Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Cấu trúc cú pháp câu thơ thanh thảo.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------
TRẦN THỊ BÍCH HẠNH
Cấu trúc cú pháp câu thơ Thanh Thảo
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
2
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Tiếp cận tác phẩm văn học từ góc độ cấu trúc cú pháp câu là vấn đề
được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Đây là con đường đúng đắn và cần thiết
để tìm được giá trị đích thực của tác phẩm. Mặt khác, đây cũng là hướng đi
vừa có sự chuyên sâu vừa có sự liên ngành hiện nay.
Thanh Thảo là một nhà thơ sớm khẳng định được chỗ đứng trong dòng
chảy văn học Việt Nam. Bằng tài năng và nỗ lực không ngừng, Thanh Thảo
đã đem đến một tiếng thơ, một cách khám phá hiện thực cũng như một phong
cách nghệ thuật mới mẻ, độc đáo. Theo thời gian, thơ và trường ca của ông đã
thực sự làm phong phú và tạo nét đặc sắc cho nền thơ dân tộc.
Cấu trúc cú pháp câu thơ là một nét hấp dẫn và độc đáo của thơ và
trường ca Thanh Thảo. Tuy nhiên, hầu như các công trình, bài viết nghiên cứu
về Thanh Thảo lại chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề này.
3
Là một sinh viên sư phạm Văn, thực hiện đề tài này, chúng tôi hi vọng
góp phần lí giải nét riêng của thơ Thanh Thảo về mặt cấu trúc câu, tạo cơ sở
cho việc xác định vị trí và những đóng góp của nhà thơ cho nền thơ ca nước
nhà cũng như tạo tư liệu cho việc giảng dạy thơ Thanh Thảo được tốt hơn.
Với những lí do trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài Cấu trúc cú pháp
câu thơ Thanh Thảo.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Lúc còn là người lính trẻ, Thanh Thảo đã gây xôn xao thi đàn dân tộc
bởi những bài thơ mang dáng dấp riêng, giọng điệu riêng. Cho đến nay,
Thanh Thảo vẫn không ngừng khẳng định bản thân qua hàng loạt tập thơ,
trường ca, những bài tiểu luận phê bình. Chính vì thế, hơn ba mươi năm trôi
qua, đã có biết bao công trình lớn nhỏ viết về Thanh Thảo, đặc biệt là mảng
trường ca. Riêng về thơ Thanh Thảo, cũng có khá nhiều
bài viết.
Đa số các nhà nghiên cứu, phê bình văn học khi đánh giá về Thanh
Thảo- nhà thơ tiêu biểu sau 1975- đều cho rằng Thanh Thảo là một bản lĩnh
thơ luôn ý thức cách tân thơ ca rõ nét. Có thể kể đến một số bài viết như Nhà
thơ Thanh Thảo – Người lập kỉ lục guinness cho thơ Việt của Nguyễn Việt
Chiến, 1 2 3 của Thanh Thảo và ba bậc tư duy thơ trong quá trình hiện đại
hóa thơ ca của Mai Bá Ấn, Thanh Thảo - nghĩa khí và cách tân của Chu Văn
Sơn…
Bên cạnh đó, khi nhận định về những vần thơ Thanh Thảo viết trong
chiến tranh các nhà nghiên cứu đã đề cao “chất nghĩ”, cách nhìn mới, lạ, rất
riêng về hiện thực trong thơ ông. Chẳng hạn như các bài Dấu chân những
người lính trẻ và thơ Thanh Thảo của Lại Nguyên Ân, Thanh Thảo- gương
mặt tiêu biểu sau 1975 của Bích Thu , Thơ Thanh Thảo – Chống lại ngày
quên lãng của Boey Kim Cheng (Lương Lê Giang dịch).
4
Về câu thơ Thanh Thảo cũng có một số bài viết, công trình đề cập đến.
Trong công trình Thơ trữ tình Việt Nam 1975-1990 Lê Lưu Oanh đã
đưa ra một vài nhận xét về câu thơ Thanh Thảo. Theo tác giả, câu thơ Thanh
Thảo mang nhiều định nghĩa, nhiều đối thoại và có tính triết lí. Đó là “những
câu thơ trần trụi đầy suy nghĩ và lí sự, tỉnh táo và rạch ròi” [11, tr.74]. Do đó,
kiểu câu thơ này tác động mạnh đến lí trí người đọc và tạo nên một phong
cách riêng cho thơ Thanh Thảo.
Chu Văn Sơn với bài nghiên cứu Thanh Thảo - nghĩa khí và cách tân đã
đề cập khá sâu về những cách tân hình thức trong thơ Thanh Thảo. Tác giả
cho rằng “Thanh Thảo đã tập trung nỗ lực cách tân của mình đột phá vào cấu
trúc thơ, tìm kiếm các mối kết hợp, các dạng liên kết cho thơ mình” [13]. Và
Thanh Thảo đã đột phá cấu trúc bằng cách “gia tăng” chất nghĩ, say mê kiếm
tìm cái trật tự trong sự hỗn loạn. Để rồi, những vần thơ của ông “tiến gần hơn
với dòng chảy có thực của mạch tâm tư cá thể. Đó là dòng sống thực của tinh
thần con người từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc với tât cả những bất định
của nó. Điều này đem lại cho câu thơ diện mạo có phần phi trật tự. (...) khước
từ cái trật tự được sắp đặt bởi lý tính truyền thống thường liên kết theo mạch
ý, mạch tứ, mạch cốt, mạch tình..., nó có cơ xáo trộn tất cả những cái đó thành
một dòng chảy càng lúc càng bất định” [13]. Chu Văn Sơn cũng đi sâu vào
phân tích một số bài thơ của Thanh Thảo để chứng minh về mạch liên kết
lỏng, tính hỗn loạn trong thơ Thanh Thảo.
Trong bài viết 1 2 3 của Thanh Thảo và ba bậc tư duy thơ trong quá
trình hiện đại hóa thơ ca, Mai Bá Ấn đã chỉ ra sự thay đổi của câu thơ Thanh
Thảo từ những bài thơ đầu tiên đến các bài thơ trong tập 1 2 3. Ở giai đoạn
đầu, tư duy thơ Thanh Thảo vẫn “nằm nguyên trong cách diễn ý theo cảm xúc
trình tự. Các câu thơ nối tiếp nhau theo vần (dù rất mờ) với rậm rạp dòng thơ
in, chữ in, không chứa nhiều khoảng trắng bí ẩn của thơ đương đại” [3]. Đến
5
13 bài thơ trong tập 1 2 3, tư duy thơ Thanh Thảo nghiêng hẳn về lối sáng tác
của chủ nghĩa hậu hiện đại nên câu thơ được cấu trúc theo “nguyên tắc cắt
mảnh rời rạc” [3]. Và “ở cấp độ câu thơ trong từng đoạn thơ, ta có thể đọc
ngược từ dòng cuối lên dòng đầu mà bài thơ vẫn không mất đi vẻ tự nhiên,
tính chỉnh thể của nó, lại không hề bọ vần điệu trói buộc” [3].
Với đề tài Cấu trúc ru-bic trong “Đàn ghita của Lor-ca, Lương Thị
Hoàng Anh cũng bày tỏ quan điểm về câu thơ Thanh Thảo thông qua việc tìm
hiểu cấu trúc bài thơ trên tinh thần của nguyên lí ru-bic. Theo tác giả, cấu trúc
ru-bic biểu hiện ở việc “tổ chức tác phẩm theo sự liên tưởng tự do” [1]. Từ
mạch liên tưởng này, “mỗi câu thơ như một chuỗi tổ chức hỗn độn, không
liên tục về ngữ nghĩa, gồm nhiều chữ ghép lạ, mỗi chữ gợi một hình ảnh, một
ý nghĩa khác nhau” [1]. Mặt khác, Lương Thị Hoàng Anh cho rằng việc coi
ru-bic là cấu trúc của thơ còn là “sự giản lược tối đa và gợi mở tối đa của hình
thức thơ” [1]. Đây là nhận định khá thú vị, nêu lên được những đặc trưng
riêng của câu thơ Thanh Thảo.
Hoàng Thị Minh Hóa trong luận văn thạc sĩ Kết cấu và ngôn ngữ thơ
Thanh Thảo nhìn từ lí thuyết thi pháp học của Roman Jakobson đã nhận xét
rằng Thanh Thảo có “những câu thơ bị tháo rời, xé lẻ” [9]. Và khi làm thơ,
Thanh Thảo buông mình để “từ ngữ gọi từ ngữ, nhịp điệu đưa đẩy nhịp điệu”
[9] nên câu thơ phát triển theo mạch liên tưởng tự do, “không viết hoa đầu
dòng, không chấm câu, những dòng thơ thoải mái chảy tuôn mà không vướng
vào cái khuôn câu chữ, vần điệu” [9].
Điểm qua những ý kiến đánh giá về thơ Thanh Thảo nói chung, chúng
ta có thể thấy các nhà nghiên cứu đã đánh giá cao những giá trị của thơ Thanh
Thảo. Riêng về câu thơ Thanh Thảo, có thể thấy, đây là vấn đề không mới, đã
được một số nhà nghiên cứu quan tâm. Các ý kiến đều nhận định câu thơ
Thanh Thảo có những kết hợp bất ngờ, liên kết lỏng lẻo, tạo không gian rỗng
6
cho thơ. Tuy nhiên, do quy mô bài viết cũng như do mục đích nghiên cứu nên
vấn đề này chưa được nghiên cứu một cách độc lập. Hơn nữa, chưa có công
trình nào nghiên cứu câu thơ Thanh Thảo ở quy mô một tập thơ hay toàn bộ
thơ Thanh Thảo mà chỉ dừng lại ở một bài thơ cụ thể.
Tuy nhiên, những ý kiến trên của các nhà nghiên cứu thực sự là những
phát hiện mới mẻ và có tính chất gợi mở giúp chúng tôi trong quá trình xác
định cách thức tổ chức cấu trúc câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là cấu trúc cú pháp câu thơ Thanh
Thảo.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là 47 bài thơ do nhà thơ Thanh Thảo gửi
tặng vào ngày 9/12/2011.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, người viết đã sử dụng những phương pháp sau:
- Phương pháp thống kê - phân loại
- Phương pháp miêu tả
- Phương pháp phân tích - tổng hợp
5. Bố cục của khóa luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục tham khảo và phụ lục, nội dung
chính của luận văn được người viết triển khai qua 3 chương :
Chương Một : Những vấn đề lí luận liên quan đến đề tài
Chương Hai : Khảo sát và miêu tả cấu trúc cú pháp câu thơ Thanh Thảo
Chương Ba : Vai trò của cấu trúc cú pháp câu thơ Thanh Thảo