Siêu thị PDFTải ngay đi em, trời tối mất

Thư viện tri thức trực tuyến

Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật

© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

T
PREMIUM
Số trang
143
Kích thước
36.4 MB
Định dạng
PDF
Lượt xem
1074

Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ

Nội dung xem thử

Mô tả chi tiết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN ĐÌNH NGHĨA

THẾ QUYỀN

SAU KHI THỰC HIỆN THAY NGHĨA VỤ

LUẬN VĂN THẠC SĨ

CHUYÊN NGÀNH LUẬT DÂN SỰ VÀ TỐ TỤNG DÂN SỰ

ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU

TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2021

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP HỒ CHÍ MINH

THẾ QUYỀN

SAU KHI THỰC HIỆN THAY NGHĨA VỤ

Chuyên ngành: Luật Dân sự và Tố tụng dân sự

Định hướng nghiên cứu

Mã số: 8380103

Người hướng dẫn khoa học: Pgs. Ts. Đỗ Văn Đại

Học viên: Nguyễn Đình Nghĩa

Lớp: Cao học Luật khóa 30

TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2021

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi và được thực

hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của Pgs. Ts. Đỗ Văn Đại. Những luận điểm, nhận

xét, đánh giá của các tác giả, cơ quan tổ chức sử dụng trong Luận văn đều được

trích dẫn rõ ràng, đầy đủ. Các kết luận nghiên cứu trong Luận văn được trình bày

trung thực, có tính kế thừa một số quan điểm khoa học và chưa từng được công bố

dưới bất kỳ hình thức nào.

Tôi xin chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu của mình.

Tác giả Luận văn

Nguyễn Đình Nghĩa

DANH MỤC NHỮNG TỪ VIẾT TẮT

BLDS 1995 Bộ luật dân sự số 44-L/CTN ngày 28/10/1995

BLDS 2005 Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005

BLDS 2015 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015

Bộ luật hàng hải 2015 Bộ luật hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 ngày

25/11/2015

Luật các công cụ

chuyển nhượng 2005

Luật các công cụ chuyển nhượng số 49/2005/QH11

ngày 29/11/2005

Luật kinh doanh bảo

hiểm 2000

Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày

09/12/2000

MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU........................................................................................................1

CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ THẾ QUYỀN SAU KHI THỰC

HIỆN THAY NGHĨA VỤ.........................................................................................9

1.1. Điều kiện phát sinh thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ ...............9

1.1.1. Có thỏa thuận chuyển giao quyền yêu cầu...............................................9

1.1.2. Sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm .....................................................12

1.1.3. Sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh ......................................................16

1.1.4. Sau khi bồi thường thiệt hại ...................................................................19

1.1.5. Sau khi trả nợ thay .................................................................................24

1.2. Hệ quả pháp lý của thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ..............27

1.2.1. Thay đổi chủ thể quyền, không còn vai trò của chủ thể quyền ..............27

1.2.2. Duy trì biện pháp bảo đảm.....................................................................30

1.2.3. Duy trì ràng buộc giữa các bên..............................................................34

1.3. Phạm vi thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ.................................37

Kết luận chương 1 ...................................................................................................42

CHƯƠNG 2. NHỮNG BẤT CẬP TRONG QUY ĐỊNH VỀ THẾ QUYỀN SAU

KHI THỰC HIỆN THAY NGHĨA VỤ VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN ........44

2.1. Bất cập và kiến nghị trong quy định về thế quyền trong bảo hiểm ........44

2.1.1. Liên quan yếu tố lỗi................................................................................44

2.1.2. Thỏa thuận chuyển quyền bồi hoàn........................................................49

2.1.3. Yếu tố khác .............................................................................................52

2.2. Thiếu quy định cụ thể và kiến nghị về trường hợp thế quyền theo pháp

luật........................................................................................................................55

2.2.1. Trường hợp thế quyền đòi bồi hoàn trong bảo lãnh ..............................55

2.2.2. Trường hợp đòi bồi hoàn sau khi bồi thường thiệt hại ..........................58

2.2.3. Trường hợp trả nợ thay ..........................................................................61

2.2.4. Trường hợp người mua bất động sản dùng số tiền mua bất động sản để

trả cho chủ nợ...................................................................................................65

2.2.5. Trường hợp một người đứng ra trả món nợ mà anh ta nợ cùng những

người khác ........................................................................................................67

2.2.6. Trường hợp người thừa kế trả món nợ liên quan di sản thừa kế ...........71

Kết luận chương 2 ...................................................................................................72

KẾT LUẬN..............................................................................................................75

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

PHỤ LỤC

1

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Chủ thể của quan hệ nghĩa vụ dân sự gồm hai bên, bên có quyền và bên có

nghĩa vụ. Với mong muốn đạt được lợi ích nhất định, theo đúng ý chí của mình,

thông thường các chủ thể trong giao dịch sẽ muốn tự mình thực hiện quyền hoặc

nghĩa vụ. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển thì phương thức giao lưu dân sự cũng

ngày càng đa dạng và phong phú. Khi hoàn cảnh thay đổi, có thể xuất hiện trường

hợp mà một trong các bên nhận thấy việc tiếp tục thực hiện giao dịch không còn

mang lại lợi ích hay kỳ vọng ban đầu. Lúc này, người có quyền hoặc có nghĩa vụ sẽ

không còn mong muốn trực tiếp thực hiện quyền hay nghĩa vụ của mình hay nói

cách khác là muốn tự giải phóng khỏi quan hệ giao dịch.

Khi quan hệ nghĩa vụ đang tồn tại, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, có

thể xuất hiện những nguyên nhân khách quan hoặc nguyên nhân chủ quan khiến

cho những chủ thể đã tham gia vào quan hệ nghĩa vụ không thể tiếp tục đóng vai

trò là chủ thể của quan hệ nghĩa vụ để thực hiện quyền yêu cầu hay nghĩa vụ của

mình. Để tạo sự linh hoạt, thuận tiện trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ, khi

cần thiết có thể thay đổi chủ thể quyền hoặc chủ thể nghĩa vụ trong quan hệ

nghĩa vụ. Việc thay đổi chủ thể có quyền gọi là việc chuyển giao quyền yêu cầu.

Việc thay đổi chủ thể có nghĩa vụ gọi là chuyển giao nghĩa vụ

1

. Ở đây, có sự

chuyển giao sang chủ thể thứ ba (chủ thể nhận chuyển giao quyền hoặc nghĩa

vụ). Người thứ ba thực hiện quyền yêu cầu không phải với ý nghĩa là bên được

ủy quyền, mà với tư cách pháp lý là bên thay thế bên có quyền yêu cầu (được gọi

là bên thế quyền)2

.

Thực tiễn cho thấy có những trường hợp người đứng ra thực hiện thay nghĩa

vụ (như trả nợ thay, bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ, bồi thường thiệt hại thay cho

người khác...) nhưng lại rất khó khăn trong việc thu hồi lại những gì mình đã bỏ ra.

Dù pháp luật cũng đã có những cơ chế, quy định để bảo vệ cho người thực hiện thay

nghĩa vụ nhưng vẫn chưa thực sự đầy đủ. Tư duy thế quyền đã được vận dụng trong

một số phán quyết của các cấp Toà án nhưng việc bảo vệ cho người thực hiện thay

1 Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2020), Giáo trình pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt

hại ngoài hợp đồng, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr.56.

2 Tưởng Duy Lượng (2018), “Chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ dân sự”, Tạp chí Kiểm

sát, (16), tr.4.

2

nghĩa vụ vẫn còn bất cập. Vấn đề đặt ra ở đây là: Người thực hiện thay nghĩa vụ của

người khác để đáp ứng yêu cầu của người có quyền thì có được thế vào người có

quyền để yêu cầu người có nghĩa vụ thanh toán?

Như vậy, có thể thấy thực tiễn đặt ra nhu cầu đối với thế quyền và luật dân sự

cũng đã có quy định (BLDS 1995 tại mục 4 từ Điều 315 đến Điều 320, BLDS 2005

tại mục 4 từ Điều 309 đến Điều 314 và BLDS 2015 tại mục 5 từ Điều 365 đến Điều

369). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các quy định của pháp luật hiện hành đã cụ thể,

đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn hay chưa. Đặc biệt,

BLDS 2015 được kỳ vọng có những thay đổi nhưng những quy định về “thế quyền”

vẫn chưa thực sự rõ nét, tương xứng với nhu cầu thực tiễn phong phú và sinh động.

Các quy định về thế quyền theo pháp luật hạn chế trong một số trường hợp (thừa kế,

bảo hiểm), cần được nghiên cứu bổ sung.

Với những lý do trên, tác giả chọn đề tài “Thế quyền sau khi thực hiện

thay nghĩa vụ”, để có thể đóng góp vào việc hoàn thiện các quy định của pháp luật

hiện hành liên quan đến thế quyền, giúp phương thức này phát huy hiệu quả trong

thực tiễn.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Vấn đề thế quyền đã được phân tích trong các nghiên cứu của nhiều tác giả,

trình bày trong các bài viết khoa học, sách chuyên khảo, giáo trình...

Đầu tiên, các công trình được xuất bản thành sách, tiêu biểu có:

Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2020), Giáo trình pháp

luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Tái bản lần thứ 1),

Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Hà Nội:

Vấn đề thế quyền được trình bày trong phần về Thay đổi chủ thể trong quan

hệ nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong phần này cũng chỉ chủ yếu phân tích xoay quanh vấn

đề chuyển giao quyền yêu cầu theo thỏa thuận giữa các bên mà chưa đề cập các

trường hợp chuyển giao quyền yêu cầu hay thế quyền theo pháp luật như trong quan

hệ bảo hiểm, trong thừa kế hay các trường hợp khác. Luận văn sẽ đi sâu phân tích,

làm rõ nét hơn các trường hợp thế quyền theo pháp luật thông qua quy định cũng

như từ thực tiễn xét xử, qua đó cho thấy vai trò của phương thức này trong việc bảo

vệ người thực hiện thay nghĩa vụ.

3

Đỗ Văn Đại (2018), Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam –

Bản án và bình luận bản án - Tập 2 (Xuất bản lần thứ tư), Nxb. Hồng Đức – Hội

luật gia Việt Nam, Hà Nội:

Thông qua việc bình luận hai bản án về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy

hiểm cao độ gây ra, tác giả đã phân tích và đưa ra giải pháp vận dụng tư duy thế

quyền để giải quyết hiệu quả vấn đề bồi hoàn khi không đủ điều kiện áp dụng các

quy định về bồi thường thiệt hại do người khác gây ra trong BLDS. Cụ thể, sau

khi chủ sở hữu phương tiện tham gia vào tai nạn bồi thường cho người bị thiệt hại

và người bị thiệt hại thỏa thuận chuyển giao quyền yêu cầu cho chủ sở hữu thì chủ

sở hữu được quyền yêu cầu người gây thiệt hại bồi hoàn. Đây là trường hợp thế

quyền theo thỏa thuận như quy định tại khoản 2 Điều 309 BLDS 2005 (khoản 2

Điều 365 BLDS 2015). Trong trường hợp không có thỏa thuận như vừa nêu thì tác

giả đề xuất nên vận dụng tương tự quy định của pháp luật, như quy định đối với

bảo hiểm. Công trình này đã đưa ra một góc nhìn từ thực tiễn cũng như lý luận về

thế quyền trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại, là một nguồn tham khảo hữu ích cho

luận văn.

Đỗ Văn Đại (2020), Luật nghĩa vụ Việt Nam – Bản án và bình luận bản án

(Xuất bản lần thứ tư), Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội:

Thông qua việc bình luận nhiều trường hợp thực tiễn xét xử, tác giả đã đưa ra

những phân tích chi tiết và tương đối bao quát về vấn đề thế quyền từ trường hợp

theo thỏa thuận đến theo pháp luật. Kết hợp so sánh với pháp luật nước ngoài, tác

giả đã chỉ ra những điểm sơ sài, chưa rõ ràng hay còn thiếu sót của quy định pháp

luật về thế quyền hiện nay để có thể giải quyết tốt các trường hợp thực tiễn (sự thiếu

vắng của những quy định chi tiết về chuyển giao quyền yêu cầu theo pháp luật).

Tuy nhiên, trong tổng thể công trình nghiên cứu về luật nghĩa vụ này còn có những

khía cạnh mà luận văn có thể tiếp tục khai thác, phát triển.

Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (2017), Bình luận khoa học Bộ luật dân

sự năm 2015 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Nxb. Công an

nhân dân, Hà Nội:

Trong công trình này, các tác giả đã đưa ra một số phân tích về quy định

chuyển giao quyền yêu cầu trong BLDS 2015. Chỉ ra, khác với việc thực hiện

quyền yêu cầu thông qua người thứ ba (ủy quyền), trong việc chuyển giao quyền

4

yêu cầu, khi quyền yêu cầu được chuyển giao thì quan hệ nghĩa vụ giữa bên chuyển

quyền và bên có nghĩa vụ sẽ chấm dứt và sẽ phát sinh một quan hệ nghĩa vụ mới

giữa người thế quyền với người có nghĩa vụ. Tuy nhiên, các phân tích về thế quyền

trong nghiên cứu này còn khá sơ lược và chủ yếu mang tính giải thích quy định của

pháp luật. Luận văn sẽ tiếp tục đào sâu làm rõ hơn các quy định cũng như đánh giá

các trường hợp thực tiễn để có cái nhìn đầy đủ hơn về thế quyền.

Tiếp theo, các bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật, tiêu biểu:

Tưởng Duy Lượng (2018), “Chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao

nghĩa vụ dân sự”, Tạp chí Kiểm sát – Viện kiểm sát nhân dân tối cao, (16):

Trong bài viết này, tác giả phân tích một số quy định của BLDS 2015 về

chuyển giao quyền yêu cầu nhằm góp phần nhận thức thống nhất về các quy định

này (về việc thông báo, nghĩa vụ cung cấp thông tin, chuyển giao giấy tờ, về vấn đề

chuyển giao biện pháp bảo đảm, những quyền dân sự được phép chuyển giao). Dưới

góc độ của nhà nghiên cứu cũng như là một người từng làm công tác thực tiễn lâu

năm, tác giả cũng đưa ra những bình luận, phân tích về hướng xử lý của Tòa án

trong một trường hợp cụ thể (Quyết định xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài

số 11/2014/QĐ-PQTT ngày 04/11/2014 của TAND TP. Hà Nội). Tuy nhiên, bài

viết như trên đã nói, chủ yếu tập trung giải thích nhằm mang lại nhận thức thống

nhất về các quy định hiện hành chứ chưa chỉ ra những tồn tại bất cập và cũng chưa

bao quát đầy đủ các khía cạnh của thế quyền - điều mà luận văn hướng tới.

Trương Thị Mỹ Hạnh (2015), “Trở thành người thế quyền khi đã thực

hiện thay nghĩa vụ trong quan hệ dân sự”, Khoa học Kiểm sát – Trường Đại học

Kiểm sát Hà Nội, (2):

Bài viết hệ thống hóa những quy định của Bộ luật dân sự liên quan chuyển

giao quyền yêu cầu theo pháp luật còn “tản mạn” trong các trường hợp thừa kế

(Điều 636 BLDS 2005), bảo hiểm (Điều 557), bảo lãnh (Điều 367). Bên cạnh việc

phân tích các quy định pháp luật nói trên, tác giả cũng trình bày một số trường hợp

thực tiễn liên quan cho thấy bất cập của quy định, đồng thời đưa ra kiến nghị hoàn

thiện pháp luật về thế quyền. Bài viết ra đời khi BLDS 2015 chưa có hiệu lực và

vẫn còn những vấn đề chưa được đào sâu phân tích để làm rõ. Tuy nhiên, đây cũng

là một tham khảo hữu ích cho luận văn trong việc hướng tới cái nhìn tổng thể các

khía cạnh liên quan thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ.

5

Đỗ Văn Đại (2014), “Chuyển giao quyền yêu cầu trong Bộ luật dân sự”,

Tạp chí Kiểm sát - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, (3):

Bài viết tập trung phân tích hai vấn đề liên quan đến chuyển giao quyền yêu

cầu (thế quyền): cách thức chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ nghĩa vụ dân

sự và trường hợp có thể chuyển giao quyền yêu cầu. Tác giả có sự so sánh điểm

khác biệt giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài, đưa ra hướng bổ sung

hoàn thiện pháp luật trên cơ sở tiếp thu những điểm tiến bộ của pháp luật thế giới.

Tuy giới hạn dung lượng trong khuôn khổ một bài viết trên tạp chí khoa học nhưng

đã đặt ra những vấn đề có thể tiếp tục nghiên cứu, đào sâu, ví dụ như các trường

hợp thế quyền đương nhiên (theo pháp luật).

Nguyễn Thị Hồng (2011), “Bàn về thủ tục chuyển giao quyền và nghĩa vụ

trong thi hành án dân sự”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật – Bộ tư pháp, (3):

Trong bài viết, tác giả trình bày một trường hợp thực tiễn theo đó người được

thi hành án là cá nhân chết và người thừa kế của người được thi hành án tiếp tục

làm đơn yêu cầu thi hành án (chuyển quyền yêu cầu theo pháp luật). Từ đó chỉ ra

những bất cập của quy định trong pháp luật thi hành án dân sự liên quan vấn đề

chuyển giao quyền. Đây là góc nhìn từ thực tiễn trong lĩnh vực thi hành án dân sự

liên quan vấn đề thế quyền, là một nguồn tham khảo bổ sung hữu ích cho hướng

nghiên cứu của luận văn.

Chi cục thi hành án dân sự huyện Gia Lâm TP. Hà Nội (2011), “Chuyển

giao quyền yêu cầu thi hành án khi người được thi hành án là cá nhân chết”,

Tạp chí Dân chủ và pháp luật – Bộ tư pháp, (7):

Bài viết này cũng đưa ra một trường hợp thực tiễn trong lĩnh vực thi hành án,

khi những người được thi hành án là cá nhân chết và người phải thi hành án phản đối

việc chuyển giao quyền yêu cầu thi hành án cho những người thừa kế. Tuy nhiên, bài

viết cũng chỉ xoay quanh một vấn đề, đó là quyền yêu cầu được thi hành án của những

người thừa kế hay thế quyền trong thi hành án, và chủ yếu là thể hiện việc vận dụng

pháp luật hiệu quả của người làm công tác thực tiễn trong bối cảnh những quy định

pháp luật còn chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng (mang tính dẫn chiếu, thiếu văn bản hướng

dẫn). Trong bối cảnh các nghiên cứu liên quan thế quyền, đặc biệt là thế quyền theo

pháp luật vẫn còn chưa nhiều, thì bài viết cũng là một nguồn tham khảo bổ sung cần

thiết cho việc tìm hiểu các khía cạnh khác nhau về thế quyền mà luận văn hướng tới.

6

Nguyễn Thị Thủy (2008), “Chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn trong bảo

hiểm tài sản”, Tạp chí Khoa học pháp lý – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, (5):

Tác giả phân tích một số quy định liên quan trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản,

chỉ ra những điềm còn bất cập trong quy định về chuyển quyền trong Luật kinh

doanh bảo hiểm 2000, bất cập của Bộ luật hàng hải 2005 liên quan vấn đề này. Bài

viết đóng góp góc nhìn về chuyển giao quyền yêu cầu trong bảo hiểm, cụ thể là

chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn. Đây là một tham khảo về vấn đề thế quyền trong

bảo hiểm, một trường hợp thế quyền theo pháp luật mà luận văn sẽ đi vào làm rõ.

Phan Hải Hồ (2007), “Áp dụng chế định chuyển giao quyền yêu cầu qua

thực tiễn một vụ án dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (21):

Tác giả viện dẫn một bản án mà Tòa án nhận định chuyển giao quyền yêu cầu

chỉ là một hình thức ủy quyền. Từ đó chỉ ra sự chưa rõ ràng của các quy định pháp

luật về vấn đề thế quyền dẫn đến cách hiểu chưa chính xác của người áp dụng pháp

luật. Việc hoàn thiện các quy định về thế quyền là điều mà luận văn hướng tới, để

cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, giúp chế định thế quyền phát huy hiệu

quả vai trò bảo vệ người thực hiện thay nghĩa vụ trong thực tiễn.

Nguồn tham khảo khác:

Nội dung buổi tọa đàm “Thế quyền trong pháp luật dân sự” do Khoa Luật

Dân sự (Trường Đại học Luật TP.HCM) phối hợp cùng GS. Alain GHOZI (Đại học

Paris II, Cộng hòa Pháp) tổ chức, trong đó GS. Alain GHOZI trình bày quan điểm

về vấn đề này như sau: “Chuyển giao quyền yêu cầu và thế quyền tuy đều là việc

thay thế người có quyền ban đầu nhưng lại mang đến những hệ quả pháp lý khác

nhau. Chuyển giao quyền yêu cầu thực chất là một hợp đồng mua bán – tài sản được

bán ở đây chính là quyền yêu cầu và cơ chế này có thể được xem là một công cụ tìm

kiếm lợi nhuận. Ngược lại, trong thế quyền, quyền yêu cầu đối với người thứ ba

không quan trọng, họ chỉ quan tâm đến việc được thụ hưởng biện pháp bảo đảm mà

người có quyền ban đầu nhận được từ người có nghĩa vụ”. Như vậy, dưới góc độ

pháp luật dân sự Pháp thì chuyển giao quyền yêu cầu chính là hợp đồng mua bán có

đối tượng là một quan hệ pháp luật, trong khi đó thế quyền có thể xem như một cơ

chế bảo đảm cho việc trả một khoản tiền. Pháp luật Pháp có sự phân biệt rạch ròi

giữa chuyển giao quyền yêu cầu và thế quyền (Điều 1346 BLDS Pháp), trong khi

pháp luật Việt Nam không có cơ chế rõ ràng về vấn đề này. Học tập vấn đề này từ

7

pháp luật dân sự Pháp và đi vào nghiên cứu chế định thế quyền trong pháp luật dân

sự Việt Nam sẽ có thể trả lời cho câu hỏi đặt ra.

Những nghiên cứu nêu trên dù vẫn còn chưa nhiều nhưng đã đóng góp những

khía cạnh khác nhau về vấn đề thế quyền và sẽ là nguồn tư liệu hữu ích cho tác giả

trong quá trình thực hiện đề tài.

3. Mục đích nghiên cứu của đề tài

Mục đích chính của đề tài là nghiên cứu các quy định liên quan đến thế quyền

trong pháp luật Việt Nam, thực tiễn áp dụng các quy định đó. Từ đó hình thành nên

một cái nhìn tổng thể về thế quyền, làm sáng tỏ những bất cập, thiếu sót của các quy

định, góp phần bổ sung hoàn thiện pháp luật Việt Nam liên quan vấn đề này.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu bao gồm những quy định liên quan đến thế quyền

trong BLDS, các luật chuyên ngành khác có liên quan, văn bản hướng dẫn thi hành;

một số trường hợp thực tiễn liên quan đến thế quyền ở Việt Nam.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Tập trung vào nghiên cứu, phân tích các vấn đề pháp lý liên quan đến thế

quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam, đánh giá một số trường hợp thực tiễn

liên quan đến thế quyền ở Việt Nam.

5. Phương pháp nghiên cứu

Những phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong quá trình thực hiện đề

tài:

- Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết: Tác giả áp dụng phương pháp

phân tích và phương pháp tổng hợp các văn bản, tài liệu lý luận liên quan đến vấn

đề thế quyền để cho cái nhìn từ cụ thể đến tổng quát về các khía cạnh khác nhau của

vấn đề này. Phương pháp được sử dụng nhiều trong quá trình nghiên cứu tài liệu,

ngoài ra cũng được sử dụng đan xen trong các phần khác của đề tài.

- Phương pháp phân loại và hệ thống hóa lý thuyết: Phương pháp phân loại

được sử dụng để phân loại kiến thức tìm hiểu được cùng với việc hệ thống hóa một

cách hợp lý làm cơ sở để nghiên cứu đề tài. Phương pháp phân loại và hệ thống hóa

8

lý thuyết được sử dụng kết hợp cùng phương pháp phân tích tổng hợp trong quá

trình nghiên cứu tài liệu, cũng như xuyên suốt quá trình thực hiện luận văn.

- Phương pháp lịch sử: Phương pháp lịch sử được sử dụng trong quá trình

nghiên cứu những quy định khác nhau liên quan đến thế quyền. Giúp tìm kiếm, rút

ra những kinh nghiệm từ lịch sử, quy định của các bộ luật qua các thời kỳ (Bộ dân

luật Trung kỳ, Bộ dân luật Bắc kỳ,…). Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở

chương 1, giúp có một cái nhìn xuyên suốt, sâu sắc, cụ thể hơn, hiểu được cặn kẽ

hơn về pháp luật Việt Nam liên quan đến vấn đề thế quyền.

- Phương pháp so sánh luật học: Phương pháp so sánh được sử dụng nhằm

mục đích so sánh quy định của pháp luật về thế quyền theo quy định của một số quốc

gia khác với quy định của nước ta trong quá trình nghiên cứu tài liệu và tại chương 2

của luận văn. Phương pháp này giúp ích cho việc đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp

luật thông qua tham khảo những quy định tiến bộ của pháp luật nước ngoài.

- Phương pháp phân tích, bình luận bản án: Được sử dụng để xác định, nhận

diện vấn đề pháp lý cần nghiên cứu, đánh giá đường lối xét xử của Tòa án trong các

trường hợp thực tiễn xét xử liên quan vấn đề thế quyền. Phương pháp này được sử

dụng chủ yếu trong chương 2 của đề tài.

6. Các điểm mới, đóng góp mới về mặt lý luận

Hệ thống được các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến thế quyền,

đồng thời có sự so sánh với pháp luật một số quốc gia để thấy được sự giống và

khác nhau giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về thế quyền. Từ đó nhận

định được những điểm còn hạn chế để đề ra giải pháp bồ sung, hoàn thiện pháp luật

(như quy định về thế quyền theo pháp luật). Bên cạnh đó, việc đánh giá bình luận

một số trường hợp thực tiễn ở Việt Nam hiện nay cũng góp phần tìm ra phương

hướng nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định pháp luật liên quan.

7. Kết cấu luận văn

Ngoài Phần mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục; luận

văn có kết cấu gồm hai chương:

Chương 1. Những vấn đề cơ bản về thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ

Chương 2. Những bất cập trong quy định về thế quyền sau khi thực hiện thay

nghĩa vụ và kiến nghị hoàn thiện

Tải ngay đi em, còn do dự, trời tối mất!