Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Chế độ thanh tra, giám sát quan lại dưới thời minh mạng (1820 - 1840).
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
- 1 -
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA SỬ
----------
NGUYỄN PHƯƠNG NAM
Chế độ thanh tra, giám sát quan lại dưới
thời Minh Mạng (1820 - 1840)
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
- 2 -
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam được mở đầu vào thế kỉ thứ X với sự ra
đời của các vương triều đầu tiên Ngô, Đinh và Tiền Lê, là thời điểm quan trọng đánh
dấu dân tộc Việt Nam giành được quyền độc lập tự chủ sau hơn một ngàn năm Bắc
thuộc, bắt đầu bước vào thời kì củng cố và phát triển qua các triều đại Lí - Trần - Hồ,
từng bước hoàn thiện dưới thời Lê sơ và phát triển đến đỉnh cao dưới triều Nguyễn.
Có nhà nước tất yếu phải có bộ máy hành chính tổ chức điều hành và quản lý để
giữ gìn trật tự trị an và phát triển đất nước. Trải qua các triều đại phong kiến, người
cầm quyền tối cao của nhà nước luôn luôn là Vua. Đối với các nhà nước Phương
Đông, vua được mệnh danh là thiên tử làm nhiệm vụ thay trời trị dân. Vì thế, vua có
một quyền lực rất lớn, là người quyết định mọi công việc của đất nước. Tuy nhiên, một
mình vua không thể quản lý và điều hành tất cả mọi công việc được mà nhà vua cần
phải nhờ đến sự trợ giúp của một đội ngũ quan lại đông đảo. Quan lại không chỉ là
những người quản lý các công việc trong từng lĩnh vực cụ thể mà còn góp phần quan
trọng trong việc đề ra và thực thi những chính sách nhằm ổn định và phát triển đất
nước. Nếu ví đất nước như cơ thể con người thì bộ máy nhà nước chính là bộ não mà
trong đó mỗi quan lại là một tế bào thần kinh để điều hành toàn bộ cơ thể. Với ý nghĩa
đó, triều đại phong kiến nào cũng đều: “đặt quan lại để thay việc trời, sáng tỏ nghiệp
chúa” [31, tr.1].
Đồng thời để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi bộ máy hành
chính nhà nước phải thật sự vững mạnh và vận hành có hiệu quả. Chính vì thế, việc
xây dựng được một đội ngũ quan lại có năng lực, trong sạch, vững mạnh là mong
muốn lớn của bất cứ triều đại nào, điều này được Viên Thông Quốc sư khẳng định:
“Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan, được người giỏi thì nước trị, dùng người xấu thì
nước loạn. Các bậc đế vương đời trước sở dĩ hưng được sự nghiệp là nhờ dùng người
quân tử, bị mất nước là vì dùng kẻ tiểu nhân” [31, tr.1]. Và để làm được điều đó, các
triều đại phong kiến đã tìm ra một câu trả lời chung là cần thiết phải xây dựng nên một
chế độ thanh tra, giám sát giữa các quan lại với nhau. Với việc đặt ra chức Ngự sử đài
để “giữ giềng mối, răn phong độ các quan” [8, tr.35] triều Trần đã xây dựng nền tảng
cho chế độ thanh tra, giám sát quan lại. Từ đó, chế độ này dần dần được củng cố và
hoàn thiện dưới thời Minh Mạng - nhà “kiến trúc” hàng đầu của thiết chế tập quyền
triều Nguyễn.
Bước lên ngôi báu khi đã trưởng thành hoàn toàn về mặt thể chất cũng như trí
lực, với tài năng, ý chí và sự thông minh sẵn có, Minh Mạng muốn làm một Lê Thánh
- 3 -
Tông trong hoàn cảnh mới. Xây dựng đất nước lấy văn trị làm nền tảng, Nho giáo làm
khuôn thước, nho sĩ làm chỗ dựa để có một đất nước thịnh trị như thời Lê Thánh Tông
là một ước ao của Minh Mạng. Với việc thừa kế một đất nước thống nhất với lãnh thổ
rộng lớn chưa từng có, một kinh đô duy nhất và một triều đình đã thu tóm quyền lực
vào tay vua sau hàng chục năm chiến tranh đã tạo cơ sở cho vị Hoàng đế này có thể
biến ước mơ của mình thành hiện thực.
Trước những yêu cầu phát triển đất nước về kinh tế - xã hội - văn hóa, yêu cầu
củng cố và xây dựng bộ máy chính quyền trung ương tập quyền, hơn ai hết Minh
Mạng ý thức được rằng để thực hiện ước muốn của mình cần phải xây dựng một đội
ngũ quan lại có năng lực và hiệu quả thông qua một cuộc cải cách hành chính mà một
trong những trọng tâm của cuộc cải cách này là hoàn thiện chế độ thanh tra, giám sát
quan lại.
Kế thừa kinh nghiệm của các triều đại phong kiến trước và phỏng theo tổ chức
giám sát của nhà Minh, Thanh ở Trung Quốc, Minh Mạng đã xây dựng nên các các cơ
quan giám sát, tổ chức thanh tra với một đội ngũ quần thần chuyên trách việc thanh
tra, giám sát hoạt động của các quan lại trong các tổ chức hành chính ở Trung ương và
địa phương. Hiệu quả từ chế độ này đã góp phần đưa đế quyền nhà Nguyễn dưới triều
Minh Mạng đạt đến sự tuyệt đối của quyền lực trở thành một chính thể quân chủ
chuyên chế có năng lực thực tiễn mạnh mẽ bao trùm trên cả đất nước, chi phối toàn bộ
xã hội.
Nhưng có một nghịch lí là dưới thời Minh Mạng, tình hình đất nước vẫn không
thật ổn định, quan lại tham nhũng lộng hành, các vụ tranh chấp, kiện cáo diễn ra liên
tục. Đời sống dân chúng vẫn còn khó khăn, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ.
Vậy câu hỏi được đặt ra là phải chăng sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan
trong các cấp hành chính có nhiều lỗ hỏng dẫn đến hoạt động của đội ngũ quan lại
chưa thật sự hiệu quả?
Với mong muốn tìm hiểu sâu sắc về tổ chức, nguyên tắc hoạt động, những đóng
góp cụ thể trong thực tế cũng như các hạn chế còn tồn tại của trong các cơ quan, tổ
chức thanh tra, giám sát quan lại dưới thời Minh Mạng. Đồng thời với lòng đam mê
tìm hiểu rõ hơn về cuộc cải cách hành chính của vị vua được xem là nổi bật nhất của
triều Nguyễn này và lí giải được những nghịch lí đặt ra ban đầu đã thôi thúc chúng tôi
chọn: Chế độ thanh tra, giám sát quan lại dưới thời Minh Mạng (1820 - 1840) làm
đề tài khóa luận tốt nghiệp.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Trong những năm gần đây, triều Nguyễn luôn là đề tài “nóng hổi” thu hút được
sự tham gia nghiên cứu của tất cả các giới, các ngành nghiên cứu trong và ngoài nước.
- 4 -
Nhiều cuộc hội thảo khoa học về triều Nguyễn về văn hóa - xã hội đã được tổ chức
trong cả nước. Song vẫn có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quá trình đánh giá
những thành tựu và hạn chế của triều Nguyễn trong suốt thời gian triều Nguyễn nắm
quyền. Mặc dù có nhiều đề tài cũng như các công trình nghiên cứu khoa học về triều
Nguyễn tuy nhiên vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu một cách cụ thể và sâu sắc
về các cơ quan giám sát, về tổ chức, hoạt động thanh tra, đàn hặc của các cơ quan này
dưới triều Minh Mạng. Có thể thấy rằng đây là vấn đề quan trọng và tương đối phức
tạp liên quan đến toàn bộ cơ cấu tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và xã hội
Việt Nam dưới thời vua Minh Mạng - thời kì đỉnh cao trong giai đoạn nhà Nguyễn
cầm quyền.
Tác phẩm có đề cập nhiều nhất đến chế độ thanh tra, giám sát quan lại dưới thời
vị vua khá nổi tiếng này là Cải cách hành chính dưới triều vua Minh Mạng (1820 -
1840) của Nguyễn Minh Tường, xuất bản năm 1996. Tuy nhiên, tác giả chưa đi sâu
nghiên cứu về chế độ giám sát giữa cấp trung ương với địa phương cũng như những
tác động từ chế độ này mang lại.
Tác phẩm thứ hai có đề cập đến các cơ quan giám sát về cơ cấu tổ chức, nguyên
tắc hoạt động đó là Mười cuộc cải cách, đổi mới lớn trong lịch sử Việt Nam của Văn
Tạo, xuất bản năm 2006. Nhưng tác phẩm này không đi sâu nghiên cứu mà chỉ tìm
hiểu khái quát trong phần các biện pháp cải cách hành chính của Minh Mạng.
Ngoài hai công trình trên, còn có một số công trình nghiên cứu khoa học khác
có nghiên cứu về các cơ quan thanh tra, giám sát của triều Nguyễn nói chung giai đoạn
1802 - 1885. Tuy vậy, các cơ quan này chỉ được đề cập đến với tư cách là một phần
nội dung nhỏ trong một đề tài lớn về triều Nguyễn:
Năm 1997, PGS - TS Đỗ Bang đã chủ biên công trình Tổ chức bộ máy nhà
nước triều Nguyễn (1802 - 1884). Trong công trình này, tác giả dành riêng một phần
để nghiên cứu về các cơ quan giám sát của triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1884
trên các mặt cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ cơ bản của các cơ quan giám sát:
Đô sát viện, Lục Khoa và giám sát của 16 Đạo.
Năm 1998, nhóm tác giả Phan Đại Doãn - Nguyễn Minh Tường - Hoàng
Phương - Lê Thành Lân - Nguyễn Ngọc Quỳnh đã xuất bản cuốn Một số vấn đề về
Quan chế triều Nguyễn. Trong đó có đề cập sơ lược về lịch sử chế độ thanh tra, giám
sát quan lại ở các triều đại trước. Đối với triều Minh Mạng thì tác phẩm chỉ đề cập đến
Đô sát viện - cơ quan giám sát quan lại lớn nhất của triều Nguyễn chứ chưa tìm hiểu
cụ thể toàn bộ hệ thống thanh tra, giám sát quan lại của triều đại này.
Bên cạnh đó, một số khóa luận tốt nghiệp cử nhân sử học như: Tìm hiểu hoạt
động của các cơ quan tư pháp triều Nguyễn (1802 - 1883) của sinh viên Nguyễn Thị
- 5 -
Lý năm 2003; Tổ chức và hoạt động của các cơ quan giám sát của triều Nguyễn (1802
- 1885) của sinh viên Trịnh Thị Quyên năm 2005 thuộc khoa Lịch sử trường Đại học
Khoa Học Huế cũng đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về chế độ thanh tra, giám sát quan
lại dưới thời Minh Mạng.
Như vậy, các công trình trên đều nghiên cứu trong phạm vi thời gian từ 1802 -
1885 và chưa có công trình nào tìm hiểu chuyên sâu và đầy đủ về chế độ thanh tra,
giám sát quan lại dưới thời Minh Mạng. Mặc dù vậy, cùng với các nguồn cổ sử quan
trọng như Đại Nam thực lục, Minh Mệnh chính yếu, Khâm định Đại Nam hội điển sự
lệ thì các công trình nghiên cứu nêu trên đã giúp chúng tôi có cơ sở khoa học đúng đắn
để định hướng và hoàn thành tốt khóa luận của mình.
3. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu chủ yếu của khóa luận là nhằm làm sáng tỏ chức năng,
nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động cũng như hiệu quả hoạt động cụ thể
trong thực tế của các cơ quan giám sát, tổ chức thanh tra quan lại dưới thời Minh
Mạng (1820 - 1840). Từ đó rút ra một số bài học tham chiếu cho việc thanh tra, giám
sát hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như những biện pháp nhằm giúp cho
hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng hiệu quả, trong sạch hơn đáp ứng
yêu cầu của đất nước trong tình hình hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Với quan niệm “trị quan hơn trị dân”, vua Minh Mạng ngay từ khi lên ngôi đã
cho thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ quan lại. Trong suốt
hai mươi mốt năm trị vì của mình, Minh Mạng đã dần hoàn thiện chế độ thanh tra và
giám sát quan lại về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động. Thanh tra, giám sát quan lại
được tiến hành trong từng cơ quan hay giữa các cơ quan với nhau cũng như giữa trung
ương với địa phương.
Trong giới hạn của khóa luận, chúng tôi xem vấn đề này là đối tượng chính cần
phải được làm sáng tỏ. Ngoài ra, chúng tôi còn khảo sát về cuộc đời, sự nghiệp của
vua Minh Mạng, các yêu cầu đặt ra và chế độ thanh tra, giám sát quan lại ở các triều
đại trước để từ đó thấy được sự tác động của bối cảnh kinh tế - chính trị - văn hóa - xã
hội đến hoạt động thanh tra, giám sát cũng như vai trò của chế độ này đối với việc
nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đội ngũ quan lại và sự phát triển của xã hội
Việt Nam dưới triều Minh Mạng.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi và điều hành đất nước trong suốt 21 năm (1820
- 1840). Trong thời gian cầm quyền, vị Hoàng đế này đã xây dựng một chế độ thanh
- 6 -
tra, giám sát quan lại tương đối hoàn chỉnh so với các triều đại trước đó. Với mục đích
tìm hiểu chế độ thanh tra, giám sát quan lại dưới thời Minh Mạng cho nên chúng tôi
chỉ nghiên cứu trong thời gian Minh Mạng trị vì (1820 - 1840). Với mong muốn hiểu
rõ về chế độ này, chúng tôi đi sâu về các cơ quan, đội ngũ thực hiện, đối tượng áp
dụng chế độ thanh tra, giám sát cũng như nguyên tắc hoạt động, các biện pháp hỗ trợ
cho việc thanh tra, giám sát quan lại, những hoạt động và hiệu quả từ chế độ này mang
lại.
5. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu
Để phục vụ có hiệu quả cho việc nghiên cứu đề tài này chúng tôi dựa vào các
nguồn tư liệu chủ yếu như: các cuốn cổ sử do Nội các, Quốc Sử Quán triều Nguyễn
biên soạn và các sách tham khảo liên quan đến nhà Nguyễn, chế độ thanh tra, giám sát
quan lại dưới thời Minh Mạng (1820 - 1840); các bài viết trong tạp chí Nghiên cứu
lịch sử cũng như trên mạng Internet.
Đồng thời khi nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đứng trên quan điểm của chủ
nghĩa Mác - Lênin, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam để xem xét, đánh giá các
sự kiện lịch sử. Trong quá trình đó, chúng tôi sử dụng các phương pháp chuyên ngành
lịch sử như: phương pháp logic, phương pháp lịch sử và kết hợp với sử dụng các thao
tác phân tích, tổng hợp; thống kê, mô tả; so sánh, đối chiếu;… Sử dụng các phương
pháp và thao tác đó chúng tôi thực hiện đề tài qua 3 bước:
Bước 1: Sưu tầm và tìm kiếm tài liệu. Sau khi xác định tên, đối tượng và giới
hạn của đề tài, chúng tôi tiến hành sưu tầm các tài liệu liên quan như: sách, báo, tạp
chí, kỷ yếu chuyên ngành về Minh Mạng và chế độ thanh tra, giám sát quan lại dưới
thời Minh Mạng. Thực hiện điều này, chúng tôi tìm kiếm và sử dụng các tài liệu đang
được lưu trữ tại thư viện trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thư viện Khoa học tổng
hợp Đà Nẵng, thư viện Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học, thư viện Tổng hợp Huế.
Bước 2: Trên cơ sở những tài liệu thu thập, tìm kiếm được, chúng tôi tiến hành
phân tích, tổng hợp những chính sách, biện pháp mà vua Minh Mạng đã tiến hành để
thực hiện việc thanh tra, giám sát có hiệu quả đội ngũ quan lại trong suốt thời gian trị
vì và đối sánh với các triều đại khác để thấy được sự hoàn thiện, sáng tạo của triều đại
Minh Mạng.
Bước 3: Sau khi trình bày về cơ cấu tổ chức, cơ chế thực hiện và hoạt động
trong thực tế của các cơ quan thanh tra, giám sát, chúng tôi đi vào tìm hiểu vai trò của
việc thực hiện chế độ thanh tra, giám sát quan lại do Minh Mạng làm “kiến trúc sư”
đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và việc xây dựng, củng cố chế độ phong kiến
trung ương tập quyền lúc bấy giờ. Đồng thời, chúng tôi cũng phân tích những hạn chế
trong vấn đề thanh tra, giám sát quan lại. Từ đó rút ra một số bài học tham chiếu cho
- 7 -
công việc cải cách hành chính, thanh tra, giám sát có hiệu quả đội ngũ công chức trong
giai đoạn hiện nay.
6. Đóng góp của khóa luận
Với mục đích tìm hiểu một trong những trọng tâm của cuộc cải cách hành chính
đã góp phần đưa triều Minh Mạng trở thành triều đại đỉnh cao trong các triều vua
thuộc vương triều Nguyễn, đóng góp lớn nhất của chúng tôi là hệ thống một cách đầy
đủ về chế độ thanh tra, giám sát quan lại và vai trò của nó đối với sự phát triển đất
nước dưới thời vị Hoàng đế này trị vì. Đồng thời, theo tinh thần của tác giả Nguyễn
Phan Quang trong Triều Nguyễn và xã hội Việt Nam thế kỉ XIX: “Quá khứ là cái đã
qua, nhiệm vụ của chúng ta là tìm hiểu những việc làm tích cực của cha ông ta, r út ra
những mặt yếu kém, lạc hậu góp phần xây dựng xã hội phát triển, giàu mạnh, công
bằng và văn minh” [13, tr.2] thông qua nghiên cứu đề tài này, chúng tôi rút ra một số
bài học tham chiếu cho việc thanh tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước
cũng như những biện pháp nhằm giúp cho hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức
ngày càng hiệu quả, trong sạch hơn đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới.
Ngoài ra, vấn đề mà khóa luận đề cập là một nội dung trong lịch sử Việt Nam
mà cụ thể là dưới thời Minh Mạng, cho nên khóa luận hoàn thành có thể là nguồn tư
liệu tham khảo cho những ai quan tâm nghiên cứu về vấn đề này.
7. Bố cục của khóa luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phần nội dung khóa luận gồm 3
chương:
Chương 1: Vua Minh Mạng và cơ sở của việc thực hiện chế độ thanh tra, giám sát
quan lại thời Minh Mạng (1820 - 1840)
Chương 2: Chế độ thanh tra, giám sát đối với quan lại dưới thời vua Minh Mạng
(1820 - 1840)
Chương 3: Hoạt động thanh tra, giám sát quan lại và vai trò của nó dưới thời Minh
Mạng (1820 - 1840)