Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Nghiên Cứu Kết Cấu Không Gian Và Tính Đa Dạng Của Một Số Quần Xã Thực Vật Rừng Tại Vùng Ven Hồ Hòa Bình
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP
---------------------------
NGUYỄN DUY TRÌNH
NGHIÊN CỨU KẾT CẤU KHÔNG GIAN VÀ TÍNH ĐA
DẠNG LOÀI CỦA MỘT SỐ QUẦN XÃ THỰC VẬT
RỪNG TẠI VÙNG VEN HỒ HÒA BÌNH
Chuyên ngành : Lâm học
Mã số : 60.62.60
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC LÂM NGHIỆP
Người hướng dẫn: PGS.TS. Hoàng Kim Ngũ
HÀ NỘI – 2010
1
ĐẶT VẤN ĐỀ
Vùng Hồ Hòa Bình là một địa điểm có tính chiến lược, quan trọng
không chỉ riêng của tỉnh Hòa Bình mà còn của cả Quốc gia. Các quần xã thực
vật rừng xung quanh vùng Hồ Hòa Bình chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn,
có tác dụng bảo vệ đất, điều tiết nguồn nước, chống xói mòn đất, ngăn sự bồi
đắp lòng hồ...vv
Trong những năm qua cùng với công cuộc xây dựng và phát triển của
thủy điện Hòa Bình, việc khai thác rừng bừa bãi, tập quán đốt nương làm rẫy,
phương thức sử dụng đất không hợp lý của cộng đồng người dân sống xung
quanh vùng lòng hồ đã và đang làm cho rừng phòng hộ bị suy thoái nghiêm
trọng. Chính điều đó đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và ảnh hưởng trực
tiếp đến đời sống cộng đồng người dân trong khu vực đó.
Sự mất rừng sẽ làm suy giảm nguồn nước, giảm hiệu lực kiểm soát lũ
lụt của hồ trong mùa mưa, giảm công suất thuỷ điện và khả năng cung cấp
nước tưới trong mùa khô. Sự mất rừng còn làm tăng lượng bùn cát bồi lắng
lòng hồ, giảm tuổi thọ của hồ. Kết quả điều tra ở vùng hồ cho thấy nếu tốc độ
bồi lắng đáy hồ mỗi năm từ 50 - 70 cm như hiện nay thì tuổi thọ của Hồ Hoà
Bình sẽ giảm từ 250 năm theo thiết kế xuống còn khoảng dưới 100 năm.
Hiện nay cũng đã có một số các công trình nghiên cứu về các lĩnh vực
như; quản lý sử dụng đất, hiểu quả của rừng phòng đầu nguồn, lâm sản ngoài
gỗ.. vv tại khu vực lòng Hồ Hòa Bình. Nghiên cứu về kết cấu không gian và
tính đa dạng loài của một số quần xã thực vật rừng tại khu vực là chưa nhiều.
Để bổ sung thêm các công trình nghiên cứu tại khu vực Hồ Hòa Bình,
và phần nào giải quyết các tồn tại đã nêu, đề tài “Nghiên cứu kết cấu không
gian và tính đa dạng loài của một số quần xã thực vật rừng tại vùng ven Hồ
Hòa Bình” đã được lựa chọn để nghiên cứu.
2
Chương 1:
TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Trên thế giới.
1.1.1. Về kết cấu rừng
1.1.1.1. Về tổ thành loài cây
Sự phong phú của hệ thực vật rừng mưa nhiệt đới được nhiều nhà khoa
học ghi nhận. Theo Schimper (1935) ở rừng Bắc Mỹ, trên diện tích 0,5 ha có
đến 25-30 loài cây gỗ lớn; Brown (1941) cũng cho biết ở rừng mưa châu Âu
hoặc Bắc Mỹ trong trường hợp cực đoan, rừng có thể bao gồm 20-25 loài cây
gỗ, [28].
Theo Richards P.W (1952) [28] trong rừng mưa nhiệt đới trong mỗi
hecta không có mấy khi ít hơn 40 loài cây gỗ, mà có trường hợp còn đến trên
100 loài. Nhiều loài cây gỗ lớn sinh trưởng hỗn hợp với nhau theo tỷ lệ khá
bằng nhau, nhưng cũng có khi chỉ có một hoặc hai loài chiếm ưu thế.
Baur G.N (1962) [1], khi nghiên cứu rừng mưa ở gần Belem trên sông
Amazôn, trên ô tiêu chuẩn diện tích khoảng hai hecta đã thống kê được 36 họ
thực vật và trên ô tiêu chuẩn diện tích hơn 4 hecta ở phía Bắc New South
Wales cũng đã ghi nhận được sự hiện diện của 31 họ chưa kể cây leo, cây
thân cỏ và thực vật phụ sinh.
Trong rừng ẩm nhiệt đới châu Phi, theo Catinot. R (1974) [2] có đến
vài trăm loài thực vật, còn tổ thành thực vật rừng ẩm nhiệt đới ở Đông Nam Á
thường có một nhóm loài ưu thế - nhóm họ dầu, chiếm 50% quần thụ.
Ở châu Á, trong rừng thứ sinh nhiệt đới vùng Shanxin-Trung Quốc,
Zeng và cộng sự (1998) đã thống kê khoảng 280 loài cây dược liệu, 80 loài
cây có dầu và 20 loài cây có sợi cũng như một số loài cây gỗ có giá trị khác
(dẫn theo Zaizhi Z -2001 [49]). Mức độ phong phú của thành phần thực vật
trong rừng thứ sinh ở Nepal cũng đã được Kanel K.R và Shrestha K (2001
3
[43]) điểm qua, có đến 6.500 loài cây có hoa và 4.064 loài cây không hoa,
trong đó có trên 1.500 loài nấm và hơn 350 loài địa y.
1.1.1.2. Về cấu trúc tầng thứ
Một trong những đặc trưng nổi bật của cấu trúc rừng nhiệt đới là hiện
tượng phân tầng. Nhưng do tính chất phức tạp của nó nên có ý kiến không
thống nhất với nhau trong cách phân chia tầng thứ. Chevalier (1917),
Mildbraed (1922) đã ngụ ý rằng mọi phương pháp dựa vào chiều cao của cây
để phân cây cối thành tầng đều có tính chất tùy tiện và các “tầng” đó không
có một thực tế khách quan. Booberg (1932) đã lập đồ thị chiều cao của tất cả
các cây gỗ đo được trong các “khu rừng bảo vệ” ở Java, và đi đến kết luận là
không thể nhận ra có mấy tầng cây như các tác giả khác đã mô tả.
Ngược lại nhiều tác giả khác cho rằng rừng mưa thường có từ ba đến
năm tầng: Brown (1919) khi nghiên cứu rừng cây họ đậu tại Phillippin, đã cho
biết là các cây gỗ lớn sắp xếp thành ba tầng khá rõ rệt. Để nghiên cứu sự phân
tầng trong rừng mưa ở Guana. Davis và Richards P.W (1933-1934) dùng
phương pháp vẽ biểu đồ mặt cắt đứng của rừng. Phương pháp này được đánh
giá có giá trị nhất về mặt nghiên cứu lý luận cũng như về thực tiễn sản xuất,
kết quả đã phân rừng hỗn giao nguyên sinh ở sông Moraballi tại Guana thành
năm tầng với ba tầng cây gỗ (A,B,C), tầng cây bụi (D) và tầng mặt đất (E).
Richards P.W (1936) cho biết trong rừng cây họ dầu hỗn hợp nguyên sinh ở
núi Dulit tại Borneo có ba tầng cây gỗ nhưng tầng A phân biệt rõ ràng còn
tầng B và C khó xác định rõ ranh giới, ngoài ra còn có tầng cây bụi và tầng
thực vật mặt đất; năm 1939 ông cũng phân rừng hỗn hợp nguyên sinh Nigeria
thành năm tầng với ba tầng cây gỗ. Vaughan và Weihe (1941) nhận thấy rằng
trong rừng cao đỉnh tại Moritiut sự phân tầng là có thực. Bear (1946) cũng mô
tả sự phân tầng rõ rệt trong rừng Trinidad với ba tầng cây gỗ, tầng cây bụi và
tầng mặt đất (theo Richards P.W (1952) [28]).
4
Bên cạnh đó, Catinot.R (1974) [2] cũng cho rằng rừng ẩm nhiệt đới có
sự phân hóa mạnh, những tầng trong quần thụ rõ nét, cụ thể là có một tầng
vượt tán với những cây có chiều cao trên 40 m và những tầng bên dưới.
Hiện nay, nhiều hệ thống phân loại thảm thực vật rừng đã dựa vào các
đặc trưng như cấu trúc và dạng sống, độ ưu thế, kết cấu hệ thực vật hoặc năng
suất thảm thực vật. Ngay từ nửa đầu thế kỷ 19, Humboldt và Grisebach [32]
đã sử dụng dạng sinh trưởng (toàn bộ hình thái hoặc cấu trúc và trạng thái của
thực vật) của các loài cây ưu thế và kiểu môi trường sống của chúng để biểu
thị cho các nhóm thực vật. Phương pháp hình thái của Humboldt và Grisebach
được các nhà sinh thái học Đan Mạch (Warming, 1904; Raunkiaer, 1934) tiếp
tục phát triển. Raunkiaer đã phân chia các loài cây hình thành thảm thực vật
thành các dạng sống và các phổ sinh học (phổ sinh học là tỉ lệ phần trăm các
loài cây trong một quần xã có các dạng sống khác nhau). Tuy nhiên, nhiều
nhà sinh thái học cho rằng phân loại hình thái, các phổ dạng sống của
Raunkiaer kém ý nghĩa hơn các dạng sinh trưởng của Humboldt và
Grisebach. Trong các phương pháp phân loại rừng dựa theo cấu trúc và dạng
sống của thảm thực vật, phương pháp dựa vào hình thái bên ngoài của thảm
thực vật được sử dụng nhiều nhất.
Kraft (1884) [6], lần đầu tiên đưa ra hệ thống phân cấp cây rừng, ông
chia cây rừng trong một lâm phần thành 5 cấp dựa vào khả năng sinh trưởng,
kích thước và chất lượng của cây rừng. Phân cấp của Kraft phản ánh được
tình hình phân hoá cây rừng, tiêu chuẩn phân cấp rõ ràng, đơn giản và dễ áp
dụng nhưng chỉ phù hợp với rừng thuần loài đều tuổi.
Việc phân cấp cây rừng cho rừng hỗn loài nhiệt đới tự nhiên là một vấn đề
phức tạp, cho đến nay vẫn chưa có tác giả nào đưa ra được phương án phân cấp
cây rừng cho rừng nhiệt đới tự nhiên mà được chấp nhận rộng rãi. Sampion
Gripfit (1948) [6], khi nghiên cứu rừng tự nhiên Ấn Độ và rừng ẩm nhiệt đới
5
Tây Phi có kiến nghị phân cấp cây rừng thành 5 cấp cũng dựa vào kích thước và
chất lượng cây rừng. Richards (1952) [28] phân rừng ở Nigieria thành 6 tầng dựa
vào chiều cao cây rừng.
Tóm lại, sự phân tầng và phương pháp thể hiện tầng tán trong rừng
mưa nhiệt đới mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng quan điểm có sự
phân tầng rõ rệt trong rừng mưa nhiệt đới được nhiều nhà khoa học xác nhận.
1.1.1.3. Về cấu trúc tuổi
Theo Richards P.W (1952) [28], trong rừng mưa nhiệt đới có mùa khô
hạn thật rõ, dựa vào vòng năm đôi khi có thể xác định được tuổi cây gỗ đại
khái gần đúng và có thể dùng phương pháp này đối với một số ít loài cây
trong rừng phân mùa thường xanh, nhưng trong rừng mưa điển hình với khí
hậu tương đối không phân thành mùa thì vòng sinh trưởng hàng năm không
phân biệt rõ rệt. Do xác định tuổi cây trong rừng nhiệt đới có nhiều khó khăn,
ông đã đi sâu nghiên cứu, về tình hình đại biểu cấp thể tích thấy rằng: trong
các loài cây ưu thế thường gặp, có sự biến đổi rất lớn về độ nhiều trong các
giai đoạn còn non; một loài cây mà trong các tầng trên chiếm tỷ lệ lớn, có thể
rất nhiều đại biểu là mầm non và cây con, trong khi đó một loài cây khác, ở
tầng trên cũng có nhiều không kém gì, lại có rất ít đại biểu trong số mầm non,
cây con. Đôi khi một loài cây trong lúc còn là mầm non thì có nhiều, nhưng
đến khi là cây lớn lại hoàn toàn vắng hẳn.
1.1.1.4. Về cấu trúc mật độ
Theo Richards P.W (1952) [28], trong rừng mưa nhiệt đới ở Nam Mỹ
và châu Phi, mật độ lâm phần (Cây có đường kính ngang ngực 10 cm trở lên)
biến động từ 390 – 1.710 cây/ha, trong đó mật độ của những cây có đường
kính từ 41 cm trở lên khoảng 39 – 60 cây/ha. Baur G.N (1962) [1], cũng cho
biết trong rừng mưa nguyên sinh ở Mã Lai trên diện tích 1 hecta có khoảng
6
550 cây có đường kính từ 10 cm trở lên, trong đó những cây có đường kính
trên 48 cm từ 42 – 65 cây/ha.
Về mật độ tối ưu lâm phần, H. Thomasius (1972) đã xây dựng lý thuyết
khoảng sống và hằng số không gian sinh trưởng liên quan tới chiều cao, mật
độ và tuổi. Kairukstis (1980) xác định mật độ tối ưu lâm phần theo diện tích
tán và mức độ che phủ. Chiabera (1982) mô hình hóa mật độ tối ưu theo tuổi
và lấy mật độ tại tuổi 100 làm gốc (dẫn theo Nguyễn Ngọc Lung (1978) [17]).
Nhưng các phương pháp này chỉ thích hợp cho nghiên cứu rừng thuần loài
đều tuổi. Đối với rừng hỗn loài khác tuổi, việc xác định tuổi lâm phần rất khó
khăn, cho nên khó áp dụng đối với rừng nhiệt đới hỗn loài khác tuổi.
1.1.1.5. Nghiên cứu định lượng cấu trúc rừng
Việc nghiên cứu cấu trúc rừng đã có từ lâu và được chuyển dần từ mô
tả định tính sang định lượng với sự hỗ trợ của thống kê toán học và tin học,
trong đó việc mô hình hoá cấu trúc rừng, xác lập mối quan hệ giữa các nhân
tố cấu trúc rừng đã được nhiều tác giả nghiên cứu có kết quả. Vấn đề về cấu
trúc không gian và thời gian của rừng được các tác giả tập trung nghiên cứu
nhiều nhất. Có thể kể đến một số tác giả tiêu biểu như: Rollet B (1971), Brung
(1970), Loeth et al (1967)... rất nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu cấu trúc
không gian và thời gian của rừng theo hướng định lượng và dùng các mô hình
toán để mô phỏng các qui luật cấu trúc (dẫn theo Trần Văn Con, (2001) [5]).
Rollet. B (1971) đã mô tả mối quan hệ giữa chiều cao và đường kính bằng các
hàm hồi qui, phân bố đường kính bằng các dạng phân bố xác suất (dẫn theo
Bảo Huy (1993) [13]. Nhiều tác giả còn sử dụng hàm Weibull để mô hình hoá
cấu trúc đường kính loài thông theo mô hình của Schumarcher và Coil (Belly,
1973). Bên cạnh đó các dạng hàm Meyer, Hyperbol, hàm mũ, Pearson,
Poisson,... cũng được nhiều tác giả sử dụng để mô hình hoá cấu trúc rừng.
7
Một vấn đề nữa có liên quan đến nghiên cứu cấu trúc rừng đó là việc phân
loại rừng theo cấu trúc và ngoại mạo hay ngoại mạo sinh thái. Cơ sở phân loại
rừng theo xu hướng này là đặc điểm phân bố, dạng sống ưu thế, cấu trúc tầng thứ
và một số đặc điểm hình thái khác của quần xã thực vật rừng. Đại diện cho hệ
thống phân loại rừng theo hướng này có Humbold (1809), Schimper (1903),
Aubreville (1949), UNESCO (1973)... Trong nhiều hệ thống phân loại rừng theo
xu hướng này khi nghiên cứu ngoại mạo của quần xã thực vật đã không tách rời
khỏi hoàn cảnh của nó và do vậy hình thành một hướng phân loại theo ngoại
mạo sinh thái. Khác với xu hướng phân loại rừng theo cấu trúc và ngoại mạo chủ
yếu mô tả rừng ở trạng thái tĩnh. Trên cơ sở nghiên cứu rừng ở trạng thái động
Melekhov đã nhấn mạnh sự biến đổi của rừng theo thời gian, đặc biệt là sự biến
đổi của tổ thành loài cây trong lâm phần qua các giai đoạn khác nhau trong quá
trình phát sinh và phát triển của rừng (dẫn theo Lý Thọ, (1999) [36]).
1.1.1.6. Nghiên cứu về tái sinh rừng
Theo quan điểm của các nhà lâm học, hiệu quả của tái sinh rừng được
xác định bởi mật độ, tổ thành loài cây, chất lượng cây con, đặc điểm phân bố.
Vai trò của tái sinh rừng hết sức quan trọng, nó quyết định sự tồn tại của thảm
thực vật, tái sinh rừng là tiền đề cho quá trình diễn thế rừng đảm bảo rừng
luôn trong trạng thái vận động. Do vậy có thể nói những nghiên cứu về tái
sinh rừng đã góp phần làm sáng tỏ các quy luật tồn tại và phát triển của rừng
cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu thì hiệu quả tái sinh rừng được xác
định bởi mật độ, tổ thành loài cây, cấu trúc tuổi, chất lượng cây con, đặc điểm phân
bố. Sự tương đồng hay khác biệt giữa tổ thành lớp cây tái sinh và tầng cây gỗ lớn đã
được nhiều nhà khoa học quan tâm (Mibbre-ad, 1930; Richards, 1933; 1939;
Aubreville, 1938; Beard, 1946; Lebrun và Gilbert, 1954; Joné, 1955-1956; Schultz,
1960; Baur, 1964; Rollet, 1969) [46]. Do tính chất phức tạp về tổ thành loài cây,