Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Hoá học môi trường - C4.pdf
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐỊA QUYỂN VÀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG ĐẤT
4.1. Khái niệm về đất
Đất là một lớp mỏng khoáng vật trên bề mặt Trái đất đã bị phong hóa kết hợp với
thành phần hữu cơ. Thực vật phát triển trên đất, vì vậy đất là một trong những yếu tố căn bản
đối với nông nghiệp. Với con người và hầu hết các sinh vật trên cạn, đất là thành phần tối
quan trọng của địa quyển. Mặc dù chỉ là một lớp rất mỏng so với kích thước của Trái đất,
song đất lại là môi trường sản sinh ra lương thực, thực phẩm cho hầu hết các dạng sinh vật.
Bên cạnh vai trò sản xuất lương thực thực phẩm, đất còn là nơi tiếp nhận một lượng
lớn các chất gây ô nhiễm. Một số chất được con người đưa vào đất như phân bón, hóa chất
bảo vệ thực vật,… cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.
Vì vậy, có thể nói đất là khâu quan trọng trong chu trình hóa học môi trường.
Đất được tạo thành do sự phong hóa đá gốc, đây là một quá trình tự nhiên bao gồm
các quá trình địa chất, thủy văn và sinh học kết hợp lại. Đất xốp và phân thành các tầng theo
độ sâu. Sự phân tầng này là sản phẩm của quá trình thấm nước xuống đất, quá trình sinh học
bao gồm sự tạo thành và phân hủy sinh khối.
Có thể nói rằng đất là vật thể thiên nhiên được tạo thành nhờ sự kết hợp của sáu yếu tố
là đá, sinh vật (gồm động vật và thực vật), khí hậu, địa hình, nước và thời gian. Các loại đá cấu
tạo nên vỏ Trái đất, dưới tác dụng của khí hậu, địa hình, nước, sinh vật, trải qua một thời gian
lâu dài, dần dần bị phá hủy, vụn ra thành đất. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khi có loài người,
thì con người là yếu tố đặc biệt quan trọng tác động đến sự hình thành và thoái hóa của đất.
Đất là một hệ mở, hệ này thường xuyên trao đổi chất và năng lượng với khí quyển,
thủy quyển và sinh quyển.
Trên quan điểm sinh thái học và môi trường, có thể xem đất là một cơ thể sống vì
trong nó có nhiều sinh vật khác như: vi khuẩn, nấm, tảo, thực vật, động vật. Do đó, đất cũng
tuân thủ các quy luật sống: phát sinh, phát triển, thoái hóa và già cỗi.
Thực tế con người chỉ quan tâm tới vỏ ngoài Trái đất có độ sâu khoảng 16 km.
4.2. Bản chất và thành phần của đất
Đất là hỗn hợp các chất khoáng, chất hữu cơ và nước, có khả năng duy trì sự sống cho
thực vật trên bề mặt Trái đất. Trong đất có chứa không khí, nước và chất rắn.
Chất rắn là thành phần chủ yếu của đất, chiếm gần 100% khối lượng đất và chia thành
hai loại: chất rắn vô cơ và chất rắn hữu cơ.
Đất canh tác khô thường có chứa khoảng 5% chất hữu cơ và 95% chất vô cơ. Một số
loại đất, như đất than bùn có thể chứa đến 95% chất hữu cơ. Một số loại đất khác chỉ chứa
khoảng 1% chất hữu cơ.
Hợp phần hữu cơ của đất chứa:
− Sản phẩm phân hủy ở các giai đoạn khác nhau của sinh khối động thực vật,
− Vi khuẩn, nấm mốc và động vật như côn trùng, giun đất,…
Thông thường đất phân bố thành các tầng theo độ sâu. Các tầng đất được hình thành
do các sự tương tác phức tạp giữa các quá trình xảy ra trong suốt quá trình phong hóa. Nước
mưa thấm qua đất kéo theo các chất tan và các hạt keo rắn xuống các tầng khác bên dưới và
tích tụ lại. Các quá trình sinh học, ví dụ sự phân hủy sinh khối thực vật dưới tác dụng của vi
sinh vật tạo ra CO2, các axit hữu cơ, các hợp chất tạo phức. Sau đó, các chất này bị nước mưa
lôi kéo xuống các tầng đất bên dưới, ở đó chúng phản ứng với đất sét hoặc các loại khoáng
khác và làm thay đổi tính chất của các loại khoáng này.
86