Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Thiên nhiên trong chiến tranh và hòa bình của l.n. tônxtôi.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------
PHẠM THỊ THÁI
Thiên nhiên trong Chiến tranh và hòa bình của
L.N. Tônxtôi
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Văn học Nga thế kỷ XIX là một nền văn học phát triển rực rỡ nhất
trong lịch sử phát triển nghệ thuật thế giới và đạt được nhiều thành tựu kỳ
diệu. Trong dòng chảy chung của lịch sử ấy, đã sản sinh ra những tài năng
văn học kiệt xuất mà tên tuổi của họ đã được chạm khắc vào thành trì của nền
văn học thế giới như: A.X. Puskin, V.G. Bêlinxky, I.X. Tuôcghêniep, L.N.
Tônxtôi, A.P. Sekhốp… Mỗi nhà văn là một ánh hào quang rực rỡ trên bầu
trời văn học với những tác phẩm làm say mê hàng triệu trái tim độc giả.
Gorky trong cuốn Bàn về văn học từng viết: “Trong lịch sử phát triển của nền
văn học châu Âu, nền văn học trẻ tuổi của chúng ta là một hiện tượng kì
lạ…không có nơi nào mà chỉ trong non một thế kỉ đã hiện lên cả một quầng
sao rực rỡ của những tên tuổi vĩ đại như ở Nga và cũng không nơi nào đông
đảo những nhà văn tuẫn đạo như ở nước ta…” [1, tr.10]. Trong số đó, L.N.
Tônxtôi là một “nhà nghệ sĩ vĩ đại”, “nhà văn vô song trên toàn châu Âu”
(Lênin), là cây đại thụ trong cánh rừng văn học Nga, là một trong những đại
biểu lớn nhất và xuất sắc nhất của văn học hiện thực Nga và thế giới thế kỷ
XIX. Tác phẩm của ông bắt nguồn từ cuộc sống, gắn liền với quần chúng
nhân dân, thể hiện phẩm chất, khát vọng, và sức mạnh của quần chúng. Chính
vì vậy sáng tác của ông đã trở thành “tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”
(Lênin).
Hơn sáu mươi năm cầm bút, nhà văn vĩ đại L.N. Tônxtôi đã để lại cho
nhân loại một sự nghiệp văn học vô cùng đồ sộ và phong phú. Trong đó
Chiến tranh và hòa bình được coi là “cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ XIX”
(Nguyễn Hải Hà)
Với Chiến tranh và hòa bình, L.N. Tônxtôi không chỉ nổi tiếng với
“phép biện chứng tâm hồn” mà còn được coi là bậc thầy về miêu tả thiên
nhiên. G.Plêkhanôp viết: “Thiên nhiên không những được miêu tả mà còn
sống ở nghệ sĩ vĩ đại của chúng ta” [12, tr.387]. Thiên nhiên trong Chiến
tranh và hòa bình chiếm số lượng không lớn nhưng lại có một vị trí vô cùng
quan trọng. Nó không chỉ là cái nền giản đơn để các nhân vật hoạt động mà
đóng vai trò như một nhân vật sống, góp phần thể hiện tâm lý nhân vật, quan
điểm nghệ thuật của nhà văn. Đọc tác phẩm người đọc sẽ “cảm thấy hơi thở
của những không gian bao la, của những đồng bằng Nga vô tận” (S. Xnao) [4,
tr.83]. Tất cả đã đi vào tác phẩm với sự sống động, nên thơ và chân thực. Tuy
nhiên, cho đến nay việc nghiên cứu về thiên nhiên trong Chiến tranh và hòa
bình vẫn là vấn đề mở, đòi hỏi phải được nghiên cứu có tính hệ thống và sâu
sắc hơn.
Đến với thiên nhiên trong tác phẩm, chúng tôi đi vào nghiên cứu đề tài
“Thiên nhiên trong Chiến tranh và hòa bình của L.N. Tônxtôi”. Nghiên
cứu đề tài này, chúng tôi hi vọng đóng góp một cái nhìn đầy đủ hơn về giá trị
của cuốn tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình và hé mở được phần nào tấm
màn bí mật đã làm nên sức sống bền bỉ của tác phẩm này trong hơn một thế kỉ
qua.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Chiến tranh và hòa bình là cuốn tiểu thuyết ngay từ khi mới ra đời, đã
gây nên một làn sóng tranh luận trong giới nghiên cứu, phê bình văn học vô
cùng sôi sục, mạnh mẽ. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về tác
giả Tônxtôi và cuốn tiểu thuyết vĩ đại này. Nghiên cứu đề tài “Thiên nhiên
trong Chiến tranh và hòa bình của L.N. Tônxtôi”
, bên cạnh việc tìm hiểu
những công trình nghiên cứu về tác giả, tác phẩm Chiến tranh và hòa bình,
chúng tôi còn tập trung đi sâu vào những bài viết, đánh giá về thiên nhiên và
nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của cuốn tiểu thuyết này.
Ở nước ngoài, phần lớn các nhà văn Nga và thế giới tiếp nhận phương
pháp sáng tác của L. Tônxtôi như một hiện tượng văn học kì diệu, một sáng
tạo nghệ thuật độc đáo. Chính vì vậy, đã có rất nhiều những bài viết, các cuốn
sách của nhiều tác giả khác nhau ra đời ca ngợi ngòi bút đầy tài năng của
L.Tônxtôi.
Trong cuốn Lep Tônxtôi (2 tập) của V. Sclôp-xki do Hoàng Oanh dịch,
NXB Văn hóa 1978, tác giả đã ghi lại một cách chân thực toàn bộ tiểu sử,
cuộc đời, những tìm tòi, khám phá của Tônxtôi trong quá trình hoàn thành bộ
tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình.
Nhìn chung các nhà văn, nhà phê bình Nga đều đánh giá cao L. Tônxtôi
và bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình. Tuôcghêniep cho rằng: “Chiến
tranh và hòa bình là tác phẩm vĩ đại của nhà văn vĩ đại” [4, tr.153]; Lênin
cũng đánh giá rất cao con người cũng như tài năng của L. Tônxtôi, ông cho
rằng những tác phẩm của đại văn hào Tônxtôi “không những đã vẽ nên những
bức tranh tuyệt vời về đời sống Nga mà còn hiến cho văn học thế giới những
tác phẩm bậc nhất” [4, tr.175].
Vượt ra khỏi biên giới nước Nga, các nhà văn tiến bộ của Pháp mà tiêu
biểu là Franx cũng từng khẳng định: “Người sáng tạo nên những bản anh
hùng ca là người thầy của chúng ta về mọi mặt” [12, tr. 391].
Nhà văn Anh Giôn Gônxuorxi viết rằng: “Nếu phải nêu lên một cuốn
tiểu thuyết đúng với định nghĩa tha thiết của ban tổ chức những cuộc điều tra
văn học về “cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất thế giới” thì tôi lựa chọn tác phẩm
Chiến tranh và hòa bình” [12, tr.395].
Không chỉ ở các nước châu Âu mà ở các nước châu Á, Tônxtôi và
những tác phẩm của ông cũng để lại những hấp lực mãnh liệt. Nhà văn Nhật
Ôkađava Khiđêtôva tâm sự rằng: “Cuộc sống đối với tôi là một thời gian nặng
nề cho đến khi tôi đọc Chiến tranh và hòa bình thì hoàn toàn là một thế giới
khác mở ra trước mắt tôi… Tiểu thuyết của Tônxtôi đã làm rung chuyển tận
gốc những quan niệm sống trước đây của tôi” [12, tr.402].
Đánh giá về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong tác phẩm vĩ đại này,
nhà phê bình Plêkhanôp cũng đã có những nhận xét ngắn gọn nhưng xác
đáng: “Thiên nhiên không những được miêu tả mà còn sống động như một
nhân vật thực ở nhà nghệ sĩ vĩ đại của chúng ta” [12, tr.387]. Trong một bài
báo của Secnưsépxki cũng đã ghi lại những ý kiến của giới phê bình: “Tài
quan sát phi thường, sự phân tích tinh tế những chuyển biến tâm hồn, tính
chất rõ ràng và tính chất thơ trong những cảnh miêu tả thiên nhiên, vẻ đẹp
giản dị - đó là đặc điểm tài năng bá tước L. Tônxtôi” [23, tr.77].
Ngoài ra còn nhiều những ý kiến đánh giá có giá trị khác về đại văn hào
L.Tônxtôi cũng như những sáng tác của ông. Riêng về vấn đề thiên thiên
trong tác phẩm Chiến tranh và hòa bình giới phê bình, nghiên cứu văn học
tuy đã có sự đề cập nhưng mới chỉ dừng lại ở những nhận xét khái quát, vĩ
mô, chưa cụ thể và chưa có tính hệ thống rõ ràng.
Ở Việt Nam, các nhà văn cũng đã tiếp nhận các tác phẩm của L.
Tônxtôi một cách đầy hào hứng và say mê. Nhà văn Nguyên Hồng trong
L.Tônxtôi - Đỉnh cao hùng vĩ của văn học Nga (NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh,
2006) do Nguyễn Văn Kha biên soạn đã viết: “Qua bao nhiêu năm cho đến
bây giờ, nhắc đến L. Tônxtôi dù chỉ là trong truyện ngắn mấy trang in, tôi vẫn
giữ nguyên cái cảm giác có một thứ ánh sáng và gió mát từ đỉnh núi trắng xóa
dội xuống người tôi, ùa vào tâm hồn tôi, cuốn gột đi những bụi gai vướng víu
và chắp cánh bay lên” [10, tr.86]. Nguyễn Tuân thì khẳng định một điều chắc
chắn như chân lý: “Trong rừng văn đại ngàn nước Nga, L. Tônxtôi sừng sững
và cao chót vót như một đỉnh thái sơn trường tồn cho đến ngày nhân loại du
hành vũ trụ đi hết các tinh cầu khác” [21, tr.15].
Nguyễn Hải Hà trong cuốn Thi pháp tiểu thuyết L. Tônxtôi, NXB Giáo
dục, Hà Nội, 2006 đã có sự tiếp cận rất sâu sắc theo hướng thi pháp học về giá
trị của tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình. Tác giả cho rằng “Chiến tranh và
hòa bình chan chứa phong vị Nga, bản tính Nga, thiên nhiên Nga, tập tục
Nga” [4, tr.202]. Đối với thiên nhiên trong tác phẩm, tác giả cũng có những
đánh giá khái quát: “Phong cảnh thiên nhiên của Tônxtôi chân thực, nên thơ,
khỏe khoắn, vui tươi và giàu sức sống” [4, tr.228]; “Không thể hình dung
nhân vật của Tônxtôi nếu thiếu thiên nhiên. Qua giao hòa với thiên nhiên,
nhân vật của Tônxtôi mở lòng trước bạn đọc. Phong cảnh thiên nhiên, những
bức tranh thiên nhiên giữ một vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện tính
cách nhân vật của Tônxtôi” [4, tr.119]. Tác giả kết luận rằng: “Mở lòng với
thiên nhiên, cảm nhận được thiên nhiên, giao hòa với thiên nhiên - theo
Tônxtôi đó là dấu hiệu của nhân tính, của một tâm hồn đẹp”, song “Thiên
nhiên trong tác phẩm Tônxtôi là một đề tài lớn cần nghiên cứu riêng” [4,
tr.119]. Cuốn sách của GS. Nguyễn Hải Hà đã cung cấp cho chúng tôi cái
nhìn khái quát nhất, chung nhất và đây cũng là cơ sở để chúng tôi thực hiện
đề tài này.
Trong cuốn Lịch sử văn học Nga thế kỉ XIX, NXB Giáo dục năm 1970, tác
giả Nguyễn Hải Hà cũng viết: “Thiên nhiên của L. Tônxtôikhông phải là cái nền
giản đơn cho các nhân vật hoạt động. Nó đóng một vai trò đặc biệt trong tác
phẩm, giống như một nhân vật sống vậy… Có thể nói thiên nhiên của L.Tônxtôi
có vẻ đẹp đặc biệt, giàu chất thơ và mang nhiều sức sống” [2. tr.107].
Trong cuốn chuyên luận L. Tônxtôi (1986), tác giả Nguyễn Trường
Lịch đã đi sâu vào nghiên cứu nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của L.
Tônxtôi trong tác phẩm Chiến tranh và hòa bình. Bên cạnh đó, tác giả cũng
cho rằng thiên nhiên có vai trò quan trọng đến nội dung tư tưởng của tác
phẩm, là một trong những phương pháp hữu hiệu thể hiện tâm lý nhân vật:
“Trong các tác phẩm của L. Tônxtôi, thiên nhiên có vai trò quan trọng đến nội
dung tư tưởng của tác phẩm. Nhà văn sử dụng phong cảnh như một thủ pháp
nghệ thuật để phản ánh đời sống nhân vật, đặc biệt là đời sống tâm hồn. Thiên
nhiên gắn bó mật thiết với trạng thái tâm hồn nhân vật” [12, tr.378]; “Theo
nhà văn, phong cảnh thiên nhiên là một trong những đóng góp quý giá vào
đời sống, hẳn là nơi nương tựa, an ủi, gửi gắm, hòa hợp tâm hồn con người
qua những phút giây hào hứng phấn khởi hoặc cùng chia sẻ nỗi buồn đau, mất
mát, thất bại đắng cay” [12, tr. 381]. Đây là cuốn chuyên luận có hướng
nghiên cứu rất sâu đối với sáng tác của L.Tônxtôi. Vấn đề về thiên nhiên tuy
có được tác giả đề cập đến nhưng đó là những nhận xét về vai trò của thiên
nhiên trong toàn bộ sáng tác của Tônxtôi chứ không của riêng tác phẩm Chiến
tranh và hòa bình, song đây cũng là những gợi ý hữu ích cho chúng tôi trong
việc định hướng tìm hiểu, nghiên cứu đề tài của mình.
Một số công trình nghiên cứu khác như: cuốn Tiểu thuyết hiện thực
Nga thế kỷ XIX của NXB Khoa học xã hội, và đặc biệt là cuốn Chân dung các
nhà văn thế giới của NXB Giáo dục đã giới thiệu về cuộc đời cũng như sự
nghiệp sáng tác của L. Tônxtôi một cách chi tiết, cụ thể. Thông qua các bài
viết đó, bạn đọc có được cái nhìn đầy đủ về chân dung nhà văn L.N. Tônxtôi
và sự nghiệp văn chương đồ sộ của ông. Ngoài ra còn một số các bài viết khác
về tác giả L.Tônxtôi và tác phẩm Chiến tranh và hòa bình cũng được đăng tải
trên các báo, tạp chí …
Trên cơ sở tiếp thu những kết quả nghiên cứu, những đánh giá, nhận
xét của các công trình đã nêu, chúng tôi xem đó là cơ sở gợi mở cho quá trình
thực hiện đề tài này.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Đề tài hướng tới những bức tranh thiên nhiên,
vai trò của thiên nhiên trong tác phẩm Chiến tranh và hòa bình và nghệ thuật
chủ yếu được tác giả sử dụng trong việc miêu tả thiên nhiên.
Phạm vi nghiên cứu: Chiến tranh và hòa bình (3 tập), do Cao Xuân
Hạo - Nhữ Thành - Hoàng Thiếu Sơn - Thường Xuyên (dịch), NXB Văn học
ấn hành năm 2006.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu chủ yếu:
- Phương pháp tiếp cận hệ thống
- Phương pháp phân tích - tổng hợp
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng một số phương pháp bổ trợ khác:
Phương pháp khảo sát - thống kê; phương pháp so sánh - đối chiếu; phương
pháp nghiên cứu liên ngành.
5. Bố cục của của khóa luận
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, khóa luận của chúng tôi gồm ba
chương:
Chuơng I: L.N. Tônxtôi và tác phẩm Chiến tranh và hòa bình
Chương II: Thế giới thiên nhiên trong Chiến tranh và hòa bình
Chương III: Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong Chiến tranh và hòa
bình