Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam
Hình thức xử phạt trục xuất trong xử lý vi phạm hành chính
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN PHƯƠNG THẢO
HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRỤC XUẤT
TRONG LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
LUẬN VĂN THẠC SĨ
CHUYÊN NGÀNH LUẬT HIẾN PHÁP VÀ LUẬT HÀNH CHÍNH
TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2018
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRỤC XUẤT
TRONG LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Chuyên Ngành: Luật Hiến Pháp Và Luật Hành Chính
Mã số: 60380102
Người hướng dẫn khoa học: TS. Cao Vũ Minh
Học viên: Nguyễn Phương Thảo
Lớp: Cao học Luật Hiến pháp và Luật Hành chính
Khóa: 25
TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn Thạc sĩ luật học với đề tài: “Hình thức xử phạt
trục xuất trong luật xử lý vi phạm hành chính” là công trình nghiên cứu do chính
tôi thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Cao Vũ Minh. Luận văn có sử
dụng, trích dẫn một số ý kiến, quan điểm khoa học của một số tác giả. Các thông tin
này đều được trích dẫn nguồn cụ thể và chính xác. Các số liệu, thông tin được sử
dụng trong Luận văn là hoàn toàn khách quan và trung thực.
NGƯỜI CAM ĐOAN
Nguyễn Phương Thảo
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
STT Viết đầy đủ Chữ viết tắt
1
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm
2012
Luật XLVPHC năm 2012
2
Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày
02/10/2013 của Chính phủ quy định về
hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp
tạm giữ người, áp giải người vi phạm
theo thủ tục hành chính và quản lý
người nước ngoài vi phạm pháp luật
Việt Nam trong thời gian làm thủ tục
trục xuất (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị
định số 17/2016/NĐ-CP)
Nghị định số 112/2013/NĐ-CP
(sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định
số 17/2016/NĐ-CP)
3
Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày
12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật
tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn
xã hội; phòng cháy và chữa cháy;
phòng, chống bạo lực gia đình
Nghị định số 167/2013/NĐ-CP
4
Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính
năm 2002 (sửa đổi, bổ sung 2007, 2008)
Pháp lệnh XLVPHC năm 2002
(sửa đổi, bổ sung 2007, 2008)
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU........................................................................................................1
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ CỦA HÌNH THỨC XỬ PHẠT
TRỤC XUẤT.............................................................................................................5
1.1. Khái niệm, đặc điểm, mục đích của hình thức xử phạt trục xuất...............5
1.1.1. Khái niệm hình thức xử phạt trục xuất................................................................... 5
1.1.2. Đặc điểm của hình thức xử phạt trục xuất............................................................ 6
1.1.3. Mục đích của hình thức xử phạt trục xuất............................................................. 8
1.2. Quy định pháp luật về hình thức xử phạt trục xuất.....................................9
1.2.1. Quá trình phát triển của các quy định pháp luật về hình thức xử phạt trục
xuất .............................................................................................................................................. 9
1.2.2. Đối tượng và điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất ........................ 10
1.2.3. Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất............................................. 12
1.2.4. Các vi phạm hành chính bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất................. 13
1.2.5. Quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất.......................................................... 19
1.2.6. Thủ tục áp dụng hình thức xử phạt trục xuất ..................................................... 22
1.2.7. Thời hiệu và thời hạn ra quyết định xử phạt trục xuất .................................... 25
1.3. Phân biệt giữa hình thức xử phạt trục xuất và một số biện pháp cưỡng
chế khác..................................................................................................................28
1.3.1. Phân biệt giữa hình thức xử phạt trục xuất và hình phạt trục xuất ............. 28
1.3.2. Phân biệt giữa hình thức xử phạt trục xuất và biện pháp buộc xuất cảnh. 30
1.4. Quy định trục xuất trong pháp luật nước ngoài .........................................32
1.4.1. Trục xuất theo pháp luật Mỹ................................................................................... 32
1.4.2. Trục xuất theo luật Thụy Sĩ ..................................................................................... 33
1.4.3. Trục xuất theo luật Nhật Bản.................................................................................. 35
Kết luận chương 1 ...................................................................................................37
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ
HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRỤC XUẤT VÀ CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN
...................................................................................................................................39
2.1. Thực trạng chung về tình hình áp dụng hình thức xử phạt trục xuất......39
2.2. Thực trạng pháp luật và thực trạng áp dụng các quy định cụ thể của hình
thức xử phạt trục xuất và giải pháp hoàn thiện.................................................42
2.2.1. Về đối tượng bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất ...................................... 42
2.2.2. Về các vi phạm hành chính bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất............ 45
2.2.3. Về thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất........................................ 52
2.2.4. Về quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất............ 54
2.2.5. Về bảo đảm quyền của người bị trục xuất........................................................... 57
2.2.6. Về thời hiệu và thời hạn ra quyết định xử phạt trục xuất ............................... 60
2.3. Một số giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng hình thức xử
phạt trục xuất ........................................................................................................63
2.3.1. Kiểm soát chặt chẽ thủ tục nhập cảnh bằng các thiết bị nghiệp vụ kỹ thuật
hiện đại..................................................................................................................................... 63
2.3.2. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đối với xử phạt vi
phạm hành chính.................................................................................................................... 63
2.3.3. Trao đổi kinh nghiệm, kế thừa quy định về trục xuất của pháp luật nước
ngoài.......................................................................................................................................... 64
2.3.4. Nâng cao năng lực, ý thức pháp luật và trách nhiệm nghề nghiệp của đội
ngũ thực thi pháp luật........................................................................................................... 64
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2........................................................................................66
KẾT LUẬN..............................................................................................................68
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, kể từ sau Đại hội lần thứ VI (1986) đến
Đại hội lần thứ XII của Đảng, Đảng ta đã đưa ra nhiều chủ trương về mở rộng quan
hệ hợp tác quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển đất nước. Với chính
sách mở cửa thông thoáng, hiện nay nước ta đã có quan hệ hợp tác với 187 quốc gia
và vùng lãnh thổ trên thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, đã ký 79 Hiệp
định song phương hoặc đơn phương về miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các
nước nên số lượng người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng đông với nhiều mục
đích như: đầu tư, kinh doanh, lao động, học tập, du lịch, thăm thân nhân… Do đó
Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nguồn lao
động chất lượng cao. Đa số người nước ngoài đến Việt Nam đều chấp hành nghiêm
chỉnh chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một bộ
phận không nhỏ người nước ngoài vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm hành
chính nói riêng làm cho việc kiểm soát vấn đề vi phạm pháp luật của người nước
ngoài ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường
trách nhiệm trong công tác quản lý, phát hiện và xử phạt các hành vi trên.
Xử phạt vi phạm hành chính đối với người nước ngoài là vấn đề hết sức nhạy
cảm. Công tác này đòi hỏi không chỉ đúng theo quy định của pháp luật mà còn phải
bảo đảm đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, vấn đề
đặt ra là trong hệ thống các hình thức xử phạt vi phạm hành chính của nước ta cũng
cần phải có hình thức xử phạt đặc thù, để áp dụng đối với đối tượng là người nước
ngoài. Nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống các vi phạm hành chính của
người nước ngoài, Luật XLVPHC năm 2012 quy định về hình thức xử phạt trục
xuất. Hình thức xử phạt trục xuất lần đầu tiên được quy định trong Pháp lệnh
XLVPHC năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008). Khi Luật XLVPHC năm
2012 thay thế Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) thì
hình thức xử phạt trục xuất được quy định tại Điều 27. Theo đó “trục xuất là hình
thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam
phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Sau một thời gian áp dụng và thi hành, các quy định về hình thức xử phạt trục
xuất đã thể hiện được một số ưu điểm, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, thiếu sót
nhất định. Từ đó, gây khó khăn cho việc áp dụng hình thức xử phạt này vào cuộc
sống. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả phân tích những kiến thức chuyên
2
ngành về hình thức xử phạt trục xuất, những ưu điểm cũng như bất cập trong thực
tiễn áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, đồng thời đề xuất những giải pháp hoàn
thiện. Với nhận thức như vậy, tác giả chọn đề tài: “Hình thức xử phạt trục xuất trong
luật xử lý vi phạm hành chính” để làm đề tài luận văn cao học của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Thông qua quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy chưa có nhiều công trình
nghiên cứu về hình thức xử phạt trục xuất. Ở góc độ sách chuyên khảo, có sách chuyên
khảo “Bình luận khoa học Luật XLVPHC năm 2012 tập 1” do PGS.TS. Nguyễn Cảnh
Hợp làm chủ biên, Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2015. Đây là
công trình nghiên cứu, bình luận khá chuyên sâu các quy định của Luật XLVPHC năm
2012, trong đó có các quy định về hình thức xử phạt trục xuất. Tuy nhiên, nội dung của
tác phẩm chỉ dừng lại ở góc độ bình luận các điều luật trong Luật XLVPHC năm 2012
chứ chưa phân tích, đánh giá, bình luận một cách toàn diện các quy định về hình thức
xử phạt trục xuất. Trên tinh thần tiếp thu các kết quả nghiên cứu trong tác phẩm này,
tác giả sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng để phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, chi tiết
hơn các quy định của pháp luật về hình thức xử phạt trục xuất.
Ở góc độ các bài viết tạp chí chuyên ngành, có thể liệt kê một số tác phẩm đã
được công bố như: Cao Vũ Minh (2017), “Bảo đảm quyền của người nước ngoài
khi bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 8; Cao
Vũ Minh (2018), “Hình thức xử phạt trục xuất trong Luật XLVPHC năm 2012”,
Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 1; Cao Vũ Minh (2018), “Trục xuất trong pháp
luật một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí
Nội chính, số 53. Các bài viết này mặc dù phân tích khá chuyên sâu nhưng chỉ mới
dừng lại ở các vấn đề nhỏ liên quan đến hình thức xử phạt trục xuất. Cụ thể các bài
viết chỉ mới tập trung phân tích một số bất cập trong các quy định pháp luật về hình
thức xử phạt trục xuất và đưa ra kiến nghị hoàn thiện chứ chưa đánh giá một cách
toàn diện, tổng thể các vấn đề về mặt lý luận, pháp lý cũng như thực tiễn áp dụng
hình thức xử phạt trục xuất. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu này, tác giả sẽ kế
thừa và tiếp tục phát triển, mở rộng để nghiên cứu một cách chuyên sâu, toàn diện
về hình thức xử phạt trục xuất.
3. Mục đích và phạm vi nghiên cứu đề tài
3.1. Mục đích nghiên cứu đề tài
Mục đích đề tài là nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, phân tích,
đánh giá một cách toàn diện các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng
3
hình thức xử phạt trục xuất. Trên cơ sở đó đưa ra những đề xuất kiến nghị hoàn
thiện pháp luật về hình thức xử phạt trục xuất.
Xuất phát từ mục đích trên, tác giả xác định:
- Tìm hiểu và làm sáng tỏ các vấn đề lý luận có liên quan đến vấn đề nghiên
cứu của đề tài.
- Đánh giá và làm sáng tỏ các quy định pháp luật, cách thức điều chỉnh của
các cơ quan nhà nước trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính với việc áp dụng
hình thức xử phạt trục xuất.
- Làm sáng tỏ thực trạng tình hình áp dụng hình thức xử phạt trục xuất và
những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình áp dụng hình thức xử phạt này.
3.2. Phạm vi nghiên cứu đề tài
Trong phạm vi nghiên cứu của một luận văn thạc sĩ chuyên ngành luật hiến
pháp và luật hành chính, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu hình thức xử phạt trục xuất
dưới góc độ một hình thức xử phạt hành chính. Do vậy, luận văn sẽ nghiên cứu các
quy định của Luật XLVPHC năm 2012 và Nghị định số 112/2013/NĐ-CP quy định
về hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo
thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong
thời gian làm thủ tục trục xuất (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2016/NĐCP). Ngoài ra, tác giả còn dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật khác để làm rõ các
vấn đề pháp lý có liên quan đến hình thức xử phạt trục xuất như Nghị định số
167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật
tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng
chống bạo lực gia đình, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô
tuyến điện… Đồng thời, tác giả còn nghiên cứu thực tiễn áp dụng các quy định về
hình thức xử phạt này.
4. Phương pháp nghiên cứu đề tài
Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử, đồng thời sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau:
- Phương pháp phân tích, tổng hợp được sử dụng để phân tích các vấn đề lý
luận cũng như quy định của pháp luật liên quan đến hình thức xử phạt trục xuất;
tổng hợp, phân tích các vấn đề pháp lý có liên quan từ thực tiễn áp dụng pháp luật.
- Phương pháp so sánh được sử dụng trong đánh giá các quy định của pháp
luật liên quan hình thức xử phạt trục xuất qua các thời kỳ để thấy được sự thay đổi
4
của pháp luật về vấn đề này. Bên cạnh đó, so sánh quy định của các văn bản pháp
luật có liên quan cùng điều chỉnh về hình thức xử phạt trục xuất nhằm mục đích chỉ
ra những điểm tương đồng, khác biệt cũng như lý giải cho những điểm tương đồng,
khác biệt đó và đề xuất kiến nghị hoàn thiện.
- Phương pháp thống kê được sử dụng để tập hợp các quy định pháp luật có
liên quan cũng như các số liệu, báo cáo, vụ việc từ thực tiễn áp dụng hình thức xử
phạt trục xuất làm cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá một cách toàn diện các vấn
đề pháp lý và thực tiễn về hình thức xử phạt trục xuất.
- Phương pháp phỏng vấn chuyên gia được sử dụng để thu thập ý kiến đánh
giá của các chuyên gia, đặc biệt là các chủ thể tham gia vào thủ tục áp dụng hình
thức xử phạt trục xuất.
5. Ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng của đề tài
Việc nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về hình thức xử phạt trục
xuất có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Do đó, nội
dung của luận văn đáp ứng được điều kiện về tính mới cũng như có khả năng ứng
dụng cao. Những kiến nghị của luận văn hy vọng sẽ đem lại kết quả thiết thực cho
việc hoàn thiện các quy định pháp luật, góp phần bảo đảm hiệu quả khi áp dụng
hình thức xử phạt trục xuất. Từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động quản lý
nhà nước trong lĩnh vực này.
Luận văn còn là tài liệu tham khảo cho sinh viên và những ai quan tâm đến
vấn đề này. Mặt khác, với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là tăng cường
nguyên tắc pháp quyền trong quản lý nhà nước nói chung và hoạt động xử phạt vi
phạm hành chính nói riêng thì luận văn sẽ là tài liệu bổ ích cho những người làm
công việc thực tiễn như lực lượng công an, bộ đội biên phòng, thi hành án.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo. Nội dung
của luận văn được chia thành hai chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và pháp lý về hình thức xử phạt trục xuất
Chương 2: Thực trạng pháp luật và áp dụng pháp luật về hình thức xử phạt
trục xuất và giải pháp hoàn thiện
5
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ CỦA HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRỤC XUẤT
1.1. Khái niệm, đặc điểm, mục đích của hình thức xử phạt trục xuất
1.1.1. Khái niệm hình thức xử phạt trục xuất
Vi phạm hành chính là loại vi phạm phổ biến trong các loại vi phạm pháp
luật, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp
pháp của cá nhân, tổ chức. Chính vì vậy, nhằm bảo đảm công tác đấu tranh phòng
chống vi phạm hành chính đạt hiệu quả thì việc xử phạt luôn phải được chú trọng.
Luật XLVPHC năm 2012 đã quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành
chính bao gồm: (i) cảnh cáo; (ii) phạt tiền; (iii) tước quyền sử dụng giấy phép,
chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; (iv) tịch thu
tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; (v) trục xuất
1
. Các hình thức xử phạt nêu
trên chia ra thành hai loại là: hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung
2
.
Hình thức xử phạt chính: là loại hình thức xử phạt được áp dụng độc lập. Đối
với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng
một hình thức xử phạt chính mà không nhất thiết phải áp dụng các hình thức xử
phạt bổ sung
3
.
Hình thức xử phạt bổ sung: không được áp dụng độc lập mà áp dụng kèm
theo hình thức phạt chính. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi
phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung
4
.
Hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền chỉ được quy định là hình thức xử
phạt chính. Các hình thức xử phạt còn lại có thể được quy định là hình thức xử phạt
chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung. Trong đó, trục xuất là hình thức xử phạt
chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài vi phạm
hành chính.
Ở góc độ ngôn ngữ, theo từ điển Hán Việt Từ Nguyên thì “trục xuất” (trục:
đuổi, xuất: ra) là “đuổi ra khỏi một nơi nào đó”5
. Theo cách giải thích này, thuật
ngữ “trục xuất” mới chỉ được xem xét ở góc độ ngữ nghĩa đơn thuần chứ chưa đưa
ra được đặc trưng, bản chất của khái niệm trục xuất dưới góc độ pháp lý.
1 Khoản 1 Điều 21 Luật XLVPHC năm 2012.
2 Khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Luật XLVPHC năm 2012.
3 Nguyễn Cảnh Hợp (chủ biên) (2015), Bình luận khoa học Luật XLVPHC năm 2012 (tập 1), Nxb. Đại học
Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr. 179.
4 Nguyễn Cảnh Hợp (chủ biên) (2015), tlđd (3), tr. 184.
5 Bửu Kế (1999), Từ điển Hán Việt Từ Nguyên, Nxb. Thuận Hóa, tr. 2250.