Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Nghiên cứu đặc điểm của huyệt Thận du và hiệu quả của điện châm trong điều trị đau thắt lưng thể thận hư
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
PHẠM HỒNG VÂN
Nghiên cứu đặc điểm của huyệt Thận du và hiệu
quả của điện châm trong điều trị đau thắt lưng
thể thận hư
Chuyên ngành : Y học cổ truyền
Mã số : 62720201
Nghiên cứu sinh : Phạm Hồng Vân
Người hướng dẫn : PGS.TS. Nghiêm Hữu Thành
PGS.TS. Bùi Mỹ Hạnh
2014
1
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đau thắt lưng (ĐTL) là hiện tượng đau cấp tính hoặc mạn tính ở vùng
từ ngang đốt sống L1 đến ngang đĩa đệm L5 – S1. Nguyên nhân chính của
đau thắt lưng là do thoái hóa cột sống thắt lưng bao gồm thoái hóa đốt sống
thắt lưng, đĩa đệm và xương sụn khớp đốt sống thắt lưng [1], [2].
Tuy đau thắt lưng là chứng bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng
nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, là một trong những
nguyên nhân hàng đầu làm giảm khả năng lao động và hiệu quả công việc ở
người trưởng thành.
Theo Y học cổ truyền (YHCT), đau thắt lưng có bệnh danh là “Yêu
thống" đã được mô tả rất rõ trong các y văn cổ. Châm cứu là một trong
những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc của Y học cổ truyền
(YHCT) đã góp phần không nhỏ trong điều trị các chứng bệnh trong đó có
chứng "Yêu thống".
Châm cứu có cơ sở chữa bệnh là huyệt và kinh lạc. Trong hệ thống
huyệt của các đường kinh trong cơ thể có nhiều loại huyệt, trong đó có huyệt
bối du. Huyệt bối du là nơi dương khí tạng phủ tỏa ra ở vùng lưng, mỗi tạng
phủ có một huyệt bối du. Huyệt phân bố cách đều trục giữa cột sống 1,5 thốn,
nằm trên kinh Túc Thái dương Bàng quang. Khi tạng phủ có bệnh, thường ở
huyệt bối du tương ứng sẽ xuất hiện cảm giác ấn đau hoặc tê tức, vì vậy chữa
bệnh của bản tạng tại huyệt bối du có hiệu quả rõ rệt [3], [4].
Thận du là huyệt bối du của tạng Thận, ký hiệu quốc tế là UB23. Huyệt
Thận du có tác dụng ích thủy, tráng hỏa, điều hòa thận khí, kiện cân cốt, chữa
đau lưng, minh mục, thông nhĩ...Với lý giải bằng y lý YHCT, lưng là phủ của
thận nên những bệnh lý đau lưng đều có liên quan đến tạng thận và huyệt Thận
du thường được sử dụng trong điều trị bệnh lý của tạng Thận trên lâm sàng.
2
Mặc dù huyệt Thận du đã được ứng dụng nhiều trên lâm sàng, nhưng
cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến đặc điểm sinh học
của huyệt này trên cơ thể người Việt Nam bình thường khỏe mạnh và trên cơ
thể người bệnh. Để góp phần làm sáng tỏ đặc điểm của huyệt Thận du, những
biến đổi của các đặc điểm này khi cơ thể bị bệnh và khi có tác động điện
châm vào huyệt cũng như khẳng định hiệu quả của phương pháp điện châm
trong điều trị đau thắt lưng thể thận hư, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài
này với các mục tiêu sau:
1. Xác định một số đặc điểm sinh lý của huyệt Thận du ở người
bình thường khỏe mạnh.
2. Xác định sự biến đổi các đặc điểm sinh lý của huyệt này trên
bệnh nhân đau thắt lưng thể thận hư dưới ảnh hưởng của điện châm.
3. Đánh giá hiệu quả của điện châm huyệt Thận du kết hợp với các
huyệt Giáp tích L2-L5, Thứ liêu, Ủy trung, Dương lăng tuyền trong điều
trị đau thắt lưng thể thận hư.
3
Chương 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. HUYỆT VỊ VÀ PHƯƠNG PHÁP CHÂM
1.1.1. Huyệt vị châm cứu
1.1.1.1. Quan niệm của Y học cổ truyền về huyệt châm cứu
- Khái niệm về huyệt
Theo thiên Cửu châm thập nhị nguyên của sách Linh khu, huyệt là nơi thần
khí lưu hành, xuất nhập, chúng được phân bố khắp phần ngoài (biểu) của cơ thể,
nhưng không phải hình thái tại chỗ của da, cơ, gân, xương. Theo các sách xưa,
huyệt còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như du huyệt, khổng huyệt, kinh
huyệt, khí huyệt, khí phủ... Huyệt là tên gọi ngày nay quen dùng nhất [3], [4].
- Phân loại huyệt.
Huyệt được phân bố khắp mặt ngoài cơ thể, mỗi huyệt có một tên có ý
nghĩa nhất định. Căn cứ vào học thuyết kinh lạc, có thể chia làm ba loại huyệt
chính: huyệt của kinh (kinh huyệt), huyệt ngoài kinh (kinh ngoại kỳ huyệt) và
huyệt ở chỗ đau (a thị huyệt) [3].
+ Huyệt của kinh (Kinh huyệt): là những huyệt nằm trên 12 đường kinh
chính và 2 mạch Nhâm, mạch Đốc. Một số huyệt có chức năng và tác dụng
giống nhau được chia thành những nhóm huyệt và được gọi bằng những tên
chung như huyệt Nguyên, huyệt Lạc, huyệt Du ở lưng, huyệt Mộ, huyệt Ngũ
du, huyệt Khích, Bát hội huyệt và Giao hội huyệt.
+ Huyệt ngoài kinh (Kỳ ngoại huyệt): là những huyệt không thuộc vào
12 kinh chính và hai mạch Nhâm, Đốc. Huyệt thường có vị trí ở ngoài các
đường kinh, nhưng cũng có một số huyệt nằm trên đường tuần hành của kinh
mạch chính song không phải là huyệt của kinh mạch đó.
Huyệt ngoài kinh chưa được nói tới trong cuốn Nội kinh, đó là những
huyệt do các nhà châm cứu đời sau quan sát và phát hiện dần. Trên lâm sàng
chúng có hiệu quả điều trị rõ ràng và có vị trí cố định.
4
+ Huyệt A thị: Sách Nội kinh có viết "lấy chỗ đau làm huyệt", những
huyệt đó sau này được gọi là huyệt A thị. Đó là những huyệt không có vị trí
cố định, cũng không tồn tại mãi mãi, nó chỉ xuất hiện ở những chỗ thấy đau,
nó không phải là những huyệt của các kinh mạch chính và huyệt ngoài kinh.
Đặc tính của huyệt A thị là châm vào đó có thể chữa chứng đau nhức rất tốt vì
có tác dụng lưu thông khí huyết.
- Vai trò và tác dụng của huyệt.
Sách Tố Vấn viết "Người ta có 12 khớp lớn, 365 khe nhỏ chưa kể huyệt
của 12 kinh mạch, đều là nơi vệ khí lưu hành. Đó cũng là nơi tà khí vào cơ thể
và lưu lại, phải dùng châm, cứu để đuổi tà khí đi" [3], [5]. Như vậy, huyệt vừa
là nơi thần khí lưu hành xuất nhập, vừa là nơi tà khí xâm nhập vào cơ thể, vừa
là nơi dùng kim hay mồi ngải tác động vào đó để đuổi tà khí ra ngoài.
+ Về sinh lý: Huyệt có quan hệ chặt chẽ với kinh mạch và tạng phủ mà
nó phụ thuộc. Huyệt là nơi thần khí vận hành qua lại vào ra, nơi tạng phủ kinh
lạc dựa vào đó mà thông suốt với phần ngoài cơ thể, làm cho cơ thể thành một
khối thống nhất, góp phần duy trì các hoạt động sinh lý của cơ thể luôn ở
trong trạng thái bình thường [3], [4], [6].
+ Về bệnh lý: Huyệt cũng là cửa ngõ xâm nhập của tà khí lục dâm. Khi
sức đề kháng của cơ thể (chính khí) bị suy giảm thì tà khí qua các huyệt này
vào gây bệnh cho các đường lạc, nếu bệnh tiến triển nặng hơn tà khí sẽ từ
kinh vào sâu trong tạng phủ [3], [4], [6].
+ Về chẩn đoán: Khi tạng phủ bị bệnh, có thể có những thay đổi bệnh
lý phản ánh ra ở huyệt như đau nhức, hoặc ấn vào đau, hoặc hình thái huyệt bị
thay đổi...Thay đổi này là tín hiệu giúp các nhà lâm sàng có thêm tư liệu để
quyết định chẩn đoán bệnh [3], [4], [6].
+ Về phòng và điều trị bệnh: Huyệt là nơi tiếp nhận những kích thích
khác nhau. Tác động lên huyệt một lượng kích thích thích hợp có thể điều hòa
được khí, khí hòa thì huyết hòa, khi huyết hòa thì tuần hoàn của huyết trong
mạch mới thuận lợi, được chuyển đi để nuôi dưỡng cơ thể, lấy lại thăng bằng
5
âm dương, nghĩa là làm ổn định những rối loạn bệnh lý, lập lại hoạt động sinh
lý bình thường của cơ thể [3], [4], [6].
1.1.1.2. Các nghiên cứu về huyệt của y học hiện đại
Y học hiện đại (YHHĐ) dựa trên bằng chứng của các nghiên cứu lâm
sàng, thực nghiệm, qua các phân tích cụ thể chính xác bằng các phương tiện
ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đã chỉ ra vị trí giải phẫu của các huyệt
trên đường kinh, đã đề cập đến cấu trúc giải phẫu và điện sinh học của huyệt.
- Đặc điểm giải phẫu của huyệt.
+ Về hình dáng và diện tích da vùng huyệt: Các nhà khoa học khi
nghiên cứu về huyệt đã nhận định rằng huyệt vị trên cơ thể không phải chỉ là
một điểm mà mỗi huyệt có vùng hình chiếu tương ứng trên mặt da. Huyệt đa
số có hình tròn và chiếm vị trí nhất định trên mặt da, kích thước các huyệt dao
động trong khoảng từ 4 đến 18 mm2
, là những vùng da nhạy cảm hơn và có
chức năng đặc hiệu hơn so với các cấu trúc xung quanh [7], [8], [9], [10].
+ Về tổ chức học vùng huyệt: Nghiên cứu các thành phần tổ chức học
của Bosy J. cho thấy 29% số huyệt có các sợi thần kinh kiểu não- tủy. Các
xung động thần kinh phát sinh tại các huyệt được truyền theo các sợi này về tủy
sống và não bộ, 42% số huyệt có dây thần kinh dưới da và 46% số huyệt có
tĩnh mạch dưới da và đám rối thần kinh bao quanh (theo [7]).
Nghiên cứu của Portnov Ph.G. cho thấy có khoảng 80% các huyệt cũng
như vùng da xung quanh có các sợi thần kinh và mạch máu dưới da, trong đó
khoảng 30% có các sợi thần kinh, động mạch dưới da và mạch bạch huyết,
khoảng 30% có các sợi thần kinh và tĩnh mạch nhỏ dưới da, 10% số huyệt tìm
thấy tiểu tĩnh mạch và tiểu động mạch dưới da. Nghiên cứu hình thái của
huyệt dưới kính hiển vi điện tử, tác giả đã phát hiện ra đặc điểm của các sợi
thần kinh tại huyệt có đường kính từ 20- 200 µm, gồm cả các sợi có và không
có myelin, hầu hết các sợi thần kinh ở huyệt có đường kính lớn và rất giàu
mucosacarid và cho phản ứng dương tính với serotonin. Gần sợi thần kinh còn
có các ống bạch huyết, có các tế bào mast cũng như các lưới mạch máu. Tế bào
6
mast được coi như là nhân tố quan trọng trong điều hòa sự cân bằng nội môi
bởi nó có chứa các hạt có hoạt tính sinh học cao tham gia điều hòa các chức
năng của cơ thể như heparin, histamin, serotonin, acid hyaluronic, các chất có
khả năng gây ảnh hưởng đến điện thế màng tế bào và tính thấm thành mạch
làm cho tế bào mast có thể đáp ứng với nhiều loại kích thích khác nhau như cơ
học, nhiệt, hóa học, tia, các enzym....Số lượng lớn tế bào mast chịu sự điều hòa
của hệ nội tiết và hệ thần kinh trung ương. Ngược lại các chất có hoạt tính sinh
học trong tế bào mast như heparin, histamin, serotonin không những gây ra tác
dụng tại chỗ mà còn có thể tham gia điều hòa hoạt động của hệ thần kinh và nội
tiết. Bên cạnh đó, các chất trung gian còn có khả năng gây ảnh hưởng đến điện
thế màng tế bào, đến tuần hoàn mao mạch, tính thấm thành mạch và màng tế
bào, nghĩa là ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Do đó có thể xem tế bào
mast như một bộ máy đặc biệt tại huyệt (theo [7], [9]).
Hsiu H. và cs đã sử dụng tia laser doppler flowmetry (LDF) để phát
hiện các đặc điểm vi thể tại huyệt và các mô xung quanh huyệt Hợp cốc và
Kinh cốt. Kết quả cho thấy tại huyệt có mạng lưới mao mạch lớn hơn nhiều so
với vùng ngoài huyệt [11].
Yan X.H. và cs đã sử dụng bức xạ synchrotron để nghiên cứu cấu trúc
của các huyệt Tam âm giao, Thiên khu, Nội quan và Túc tam lý trên chuột. Kết
quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng tại các huyệt có tồn tại nhiều vi mạch mà trong
các mô xung quanh của huyệt người ta không thể tìm thấy loại cấu trúc đó. Các
vi mạch đã làm nên cấu trúc đặc biệt của huyệt, có mối quan hệ nhất định với
chức năng của huyệt và đóng vai trò quan trọng trong châm cứu [12].
Bürklein M. đã sử dụng laser quang phổ doppler CO2 để so sánh lưu
lượng máu dưới da huyệt Kiên tỉnh và da vùng cơ thang phía ngoài huyệt. Kết
quả cho thấy tại huyệt Kiên tỉnh có lưu lượng máu dưới da lớn hơn so với lưu
lượng máu dưới da ngoài huyệt (p<0,05) [13].
Khi nghiên cứu sử dụng ánh sáng laser quang học công suất thấp để
nghiên cứu đặc điểm của các huyệt Nội quan và Giản sử trên người tình
7
nguyện khỏe mạnh có độ tuổi trung bình là 23,6±1,2, Huang Y. và cs thấy có
sự khác biệt đáng kể về đặc điểm quang học giữa các huyệt và vị trí ngoài
huyệt thể hiện qua sự suy giảm hệ số khuếch tán và phổ phát xạ. Các tác giả
cho rằng các đặc điểm này tạo ra những tương tác nhân-quả với sự thay đổi
chức năng của các mô [14].
Như vậy, có thể nhận định rằng các huyệt châm cứu có cấu trúc hình
thái nhất định chiếm một diện tích trên bề mặt da. Vùng huyệt có số lượng
khá cao các sợi thần kinh ngoại vi, động mạch, tĩnh mạch và mạch bạch huyết
dưới da. Các sợi thần kinh ngoại vi tạo thành mạng lưới quấn quanh mạch
máu, có nhiều đầu mút thần kinh và các tế bào mast có hoạt tính sinh học cao.
- Đặc điểm sinh học của huyệt.
+ Về đặc điểm nhiệt độ da tại huyệt: Khi nghiên cứu nhiệt độ bằng máy
đo nhiệt độ da tại các huyệt châm cứu, Darras J.C. đã thấy một số huyệt cao
hơn và ngược lại một số huyệt thấp hơn so với vùng xung quanh huyệt và khi
một bộ phận trong cơ thể bị viêm nhiễm sẽ có cảm ứng ra các huyệt của đường
kinh tương ứng làm nhiệt độ da tại huyệt tăng cao hơn từ 10
C đến 20
C [15].
Nghiên cứu của Xu Y.X. ở Trung Quốc đã chỉ ra rằng cơ thể con người
có hiện tượng bức xạ hồng ngoại với cường độ khác nhau giữa các vùng da
trong huyệt và ngoài huyệt. Nhiệt độ da trong huyệt cao hơn so với ngoài
huyệt. Chuyển hóa năng lượng tại các huyệt trên cùng đường kinh cao hơn so
với vùng ngoài huyệt và cao hơn so với các huyệt không cùng đường kinh [16].
Nghiên cứu của Vũ Văn Lạp về đặc điểm huyệt Túc tam lý cho thấy
nhiệt độ da tại huyệt Túc tam lý là 31,180
C, cao hơn vùng xung quanh huyệt.
Sau 30 phút điện châm, nhiệt độ da tại huyệt Túc tam lý tăng cao hơn so với
trước điện châm trong khi đó nhiệt độ da ngoài huyệt không có sự khác biệt ở
hai thời điểm trước và sau điện châm [10].
Nguyễn Thị Vân Anh và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm
nhiệt độ tại 12 cặp huyệt Nguyên ở người trưởng thành thuộc các lứa tuổi 20-
25, 50-67 cho thấy tại 12 cặp huyệt Nguyên có nhiệt độ da cao hơn hẳn so với
8
vùng xung quanh, không có sự khác biệt về nhiệt độ của 12 cặp huyệt Nguyên
giữa bên phải và bên trái cơ thể, nhưng có sư khác nhau giữa nhiệt độ của 12
cặp huyệt Nguyên ở các nhóm lứa tuổi, ở nhóm lứa tuổi 20-25 có nhiệt độ cao
hơn so với ở nhóm lứa tuổi 50-67 [17].
Như vậy, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy
có sự khác nhau về nhiệt độ giữa huyệt và vùng ngoài huyệt, giữa các huyệt
trên cơ thể người khỏe mạnh bình thường. Đối với cơ thể đang bị bệnh thì có
sự thay đổi nhiệt độ tại các huyệt hoặc các huyệt Nguyên liên quan đến tạng
phủ bị bệnh [17], [18]. Thông qua đo nhiệt độ của kinh lạc, huyệt vị có thể
xác định sự mất cân bằng âm dương của kinh lạc, từ đó có thể phân tích
nguyên nhân gây bệnh, đưa ra phương pháp điều trị.
+ Về điện trở da và cường độ dòng điện qua da vùng huyệt: Các nhà
khoa học cho rằng đặc điểm điện sinh lý của huyệt bao gồm điện trở da và
cường độ dòng điện qua da vùng huyệt là hai thông số để phát hiện đặc điểm
sinh học sớm nhất của huyệt và là phương tiện để có thể tìm hiểu cơ chế tác
dụng của châm cứu.
Colbert A.P. (2008) đã tiến hành ghi điện trở da tại nhiều huyệt cùng một
lúc bằng thiết bị đa kênh tự động để nghiên cứu đặc điểm điện sinh lý tại huyệt
Nội quan, Ngư tế và tại điểm ở giữa đường nối cổ tay và khuỷu tay của 8 tình
nguyện viên lứa tuổi từ 27- 62. Kết quả nghiên cứu cho thấy điện trở da ở huyệt
Nội quan và Ngư tế đều thấp hơn so với vị trí không phải huyệt ở gần đó [19].
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Vân Thái (1996) về ảnh hưởng của điện
châm lên ngưỡng đau và một số đặc điểm của huyệt châm cứu đã nhận thấy
dưới tác dụng của điện châm, nhiệt độ da ở đa số huyệt đều biến đổi theo xu
hướng tăng, độ thông điện tại huyệt tăng còn điện trở da lại giảm xuống [20].
Nghiên cứu của Phạm Hữu Lợi (2003) về một số đặc điểm sinh học tại
huyệt Nguyên ở trẻ bình thường và bệnh nhi viêm não Nhật Bản, đánh giá hiệu
quả phục hồi vận động bằng điện châm của cho thấy nhiệt độ tại các huyệt
Nguyên của trẻ viêm não Nhật Bản cao hơn so với trẻ bình thường. Sau điều trị
9
bằng điện châm, thấy có sự tương ứng giữa mức độ phục hồi trên lâm sàng với sự
trở về bình thường của nhiệt độ và cường độ dòng điện tại các huyệt Nguyên [18].
Nghiên cứu của Đỗ Công Huỳnh (1994), Vũ Văn Lạp (1996), Hoàng Khánh
Hằng (2001), Bùi Mỹ Hạnh (2003) đều cho thấy có sự khác biệt rõ ràng về điện trở và
cường độ dòng điện vùng huyệt so với vùng da xung quanh. Da vùng huyệt có điện trở
thấp và cường độ dòng điện cao hơn da vùng xung quanh huyệt [7], [8], [9], [10].
Phạm Thị Xuân Vân (1985) nghiên cứu đặc điểm các huyệt vùng bụng
trên động vật thực nghiệm cũng cho thấy cường độ qua da vùng huyệt lớn hơn
và điện trở da vùng huyệt nhỏ hơn vùng ngoài huyệt [21].
1.1.2.3. Sự tương đồng về huyệt theo Y học cổ truyền với Y học hiện đại.
Theo lý luận YHCT, huyệt là nơi thần khí ra vào lưu hành (ở phần biểu
của cơ thể), có thể hiểu đó là nơi liên thông giữa cơ thể với ngoại môi, nơi cơ thể
đáp ứng (xuất), tiếp nhận (nhập), lưu hành (làm việc không ngừng) [3], [4], [6].
Y học hiện đại cũng có một cơ quan như vậy, đó là hệ thống cơ quan cảm thụ.
Hệ thống cơ quan cảm thụ gồm đầu mút thần kinh tự do, các tiểu thể,
các tận cùng có và không có myelin ở chân lông có chức năng tiếp nhận cảm
giác xúc giác (cảm giác sờ mó), cảm giác nóng lạnh, cảm giác đau, đáp ứng
với cảm giác bản thể (cảm giác sâu), đáp ứng với các thay đổi của tạng phủ.
Từ các phân tích trên nhận thấy hệ thống cơ quan cảm thụ có chức năng
như hệ thống huyệt. Các cơ quan cảm thụ xúc giác, nóng, lạnh, đau tương tự
kinh huyệt (của mạch khí); các cơ quan cảm thụ đáp ứng cảm giác bản thể
tương tự như huyệt hội ở cân, cốt, các tổ chức; các cơ quan cảm thụ đáp ứng
thay đổi của tạng phủ tương tự hệ thống huyệt du, mộ tại tạng phủ, ngũ du, và
nguyên huyệt, huyệt bát hội (tạng, phủ, mạch) nằm trên các đường kinh,
thống huyệt ở cân cơ. Hệ thống cơ quan cảm thụ có cấu trúc của nó, không
phải là da, cân, xương nhưng nằm ở da, cơ, gân, xương (màng). Chỉ có dùng
kính hiển vi mới thấy được các cấu trúc này. Vì vậy, Y học cổ truyền chỉ có
thể nói chúng không phải là da, gân, xương.
10
Như vậy, qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài
nước, chúng ta có thể thấy được sự khác biệt về hình thái cũng như đặc điểm
chức năng giữa huyệt và cấu trúc da xung quanh huyệt và đưa đến nhận định
rằng huyệt là một vùng nhỏ trên cơ thể có sự tập trung các sợi thần kinh.
Huyệt có nhiệt độ cao hơn vùng da xung quanh và có cường độ dòng điện qua
da lớn hơn vùng lân cận, và điện trở nhỏ hơn vùng ngoài huyệt.
1.1.2. Phương pháp châm và điện châm
1.1.2.1. Phương pháp châm
Châm là dùng kim châm vào huyệt để kích thích sự phản ứng của cơ
thể nhằm gây được tác dụng điều khí, làm thông kinh mạch, tạo nên trạng thái
cân bằng âm dương, nghĩa là phục hồi trạng thái sinh lý, loại trừ trạng thái
bệnh lý, đưa cơ thể trở lại hoạt động bình thường để đạt được mục đích phòng
bệnh và chữa bệnh [3], [4], [6], [22], [23], [24], [25].
Khi điều trị bệnh người thầy thuốc dựa trên trạng thái hư- thực của
bệnh nhân, theo học thuyết kinh lạc, học thuyết ngũ hành mà sử dụng thủ
pháp bổ- tả trong châm. Bổ- tả là thủ thuật được áp dụng khi châm để nâng
cao hiệu quả của châm sau khi châm đạt đắc khí.
Bổ pháp được sử dụng trong điều trị những bệnh mà YHCT chẩn đoán
là hư, thường là những bệnh mắc đã lâu, cơ thể suy nhược, sức đề kháng giảm
trong trường hợp công năng hoạt động của cơ thể bị giảm sút (gọi là chính khí
hư). Tả pháp thường được sử dụng trong điều trị những bệnh mà YHCT chẩn
đoán là thực, là tà khí thực và thường thấy ở bệnh mới mắc, cơ thể bệnh nhân
còn khỏe, sức chống đỡ với bệnh còn mạnh. Các thầy thuốc khi điều trị bệnh
thường sử dụng thủ pháp bổ- tả theo các nguyên tắc hư thì bổ, thực thì tả, hư
thì bổ mẹ, thực thì tả con. Bổ tả có thể tiến hành theo các cách như bổ tả theo
nhanh- chậm (châm kim chậm, rút kim nhanh là tả; châm kim nhanh, rút kim
chậm là bổ), bổ tả theo nghịch- thuận (châm kim thuận theo hướng tuần hành
của đường kinh là bổ; châm kim ngược theo hướng tuần hành của đường kinh
là tả), Bổ tả theo hướng vê kim (sau khi châm đã đắc khí, vê kim theo hướng
11
của chiều kim đồng hồ, vê nhẹ là bổ, vê kim ngược lại hướng của chiều kim
đồng hồ, vê mạnh nhiều lần là tả). Ngoài ra còn có các loại thủ pháp bổ- tả
khác như bổ tả theo thở ra- hít vào, nhấc lên- ấn xuống...
1.1.2.2. Phương pháp điện châm
Điện châm là phương pháp dùng dòng điện tác động lên các huyệt qua
các kim châm. Điện châm là một phát triển mới của châm cứu và là phương
pháp kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, phát huy được cả tác dụng
của dòng điện điều trị lẫn tác dụng của huyệt châm cứu [3], [22], [23], [24].
Ưu điểm của điện châm là rung kim đều kết hợp với tác dụng của dòng
điện như không gây đau, tạo cảm giác dễ chịu, do vậy điện châm ra đời đã
đáp ứng được mục đích điều khí của châm cứu nhanh mạnh lại không gây đau
đớn và đã trở thành phương pháp chủ yếu trong châm cứu hiện nay.
Dùng dòng điện kích thích lên huyệt châm cứu đã phối hợp tác dụng
của hai phương pháp khác nhau để đạt được hiệu quả tốt hơn, cơ thể được tiếp
thu hai loại kích thích, mỗi loại kích thích đem lại một số tác dụng nhất định.
Dùng dòng điện trong điều trị vật lý kích thích lên huyệt, ngoài tác dụng do
huyệt được kích thích còn có cả tác dụng sinh bệnh lý do dòng điện gây nên.
Điện châm cũng sử dụng thủ pháp bổ- tả. Khi vận dụng tả pháp hoặc bổ
pháp trên thực tế lâm sàng, phải chú ý tới các thông số về tần số, cường độ
của kích thích để lựa chọn cách thức bổ tả thích hợp.
+ Tần số kích thích (tính bằng Hertz- Hz) là số xung động được tạo ra
trong đơn vị thời gian tính bằng giây. Thủ pháp tả sử dụng tần số kích
thích cao (trên 5Hz), thủ pháp bổ sử dụng tần số kích thích thấp (1- 3 Hz)
+ Cường độ kích thích là biên độ xung (tính bằng microampe- μA).
Biên độ xung nhỏ là kích thích yếu, biên độ xung lớn là kích thích mạnh.
Như vậy, xét về mục đích, bổ tả là sự điều chỉnh lượng kích thích ở
huyệt sau khi châm đạt đắc khí. Dù có nhiều cách thức bổ tả khác nhau nhưng
mục đích chỉ có một, đó là điều khí hòa huyết, phù chính khu tà, lập lại thăng
bằng âm dương, tiêu trừ bệnh tật.
12
1.1.2.3. Cơ chế tác dụng giảm đau của châm theo Y học cổ truyền.
Về nguyên nhân gây đau và làm cho hết đau, trong các y văn cổ đã ghi:
"Khí tổn thương thì đau”, “đau do khí huyết không lưu thông, khí huyết bị ứ
trệ”, nghĩa là sự vận hành của “khí huyết” trong kinh mạch có trở ngại, không
thông thì gây nên đau, do đó chữa bệnh cần “làm thông kinh mạch, điều hòa
khí huyết” [3], [4], [5], [24], [25].
Sách Linh khu, thiên Quan năng [26] nhấn mạnh "người thầy thuốc khi
châm cần rõ tác dụng điều khí. Điều quan trọng trong châm là không được
quên cái thần của nó". Thần nói ở đây chủ yếu là chỉ hoạt động tinh thần và ý
thức, mà người xưa thường quy nó vào chức năng của Tâm. Người xưa rất coi
trọng tác dụng của "thần", sách Linh khu, thiên “Bản thần” và thiên “Châm
giải” viết: “Phàm các phép châm, trước tiên phải dựa vào thần, thông qua việc
chế ngự thần khí để vận hành lưu thông” nghĩa là để chữa bệnh, trị đau việc
đầu tiên là phải trị thần, tức là làm cho người bệnh yên tâm, không lo lắng.
Khí và huyết có liên quan mật thiết với nhau "khí là soái của huyết, khí hành
thì huyết hành, khí ngưng thì huyết trệ, huyết mạch hòa lợi thì tinh thần còn.
Huyết hòa thì kinh mạch lưu hành, nuôi dưỡng lại âm dương, làm khỏe gân
xương, làm lợi quan tiết". Như vậy, đau có quan hệ mật thiết với khí- huyết -
thần. Châm có tác dụng thúc đẩy khả năng tự điều chỉnh của cơ thể đưa cơ thể
trở về trạng thái hoạt động sinh lý bình thường và duy trì cho cơ thể luôn ở
trạng thái bình thường đó. Các thầy thuốc cổ đại đều nhấn mạnh châm phải
gây được “đắc khí” mới đạt hiệu quả chữa bệnh. Đắc khí là cảm giác kim bị
mút chặt, cảm giác nặng chặt ở tay người châm và cảm giác tức, nặng trướng
của người được châm. Trong các sách cổ có viết “ Nếu thần khí đến, kim thấy
chặt”, nói lên cảm giác căng nặng sinh ra lúc châm vào huyệt có quan hệ với
hoạt động của “thần khí” [26]. Trên lâm sàng, các thầy thuốc đã biết vận
dụng tác dụng này của châm cứu theo nguyên tắc bệnh ở kinh cân thì “lấy nơi
đau làm huyệt” gọi là A thị huyệt, Thiên ứng huyệt hay Thống điểm huyệt.
13
Châm vào những huyệt đó sẽ làm cho kinh mạch lưu thông, khí huyết điều
hòa sẽ đạt đến "thông tắc bất thống" có nghĩa là thông thì không đau.
Tóm lại, theo lý luận y học cổ truyền, châm là dùng kim kích thích vào
huyệt với mục đích điều khí, hoà huyết để duy trì sự hoạt động bình thường
của cơ thể, tiêu trừ các hiện tượng mất thăng bằng. Cơ sở của châm chính là
kinh lạc và huyệt vị. Tác động lên huyệt một lượng kích thích thích hợp ta có
thể điều hòa được khí, khí hòa thì huyết hòa. Khi huyết hòa, tuần hoàn của khí
huyết trong kinh mạch thuận lợi, khí huyết lưu thông, lập lại thăng bằng âm
dương, đưa cơ thể trở về trạng thái sinh lý bình thường.
1.1.2.4. Cơ chế tác dụng giảm đau của châm theo Y học hiện đại.
Cơ chế tác dụng của châm giảm đau đã được nghiên cứu từ những năm
70 của thế kỷ XX [27], [28]. Ngày nay, theo đường lối kết hợp Đông- Tây y
cùng với sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán thăm dò hiện đại, các
cơ chế chống đau của châm cứu ngày càng thu hút được sự quan tâm của
nhiều nhà khoa học trên thế giới và được chứng minh bằng các phương pháp
nghiên cứu có tính định lượng, khách quan, khoa học.
Khi cơ thể có bệnh, những tổn thương tại các cơ quan là một kích thích
tạo ra cung phản xạ bệnh lý [27]. Châm hay cứu là một kích thích. Nếu đủ
mạnh sẽ ức chế cung phản xạ bệnh lý, có tác dụng giảm đau. Khi nghiên cứu
về cơ chế giảm đau của châm, các tác giả đã tập trung vào một số thuyết như
thuyết phản xạ thần kinh, thuyết thần kinh- thể dịch, trong đó thuyết thần
kinh- thể dịch được nhắc đến nhiều hơn.
- Thuyết "cổng kiểm soát" hay cơ chế tác dụng của châm qua con đường thần
kinh: Đa số các tác giả nghiên cứu cơ chế giảm đau của châm đều ủng hộ
thuyết "Cổng kiểm soát" của Melzack R. và Wall P.D. [28] cũng như thuyết
"hai cửa" của Hsiang Tung C. [29]. Thuyết "Cổng kiểm soát" của Melzack R.
và Wall P.D. quan niệm rằng sừng sau tủy sống ví như cánh cửa có thể đóng
mở. Cửa đóng khi có kích thích lên các thụ cảm thể ngoại biên với nguồn kích
thích thấp khoảng 0,03 đến 0,04 V và kích thích đều đặn, nghĩa là tác động