Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Phòng, chống tham nhũng đất đai ở việt nam hiện nay qua khảo sát thực tiễn thành phố hải phòng
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
PHẠM THỊ KIM ANH
PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐẤT ĐAI
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY QUA KHẢO SÁT THỰC TIỄN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
NGÀNH: CHÍNH TRỊ HỌC
HÀ NỘI - 2021
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
PHẠM THỊ KIM ANH
PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐẤT ĐAI
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY QUA KHẢO SÁT THỰC TIỄN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
NGÀNH: CHÍNH TRỊ HỌC
Mã số: 9 31 02 01
Người hướng dẫn khoa học: PGS,TS. TRỊNH THỊ XUYẾN
HÀ NỘI - 2021
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng, được trích
dẫn đầy đủ theo quy định.
Tác giả luận án
Phạm Thị Kim Anh
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 8
1.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu 8
1.2. Đánh giá chung về các công trình đã tổng quan và hướng nghiên cứu của
đề tài 27
Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÒNG, CHỐNG
THAM NHŨNG ĐẤT ĐAI Ở VIỆT NAM 30
2.1. Tham nhũng đất đai 30
2.2. Phòng, chống tham nhũng đất đai 48
Chương 3: THỰC TRẠNG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐẤT ĐAI Ở
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG 70
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng và tác động
của chúng đến tham nhũng đất đai và phòng, chống tham nhũng đất đai
ở
thành phố Hải Phòng 70
3.2. Khái quát về tình hình tham nhũng đất đai và hệ thống tổ chức, nhân sự
phòng, chống tham nhũng đất đai ở thành phố Hải Phòng 74
3.3. Thực trạng phòng, chống tham nhũng đất đai ở thành phố Hải Phòng
giai đoạn từ năm 2006 đến nay 80
3.4. Đánh giá chung về phòng, chống tham nhũng đất đai ở thành phố
Hải Phòng từ năm 2006 đến nay 106
Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ
PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐẤT ĐAI Ở VIỆT NAM TỪ THỰC
TIỄN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG 124
4.1. Quan điểm về phòng, chống tham nhũng đất đai ở Việt Nam hiện nay 124
4.2. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng đất đai ở
Việt Nam hiện nay 127
KẾT LUẬN 161
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ CÓ
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 163
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 164
PHỤ LỤC 181
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
HĐND : Hội đồng nhân dân
PCTN : Phòng, chống tham nhũng
TAND : Tòa án nhân dân
UBND : Ủy ban nhân dân
VKSND: Viện kiểm sát nhân dân
DANH MỤC CÁC BẢNG
Trang
Bảng 3.1: Số liệu về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng,
chống tham nhũng ở thành phố Hải Phòng từ năm 2006 đến nay 84
Bảng 3.2: Số liệu về công khai minh bạch tài sản và thu nhập ở thành phố
Hải Phòng từ năm 2006 đến nay 90
Bảng 3.3: Số liệu về số vụ việc tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt
động thanh tra ở thành phố Hải Phòng từ năm 2006 đến nay 92
Bảng 3.4: Số liệu vụ việc tham nhũng bị xử lý hành chính thông qua hoạt
động thanh tra ở thành phố Hải Phòng từ năm 2006 đến nay 95
Bảng 3.5: Số liệu thu hồi tài sản trong quản lý đất đai trên ở thành phố Hải
Phòng thông qua hoạt động thanh tra từ năm 2006 đến nay 96
Bảng 3.6: Số liệu kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra ở thành phố
Hải Phòng từ năm 2006 đến nay 99
Bảng 3.7: Tổng hợp số vụ việc khiếu nại về đất đai tồn đọng, phức tạp, đông
người, kéo dài ở thành phố Hải Phòng từ năm 2006 đến nay 114
Bảng 3.8: Kết quả lấy ý kiến của người dân về lý do không tố cáo tham nhũng 120
DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ
Trang
Biểu đồ 3.1: Kênh phát hiện các vụ án tham nhũng đất đai đã được xét xử
ở thành phố Hải Phòng từ năm 2006 đến nay 76
Biểu đồ 3.2: Số liệu về kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử cán bộ,
công chức ở thành phố Hải Phòng từ năm 2006 đến nay 87
Biểu đồ 3.3: Số liệu chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên
chức ở thành phố Hải Phòng từ năm 2006 đến nay 88
Biểu đồ 3.4: Các loại tội phạm tham nhũng đất đai ở thành phố Hải Phòng
từ năm 2006 đến nay 100
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta
cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức. Tham nhũng chính là một trong
bốn nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, sự tồn vong của Đảng, của
chế độ, đe dọa sự ổn định xã hội, cản trở quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế
cũng như làm suy giảm lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự
điều hành của cơ quan nhà nước.
Nhận thức được tác hại nguy hiểm của tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta luôn
quan tâm đến công tác PCTN và coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Xuyên suốt từ Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ VI - thời điểm bắt đầu cho công cuộc đổi mới đất nước đến
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong các Văn kiện của Đảng luôn đánh giá
thực trạng tham nhũng ở nước ta và khẳng định quyết tâm PCTN; đề ra nhiều giải
pháp nhằm kiên quyết thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, công tác PCTN cũng đạt được
những kết quả nhất định. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, nhận
định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bước tiến mạnh, đạt được
nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được
nhân dân đồng tình, đánh giá cao, các tổ chức quốc tế ghi nhận” [48].
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn một số
hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế
(Transparency International - TI), chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam năm
2016, 2017, 2018, 2019 lần lượt là 33/100, 35/100, 33/100, 37/100; đứng thứ 113/176,
107/180, 117/180, 96/180. Năm 2020, Việt Nam đạt 36/100 điểm, giảm 1 điểm so với
năm 2019, xếp hạng 104/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Điểm CPI của Việt Nam
năm 2020 thấp hơn điểm trung bình của khu vực ASEAN (42/100) và cao hơn một số
quốc gia trong khu vực (Phi-líp-pin, Lào, My-an-ma và Cam-pu-chia). Như vậy, Việt
Nam vẫn nằm trong số hai phần ba các quốc gia trên thế giới có điểm dưới 50. Điều
này cho thấy tình trạng tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là
rất nghiêm trọng.
Như vậy, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh thực
hiện PCTN nhưng “tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi” [46, tr.15]. Từ chỗ đánh
giá “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra; tham
nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng” [46, tr.174], Nghị quyết Đại hội đại biểu lần
thứ XII khẳng định: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng... trong các cơ
quan nhà
2
nước và trong đội ngũ cán bộ, công chức” [46, tr.181], “Kiên quyết phòng, chống
tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng, ngừa, không để xảy ra tham
nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng,
tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham
nhũng, lãng phí” [46, tr.211]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1
tiếp tục nhận định:
... công tác phòng, chống tham nhũng... ở một số địa phương, bộ, ngành
chưa có sự chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số
nơi còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng,... vẫn còn hạn chế,
nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng,... trong nội bộ
cơ quan, đơn vị còn yếu... Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe
dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta [47, tr.92-93].
Do vậy, trong thời gian tới Việt Nam “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn
chặn, đẩy lùi tham nhũng... với quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, triệt để
hơn, hiệu quả hơn” [47, tr.193] là một trong các nội dung quan trọng của công tác xây
dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.
“Tham nhũng... trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp,
với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội” [47, tr.93], trong đó,
tham nhũng đất đai khá phổ biến và phức tạp. Tham nhũng đất đai gây ra hậu quả rất
nặng nề cho xã hội, gây nhiều bức xúc trong nhân dân với số lượng tài sản bị mất là vô
cùng lớn. Trong thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng đất đai đã bị phát hiện và đưa ra
xét xử, như vụ án thâu tóm đất công sản tại thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí
Minh với tổng diện tích 6.700 m
2
nhà và 26.700 m
2
đất [13].
Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương - đô thị loại I cấp quốc gia
thuộc vùng Đông bắc đất nước, là địa phương hội tụ những điều kiện thuận lợi cho
phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước. Trong thời gian gần đây, trên địa bàn Hải Phòng đã xảy ra nhiều vụ tham
nhũng đất đai, trong đó phải kể đến một số vụ án trọng điểm như là vụ tham nhũng đất
đai tại Đồ Sơn, Quán Nam, Tú Sơn Kiến Thụy. Trên thực tế, các vụ án tham nhũng đất
đai này đều do những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của chính quyền cơ sở và một số sở,
ngành của thành phố Hải Phòng gây ra. Điều này, một mặt phản ánh kết quả PCTN đất
đai trên địa bàn, nhưng mặt khác cũng cho thấy, kết quả chưa tương thích và phản ánh
đúng tham nhũng đất đai trên thực tế. Công tác PCTN đất đai ở thành phố Hải
Phòng vẫn
3
đang còn một số hạn chế như: các quy định về đất đai và PCTN đất đai còn nhiều
điểm chưa hợp lý; việc tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện
tham nhũng đất đai chưa được tiến hành thường xuyên, phát hiện còn chậm; việc xử lý
tham nhũng đất đai có nơi, có lúc còn chưa nghiêm. Vấn đề này một phần được phản
ánh thông qua chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam
(PAPI) của thành phố Hải Phòng. Mặc dù chỉ số PAPI trong mấy năm qua vừa qua của
thành phố tiến triển khá khả quan, tuy nhiên chỉ số kiểm soát tham nhũng của thành
phố còn khá khiêm tốn, cụ thể: năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020 lần lượt là 4,8;
4,36; 5,52; 5,54; 6,26. Rõ ràng, so với các tỉnh/thành phố khác, chỉ số kiểm soát tham
nhũng trong khu vực công của Hải Phòng trong những năm gần đây bị thua sút, chẳng
hạn, lấy chỉ số năm 2020 so với Cần Thơ (7,17 điểm); Long An (7,63 điểm); Bến Tre
(7,83); Đồng Tháp (8,12 điểm). Vậy cần phải làm gì để tiếp tục và nâng cao hiệu quả
PCTN đất đai nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày
24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiệm vụ: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác... phòng, chống tham nhũng...” [10] nói riêng, và mục tiêu của cuộc chiến
PCTN này trên phạm vi cả nước nói chung. Đó chính là những lý do cốt yếu để
nghiên cứu sinh chọn vấn đề "Phòng, chống tham nhũng đất đai ở Việt Nam hiện
nay qua khảo sát thực tiễn thành phố Hải Phòng" làm đề tài luận án tiến sĩ ngành
Chính trị học.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Luận án nhằm chỉ ra các nan giải đặc thù của PCTN đất đai và đề xuất quan
điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả PCTN đất đai ở Việt Nam.
2.2. Nhiệm vụ của luận án
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu trên, luận án xác định thực hiện các nhiệm
vụ sau:
Thứ nhất, làm rõ những vấn đề lý luận về tham nhũng đất đai và PCTN đất đai.
Thứ hai, phân tích những điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của thành phố Hải
Phòng tác động đến tham nhũng đất đai và PCTN đất đai ở Hải Phòng; khái quát tình
hình tham nhũng đất đai và hệ thống tổ chức, nhân sự PCTN ở thành phố Hải Phòng;
đồng thời đánh giá thực trạng PCTN đất đai, chỉ ra những ưu điểm và một số hạn chế,
nguyên nhân của ưu điểm và hạn chế trong PCTN đất đai ở thành phố Hải Phòng.
4
Thứ ba, đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả PCTN đất đai
ở Việt Nam từ thực tiễn thành phố Hải Phòng.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án nghiên cứu PCTN đất đai ở Việt Nam thông qua khảo sát thực tiễn
thành phố Hải Phòng.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi về không gian: Luận án tập trung nghiên cứu PCTN đất đai ở Việt
Nam hiện nay qua nghiên cứu trường hợp thành phố Hải Phòng.
- Phạm vi về thời gian: Luận án tập trung nghiên cứu PCTN đất đai từ năm 2006
(thời điểm có hiệu lực của Luật PCTN năm 2005) đến hết 06 tháng đầu năm 2021.
- Phạm vi về nội dung: Với tên đề tài “Phòng, chống tham nhũng đất đai…”,
Luận án tập trung nghiên cứu và giải quyết các nội dung: Lý luận về PCTN đất đai,
thực trạng quy định pháp lý PCTN đất đai và quá trình tổ chức thực hiện PCTN đất đai
ở thành phố Hải Phòng, để từ đó làm cơ sở xây dựng giải pháp nâng cao hiệu quả
PCTN đất đai ở Việt Nam hiện nay.
4. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu của đề tài
Luận án xác định câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu như sau:
TT Câu hỏi nghiên cứu Giả thuyết nghiên cứu
1
Tại sao tham nhũng đất đai nổi
trội lên về số lượng, quy mô và
tác động xã hội ở Việt Nam?
Tham nhũng đất đai có những đặc điểm riêng và
PCTN đất đai hiện nay chưa hiệu quả, trong khi
đất đai là một lĩnh vực có liên quan đến quyền lợi
của nhiều người.
2
Tại sao PCTN đất đai ở Việt
Nam (từ thực tiễn thành phố Hải
Phòng) chưa hiệu quả?
PCTN đất đai ở Việt Nam chưa hiệu quả do các
điều kiện PCTN tham nhũng đất đai, chưa đáp ứng
được yêu cầu (thể chế, bộ máy, con người, tổ chức
thực hiện, điều kiện cơ sở kỹ thuật, kinh phí...).
3
Cần phải làm gì để nâng cao
hiệu quả PCTN đất đai ở Việt
Nam hiện nay?
Xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả PCTN
đất đai ở Việt Nam theo hướng đảm bảo các điều
kiện để PCTN tham nhũng đất đai đạt được hiệu
quả (hoàn thiện thể chế, bộ máy, con người, tổ
chức
thực hiện, điều kiện cơ sở kỹ thuật, kinh phí...).
5
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của đề tài
5.1. Cơ sở lý luận
Cơ sở lý luận của luận án là hệ thống quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin và
tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước, pháp luật và các quan điểm, đường lối của Đảng
Cộng sản Việt Nam về PCTN đất đai.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
* Phương pháp luận
Luận án sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng kết hợp với phương
pháp duy vật lịch sử.
* Các phương pháp cụ thể
Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản của khoa học xã hội để
nghiên cứu, đó là: phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp/ phương pháp khảo cứu tài
liệu, phương pháp phỏng vấn sâu, phương pháp nghiên cứu trường hợp, phương pháp
thống kê, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích và tổng hợp.
Phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp/ phương pháp khảo cứu tài liệu:
Phương pháp này được sử dụng để thu thập các tài liệu nghiên cứu làm cơ sở cho
việc tổng quan tình hình nghiên cứu và xây dựng khung lý thuyết về PCTN đất đai
(chương 1, chương 2). Đồng thời luận án sử dụng phương pháp này thu thập hệ
thống các báo cáo và bản án nhằm đánh giá thực trạng PCTN đất đai ở thành phố
Hải Phòng (chương 3).
Phương pháp phỏng vấn sâu: Phỏng vấn được thực hiện với 12 trường hợp
là cán bộ, công chức đang công tác tại Ban Nội chính Thành ủy (lãnh đạo Ban, lãnh
đạo phòng Theo dõi công tác PCTN thuộc Ban), Sở Tài nguyên và Môi trường
(lãnh đạo Chi Cục Quản lý đất đai thuộc Sở, Thanh tra Sở), Thanh tra thành phố
(thanh tra viên phòng Thanh tra, PCTN), VKSND thành phố (lãnh đạo phòng Thực
hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế
- chức vụ), TAND thành phố (thẩm phán có kinh nghiệm trong việc xét xử các vụ
án tham nhũng đất đai hoặc có liên quan đến đất đai) và người dân thành phố Hải
Phòng (những người đang công tác tại một số cơ sở đào tạo có nghiên cứu về các
vấn đề có liên quan đến đất đai và PCTN đất đai như Trường Chính trị Tô Hiệu,
Trường Đại học Hải Phòng; chủ doanh nghiệp có hoạt động sử dụng đất và một số
người dân đã, đang sinh sống tại các khu vực đang thực hiện việc giải phóng mặt
bằng). Thông qua đó, nhận diện rõ hơn các hành vi tham nhũng đất đai ở thành phố
Hải Phòng; khẳng định hơn nữa sự cần thiết phải PCTN đất đai ở thành phố; đánh
6
giá thực trạng PCTN đất đai của thành phố, từ đó xác định nguyên nhân chủ yếu
dẫn đến PCTN đất đai ở thành phố chưa hiệu quả; đề xuất giải pháp nhằm nâng cao
hiệu quả PCTN đất đai ở Việt Nam hiện nay từ thực tiễn của thành phố. Để đảm bảo
tính khuyết danh trong nghiên cứu, các trích dẫn phỏng vấn sâu không công khai
danh tính của người trả lời.
Phương pháp nghiên cứu trường hợp: Phương pháp này được dùng để nghiên
cứu một số vụ án tham nhũng đất đai điển hình ở thành phố Hải Phòng (vụ án Đồ Sơn,
Quán Nam...) và một số vụ án tham nhũng đất đai khác nhằm nhận diện các hành vi
tham nhũng đất đai, phân tích và đánh giá tham nhũng đất đai và PCTN đất đai ở
thành phố Hải Phòng ở chương 3.
Phương pháp thống kê: Phương pháp này được sử dụng nhằm hệ thống hóa và
phân tích các số liệu thu thập được để đánh giá thực trạng PCTN đất đai ở chương 3.
Phương pháp so sánh: Phương pháp này được dùng chủ yếu trong chương 3 để
so sánh mức độ tham nhũng đất đai của thành phố Hải Phòng trong tổng thể tham
nhũng đất đai ở Việt Nam.
Kết hợp phương pháp phân tích và phương pháp tổng hợp:
Phương pháp này được sử dụng trong cả 4 chương của luận án nhằm khái
quát được tình hình nghiên cứu đối tượng, từ đó đánh giá được những kết quả đạt
được của các công trình nghiên cứu và những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu
(chương 1); làm rõ nội hàm các khái niệm và các vấn đề có liên quan đến tham
nhũng đất đai, PCTN đất đai (chương 2); trên cơ sở các số liệu đã thu thập được,
phương pháp này được tiếp tục sử dụng trong chương 3 để đánh giá thực trạng của
vấn đề được nghiên cứu, trong đó làm rõ những ưu điểm, những hạn chế tồn tại và
nguyên nhân; từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả PCTN đất đai
ở Việt Nam (chương 4).
6. Đóng góp mới về khoa học của đề tài luận án
Luận án có một số đóng góp mới về khoa học như sau:
Thứ nhất, nhận diện hình thức và xác định đặc điểm của tham nhũng đất đai
(tinh vi, phức tạp và khó phát hiện, khó xử lý; tác hại của tham nhũng có tính nghiêm
trọng cao; tài sản thiệt hại rất khó thu hồi) làm cơ sở xây dựng khung lý thuyết PCTN
đất đai (khái niệm, chủ thể, đối tượng, nội dung, tiêu chí đánh giá, yếu tố ảnh hưởng).
Thứ hai, chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế trong PCTN đất đai ở thành phố
Hải Phòng trên cơ sở đánh giá nội dung tổ chức thực hiện PCTN đất đai gắn với các
7
tiêu chí đánh giá hiệu quả PCTN đất đai; đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến
hiệu quả PCTN đất đai còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trên cơ sở các yếu tố ảnh
hưởng đến PCTN đất đai.
Thứ ba, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả PCTN đất đai ở Việt Nam hiện
nay trên cơ sở khắc phục những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân dẫn đến những hạn
chế, tồn tại trong PCTN đất đai từ thực tiễn thành phố Hải Phòng.
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
7.1. Ý nghĩa lý luận
Luận án có ý nghĩa lý luận thể hiện ở các nội dung sau:
Một là, luận án góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về tham nhũng đất
đai và PCTN đất đai ở Việt Nam, cụ thể như: khái niệm, nguy cơ làm nảy sinh tham
nhũng đất đai, tác hại và đặc điểm của tham nhũng đất đai; khái niệm, sự cần thiết,
mục đích, chủ thể, đối tượng PCTN đất đai; quan điểm của Đảng, chương trình hành
động của Nhà nước về PCTN đất đai; đặc biệt trình bày nội dung tiêu chí đánh giá
hiệu quả PCTN đất đai; những yếu tố ảnh hưởng đến PCTN đất đai; giúp các nhà
nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý có cơ sở để đánh giá
thực trạng công tác PCTN đất đai ở Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng.
Hai là, luận án góp phần làm sáng tỏ các yếu tố của thành phố Hải Phòng có
ảnh hưởng đến tham nhũng đất đai và PCTN đất đai; những mặt đã đạt được, những
hạn chế và nguyên nhân trong PCTN đất đai ở thành phố Hải Phòng.
7.2. Ý nghĩa thực tiễn
Ý nghĩa thực tiễn của luận án thể hiện ở một số điểm sau:
Một là, kết quả nghiên cứu của luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo
cho các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật PCTN đất đai ở Việt
Nam hiện nay.
Hai là, luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho hoạt động nghiên cứu,
giảng dạy, học tập và hoạt động thực tiễn liên quan đến PCTN đất đai ở Việt Nam.
8. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, các bài viết của tác giả liên quan đến luận án,
danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án gồm 4 chương, 10 tiết.
8
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
1.1.1. Công trình nghiên cứu về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng
1.1.1.1. Quan niệm về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng
Tham nhũng là một mối đe dọa đối với dân chủ và phát triển kinh tế ở nhiều xã
hội, là lực cản đối với sự phát triển ở nhiều quốc gia, là nguyên nhân của những đói
nghèo, bất công trong xã hội, là thứ đã và đang phá huỷ nhiều chính phủ và quốc gia
trên thế giới.
Từ trước đến nay, tham nhũng luôn là chủ đề thu hút sự nghiên cứu của các học
giả. Các nghiên cứu về tham nhũng chủ yếu được tiếp cận dưới khía cạnh chính trị
học, luật học, kinh tế học, xã hội học.
Nghiên cứu về bản chất của tham nhũng, hầu hết các công trình đều cho rằng
tham nhũng là biểu hiện phổ biến nhất của sự tha hoá quyền lực, trong đó chủ thể của
tham nhũng là những người có quyền lực, hành vi tham nhũng thể hiện ở việc lạm
quyền, mục đích của tham nhũng là vụ lợi. Tham nhũng thường được biểu hiện dưới
nhiều hình thức khác nhau, diễn ra ở mọi cấp độ của hệ thống. Hậu quả tham nhũng
gây ra là làm suy giảm tính chính đáng của quyền lực công, hiệu quả quản trị của bộ
máy nhà nước, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực phát triển của quốc gia, đe doạ và
phá huỷ nền tảng của chế độ dân chủ - pháp quyền. Các công trình tiêu biểu có thể kể
đến là: Leslie Holmes (2015), Corruption: A Very Short Introduction, Oxford
University Press [198]; Palifka, Bonnie J., Rose-Ackerman, Susan (2016), Corruption
and Government: causes, consequences, and reform, Cambridge University Press
[203]; Heidenheimaer & Johnston (2001), Political Corruption. Concepts and
Contexts, 3ed, Transaction Publisher [193]; Michael Johnston (2005), Syndromes of
Corruption: Wealth, Power, and Democracy, Cambridge University Press [200]; Hanna
Samir Kassab, Jonathan D. Rosen (2019), Corruption, Institutions, and Fragile States,
Springer International Publishing, Palgrave Macmillan [191]; Richard Rose and Caryn
Peiffer (2015), Paying Bribes for Public Services: A Global Guide to Grass-Roots
Corruption, Basingstole, Palgrave Macmillan, 72 [206].
Bàn về mối quan hệ giữa tham nhũng và quản trị nhà nước, nhiều công trình
cho rằng tham nhũng là một trong các tiêu chí để đo lường hiệu quả quản trị nhà nước
ở các quốc gia. Nghiên cứu về quản trị nhà nước ở các nước đang phát triển hiện
nay,