Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Nghệ thuật sử dụng thành ngữ, tục ngữ của Ma Văn Kháng trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
51(3): 3 - 7 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
1
NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ
CỦA MA VĂN KHÁNG TRONG TIỂU THUYẾT THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Mai Thị Nhung (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên)
1. Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Ngôn từ “không phải chỉ như là những cơ sở đầu tiên
của tác phẩm văn học, mà còn như là những hiện tượng của phong cách” [4]. Với tư cách là một
hiện tượng của phong cách, ngôn từ nghệ thuật thực hiện một chức năng phức tạp, tham gia tạo
nên sắc thái nghệ thuật riêng cho mỗi nhà văn. Như vậy, ngôn từ nghệ thuật có vai trò đặc biệt
quan trọng bởi nó không chỉ là yếu tố “vật chất” duy nhất của tác phẩm văn học, mà còn là yếu
tố khẳng định phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn. Qua ngôn từ nghệ thuật, nhà văn thể hiện
tư tưởng và quan điểm nghệ thuật của mình. Chính vì vậy, việc nghiên cứu ngôn từ trong tác
phẩm văn học có ý nghĩa đặc biệt.
Lâu nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về sáng tác của Ma Văn Kháng thời kỳ
đổi mới. Từ những bài báo đăng trên các tạp chí trung ương và địa phương đến những luận văn,
luận án như Tiểu thuyết Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới của Lê Thanh Hùng, Nghệ thuật tự sự
trong sáng tác của Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới của Đỗ Phương Thảo, Nghệ thuật tiểu thuyết
của Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới của Dương Hồng Liên... Tuy vậy, việc đi sâu nghiên cứu
nghệ thuật sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Ma Văn Kháng vẫn
chưa được quan tâm thích đáng. Chính vì vậy chúng tôi lựa chọn nghiên cứu vấn đề này. Trên cơ
sở khảo sát, phân tích nghệ thuật sử dụng thành ngữ, tục ngữ của Ma Văn Kháng trong tiểu
thuyết thời kỳ đổi mới chúng tôi tìm ra những nét sáng tạo riêng của nhà văn và khẳng định vai
trò của thành ngữ, tục ngữ trong sáng tạo nghệ thuật.
2. Có thể nói, bước ngoặt quan trọng khẳng định sự chuyển hướng về tư tưởng nghệ thuật
của Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới là nhà văn đã có quan niệm nghệ thuật mới về con người và
hiện thực cuộc sống. Trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới, Ma Văn Kháng đã hướng cái nhìn nhân
bản của mình vào tầng sâu hiện thực cuộc sống đời thường. Ở đó, ông phát hiện con người trên
nhiều bình diện: tốt - xấu, trắng - đen, thiện - ác. Nhà văn không chỉ nhìn thấu sự đa dạng phức
tạp trong tầng lớp thị dân, mà điều quan trọng là ông đã nhìn sâu, nhìn ra những bất cập, bất ổn
trong tầng lớp trí thức. Có lẽ trước thời kỳ đổi mới đây là điều hoàn toàn mới mẻ và xa lạ. Thời
kỳ đó khó có một nhà văn nào đưa lên trang sách của mình những cái xấu, thậm chí những cái ác
đến tàn nhẫn của con người. Nhà văn còn mạnh dạn hơn, chủ động hơn và bức xúc hơn bởi cái
xấu, cái ác còn ngang nhiên tồn tại trong lớp trí thức đang giữ địa vị chủ chốt trong các cơ quan,
công sở, trường học. Để góp phần khắc họa sâu sắc thế giới nhân vật, qua đó phản ánh bức tranh
hiện thực đa dạng, đa chiều, nhà văn đã tận dụng triệt để những thành ngữ, tục ngữ trong kho
tàng ngôn ngữ dân tộc.
Các tác giả trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học đã khẳng định: “Thành ngữ là
cụm từ hay ngữ cố định, bền vững có tính nguyên khối về ngữ nghĩa không nhằm diễn trọn
một ý, một nhận xét, mà nhằm để thể hiện một quan niệm dưới một hình thức sinh động,
hàm súc”. Và tục ngữ là “Một thể loại văn học dân gian mà chức năng chủ yếu là đúc kết
kinh nghiệm, tri thức dưới những câu nói ngắn gọn, súc tích, giàu vần điệu, hình ảnh, dễ
nhớ, dễ truyền” [1].