao bộn bề, nhiều góc khuất, nhiều trạng thái, nhiều
giá trị tốt xấu đan cài. Đã có lúc, khi nhìn về hiện thực ta chỉ chú ý đến phần
nổi mà không hay rằng phần ẩn chìm bên trong mới là điều đáng nói và bằng
nỗ lực không mệt mỏi, Hồ Anh Thái đã tạo nên những cái nhìn độc đáo về
đời sống. Cái nụ cười chua chát về cõi nhân sinh, khả năng lật tẩy những sự
trớ trêu, nghịch cảnh trong đời chỉ có thể có được khi nhà văn không nhìn
đời bằng cảm hứng lãng mạn thuần tuý màu hồng mà nhìn nó như những
mảnh vỡ. Nhưng tiếng cười trong văn xuôi Hồ Anh Thái đâu chỉ là vạch
trần, là phê phán những điều xấu xa, lố bịch trong xã hội mà ẩn sau là tình
cảm cao đẹp của lòng người, không quay lưng với nỗi đau trần thế và phía
sau những bi kịch nhân sinh ấy, nhà văn không mất đi niềm tin và hy vọng
vào con người. Khát khao hướng thiện sẽ làm cho thế giới này thoát khỏi
vòng tận thế và cuộc sống sẽ tốt đẹp và ý nghĩa hơn.
Chọn đề tài nghiên cứu về giá trị thẩm mĩ của tiếng cười - nét ưu trội
trong phong cách một tác giả đang ngày càng được dư luận chú ý nhưng
chưa được đánh giá toàn diện, chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu đặc sắc của
văn xuôi Hồ Anh Thái. Hơn thế nữa, qua việc tìm hiểu đề tài, chúng tôi
muốn trang bị thêm cho mình những hiểu biết mới về văn xuôi đương đại
Việt Nam thông qua các tác phẩm của một nhà văn cụ thể. Tất cả những điều
vừa kể đã tạo thêm động lực chắp cánh cho tôi đến với đề tài: Tiếng cười
trong văn xuôi Hồ Anh Thái.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Hồ Anh Thái là nhà văn ngày càng có nhiều công chúng, các tác phẩm
của ông ngày càng gây được nhiều sự chú ý của dư luận và bạn đọc. Để có
cơ sở cho một cái nhìn sâu sắc, bao quát đối với tiếng cười trong văn xuôi,
vừa không dẫm chân người đi trước, vừa đảm bảo tính khách quan khoa học,
tôi xin lược khảo những nghiên cứu, đánh giá về sáng tác và tiếng cười trong
văn xuôi Hồ Anh Thái.
Hồ Anh Thái với những sáng tác của mình, đã thực sự thu hút và tạo
được những ấn tượng tốt cả trong và ngoài nước. Hiếm có tác giả nào có sức
sáng tạo dồi dào và có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau như Hồ Anh Thái.
Trong bài “Hồ Anh Thái - người lúc nào cũng đang viết” [38], Hoài
Nam nhận định rằng: “ Trong số các nhà văn Việt Nam hiện nay, ai là người
viết khỏe nhất, viết đều đặn nhất và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt
nhất?. Tôi tin rằng, dù chúng ta có chọn ra top 10, top 5, hoặc thậm chí top 3
đi chăng nữa, thế nào trong đó cũng có cái tên Hồ Anh Thái”.
Nhà văn Lê Minh Khuê nhận định: Đây là người con đi dài với văn
chương.
Rồi Nguyễn Đăng Điệp khi khảo sát các sáng tác của Hồ Anh Thái đã
nhận định: Rõ ràng, xuất phát từ quan niệm coi cuộc đời như những mảnh
vỡ, bản thân mỗi con người lại mang những mảnh vỡ, những xung lực khác
nhau trong trăm ngàn mảnh vỡ kia đã trở thành nét chính trong quan niệm về
cuộc sống của Hồ Anh Thái. Chính quan niệm này sẽ tạo nên tính đa cấu
trúc trong các tác phẩm của anh [14, 350].
Nói về cuốn tiểu thuyết mới đây nhất của Hồ Anh Thái SBC là săn bắt
chuột (2011), ngay lời tựa đầu tiểu thuyết có nhận định rằng: Tiểu thuyết
mới nhất của Hồ Anh Thái có một màu sắc lạ, một cách viết về hiện thực
độc đáo. Một bức tranh hiện thực huyền ảo có cả nhân vật chuột và nhiều
nhân vật người, trong rất nhiều sự kiện, chi tiết của đời sống: ma tuý, buôn
bán đất, khai hoang, chuyện tại sân golf, trong văn phòng, trên internet…
Ngôn ngữ văn chương dân gian đầy ắp lời hát nhại, khẩu ngữ, nói lái,
những câu vần điệu thời sự của một thời. Không chỉ là chữ được viết ra, mà
là chữ được bố cục mới, như một trường ca đầy hấp lực, mời gọi, khiến đã
theo dõi là không thể dứt.
Không dừng lại ở đó các sáng tác của Hồ Anh Thái cũng đã thực sự thu
hút và tạo được ấn tượng trong lòng các tác giả nước ngoài qua những nhận
xét chủ yếu tập trung chỉ ra cái nhìn dũng cảm của nhà văn về “hiện thực khi
thế giới thảm hại đi qua chiến tranh và sử dụng thay đổi văn hoá, cùng với
văn phong vừa hài hoà vừa sâu sắc của tác giả”.
Tiến sĩ văn học Ấn Độ K.Pandey đã từng nhận xét truyện ngắn viết về
Ấn Độ của Hồ Anh Thái trên báo The Hindustan là: Những dòng chữ của
Hồ Anh Thái là những mũi kim châm cứu Á Đông đã điểm huyệt tính cách
Ấn Độ.
Nhà văn Wayne Karlin (Mỹ) viết: Với lòng kính trọng và tình yêu, anh
chấp nhận điểm xuất phát của mình trong lịch sử và văn học nước nhà,
nhưng cũng hướng ra cho những ảnh hưởng khác - nổi bật là chủ nghĩa
huyền ảo Mỹ la tinh và tác phẩm của nhà văn Pháp gốc Czech Milan
Kundera và anh đã để cho tác phẩm của mình đưa văn học Việt Nam đương
đại đi theo những hướng mới.
Ngoài một số công trình nghiên cứu và đánh giá về các sáng tác của Hồ
Anh Thái chúng tôi còn tìm hiểu và thu thập được những công trình nghiên
cứu và nhận định của nhiều nhà nghiên cứu về sự thể hiện và giá trị thẩm mỹ
của tiếng cười trong văn xuôi Hồ Anh Thái.
Bài viết trên báo Người Đại biểu Nhân dân, có nhận xét rằng: Bằng tiếng
cười tác giả đã phanh phui những cái nhẽ ra không có quyền tồn tại song lại
nghiễm nhiên đang tồn tại trong cuộc sống và mặt khác, nhà văn cũng buộc
người đọc phải nhận thức một sự thật cuộc sống này, ở đây, bây giờ, tất cả
đều đang ngổn ngang và chắc hẳn để có một trật tự tương đối, sẽ phải mất
không ít thời gian và nỗ lực cho nó.
TS. Bùi Thanh Truyền nhận định như sau: Phát hiện rất nhanh cái lố bịch
trong thực tại tác giả đã khai thác đến tận cùng phương diện gây cười của
chúng để đưa vào tuyến vận động của cốt truyện. Châm biếm, mỉa mai, trào
lộng, hài hước là những nhân tố tạo nên sắc thái giễu nhại trong truyện ngắn
Hồ Anh Thái… Dám nhìn thẳng vào cái hài - đời với đầy những trật khớp,
vênh lệch của cuộc sống thời tiền và hậu đổi mới rồi thể hiện nó bằng thứ
ngôn ngữ tương xứng để tự cười và chọc cười thiên hạ…
Ngô Thị Kim Cúc trong bài viết “Có ai chẳng muốn đùa”, sau khi nói
về những thú vị trong Tự sự 265 ngày đã cho rằng: “Ở đâu, với ai, trong
chuyện gì, Hồ Anh Thái cũng tìm ra được bao nhiêu là cái hài hước, đáng
cười, mà lại cười một cách rất… đúng mực, chỉn chu, rất… an toàn! Tưởng
có thể cười mãi với Hồ Anh Thái cho đến lúc buông sách ra. Thế nhưng sách
chưa buông thì cười cũng đã bay biến để cho tiếng thở dài thế chỗ”. Cuối bài
viết, tác giả kết luận: “Đó là giọng điệu riêng của Hồ Anh Thái trong tập
sách này: Tự sự 265 ngày. Có một Hồ Anh Thái tinh quái đến suồng sã khi
vẽ nên một tập hợp chân dung kiểu như thế khi bắt người đọc phải cười phải
đau như thế!” [12, 231-233].
Trong bài viết Hiện tượng văn chương Hồ Anh Thái, Anh Chi khẳng
định những đóng góp của nhà văn đối với nền văn học đổi mới, đặc biệt là
bút pháp của các truyện ngắn. Theo ông, văn chương trong các tập Tự sự
265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Sắp đặt và diễn là thứ văn chương trào lộng
sâu sắc. Ở đó, “sức khái quát của những truyện ngắn đạt đến tầm cổ điển, mà