Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Nghiên cứu đặc điểm sinh học của một số loài vi tảo biển quang tự dưỡng thuộc hai chi Isochrysis và Nannochloropsis phân lập ở Việt Nam với mục đích ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Theo định hướng đến năm 2020, thủy sản là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt
Nam, góp phần quan trọng đưa nền kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp phát triển bền
vững với tốc độ tăng trưởng khoảng trên 7%/năm, giá trị xuất khẩu dự kiến đạt mức
10-10,5 tỷ USD. Năm 2012, theo thống kê của VASEP (Vietnam Association of
Seafood Exporters and Producers) mặc dù đã đạt được mức độ tăng trưởng cao
nhưng giá trị xuất khẩu hàng hóa các sản phẩm thủy sản lại không tăng. Do đó, việc
nâng cao giá trị xuất khẩu của các sản phẩm thủy sản đã được đặt ra và cần phải giải
quyết, trong đó thức ăn là một khâu quan trọng, mang tính đột phá đối với ngành
nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Hiện nay, ngoài thức ăn nhân tạo thì nguồn thức ăn sống như vi tảo biển
(VTB) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của hầu hết các đối tượng
nuôi thủy sản. VTB rất giàu dinh dưỡng, rẻ tiền, dễ tiêu hóa và là nguồn cung cấp
các axít béo không bão hòa đa nối đôi (PUFAs-Polyunsaturated fatty acids) như axít
docosahexaenoic (DHA, C22:6n-3), axít eicosapentaenoic (EPA, C20:5n-3) và axít
arachidonic (AA, C20:4n-6) rất cần thiết cho sự phát triển của vật nuôi ở giai đoạn
ấu trùng. Một số loài VTB được sử dụng rộng rãi và phổ biến làm thức ăn sống
trong NTTS như Isochrysis galbana, Chaetoceros gracilis, Chlorella vulgaris,
Nannochloropsis oculata, Tetraselmis chuii. Tuy nhiên, hầu hết các trại NTTS ở
Việt Nam đều chưa nuôi chủ động được nguồn thức ăn sống nêu trên mà chủ yếu
vẫn là bơm nước biển tự nhiên vào bể nuôi. Ngoài ra, các giống tảo sử dụng trong
NTTS đa phần có nguồn gốc nhập ngoại, khó thích nghi với điều kiện khí hậu tự
nhiên của Việt Nam. Do đó, các giống này sau một thời gian nuôi trồng không có
khả năng nhân nhanh sinh khối, dễ bị tạp nhiễm và cuối cùng bị thoái hóa và mất
giống.
Để chủ động cung cấp nguồn giống VTB thuần chủng, giàu dinh dưỡng theo
định hướng làm thức ăn sống cho các đối tượng NTTS, cần phải phân lập, lựa chọn
được các chủng giống thích nghi với khí hậu của Việt Nam, có khả năng nuôi trồng
trên quy mô lớn và cho năng suất, chất lượng sinh khối cao. Xuất phát từ những vấn
đề nêu trên, chúng tôi đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học của một
số loài vi tảo biển quang tự dƣỡng thuộc hai chi Isochrysis và Nannochloropsis
phân lập ở Việt Nam với mục đích ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản”
2. Mục tiêu của đề tài
- Phân lập, lựa chọn, định tên khoa học và nghiên cứu các đặc điểm sinh học của các
loài vi tảo biển thuộc hai chi Isochrysis và Nannochloropsis;
- Chọn 2 loài vi tảo biển thuộc 2 chi nêu trên có khả năng lưu giữ thuần chủng, nhân
nhanh sinh khối, nuôi trồng trên quy mô lớn và sinh khối giàu dinh dưỡng làm thức
ăn cho một số đối tượng NTTS.
3. Nội dung nghiên cứu
1. Phân lập các loài vi tảo biển thuộc 2 chi Isochrysis và Nannochloropsis từ vùng
biển của Việt Nam có khả năng sử dụng làm thức ăn sống trong NTTS;
2. Định tên khoa học các chủng vi tảo biển phân lập được dựa trên các đặc điểm
hình thái, đọc và so sánh trình tự của đoạn gen 18S rRNA; Đăng ký trình tự đoạn
gen 18S rRNA của các chủng này trên Ngân hàng gen (Genbank);
2
3. Nghiên cứu lưu giữ các chủng giống VTB có được với sự hỗ trợ của một số chất
bảo quản ở nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ phòng, xác định khả năng hoạt hóa chúng;
4. Nghiên cứu đặc điểm sinh học, thành phần dinh dưỡng của chủng Isochrysis
galbana HP1 và Nannochloropsis oculata HP2;
5. Đánh giá khả năng chống chịu với điều kiện môi trường nuôi bất lợi của các
chủng I. galbana HP1 và N. oculata HP2 so với các chủng phân lập ở Singapore;
6. Nhân nuôi sinh khối trong điều kiện phòng thí nghiệm và ngoài tự nhiên các
chủng I. galbana HP1 và N. oculata HP2 để làm thức ăn sống cho các loài động vật
thân mềm hai mảnh vỏ như ngao Bến tre (Meretrix lyrata Sowerby, 1851); hầu Thái
bình dương (Crassostrea gigas Thunberg, 1793) và tu hài (Lutraria rhyncheana
Jonas, 1844).
4. Những đóng góp mới của luận án
1. Phân lập thành công và dựa trên các đặc điểm hình thái và giải mã đoạn gen 18S
rRNA đã xác định được tên 2 chủng I. galbana HP1 và N. oculata HP2;
2. Đã nghiên cứu đặc điểm sinh học chính, thành phần dinh dưỡng và khả năng
chống chịu với điều kiện nuôi bất lợi của các chủng tiềm năng I. galbana HP1 và N.
oculata HP2 so với các chủng có nguồn gốc nhập ngoại;
3. Lần đầu tiên đã thành công trong nuôi sinh khối chủng N. oculata HP2 ở hệ thống
nuôi kín dạng ống tự thiết kế (với điều kiện không sử dụng bơm chỉ dùng máy nén
khí) có dung tích 20 L, đạt mật độ tế bào cao (gần 200 triệu tb/mL);
4. Đã sử dụng sinh khối chủng I. galbana HP1 và N. oculata HP2 cùng với sinh khối
các loài VTB khác làm thức ăn sống cho một số đối tượng động vật thân mềm hai
mảnh vỏ như ngao Bến tre, hầu Thái bình dương và tu hài, góp phần quan trọng
trong việc sản xuất giống thủy sản sạch bệnh, chất lượng cao và thúc đẩy nghề nuôi
trồng thủy sản phát triển bền vững.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
Kết quả nghiên cứu thu được trong luận án này là cơ sở khoa học để nghiên
cứu sâu về đặc điểm sinh học của 2 chủng VTB I. galbana HP1 và N. oculata HP2
phân lập được từ vùng biển Việt Nam và bổ sung cơ sở dữ liệu cho tập đoàn giống
VTB có nguồn gốc của Việt Nam; cung cấp số liệu khoa học cho phép khẳng định
tính chống chịu cao với điều kiện bất lợi của các chủng phân lập được từ Việt Nam
so với nhập ngoại; khả năng sử dụng hệ thống nuôi kín tự thiết kế trong việc cung
cấp giống ban đầu cho nuôi trồng VTB ở các hệ thống nuôi hở.
Các kết quả của luận án có ý nghĩa thực tiễn đối với các trại sản xuất giống
NTTS ở Việt Nam trong việc chủ động lưu giữ, nuôi trồng và thu sinh khối 2 chủng
I. galbana HP1 và N. oculata HP2 làm thức ăn sống cho một số loài động vật thân
mềm hai mảnh vỏ như ngao Bến tre, tu hài và hầu Thái bình dương.
6. Bố cục của luận án
Luận án gồm 133 trang, trong đó phần mở đầu 3 trang, tổng quan tài liệu 30
trang, vật liệu và phương pháp nghiên cứu 23 trang, kết quả 57 trang, bàn luận 17
trang, kết luận và kiến nghị 3 trang, danh mục các công trình đã công bố 1 trang, tài
liệu tham khảo 12 trang với 167 tài liệu tham khảo, tóm tắt kết quả nghiên cứu bằng
tiếng Anh 9 trang. Trong luận án có 30 Bảng và 48 Hình.