Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

"phấn thông vàng” của xuân diệu dưới góc nhìn phong cách học
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
-----------------
TRẦN THỊ KIM XUYẾN
“PHẤN THÔNG VÀNG” CỦA XUÂN DIỆU
DƯỚI GÓC NHÌN PHONG CÁCH HỌC
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 82.29.02.0
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ HỌC
Đà Nẵng - Năm 2019
Công trình được hoàn thành tại
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS BÙI TRỌNG NGOÃN
Phản biện 1: PGS.TS. TRẦN VĂN SÁNG
Phản biện 2: PGS.TS. TRƯƠNG THỊ NHÀN
Luận văn được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận văn tốt ghiệp
thạc sĩ Ngôn ngữ học họp tại Trường Đại học Sư Phạm vào ngày 18
tháng 10 năm 2019
Có thể tìm hiểu luận văn tại:
- Thư viện Trường Đại học Sư Phạm – ĐHĐN
- Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư Phạm - ĐHĐN
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Phong cách học là một bộ phận của ngôn ngữ học nghiên cứu
các nguồn phương tiện ngôn ngữ dồi dào và các nguyên tắc lựa chọn,
sử dụng những phương tiện này trong việc diễn đạt một nội dung tư
tưởng, tình cảm nhằm đạt được những hiệu quả thực tế mong muốn
trong những phong cách chức năng ngôn ngữ nhất định. Đối tượng
trực tiếp của phong cách học là: “nội dung biểu cảm của ngôn ngữ;
quy luật lựa chọn sử dụng các phương tiện ngôn ngữ; các phong
cách chức năng ngôn ngữ nghệ thuật”. Trong khi đó, văn chương
được quan niệm là một loại hình nghệ thuật, phản ánh cuộc sống
bằng hình tượng và sử dụng phương tiện là ngôn ngữ. Do đó, nghiên
cứu ngôn ngữ văn chương dưới góc nhìn phong cách học là một
đường hướng phù hợp để nhận diện về năng lực của các phương tiện
ngôn ngữ trong một tác phẩm văn chương cụ thể.
Xuân Diệu là một tác gia lớn của nền văn học Việt Nam hiện
đại. Ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một cây bút văn xuôi
độc đáo và sau nữa là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học có uy
tín. Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu,
các nhà nghiên cứu thường tập trung chủ yếu về thơ và phê bình văn
học của ông. Có thể tìm thấy nhiều công trình nghiên cứu, phê bình
văn học về thơ và mảng phê bình văn học của Xuân Diệu. Trái lại,
tập văn xuôi “Phấn thông vàng” chưa được quan tâm như vị trí của
nó trong thế giới nghệ thuật của Xuân Diệu. Mới chỉ có một vài khóa
luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ tìm hiểu “Phấn thông vàng” dưới
góc độ nghiên cứu văn học. Trong khi đó, văn xuôi Xuân Diệu vừa
mang cái hiện đại của tiếng Việt nửa đầu thế kỉ XX, vừa mang cảm
2
quan nghệ sĩ của ông như Hoài Thanh đã phát hiện. Đề tài của chúng
tôi thực hiện như một cách bổ khuyết vào khoảng trống ấy.
Xuất phát từ những điều đó, việc nghiên cứu “Phấn thông
vàng của Xuân Diệu dưới góc nhìn phong cách học” không những
góp phần tìm hiểu phong cách ngôn ngữ của một tác giả trong một
giai đoạn văn học nhất định mà còn cho thấy vẻ đẹp của ngôn ngữ và
hoạt động hành chức của nó. Đề tài cũng góp phần làm cụ thể thêm
lý thuyết về phong cách chức năng ngôn ngữ nghệ thuật; các biện
pháp tu từ từ vựng- ngữ nghĩa, các biện pháp tu từ cú pháp,… Trong
đề tài, người viết cũng có những gợi mở và làm sáng tỏ thêm cách
nhìn về chức năng, vai trò của các biện pháp tu từ trong mối quan hệ
với tác phẩm nghệ thuật và tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ.
2. Tổng quan về đối tượng nghiên cứu
Xuân Diệu là một tài năng thật sự của nền văn học nước nhà.
Chính vì thế văn chương Xuân Diệu đã là một đối tượng hấp dẫn đối
với giới nghiên cứu.
Xuân Diệu bắt đầu viết văn khi còn rất trẻ. Nhưng những sáng
tác văn xuôi của ông chưa gây được ảnh hưởng lớn như những tác
phẩm thơ ca, mặc dù tác giả đã cố gắng đi tìm cho mình một hình
thức thể hiện mới, bên cạnh mảng thơ ca. Dù vậy, với tập truyện
ngắn duy nhất trong sự nghiệp sáng tác, Xuân Diệu đã nhận được sự
quan tâm của giới nghiên cứu từ rất sớm.
Về văn xuôi Xuân Diệu, đã có không ít các cây bút phê bình
tập trung công sức để tìm hiểu, nhận diện về nó như những tác giả
sau đây: Hoài Thanh, Nguyễn Đăng Mạnh, Vũ Ngọc Phan, Hà Minh
Đức, Đỗ Lai Thúy, Lưu Khánh Thơ, Hoàng Trung Thông. Trong đó,
các tác giả đã quan tâm đến những cốt truyện như là tứ thơ, những
truyện ngắn được gọi là truyện nhưng được viết bằng ngôn ngữ hành
3
ảnh của thể loại trữ tình, về những phát hiện tinh tế của Xuân Diệu
trước vạn vật, trước diễn cảnh của cuộc đời,...Tuy nhiên, trong phạm
vi nhất định, chúng tôi chỉ xâu chuỗi một số công trình có liên quan
trực tiếp đến đề tài của mình.
Về tập truyện “Phấn thông vàng”, có các bài viết, công trình
như: Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm “Nhà văn hiện đại”; Phan Văn
Diêu trong “Việt Nam Văn học giảng bình”; Nguyễn Đăng Mạnh với
bài viết “Vài cảm nghĩ về văn xuôi Xuân Diệu”; Lưu Khánh Thơ với
“Xuân Diệu – một tài năng đa dạng” và “Nhận diện Xuân Diệu qua
truyện ngắn và bút ký”;…
Ngoài ra có một số khóa luận, luận văn cũng đề cập đến nghệ
thuật văn xuôi Xuân Diệu. Có thể kể đến một số khóa luận, luận văn
tham khảo được: “Văn xuôi nghệ thuật của Xuân Diệu” (2003), luận
văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn của Bùi Thị Thu Thủy, trường Đại học
sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh;“Đặc điểm truyện ngắn Xuân Diệu
qua tập truyện Phấn thông vàng và Trường ca” (2005), khóa luận tốt
nghiệp của Hoàng Thị Kim Cúc, trường Đại học Vinh; “Tìm hiểu tính
từ chỉ màu sắc trong tập truyện ngắn Phấn thông vàngcủa Xuân
Diệu” (2014), khóa luận tốt nghiệp của Nguyễn Hoàng Duy, Trường
Đại học Cần Thơ;…Đây là những công trình đã đề cập về ngôn ngữ
truyện ngắn Xuân Diệu. Tuy nhiên, những công trình đó đều tập
trung nhấn mạnh về giọng điệu, kết cấu, từ loại mà bỏ qua các biện
pháp tu từ nghệ thuật có giá trị như: ẩn dụ, hoán dụ,…(Nếu có cũng
mới nêu tên biện pháp mà không đi vào khảo sát, thống kê, miêu tả).
Việc nghiên cứu về tập truyện ngắn “Phấn thông vàng” của
Xuân Diệu không phải là vấn đề mới. Nó đã được nhiều nhà nghiên
cứu quan tâm. Tuy nhiên các công trình mới chỉ dừng lại ở những bài
viết riêng lẻ, nghiêng về thẩm bình văn học, mang tính chất cảm
4
nhận, cảm tính hơn là những công trình nghiên cứu, mang tính thống
kê, phân tích, tổng hợp thực sự để minh chứng Xuân Diệu có một
phong cách ngôn ngữ truyện ngắn đặc sắc, độc đáo.
Việc vận dụng lí thuyết của phong cách học để tìm hiểu giá trị
nghệ thuật, đặc điểm ngôn ngữ của một tác phẩm văn học có giá trị to
lớn, mang tính chuyên sâu, giúp độc giả nắm bắt được phong cách
văn chương của tác giả.
Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, chưa có một công trình nào
thật sự đi sâu nghiên cứu cụ thể, đầy đủ và quy mô thành hệ thống
như một vấn đề độc lập về đặc điểm ngôn ngữ truyện ngắn Xuân
Diệu dưới góc nhìn phong cách học.
Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi mong muốn được “cày xới”
mảnh đất màu mỡ, đầy hấp dẫn này. Ở luận văn này, chúng tôi sẽ cố
gắng tập trung khảo sát một cách có hệ thống các đặc điểm cơ bản của
ngôn ngữ truyện ngắn Xuân Diệu trong tập “Phấn thông vàng”.
3. Mục đích nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài “Phấn thông vàng của Xuân Diệu dưới góc nhìn
phong cách học”, chúng tôi hướng đến các mục đích cụ thể sau đây:
- Vận dụng lí thuyết của phong cách học nhận diện một cách
có hệ thống toàn bộ đặc điểm ngôn ngữ trong tập truyện “Phấn thông
vàng” và vai trò của chúng trong việc thể hiện nội dung.
- Nhận diện về bức thông điệp của nhà văn trong từng truyện
ngắn của tập truyện.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Khảo sát và thống kê các lớp từ vựng, các biện pháp tu từ từ
vựng - ngữ nghĩa, các kiểu câu và biện pháp tu từ cú pháp.
5
- Phân tích kết cấu truyện ngắn và tính mạch lạc trong các văn
bản của tập truyện ngắn.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là đặc điểm ngôn ngữ truyện
ngắn Xuân Diệu trên các bình diện: từ vựng ngữ nghĩa, ngữ pháp, kết
cấu, tính liên kết và mạch lạc.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu là các truyện ngắn trong tập truyện “Phấn
thông vàng” của Xuân Diệu (gồm 17 truyện).
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng kết hợp nhiều
phương pháp. Trong đó, ba phương pháp, thủ pháp sau đây được
chúng tôi đặc biệt coi trọng:
- Phương pháp phân tích, miêu tả
- Phương pháp phân tích ngôn ngữ học
- Thủ pháp thống kê
6. Dự kiến đóng góp của đề tài
- Về lí luận
Củng cố học thuyết lí thuyết về phong cách học; về khả năng
áp dụng lí thuyết phong cách học đối với văn bản truyện ngắn của
một tác giả cụ thể.
- Về thực tiễn
Nhận diện toàn bộ đặc điểm ngôn ngữ và năng lực biểu đạt của hệ
thống ngôn ngữ này trong văn bản nghệ thuật truyện ngắn Xuân Diệu.
7. Bố cục của đề tài
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung của luận văn bao
gồm các chương dưới đây:
6
Chương 1: Những vấn đề chung liên quan đến đề tài.
Chương 2: Các lớp từ vựng và các biện pháp tu từ từ vựng -
ngữ nghĩa trong “Phấn thông vàng”.
Chương 3: Các kiểu cấu trúc câu và các biện pháp tu từ cú pháp.
Chương 4: Kết cấu truyện ngắn và tính mạch lạc trong tập
truyện “Phấn thông vàng”.
CHƯƠNG 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.1. Phong cách chức năng ngôn ngữ nghệ thuật
Phong cách chức năng ngôn ngữ nghệ thuật (còn gọi là phong
cách ngôn ngữ văn học, phong cách ngôn ngữ văn chương) là phong
cách ngôn ngữ được sử dụng trong các loại hình văn chương, được
xây dựng trên cơ sở tư duy hình tượng.
Phong cách chức năng ngôn ngữ nghệ thuật được dùng trong
văn học truyền khẩu và văn học thành văn, văn học viết. Phong cách
này thường được dùng trong các thể loại: tự sự (truyện ngắn, truyện
dài, ký và truyện ký); trữ tình (thơ và trường ca) và kịch bản văn học.
Ngôn ngữ vừa là công cụ lại vừa là chất liệu của văn học; ngôn
ngữ là nguyên liệu của văn học và cũng là sự tái tạo có tính thẩm mĩ
để hình thành tác phẩm văn học.
Đặc trưng của ngôn ngữ nghệ: tính hệ thống, tính chính xác,
tính truyền cảm, hay còn gọi là tính biểu cảm, gợi cảm, tính hình
tượng, tính cá thể, tính hàm súc.
Đặc điểm ngôn ngữ của phong cách chức năng ngôn ngữ nghệ
thuật gồm: đặc điểm ngữ âm, đặc điểm từ vựng, đặc điểm ngữ pháp.
1.1.2. Các lớp từ vựng trong tiếng Việt và các biện pháp tu từ
từ vựng – ngữ nghĩa
7
1.1.2.1.Các lớp từ vựng trong tiếng Việt
a. Các lớp từ vựng tiếng Việt phân chia theo từ vựng học
Từ góc độ từ vựng học, từ vựng tiếng Việt được chia thành các
lớp từ vựng khác nhau, theo các tiêu chí khác nhau.
(1)Phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt nguồn gốc gồm: từ
thuần Việt, từ ngữ gốc Hán, từ ngữ gốc Ấn – Âu.
(2)Phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt phạm vi sử dụng
gồm:từ vựng toàn dân, từ địa phương, tiếng lóng, từ ngữ nghề nghiệp
và thuật ngữ.
(3)Phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt mức độ sử dụng gồm:
từ ngữ tích cực và từ ngữ tiêu cực, từ ngữ cổ và từ ngữ lịch sử và từ
ngữ mới và ý nghĩa mới.
(4)Phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt phong cách học gồm:
từ vựng trung hòa, từ vựng hội thoại và từ vựng sách vở.
b. Các lớp từ vựng tiếng Việt phân chia theo phong cách học
Xét từ góc độ phong cách học, các nhà Việt ngữ học đã tiến
hành khảo sát, miêu tả giá trị tu từ của các lớp từ vựng tiếng Việt.
- Lớp từ Hán – Việt so với từ thuần Việt tương đương.
- Lớp từ xưng hô so với đại từ nhân xưng.
- Lớp từ địa phương so với từ toàn dân.
- Lớp từ láy so với từ ngữ tương đương.
- Lớp thành ngữ so với từ ngữ tương đương.
1.1.2.2. Các phương tiện tu từ từ vựng và các biện pháp tu từ
từ vựng – ngữ nghĩa
a. Các phương tiện tu từ từ vựng
Căn cứ phạm vi được sử dụng, các phương tiện tu từ từ vựng
được phân chia thành hai nhóm:
8
- Những từ ngữ có điệu tính tu từ cao, gồm có: từ thi ca, từ cũ,
từ Hán – Việt, từ mượn, từ sách vở.
- Những từ ngữ có điệu tính tu từ thấp, gồm có: từ thông tục,
từ hội thoại, từ lóng, từ nghề nghiệp, từ địa phương, từ láy, thành
ngữ, thuật ngữ, từ danh mục, từ lịch sử, từ ngoại lai, từ mới từ vựng.
b. Các biện pháp tu từ từ vựng – ngữ nghĩa
Trong công trình “Phong cách học tiếng Việt”, nhóm tác giả
Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa đã xác định các biện pháp tu từ từ
vựng – ngữ nghĩa (nhóm tác giả gọi là các phương tiện tu từ ngữ
nghĩa), bao gồm ba nhóm: nhóm so sánh tu từ, nhóm ẩn dụ tu từ và
nhóm hoán dụ tu từ.
(1) Nhóm so sánh tu từ
- Khái niệm: “So sánh tu từ là cách công khai đối chiếu hai
hay nhiều đối tượng cùng có một dấu hiệu chung nào đấy (nét giống
nhau) nhằm diễn tả một cách hình ảnh đặc điểm của một đối tượng.”
- Cấu trúc: ở dạng đầy đủ nhất, so sánh tu từ có cấu trúc như sau:
1. Cái so sánh 2. Cơ sở so sánh 3. Từ so sánh 4. Cái được so sánh
- Các kiểu so sánh tu từ:
+ Kiểu “A như (tựa như, giống như,...) B”
+ Kiểu “B bao nhiều A bấy nhiêu”
+ Kiểu “A là B”
+ Kiểu “A//B”
- Giá trị phong cách: So sánh tu từ được sử dụng rộng rãi trong
nhiều phong cách: phong cách sinh hoạt, phong cách chính luận,
phong cách khoa học, phong cách ngôn ngữ văn chương.
9
(2) Nhóm ẩn dụ tu từ
- Khái niệm: “Ẩn dụ tu từ là cách các nhân lâm thời lấy tên gọi
biểu thị đối tượng này dùng để biểu thị đối tượng kia dựa trên cơ sở mối
quan hệ liên tưởng về nét tương hiểu của đồng giữa hai đối tượng”
- Cấu trúc: ẩn dụ tu từ cũng có hai yếu tố là cái được ẩn dụ và
cái dùng để ẩn dụ. Nhưng trên bề mặt ngôn bản, cái được ẩn dụ
không xuất hiện trực tiếp.
- Các kiểu ẩn dụ: ẩn dụ chân thực, ẩn dụ bổ sung ẩn dụ tượng
trưng, nhân hóa và vật hóa, phúng dụ.
- Giá trị phong cách: Ẩn dụ tu từ được sử dụng rộng rãi trong
ngôn ngữ sinh hoạt, trong ngôn ngữ văn chương và trong ngôn ngữ
chính luận.
(3) Nhóm hoán dụ tu từ
- Khái niệm: “Hoán dụ tu từ là cách cá nhân lâm thời lấy tên
gọi của đối tượng này dùng để biểu thị đối tượng kia dựa trên mối
quan hệ liên tưởng lôgic khách quan giữa hai đối tượng.”
- Cấu trúc: hoán dụ tu từ cũng có hai yếu tố là cái được hoán
dụ và cái dùng để hoán dụ. Nhưng trên bề mặt ngôn bản, cái được
hoán dụ không xuất hiện trực tiếp.
- Các kiểu hoán dụ: cải dung, cải danh, cải số, quan hệ giữa
bộ phận với toàn thể.
Giá trị phong cách: Hoán dụ tu từ được sử dụng nhiều nhất
trong ngôn ngữ nghệ thuật. Ngoài ra nó còn được sử dụng trong ngôn
ngữ sinh hoạt và ngôn ngữ chính luận.
c.Các biện pháp tu từ ngữ nghĩa:
Trong Giáo trình “Phong cách học tiếng Việt” (2006), Đinh Trọng
Lạc, Nguyễn Thái Hòa khảo sát các biện pháp tu từ ngữ nghĩa sau: điệp
10
ngữ, đồng nghĩa kép, liệt kê và tăng cấp, đột giáng, ngoa dụ, nói giảm,
phản ngữ, phép lặng, chơi chữ, nói lái, dẫn ngữ - tập Kiều.
1.1.3.Câu tiếng Việt và các biện pháp tu từ cú pháp
1.1.3.1. Câu tiếng Việt
a. Câu tiếng Việt phân chia theo ngữ pháp cấu trúc
Câu tiếng Việt được chia thành ba kiểu lớn là: câu đơn, câu
phức và câu ghép.
b. Câu tiếng Việt dưới góc nhìn phong cách học
Theo giáo trình “Phong cách học tiếng Việt” (2006), nhóm tác
giả Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa đã phân chia câu tiếng Việt
thành các kiểu câu khác nhau.
(1) Câu đơn đặc biệt
(2) Kiểu câu lược chủ ngữ
(3) Kiểu câu ẩn chủ ngữ, có màu sắc tu từ
(4) Những kiểu câu chuyển đổi tình thái
(5) Kiểu câu đẳng thức
1.1.3.2. Các biện pháp tu từ cú pháp
Tác giả Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa trong giáo trình
“Phong cách học tiếng Việt” (2006) từ trang 235 – 248 đã trình bày
các biện pháp tu từ cú pháp sau:
(1)Phép dùng cú pháp sóng đôi (điệp cú pháp)
(2)Phép nhấn mạnh các thành phần câu
(3)Tách các thành phần câu
(4) Biện pháp dùng giải ngữ
(5) Phép thể hiện tình thái của câu bằng các phụ ngữ (hay tiểu từ)
(6)Phép dùng các kết từ (quan hệ từ) trong câu ghép.
1.1.4. Liên kết trong văn bản và mạch lạc trong văn bản
1.1.4.1. Liên kết trong văn bản
11
Trong “Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt” (1985), Trần
Ngọc Thêm cho rằng hệ thống liên kết trong văn bản bao gồm liên
kết nội dung và liên kết hình thức theo hai mối quan hệ: quan hệ liên
hợp và quan hệ phụ thuộc theo quan niệm: “Sự liên kết là mạng lưới
của những quan hệ và liên hệ ấy”. Từ đó, ông khẳng định: “giữa hai
mặt liên kết nội dung và liên kết hình thức có mối liên hệ biện chứng
chặt chẽ: Liên kết nội dung được thể hiện bằng hệ thống các phương
thức liên kết hình thức, và liên kết hình thức chủ yếu dùng để diễn đạt
sự liên kết nội dung liên kết”.
1.1.4.2.Mạch lạc trong văn bản
Diệp Quang Ban trong “Văn bản và liên kết trong tiếng Việt”
(1999), dù chưa đưa ra khái niệm cụ thể về mạch lạc trong văn bản
nhưng ông đã nêu lên những vấn đề sơ lược về mạch lạc trong văn
bản. Cụ thể: mạch lạc thể hiện trong tính thống nhất đề tài – chủ đề;
mạch lạc thể hiện trong tính hợp lí lôgic của sự triển khai mệnh đề;
mạch lạc thể hiện trong trình tự hợp lí lôgic giữa các câu (mệnh đề);
mạch lạc thể hiện trong khả năng dung hợp nhau giữa các hành động
ngôn ngữ.
Từ đó, Diệp Quang Ban chia mạch lạc thành ba kiểu:
- Mạch lạc trong triển khai mệnh đề
- Mạch lạc trong hành động ngôn ngữ
- Mạch lạc theo nguyên tắc cộng tác.
1.1.5. Đặc điểm ngôn ngữ thể loại truyện ngắn
(1) Về mặt ngữ âm
Tu từ ngữ âm trong truyện ngắn biểu hiện không rõ rệt như
trong thơ. Ngữ âm trong truyện ngắn không chỉ dừng lại ở tư cách là
vỏ âm thanh của ngôn ngữ mà nó còn góp phần biểu đạt nội dung.
12
(2) Về mặt từ vựng – ngữ nghĩa
Có thể thấy rằng, ngôn ngữ truyện ngắn sử dụng gần như toàn
bộ vốn từ tiếng Việt. Những lớp từ vựng từ thông dụng nhất cho đến
khó sử dụng nhất cũng có khi trở thành phổ biến trong truyện ngắn.
Ngoài ra, còn có các biện pháp tu từ ngữ nghĩa (so sánh, ẩn dụ, hoán
dụ, tượng trưng,...) và các phương thức tổ hợp từ (song ngữ, điệp
ngữ, song hành,...).
(3) Về mặt ngữ pháp
Ngữ pháp trong truyện được thể hiện ở những điểm cụ thể như
số lượng câu (độ dài của truyện), các kiểu câu, cách sắp xếp tổ chức
từ ngữ, tính mạch lạc, liên kết trong từng câu, từng đoạn.
Truyện ngắn là thể loại mà các tác giả gần như tận dụng tất cả
các kiểu câu để bao quát tái hiện lại chiều rộng và chiều sâu của hiện
thực. Bên cạnh đó các biện pháp tu từ cú pháp cũng được tận dụng
một cách triệt để.
1.2. Xuân Diệu và “Phấn thông vàng”
1.2.1. Xuân Diệu
1.2.1.1. Cuộc đời Xuân Diệu
Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, nhà văn, nhà phê bình văn học
nổi tiếng, là tác giả hàng đầu của văn học Việt Nam.
1.2.1.2. Các tác phẩm đã công bố
Các tác phẩm của Xuân Diệu để lại một dấu ấn khó phai trong
lòng công chúng Việt Nam. Cho đến nay, những sáng tác của Xuân
Diệu đã được xuất bản và phát hành rộng rãi trên cả nước.
1.2.2. Giới thiệu chung về tập truyện “Phấn thông vàng”
Xuân Diệu viết truyện ngắn từ rất sớm. Năm 1939, tác giả tập
hợp những truyện ngắn in trên báo Ngày nay và cho xuất bản tập
truyện “Phấn thông vàng”. Khi ấy Xuân Diệu mới 23 tuổi.
13
“Phấn thông vàng” là tập truyện ngắn duy nhất trong suốt sự
nghiệp sáng tác thơ văn của Xuân Diệu.
Tập truyện gồm có 17 truyện.
Tiểu kết Chương 1
CHƯƠNG 2
ĐẶC ĐIỂM TỪ VỰNG – NGỮ NGHĨA TRONG TẬP
TRUYỆN NGẮN “PHẤN THÔNG VÀNG”
2.1. Các lớp từ vựng xuất hiện với tần số cao trong tập
truyện “Phấn thông vàng”
2.1.1. Từ cũ (từ cổ và từ lịch sử) (Kèm bảng thống kê và ví dụ)
2.1.1.1. Khảo sát, thống kê, phân loại
a. Từ ngữ cổ
Khảo sát trong tập truyện ngắn “Phấn thông vàng”, chúng tôi
thu được 2 từ cổ: “ngự trị” (1 lần) và “tợ hồ” (4 lần).
b. Từ lịch sử
Tiến hành khảo sát trong tập truyện ngắn “Phấn thông vàng”,
chúng tôi đếm được có 27 từ với tần số xuất hiện là 38 lượt.
2.1.1.2. Vai trò, ý nghĩa của từ cũ đối với câu văn Xuân Diệu
Trong tập truyện ngắn “Phấn thông vàng”, Xuân Diệu đã vận
dụng một cách khéo léo và hài hòa các lớp từ cũ vào trong tác phẩm
của mình. Lớp từ này đã phát huy hết vai trò của mình trong từng câu
văn. Sự có mặt của lớp từ cổ và từ lịch sử trong văn xuôi Xuân Diệu
làm cho mỗi câu văn thêm phần cổ xưa, đưa người đọc quay về với
không khí thời quá khứ, ôn lại những sự kiện lịch sử, những cuộc thi
tú tài và cả những kiếp người nghèo khổ, cùng cực thời xa xưa.
2.1.2. Từ thi ca(Kèm bảng thống kê và ví dụ)
2.1.2.1. Khảo sát, thống kê, phân loại