Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam
Hoạt động xét hỏi của kiểm sát viên trong tố tụng hình sự Việt Nam
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----------------------
ĐẶNG MINH PHƯƠNG
HOẠT ĐỘNG XÉT HỎI CỦA KIỂM SÁT VIÊN
TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SỸ LUẬT HỌC
TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2013
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----------------------
ĐẶNG MINH PHƯƠNG
HOẠT ĐỘNG XÉT HỎI CỦA KIỂM SÁT VIÊN
TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SỸ LUẬT HỌC
Chuyên ngành: Luật hình sự và TTHS Mã số: 60380104
Người hướng dẫn khoa học:
TS. LS. Phan Trung Hoài
TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2013
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu, tài liệu trong luận văn là trung thực. Kết quả luận văn chưa được
công bố ở các công trình khác.
Tác giả
Đặng Minh Phương
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
BLTTHS: Bộ luật tố tụng hình sự
CQĐT: Cơ quan điều tra
ĐTV: Điều tra viên
HĐXX: Hội đồng xét xử
KSV: Kiểm sát viên
LS: Luật sư
TA: Tòa án
TP: Thẩm phán
TTHS: Tố tụng hình sự
VKS: Viện kiểm sát
DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU
1. Bảng, biểu số 01: Số liệu về số người Tòa án tuyên không phạm tội (2009 - 2010)
2. Bảng số 02: Số liệu thể hiện kết quả khởi tố điều tra (2005 – 2011)
3. Bảng số 03: Số liệu thể hiện kết quả kiểm sát điều tra, kết thúc điều tra, đề
nghị truy tố và đình chỉ điều tra (2005 – 2011)
4. Bảng số 04: Số liệu thể hiện kết quả xử lý xủa Viện kiểm sát (2005 – 2011)
5. Bảng số 05: Số liệu về trả hồ sơ điều tra bổ sung (2005 – 2011)
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
CHƯƠNG 1. NHẬN THỨC CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG XÉT HỎI CỦA
KIỂM SÁT VIÊN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ ……………………..6
1.1. Khái niệm hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự ....... 6
1.2. Vai trò của hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự .... 10
1.2.1. Đảm bảo thực hiện tốt chức năng của Viện kiểm sát là thực hành
quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự ............. 10
1.2.2. Đảm bảo tính dân chủ, công bằng và công khai trong tố tụng hình sự .. 13
1.2.3. Kết quả hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa là căn cứ để
Hội đồng xét xử ra phán quyết .............................................................................. 14
1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong tố
tụng hình sự ........................................................................................................ 15
1.3.1. Sự ảnh hưởng của mô hình tố tụng hình sự đối với hoạt động xét hỏi
của Kiểm sát viên ................................................................................................. 15
1.3.2. Vai trò của Hội đồng xét xử tại phiên tòa hình sự sơ thẩm đã có những
ảnh hưởng nhất định đối với hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên ........................ 18
1.3.3. Mối quan hệ giữa Kiểm sát viên với Viện trưởng Viện kiểm sát ........ 20
1.4. Hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong mối quan hệ với hoạt động xét
hỏi của các chủ thể khác trong tố tụng hình sự ................................................. 21
1.4.1. Hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong mối quan hệ với hoạt động
xét hỏi của Điều tra viên trong giai đoạn điều tra ................................................ 21
1.4.2. Hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong mối quan hệ với hoạt động
xét hỏi của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ............... 23
1.4.3. Hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong mối quan hệ với hoạt động
xét hỏi của Luật sư bào chữa ................................................................................ 25
1.5. Mối quan hệ giữa xét hỏi và tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
.............................................................................................................................. 27
CHƯƠNG 2. HOẠT ĐỘNG XÉT HỎI CỦA KIỂM SÁT VIÊN TRONG
TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI
PHÁP, ĐỀ XUẤT …………………………………………………………….. 30
2.1. Những vấn đề pháp lý về hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong tố tụng
hình sự ................................................................................................................ 30
2.1.1. Pháp luật thực định của Việt Nam về hoạt động xét hỏi của Kiểm sát
viên trong tố tụng hình sự ..................................................................................... 30
2.1.2. Pháp luật của các nước về chế định Kiểm sát viên/Công tố viên trong
tố tụng hình sự liên quan đến hoạt động xét hỏi .................................................... 37
2.2. Thực trạng và một số giải pháp, đề xuất nâng cao chất lượng hoạt động xét
hỏi của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự Việt nam ..................................... 42
2.2.1. Thực trạng hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự
Việt Nam .............................................................................................................. 42
2.2.2. Một số ưu điểm và hạn chế trong hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên .. 45
2.2.3. Một số giải pháp, đề xuất nâng cao chất lượng hoạt động xét hỏi của
Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự Việt Nam ....................................................... 56
KẾT LUẬN ....................................................................................................... 87
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị
Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu của cải cách tư pháp trong thời gian tới là đề cao
vai trò tranh tụng nói chung và tranh tụng trong tố tụng hình sự (TTHS) nói riêng.
Trong đó, Nghị quyết chỉ rõ: “Phán quyết của Tòa án (TA) phải căn cứ chủ yếu vào
kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ,
ý kiến của Kiểm sát viên (KSV), người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn,
bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định
đúng pháp luật, có sức thuyết phục…”. Đây là Nghị quyết đặc biệt quan trọng định
hướng tiến trình cải cách tư pháp, góp phần nâng cao tính công bằng, khách quan,
đúng pháp luật của các bản án và quyết định của tòa án.
Tiếp theo sau đó Nghị Quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị
về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, tiếp tục đề cập đến nội dung của
chiến lược cải cách tư pháp và yêu cầu phải áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng
cao hơn nữa chất lượng xét xử theo tranh tụng. Nghị quyết này khẳng định: “Nâng
cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của các
hoạt động tư pháp…”.
Như vậy, thông qua hai Nghị quyết có tính chiến lược dài hạn nói trên đã xác
quyết coi tranh tụng sẽ là một hướng đi chủ đạo, mũi nhọn của cải cách tư pháp.
Điều đó, đặt ra cho toàn bộ hệ thống các cơ quan đấu tranh, phòng chống tội phạm
hiện nay yêu cầu đổi mới nhận thức ngay trong tư duy của từng cơ quan và cán bộ
tư pháp, một mặt buộc họ phải nắm vững những kiến thức chuyên môn, mặt khác
đòi hỏi không ngừng rèn luyện khả năng xét hỏi, tranh luận để tạo tiền đề cho tranh
tụng trong thời gian tới.
Đặt trong bối cảnh nhận thức nói trên, công tác xét hỏi của Kiểm sát viên
trong các giai đoạn tố tụng cần phải được quan tâm đúng mức. Nếu như trong giai
đoạn điều tra, xét hỏi của Kiểm sát viên sẽ làm rõ các căn cứ để Viện kiểm sát
(VKS) quyết định phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra (CQĐT); thì
xét hỏi của Kiểm sát viên trong giai đoạn truy tố sẽ đảm bảo cho Viện kiểm sát truy
tố bị can đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Việc xét hỏi tại phiên tòa của Kiểm
sát viên không những sẽ bảo vệ được nội dung cáo trạng đã truy tố mà còn là tiền đề
để giúp Kiểm sát viên tranh luận với Luật sư (LS) và những người tham gia tố tụng
khác, làm rõ vai trò của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Vì vậy nâng cao kỹ năng xét
hỏi của Kiểm sát viên trong các giai đoạn tố tụng là rất cần thiết, vừa đáp ứng đòi
hỏi của vấn đề tăng cường chức năng công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra và
vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo như các Nghị
quyết của Đảng đã đề ra.
2
Tuy nhiên, căn cứ vào các Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát hàng năm của
ngành Kiểm sát cho thấy tỷ lệ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung là vẫn còn cao1
. Điều
đó cho thấy một thực trạng đáng lo ngại về chất lượng xét hỏi của Kiểm sát viên
trong tố tụng hình sự hiện nay.
Qua thực tiễn công tác tại ngành Kiểm sát cho thấy, các Kiểm sát viên mới chỉ
quan tâm đến việc xét hỏi làm rõ đối với những vụ án có Luật sư, bị cáo chối tội, vụ
án có tình tiết phức tạp. Các vụ án khác việc xét hỏi chỉ mang tính thủ tục hoặc
không xét hỏi dẫn đến chỉ căn cứ chủ yếu vào hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra
chuyển sang, vì vậy, tại phiên tòa khi có các tình tiết phức tạp phát sinh, bị cáo thay
đổi lời khai, chối tội, Kiểm sát viên thường lúng túng, không xử lý được tình huống.
Tại một số phiên tòa, có Kiểm sát viên mới chỉ quan tâm đến việc xét hỏi bị
cáo mà chưa thực sự quan tâm đến việc xét hỏi những người tham gia tố tụng khác.
Kiểm sát viên chưa chọn lọc các câu hỏi mà yêu cầu bị cáo trình bày lại nội dung vụ
án, việc xét hỏi không có trọng tâm, không phục vụ cho cho việc tranh luận và luận
tội. Việc xét hỏi với các vụ án có nhiều bị cáo, nhiều người tham gia tố tụng chưa
khoa học, vì vậy kết quả xét hỏi bị cáo này không phục vụ đấu tranh với bị cáo khác
gây khó khăn cho việc đánh giá chứng cứ. Đặc biệt, có Kiểm sát viên không thực
hiện quyền hạn của mình khi được Chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến để kết thúc phần xét
hỏi, mặc dù còn nhiều vấn đề cần phải đấu tranh làm rõ nhưng Kiểm sát viên đã
không tiến hành xét hỏi.
Như vậy, xuất phát từ yêu cầu của cải cách tư pháp và đòi hỏi của thực tiễn
công tác nói trên, học viên chọn đề tài “Hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong
tố tụng hình sự Việt Nam” làm đề tài luận văn Thạc sỹ luật học.
2. Tình hình nghiên cứu
Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết khoa học về hoạt
động xét hỏi của KSV ở nhiều khía cạnh khác nhau, cụ thể như:
2.1 Ở cấp độ nghiên cứu của Luận văn khoa học gồm có một số công trình
của các tác giả như:
- Lê Đức Thọ (2008), Xét hỏi, tranh luận và nâng cao tranh tụng tại phiên
tòa hình sự sơ thẩm, Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Luật Tp. HCM;
- Đỗ Văn Thinh (2006), Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, Luận
văn Thạc sỹ, Trường Đại học Luật Tp. HCM;
- Trịnh Minh Tân (2002), Tính độc lập của KSV trong TTHS, Luận văn Thạc
sỹ, Trường Đại học Luật Tp. HCM;
1
Kết quả từ báo cáo thống kê công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra từ năm 2005-2011 của
ngành Kiểm sát quân sự cho thấy tỷ lệ Viện trả hồ sơ yêu cầu CQĐT bổ sung bình quân là 4,6% và nhìn
chung đang có xu hướng giảm dần, nhưng chưa vững chắc, từ 7% năm 2005 xuống còn 3% năm 2010. Tuy
nhiên năm 2011 lại tăng lên 4,3 %. Tỷ lệ TA trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung bình quân là 6,1% từ năm
2005 đến năm 2008 có xu hướng giảm còn 4%, nhưng lại tăng trở lại tỷ lệ cao 8,2% vào năm 2010, năm
2011 có giảm xuống 6,9% nhưng vẫn là một tỷ lệ cao hơn tỷ lệ của năm đầu nghiên cứu.
3
- Lê Thị Đông (2011), Địa vị pháp lý của KSV trong giai đoạn điều tra, truy
tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Luật Tp. HCM;
2.2 Ở cấp độ các bài viết khoa học gồm có một số tác phẩm của các tác giả
như:
- Lê Cảm (2004), “Bàn về vấn đề tranh tụng và các yếu tố tranh tụng trong
pháp luật TTHS Việt Nam”, Tạp chí Kiểm sát, (07);
- Nguyễn Đức Mai (2007), “Tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm theo
tinh thần cải cách tư pháp. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Tòa án nhân
dân, (17);
- Nguyễn Thái Phúc (2003), “Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) sửa
đổi và nguyên tắc tranh tụng”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (09);
- Phạm Hồng Hải (2004), Tiến tới xây dựng TTHS ở Việt Nam theo kiểu
tranh tụng, Cải cách ở Việt Nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền, Nxb.
ĐHQG HN;
- Trần Văn Độ (2004), “Bản chất tranh tụng tại phiên tòa”, Tạp chí Khoa học
Pháp lý, (04);
- Đinh Văn Quế (2004), “Một số vấn đề thủ tục xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm
hình sự theo BLTTHS”, Tạp chí Tòa án nhân dân, (09) …
Tuy có rất nhiều công trình nghiên cứu và bài viết khoa học ở các cấp độ
khác nhau, nội dung phong phú phản ánh nhiều phương diện khác nhau của hoạt
động xét hỏi trong tố tụng hình sự nói chung, nhưng nhìn chung chưa có một công
trình nghiên cứu độc lập và chuyên sâu về vấn đề xét hỏi của Kiểm sát viên trong
các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Một số công trình, bài viết khoa học thì đi sâu
vào phân tích, làm rõ ở khía cạnh chính là xét hỏi của Kiểm sát viên trong giai đoạn
xét xử sơ thẩm (Đỗ Văn Thinh, Lê Thị Đông, Lê Đức Thọ, Đinh Văn Quế, Trần
Văn Độ, Nguyễn Đức Mai…); một số công trình, bài viết khoa học khác của các
chuyên gia đầu ngành thì chỉ đề cập, điểm sơ qua vài nét nhỏ trong các giai đoạn
còn lại (Lê Cảm, Phạm Hồng Hải, Nguyễn Thái Phúc…).
Như vậy, việc nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện, có hệ thống vấn đề
trên là việc làm có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn.
3. Mục đích, đối tượng nghiên cứu
Tác giả chọn đề tài này với mục đích làm sáng tỏ về vai trò, vị trí của hoạt
động xét hỏi của Kiểm sát viên trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; củng cố
về mặt lý luận, hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về hoạt động xét
hỏi của Kiểm sát viên góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động này trong quá
trình giải quyết vụ án hình sự.
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên
trong các giai đoạn của tố tụng hình sự.
4
4. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận văn được xác định là hoạt động xét hỏi của
Kiểm trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo quy
định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và thực trạng hoạt động xét hỏi của
Kiểm sát viên từ năm 2005 đến năm 20112
.
5. Phương pháp nghiên cứu của luận văn
- Phương pháp luận: Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận
của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng và
Nhà nước ta về Nhà nước và Pháp luật.
- Phương pháp cụ thể:
+ Phương pháp điều tra: Được sử dụng thông qua phương pháp gửi phiếu
khảo sát trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến các đối tượng cần khảo sát như
Thẩm phán (TP), Kiểm sát viên, Luật sư để thu thập các số liệu đánh giá khách
quan về hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự làm cơ sở cho
việc đánh giá thực trạng của đề tài.
+ Phương pháp so sánh: Được sử dụng để so sánh những quy định của pháp
luật Việt Nam với pháp luật một số nước trên thế giới về hoạt động xét hỏi của
Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự, từ đó rút ra những yếu tố hợp lý để đề xuất,
kiến nghị áp dụng vào pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, học viên còn sử dụng một số phương pháp như phân tích, tổng hợp
để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu của mình.
6. Ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng của đề tài
Với kết quả nghiên cứu tương đối đầy đủ, toàn diện và có hệ thống, luận văn
đã cố gắng làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn về hoạt động xét
hỏi của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự, giúp người đọc có cái nhìn toàn diện về
vai trò của hoạt động này trong tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, với kết quả đạt được
luận văn còn có giá trị nhất định về phương diện lý luận, đóng góp vào quá trình
hoàn thiện pháp luật và thực tiễn hoạt động của ngành Kiểm sát, nâng cao tố chất và
năng lực của Kiểm sát viên.
- Về phương diện lý luận: Thông qua việc đưa ra khái niệm thống nhất về
hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong tố tụng hình hình sự, luận văn đã bổ sung
một nội dung nhỏ vào hệ thống lý luận về hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong
tố tụng tụng hình sự.
2
Nội dung hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự từ trước đến nay chưa được tổng kết,
đánh giá và kết luận. Tham khảo một số tài liệu tập huấn chuyên ngành Kiểm sát chúng tôi chỉ thu thập được
một vài nội dung có liên quan, vì lý do đó chúng tôi phải dựa trên cơ sở tài liệu tổng kết của ngành Kiểm sát
giai đoạn 2005-2011 để thu thập số liệu phục vụ cho đề tài.