Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện đại trong truyện tướng về hưu, phẩm tiết, những ngọn gió hua tát của nguyễn huy thiệp.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------
TRỊNH THÙY LINH
Dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện đại trong truyện
Tướng về hưu, Phẩm tiết, Những ngọn gió
Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Hiện thực cuộc sống sau 1975 có sự thay đổi sâu sắc, điều này đã đem
đến cho Văn học Việt Nam một diện mạo mới. Để làm nên diện mạo ấy cần
phải kể đến các tác giả như: Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Phạm Thị Hoài, Tạ
Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà… Và đặc biệt nổi lên trong
số đó là tác giả Nguyễn Huy Thiệp.
Trong nhiều sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và đặc biệt là ba truyện
ngắn Tướng về hưu, Phẩm tiết, Những ngọn gió Hua Tát đã có những dấu ấn
của “hệ hình thi pháp hậu hiện đại”. Ở đó ông phơi bày những bi kịch nhân
sinh, hoài nghi những giá trị vốn đã quá ổn định để đi tìm những giá trị mới.
Sự thay đổi về cách viết và cách tư duy của Nguyễn Huy Thiệp theo xu hướng
của văn học hậu – hiện đại đã khiến “quán tính văn học trước đây bị dừng lại
một cách đột ngột” và đem đến cho người đọc một cách tiếp cận mới.
Chọn đề tài Dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện đại trong truyện Tướng về hưu,
Phẩm tiết, Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp để khảo sát chúng
tôi mong muốn tìm hiểu rõ hơn giá trị truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp khi
tiếp thu và tiếp biến xu hướng văn học hậu – hiện đại. Và đây cũng là điều
kiện để chúng tôi có cái nhìn toàn diện hơn về chủ nghĩa hậu – hiện đại nhằm
phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu sau này.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu.
Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện như một hiện tượng độc đáo trên văn đàn
Văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Vì thế những sáng tác của ông trong đó có
ba truyện ngắn Tướng về hưu, Phẩm Tiết, Những ngọn gió Hua Tát đã nhận
được sự quan tâm của nhiều công trình nghiên cứu và đã phát hiện ra dấu ấn
văn học hậu – hiện đại ở trong những sáng tác đó.
Đông La trong công trình Biên độ của trí tưởng tượng đã viết về cái ma
lực trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khẳng định “Nguyễn Huy Thiệp đã
viết về cái tôi, cái lõi của tâm lí, cái tâm lí thật của con người” [3, tr.152]. Đi
vào tìm hiểu cách viết truyện ông phát hiện ra “kiểu truyện không có cốt
truyện, kết cấu không chặt chẽ, nó lỏng lẻo như chính cái lỏng lẻo của cuộc
sống” [3, tr.158].
Nguyễn Thái Hòa trong bài viết Có nghệ thuật barốc trong các truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp hay không đã nhắc đến yếu tố ảo trong sự tương giao
với yếu tố thực “Cái thực luôn đi kèm với cái ảo tạo ra sự đối lập thực đến rợn
người và ảo đến kinh hoàng” [5, tr.56].
Nguyễn Văn Tùng với bài viết Cấu tứ tự sự của truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp đã nghiên cứu ba kiểu cấu tứ nổi bật trong truyện ngắn của Nguyễn
Huy Thiệp. Một trong ba kiểu cấu tứ đó là cấu tứ “Con người với tâm trạng
sao tôi cứ như lạc loài”[9, tr.420]. Đây là một kiểu người khá phổ biến trong
văn học hậu hiện đại.
Trong công trình Truyện ngắn Việt Nam, lịch sử, thi pháp, chân dung
Phan Cự Đệ đã đi vào tìm hiểu nghệ thuật trần thuật và phát hiện ra “Cái tôi
thực nghiệm. Cái tôi này giúp nhà văn thăm dò và trinh sát cuộc sống” [3,
tr.779].
Cao Kim Lan trong bài viết Lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp, dấu vết của hệ hình thi pháp hậu hiện đại, Tạp chí Văn học số 12/2007
khẳng định sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đã có những dịch chuyển sang
một hệ hình thi pháp mới - thi pháp hậu hiện đại. Tìm hiểu những truyện ngắn
lịch sử, tác giả bài viết đã khẳng định “Kĩ thuật ngụy tạo lịch sử trong tâm thế
chối bỏ đại tự sự của Nguyễn Huy Thiệp được tạo nên từ những chi tiết hỗn
độn để tạo nên một lịch sử không trùng khít với chính sử”[7, tr. 69]. Tìm hiểu
về mô hình cốt truyện, tác giả bài viết nhận thấy sự gẫy vụn, phân tán, cắt dán
của các sự việc và đi đến khẳng định “Phương thức đa kết phá vỡ kết cấu
trung tâm của văn bản”[7, tr. 75].
Trong cuốn Giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại, tác giả Nguyễn Văn
Long đi tìm hiểu những đổi mới quan niệm về con người trong sáng tác của
Nguyễn Huy Thiệp và đã phát hiện ra “con người như một bản thể tự nhiên
với những bản năng tự nhiên, tình cảm tự nhiên”[8, tr. 197]. Đây là một cách
nhìn con người đầy nhân bản của Nguyễn Huy Thiệp.
Có thể nói các công trình nghiên cứu trên nói nhiều đến dấu ấn văn học
hậu - hiện đại trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên mới chỉ dừng
lại ở mức độ khái quát chưa đi sâu nghiên cứu từng tác phẩm một cách hệ
thống . Vì thế ở công trình này chúng tôi đi vào khảo sát cụ thể và hệ thống
hơn ba truyện Tướng về hưu, Phẩm Tiết, Những ngọn gió Hua Tát.
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu.
- Đối tượng nghiên cứu của đề tài là dấu ấn hậu - hiện đại trong truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
- Phạm vi nghiên cứu của đề tài là khảo sát ở ba tác phẩm Tướng về hưu,
Phẩm tiết, Những ngọn gió Hua Tát in trong cuốn Truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp (2005), Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
Ngoài ra trong quá trình nghiên cứu chúng tôi còn so sánh đối chiếu với
một số tác phẩm khác.
4. Phương pháp nghiên cứu.
Để thực hiện khóa luận này chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp sau:
4.1. Phương pháp tiếp cận hệ thống
Với phương pháp này một mặt chúng tôi khảo sát các truyện Tướng về
hưu, Phẩm tiết, Những ngọn gió Hua Tát như một hệ thống độc lập. Mặt khác
chúng tôi cũng đặt nó trong một số tác phẩm khác của Nguyễn Huy Thiệp để
có một cái nhìn toàn diện hơn.
4.2. Phương pháp phân tích – tổng hợp
Trên cơ sở của phương pháp tiếp cận hệ thống chúng tôi sử dụng thao tác
phân tích tổng hợp để khai thác vấn đề một cách rõ ràng hơn.
4.3. Phương pháp so sánh – đối chiếu
Chúng tôi khảo sát yếu tố hậu hiện đại trong các truyện Tướng về hưu,
Phẩm tiết, Những ngọn gió Hua tát nên việc so sánh với các tác phẩm của các
nhà văn khác là cần thiết. Sử dụng phương pháp này sẽ giúp chúng tôi tìm ra
nét đặc sắc của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
5. Cấu trúc đề tài
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung chính của đề tài được triển
khai qua ba chương sau:
Chương 1: Chủ nghĩa hậu hiện đại và những vấn đề lí thuyết
Chương 2: Dấu ấn hậu hiện đại trong Tướng về hưu, Phẩm tiết, Những
ngọn gió Hua Tát nhìn từ phương diện quan niệm về xã hội và con người.
Chương 3: Dấu ấn hậu hiện đại trong Tướng về hưu, Phẩm tiết, Những
ngọn gió Hua Tát nhìn từ phương diện tổ chức văn bản
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT
1.1. Giới thuyết khái quát về chủ nghĩa hậu hiện đại
1.1.1. Khái niệm về chủ nghĩa hậu hiện đại
Chủ nghĩa hậu hiện đại(CNHHĐ) là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi
trong tất cả các mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị,… Hiện nay nó
vẫn đang trong quá trình phát triển và không ngừng biến đổi. Chính vì điều
này mà tự thân nó không phải là một khái niệm có nội hàm nhất quán.
Tùy vào đặc điểm riêng của từng quốc gia mà CNHHĐ lại có những sắc
thái khác nhau và tùy từng xuất phát điểm mà mỗi nhà nghiên cứu lại đưa ra
những cách hiểu khác nhau về CNHHĐ.
Trên thế giới cũng đã có nhiều quan điểm khác nhau về CNHHĐ. Ở đây
chúng tôi xin dẫn ra một số quan điểm tiêu biểu:
Jean Francois Lyotard với tác phẩm Hoàn cảnh hậu hiện đại đã định
nghĩa CNHHĐ trên sự khủng hoảng niềm tin vào các đại tự sự “Hậu hiện đại
chính là sự hoài nghi đối với các đại tự sự” [20, tr.54]. Những tư tưởng lớn ăn
sâu bám rễ vào tiềm thức nay bị hoài nghi và đem ra nhận thức lại.
Cũng xuất phát từ sự bất tín đối với những tư tưởng truyền thống trong
xã hội hiện đại, Antoni Blach trong bài viết Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu
thuyết hậu hiện đại đã coi hậu hiện đại là một cuộc khủng hoảng văn hóa xã
hội, là sự chối bỏ những quy ước truyền thống. Hậu hiện đại là “Cuộc khủng
hoảng của những nguyên lí lớn từng khuấy động và điều hành sự ổn định của
nền văn hóa, của những gì được gọi là hiện đại”[13, tr. 403].
Đứng trước những vấn đề phức tạp của thời đại mới về kinh tế chính trị,
văn hóa, xã hội, V.L Inozemsev cho rằng hậu hiện đại ra đời là để giải quyết
và lí giải cho được tất cả các vấn đề đó “CNHHĐ nảy sinh như một tư trào trí
tuệ đòi hỏi cắt nghĩa không chỉ các vấn đề kinh tế mà còn cả các vấn đề chính
trị và văn hóa học” [13, tr. 173].
Theo Từ điển bách khoa nhân chủng văn hóa thì CNHHĐ là một hiện
tượng xảy ra trên tất cả các mặt của đời sống tạo thành “trào lưu triết trung,
khởi đầu từ mĩ học về kiến trúc và triết học, tán thành thái độ hoài nghi có hệ
thống cái viễn cảnh lấy lí thuyết làm nền tảng”[13, tr. 502].
Trong xu thế hội nhập toàn cầu các nhà phê bình nghiên cứu trong nước
cũng đã tìm hiểu và đưa ra một số cách hiểu ban đầu về CNHHĐ:
Phương Lựu trong cuốn Lí luận văn học đã định nghĩa CNHHĐ trên ba
phương diện. Thứ nhất, xét từ cơ sở xã hội và ý thức của thời đại thì CNHHĐ
là “một hiện tượng văn hóa”[9, tr. 313]. Dưới ảnh hưởng của những biến
động thời đại “tư tưởng, tình cảm, kết cấu tâm lí con người không thể không
thay đổi sâu sắc” [9, tr. 314]. Thứ hai, xét về mặt lí luận CNHHĐ là “một thứ
hậu triết học sứ mệnh của nó không còn là đi tìm chân lí nữa”[9, tr. 314].
Không có tham vọng đưa ra chuẩn mực mà CNHHĐ chỉ đưa ra những khả
năng có thể xảy ra trong thời đại nhiều ngẫu nhiên này. Thứ ba, xét về mặt
sáng tạo thành phẩm văn hóa thì CNHHĐ “được mở rộng phạm vi chưa từng
có, không phân biệt cao nhã với thông tục nữa”[9, tr.314].