Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam
Kiểm soát tập trung kinh tế theo luật cạnh tranh Việt Nam
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN THỊ HUỲNH
KIỂM SOÁT TẬP TRUNG KINH TẾ THEO
LUẬT CẠNH TRANH VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SỸ LUẬT HỌC
TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2008
2
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các số liệu và thông tin nêu trong luận
văn là trung thực; các dữ liệu, luận điểm được trích
dẫn đầy đủ, nếu không thuộc ý tưởng hoặc kết quả
tổng hợp của chính bản thân tôi.
Tác giả
Nguyễn Thị Huỳnh
3
MỤC LỤC
Trang
LỜI NÓI ĐẦU 1
CHƯƠNG 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KIỂM SOÁT
TẬP TRUNG KINH TẾ
6
1.1 Bản chất của hiện tượng tập trung kinh tế 6
1.1.1 Khái niệm tập trung kinh tế 6
1.1.2 Cơ sở kinh tế - pháp lý của tập trung kinh tế 11
1.1.3 Các hình thức tập trung kinh tế 11
1.1.4 Tác động của tập trung kinh tế đối với thị trường 15
1.2 Kiểm soát tập trung kinh tế 18
1.2.1 Sự cần thiết phải kiểm soát tập trung kinh tế 18
1.2.2 Các mô hình kiểm soát tập trung kinh tế trên thế giới 19
CHƯƠNG 2
KIỂM SOÁT TẬP TRUNG KINH TẾ THEO
LUẬT CẠNH TRANH NĂM 2004
23
2.1
Tổng quan về pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế tại Việt
Nam hiện nay
23
2.1.1 Trước khi Luật cạnh tranh 2004 được ban hành 23
2.1.2 Từ khi Luật Cạnh tranh 2004 được ban hành 31
2.2
Nội dung và cơ chế kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật
Cạnh Tranh 2004
35
2.2.1 Các hành vi tập trung kinh tế 36
2.2.2 Các biện pháp kiểm soát tập trung kinh tế 43
2.2.3 Ngưỡng thị phần và nhận dạng thị trường trong kiểm soát tập 48
4
trung kinh tế:
2.2.4 Cơ quan có thẩm quyền thực thi việc kiểm soát tập trung kinh tế 51
2.2.5 Thủ tục kiểm soát tập trung kinh tế 55
CHƯƠNG 3
NHU CẦU VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VÀ CƠ
CHẾ KIỂM SOÁT TẬP TRUNG KINH TẾ THEO
LUẬT CẠNH TRANH 2004
62
3.1
Thực trạng tập trung kinh tế và kiểm soát tập trung kinh tế
tại Việt Nam
62
3.1.1 Thực trạng tập trung kinh tế tại Việt Nam 62
3.1.2 Thực trạng kiểm soát tập trung kinh tế tại Việt Nam 73
3.2
Nhu cầu hoàn thiện quy định và cơ chế kiểm soát tập trung
kinh tế trong Luật Cạnh Tranh năm 2004 75
3.3 Phương hướng hoàn thiện 77
3.3.1 Các nguyên tắc cơ bản 77
3.3.2 Một số giải pháp cụ thể 78
KẾT LUẬN 83
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
5
LỜI NÓI ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Xét trong điều kiện thực tiễn và khoa học pháp lý Việt Nam hiện nay, việc
nghiên cứu đề tài này là cần thiết bởi những lý do sau:
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường và tác động của hội
nhập quốc tế, cạnh tranh trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Dưới áp lực
phải nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp luôn có xu hướng tập trung
các nguồn lực kinh tế sẵn có (vốn, công nghệ, lao động,...) ngay từ khi gia nhập thị
trường. Hiện nay, hiện tượng tập trung các nguồn lực kinh tế trên thị trường diễn ra
ngày càng phổ biến dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Có thể nói rằng,
cạnh tranh chính là động lực, là nguồn gốc của tập trung kinh tế. Tuy nhiên, tập
trung kinh tế đến một mức độ nhất định sẽ hình thành nên lợi thế của kẻ thống lĩnh
thị trường hay độc quyền và vì thế, nó dẫn đến nguy cơ hạn chế hoặc triệt tiêu cạnh
tranh. Như vậy, bên cạnh những lợi ích tích cực từ việc nâng cao năng lực cạnh
tranh mang lại, thì tập trung kinh tế còn là mầm mống triệt tiêu hoặc gây tổn hại đến
động lực phát triển nội tại của thị trường. Vấn đề đặt ra là, Nhà nước cần phải có
những biện pháp kiểm soát hiện tượng này bằng các thiết chế pháp luật để hạn chế
tình trạng thôn tính lẫn nhau và tình trạng tăng trưởng ngoại sinh của các doanh
nghiệp. Vì thế, việc nghiên cứu một cách hệ thống pháp luật về kiểm soát tập trung
kinh tế là điều kiện cần thiết cho việc áp dụng một cách hiệu quả các biện pháp
kiểm soát này trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Trước khi Luật Cạnh Tranh ra đời, pháp luật đã có những quy định nhằm
kiểm soát tập trung kinh tế như pháp luật về doanh nghiệp với những quy định thừa
nhận quyền được tập trung kinh tế của doanh nghiệp và thủ tục thực hiện nhằm đảm
bảo trật tự pháp lý trong kinh doanh. Luật Cạnh tranh 2004 ra đời đóng vai trò là
đạo luật cơ bản trong việc kiểm soát tập trung kinh tế. Tuy nhiên, việc nhận dạng
một quá trình tập trung kinh tế là vấn đề phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn, vì thế,
các nhà làm luật còn e ngại, lúng túng và thiếu kinh nghiệm trong việc đưa ra các
6
biện pháp nhằm kiểm soát chúng trong mối tương quan của nhiều lợi ích. Do đó,
việc điều chỉnh của pháp luật trong việc kiểm soát tập trung kinh tế còn tương đối
đơn giản, bất cập và thiếu tính khả thi. Thực tế hiện nay, thị trường đang diễn ra
những hiện tượng tập trung kinh tế hay được suy đoán là tập trung kinh tế chưa
được pháp luật và thực tiễn kiểm soát. Vì thế, việc nghiên cứu sâu sắc hiện tượng
tập trung kinh tế và kiểm soát tập trung kinh tế để từ đó, tìm kiếm cơ chế kiểm soát
chúng một cách phù hợp là điều cần thiết.
Quá trình hội nhập mang lại nhiều cơ hội đồng thời cũng nhiều thách thức
cho các doanh nghiệp, mà đầu tiên là áp lực phải nâng cao năng lực cạnh tranh của
các doanh nghiệp trong nước. Thực tế, đa số các doanh nghiệp nội địa có quy mô
vừa và nhỏ, điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của họ rất hạn chế. Mặt khác, sự
thâm nhập thị trường Việt Nam của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia hùng mạnh tạo
ra một sức ép lớn về cạnh tranh cùng với những lo ngại cho số phận của các doanh
nghiệp trong nước. Để tồn tại, các doanh nghiệp buộc phải chủ động tìm kiếm giải
pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình mà một trong số đó là
tập trung các nguồn lực kinh tế. Thực tiễn này đặt ra nhu cầu và nhiệm vụ cấp bách
trong việc hoàn thiện pháp luật cạnh tranh về kiểm soát tập trung kinh tế ở Việt
Nam trong thời gian tới.
Từ những phân tích trên, tác giả mạnh dạn chọn đề tài trên đây để thực hiện
Luận văn Thạc sĩ Luật học của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
Đến nay, độc giả đã biết đến một số công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo
về pháp luật cạnh tranh như: “Pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam” của TS Lê Danh
Vĩnh, Hoàng Xuân Bắc và Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Sơn; “Luật Cạnh Tranh của Pháp
và Liên Minh Châu Âu” của Thạc Sĩ Nguyễn Hữu Huyên có đề cập đến kiểm soát
tập trung kinh tế và pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế hiện hành ở Việt Nam và
các nước Châu Âu một cách khái quát. Bên cạnh các sách chuyên khảo, còn có một
số bài viết của các nhà luật học cũng như kinh tế như: “Kiểm soát tập trung kinh tế
7
theo pháp luật cạnh tranh và vấn đề của Việt Nam” của Ths. Nguyễn Ngọc Sơn
đăng trên Tạp Chí nghiên cứu lập pháp tháng 7/2006; “Chuyên đề nghiên cứu về
hành vi tập trung kinh tế “ đề tài nghiên cứu về thể chế cạnh tranh trong điều kiện
phát triển thị trường Việt Nam – Viện nghiên cứu Thương mại – Bộ Thương mại –
năm 2005. Ngoài ra, vấn đề tập trung kinh tế cũng đã được PGS. TS. Nguyễn Như
Phát đề cập trong Chương 6 và 7 của tập I, “Giáo trình Luật Thương mại”, Đại học
luật, HN, NXB. Công an nhân dân, 2006 cũng như trong bài “Các khía cạnh pháp lý
về tập trung kinh tế và vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh” (tham luận Hội thảo
tại Cục Quản lý cạnh tranh, HN,15/5/2007)...
Tuy nhiên , các công trình nghiên cứu trên đây mới chỉ đề cập đến kiểm soát
tập trung kinh tế ở một số khía cạnh như hành vi tập trung kinh tế hoặc kiểm soát
tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh một cách khái quát nhất, chưa có đề tài
nào nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về kiểm soát tập trung kinh tế
theo pháp luật cạnh tranh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam hiện nay.
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu:
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu các vấn đề về mặt lý thuyết
của kiểm soát tập trung kinh tế dưới góc độ của thị trường cạnh tranh, nội dung và
thực tiễn kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật Cạnh Tranh năm 2004. Bên cạnh đó,
với mục đích làm sáng tỏ hơn vấn đề trên, tác giả có phân tích và nghiên cứu các
quy định về kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật doanh nghiệp, pháp luật đầu
tư, pháp luật chứng khoán.
Mục đích nghiên cứu của đề tài là làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về tập
trung kinh tế và kiểm soát tập trung kinh tế; các quy định về kiểm soát tập trung
kinh tế the Luật Cạnh Tranh để từ đó có thể nhận dạng một quá trình tập trung kinh
tế; tìm hiểu thực trạng pháp luật và thực tiễn kiểm soát tập trung kinh tế tại Việt
Nam. Trên cơ sở đó, luận giải nhu cầu và tìm ra những phương hướng, giải pháp
nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật Cạnh Tranh.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các hành vi tập trung kinh tế, các biện
8
pháp kiểm soát tập trung kinh tế, các quy định của Luật Cạnh Tranh về kiểm sóat
tập trung kinh tế, ngoài ra, với mục đích làm sáng tỏ hơn, đề tài còn đề cập đến một
số quy định pháp luật khác liên quan đến kiểm soát tập trung kinh tế. Phân tích,
đánh giá thực trạng và các tác động của thị trường trong bối cạnh hiện nay ảnh
hưởng đến hiệu quả điều chỉnh của pháp luật, từ đó, đưa ra những kiến nghị nhằm
hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực hiện hiện pháp luật.
4. Phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp nghiên cứu mà tác giả sử dụng trong nghiên cứu đề tài này là
phương pháp luận triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa
Mác – Lênin, của lý luận về pháp luật trong điều kiện cơ chế kinh tế mới. Bên cạnh
đó, luận văn kết hợp với các phương pháp phân tích, so sánh, đối chiếu, tổng hợp
dựa trên cơ sở các văn bản pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi
hành, các tài liệu tổng kết thực tiễn và các tài liệu khoa học pháp lý để giải quyết
những vấn đề mà đề tài đặt ra.
5. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài
Về lý luận: đề tài nghiên cứu có hệ thống những vấn đề lý luận liên quan đến
tập trung kinh tế và kiểm soát tập trung kinh tế; nghiên cứu, đánh giá những quy
định của Luật Cạnh Tranh về kiểm soát tập trung kinh tế và thực tiển kiểm soát
chúng tại Việt Nam, từ đó đề xuất những kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế này.
Về giá trị thực tiễn: đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho
các tổ chức, cá nhân có quan tâm đến vấn đề này kể cả về phương diện nhận thức
lẫn hoạt động thực tiễn.
6. Cơ cấu của Luận Văn
Ngoài Lời Nói Đầu, Mục Lục và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung
Luận Văn gồm 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về kiểm soát tập trung kinh tế
Chương 2:Kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật Cạnh Tranh năm 2004