Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam
Bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý qua thực tiễn tại tỉnh Long An
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ CHÍ MINH
NGUYỄN THỊ TUYẾT NHI
BẢO HỘ VÀ THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
ĐỐI VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ QUA THỰC TIỄN
TẠI TỈNH LONG AN
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT KINH TẾ
Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022
CỦA ĐỀ CƯƠNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ CHÍ MINH
NGUYỄN THỊ TUYẾT NHI
BẢO HỘ VÀ THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
ĐỐI VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ QUA THỰC TIỄN
TẠI TỈNH LONG AN
Chuyên ngành: Luật Kinh tế
Mã số chuyên ngành: 8380107
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT KINH TẾ
Người hướng dẫn khoa học:
TS. Lê Văn Hưng
Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022
i
LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan rằng luận văn “Bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp
đối với chỉ dẫn địa lý qua thực tiễn tại tỉnh Long An” là bài nghiên cứu của chính
tôi.
Ngoại trừ những tài liệu tham khảo được trích dẫn trong luận văn này, tôi
cam đoan rằng toàn phần hay những phần nhỏ của luận văn này chưa từng được
công bố hoặc được sử dụng để nhận bằng cấp ở những nơi khác. Không có sản
phẩm, nghiên cứu nào của người khác được sử dụng trong luận văn này mà không
được trích dẫn theo đúng quy định.
Luận văn này chưa bao giờ được nộp để nhận bất kỳ bằng cấp nào tại các
trường đại học hoặc cơ sở đào tạo khác.
Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022
Tác giả
Nguyễn Thị Tuyết Nhi
ii
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu, Khoa Luật, Khoa Đào tạo Sau
đại học cùng toàn thể Quý Thầy Cô Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn
thành luận văn.
Đặc biệt, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến TS. Lê Văn Hưng đã hết lòng
giúp đỡ, tận tình hướng dẫn và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi trong suốt quá
trình học tập và thực hiện đề tài nghiên cứu của mình.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến PGS.TS Dương Phúc Tý -
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu Trí tuệ CIPTEK (Đơn vị
chủ trì thực hiện Đề tài “Tạo lập và quản lý chỉ dẫn địa lý Châu Thành Long An
cho quả thanh long của tỉnh Long An”), Luật sư Dương Thành Long, Đại diện Sở
hữu công nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Luật ALIAT, sở ban ngành địa phương
tỉnh Long An cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho tôi
trong suốt quá trình công tác, học tập và thực hiện đề tài nghiên cứu của mình.
Cuối cùng xin trân trọng cảm ơn Quý Thầy Cô trong Hội đồng đánh giá
luận văn thạc sĩ chuyên ngành Luật kinh tế diễn ra vào ngày 05/12/2022 đã cho tôi
những nhận xét, góp ý quý báu để tôi hoàn chỉnh luận văn này.
iii
TÓM TẮT LUẬN VĂN
Luận văn nghiên cứu về vấn đề bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công
nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý qua thực tiễn tại tỉnh Long An. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý
là sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hay nói rộng ra là sự công
nhận của cộng đồng đối với một vùng đất, một khu vực địa lý đó đã “sản sinh” ra
một/một số sản phẩm có danh tiếng, tính chất, chất lượng hoặc đặc tính đặc thù của
sản phẩm khác biệt so với vùng khác mà chính các điều kiện tự nhiên, con người
nơi đó mang lại. Do vậy, sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý luôn có lợi thế
cạnh tranh hơn trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa
chuộng lựa chọn đã góp phần mang lại nhiều giá trị cho các chủ thể có liên quan.
Tại Việt Nam thực trạng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản
đang gia tăng, các địa phương nhận thức và chú trọng chính sách phát triển kinh tế
nông nghiệp gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên hoạt động thực thi
quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, bảo vệ uy tín, danh tiếng, chất lượng sản
phẩm còn bị hạn chế dẫn đến gia tăng sự xuất hiện của sản phẩm giả, kém chất
lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ đó làm giảm uy tín, danh tiếng của sản
phẩm mang chỉ dẫn địa lý trên thị trường. Trước thực tiễn như nêu trên, đòi hỏi phải
có các biện pháp khắc phục, hoàn thiện quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn tại
Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế là thực sự cần thiết.
Trên cơ sở đó, luận văn đã nghiên cứu một cách tổng quan các quy định
pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý,
đánh giá thực trạng chung tại Việt Nam và thực trạng tại tỉnh Long An về hoạt động
bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, từ đó đề xuất
điều chỉnh một số nội dung nhằm hoàn thiện pháp luật và đề xuất một số giải pháp
phù hợp góp phần tăng cường hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công
nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, chống lại các hành vi xâm phạm quyền, bảo vệ
thương hiệu cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
iv
THESIS SUMMARY
Thesis research on the issue of protection and enforcement of industrial
property rights for geographical indications through practice in Long An Province.
Geographical indication protection is the recognition by a competent state agency,
or broadly speaking, the recognition by the community of a land, a geographical
area which has "produced" a/ some products have reputation, features, quality or
distinguishing characteristics of the product that are different from other regions
because of the natural and human conditions of that place. Therefore, products
protected by geographical indications always have a more competing advantage in
the market, are preferred by domestic and foreign consumers, and have contributed
to bringing a lot of value to related entities.
In Vietnam, the status of geographical indication protection for agricultural
products is expanding, and local governments are conscious of and concentrate on
policies of agricultural economic development associated with intellectual property
rights protection. Nevertheless, the enforcement of intellectual property rights for
geographical indications, reputation and product quality protection is still limited,
leading to an increase in the appearance of counterfeit and poor quality products,
violate intellectual property rights, thereby reducing the prestige and reputation of
products protected by geographical indications in the market. In the face of the
above-mentioned facts, it is really necessary to take remedial measures and perfect
legal regulations in line with facts in Vietnam in the context of economic
integration.
On that basis, this thesis has researched in an overview of the legal provisions on
the protection and enforcement of industrial property rights for geographical
indications, assessed the general situation in Vietnam and the situation in Long An
Province on the protection and enforcement of industrial property rights for
geographical indications, thereby proposing to adjust a number of contents to
improve the law and propose some appropriate solutions to contribute the
improvement of the protection and enforcement of industrial property rights for
geographical indications, combating infrigements of rights, protecting trademarks
for products protected by geographical indications.
v
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN..................................................................................................................i
LỜI CẢM ƠN.......................................................................................................................ii
TÓM TẮT LUẬN VĂN......................................................................................................iii
MỤC LỤC ............................................................................................................................ v
DANH MỤC VIẾT TẮT..................................................................................................viii
PHẦN MỞ ĐẦU................................................................................................................... 1
1. Lý do lựa chọn đề tài...............................................................................................1
2. Tình hình nghiên cứu đề tài ....................................................................................3
3. Mục tiêu nghiên cứu................................................................................................7
4. Câu hỏi nghiên cứu .................................................................................................7
5. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................................8
6. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu...........................................................................9
5.1. Đối tượng nghiên cứu...........................................................................................9
5.2. Phạm vi nghiên cứu..............................................................................................9
7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn đề tài.......................................................................9
8. Kết cấu của luận văn.............................................................................................10
Chương 1. LÝ LUẬN CHUNG VÀ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO HỘ VÀ
THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ ......... 11
1.1. Lý luận chung về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn
địa lý..........................................................................................................................11
1.1.1. Khái niệm chỉ dẫn địa lý .................................................................................11
vi
1.1.2. Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý..............................16
1.1.3. Thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý.............................18
1.1.4. Quản lý chỉ dẫn địa lý .....................................................................................20
1.1.5. Ý nghĩa bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý23
1.2. Quy định pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ
dẫn địa lý...................................................................................................................27
1.2.1. Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý.......................................................................27
1.2.2. Xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý...............................................................35
1.2.3. Nội dung quyền đối với chỉ dẫn địa lý............................................................47
1.2.4. Hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý ............................................49
1.2.5. Các biện pháp thực thi quyền đối với chỉ dẫn địa lý.......................................50
Chương 2. THỰC TRẠNG BẢO HỘ VÀ THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU CÔNG
NGHIỆP ĐỐI VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ - ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUY
ĐỊNH PHÁP LUẬT........................................................................................................... 60
2.1. Thực trạng bảo hộ và thực thi quyền đối với CDĐL của Việt Nam ..................60
2.2. Đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam về bảo hộ và thực
thi quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý ................................................93
2.3. Đề xuất một số phương hướng nhằm nâng cao công tác quản lý, phát triển, bảo
vệ thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý..........................................................96
PHẦN KẾT LUẬN .......................................................................................................... 100
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................ 101
PHỤ LỤC.......................................................................................................................... 107
vii
DANH MỤC HÌNH
Hình 1.1 Quy trình nộp đơn và xử lý đơn đăng ký CDĐL Trang 40
Hình 2.1 Sơ đồ mô hình quản lý CDĐL thanh long Châu Thành
Long An
Trang 67
Hình 2.2 Mô hình quản lý CDĐL có sự tham gia của Hiệp hội
thanh long Long An
Trang 68
Hình 2.3 Sơ đồ mô hình quản lý CDĐL khoai mỡ Bến Kè Trang 68
Hình 2.4 Mô hình quản lý và kiểm soát CDĐL Phú Quốc Trang 89
Hình 2.5 Mô hình quản lý CDĐL chuối Ngự Đại Hoàng Trang 91
viii
DANH MỤC VIẾT TẮT
CDĐL : Chỉ dẫn địa lý
CDNG : Chỉ dẫn nguồn gốc
Luật SHTT : Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm
2019
Luật SHTT
năm 2022
: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được
Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 16/6/2022 (Luật số
07/2022/QH15) và sẽ có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2023
NHTT : Nhãn hiệu tập thể
NHCN : Nhãn hiệu chứng nhận
GCN : Giấy chứng nhận
SHTT : Sở hữu trí tuệ
SHCN : Sở hữu công nghiệp
SNN&PTNT : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
SKH&CN : Sở Khoa học và Công nghệ
TGXXHH : Tên gọi xuất xứ hàng hóa
UBND : Ủy ban nhân dân
VBBH : Văn bằng bảo hộ
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Việt Nam là một quốc gia hội đủ các yếu tố đặc trưng về tự nhiên và con
người, đó là thế mạnh để phát triển nền nông nghiệp. Nhiều địa phương từ rất lâu
nổi tiếng với các đặc sản có tiếng tăm, có chất lượng gắn với vùng địa danh cụ thể.
Hiện nay, với sự hội nhập nền kinh tế càng sâu rộng, các cam kết về sở hữu trí tuệ
trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ công nhận và bảo hộ 169 CDĐL của EU (chủ
yếu là rượu và thực phẩm), ngược lại EU công nhận và bảo hộ 39 CDĐL của Việt
Nam (chủ yếu là nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu như cam
Cao Phong, chè Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phan Thiết, nước
mắm Phú Quốc,…). Ngoài ra, trong mối quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng trong
chiến lược về sở hữu trí tuệ giữa Nhật Bản và Việt Nam, Dự án “Hỗ trợ đăng ký
bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Nhật” đã được ký kết tại Bản ghi nhớ hợp
tác về CDĐL, những sản phẩm thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Mê Thuột, vải
thều Lục Ngạn đã được ưu tiên lựa chọn trở thành sứ giả văn hóa đặc biệt đưa
CDĐL Việt Nam đến người tiêu dùng Nhật Bản mà trước đây chưa có. Với sự
thành công trong mối quan hệ hợp tác và phát triển quốc tế, kỳ vọng mở ra nhiều cơ
hội cho các sản phẩm nông sản gắn với địa danh ở Việt Nam đến các thị trường khó
tính quốc tế.
Trước những thuận lợi trong quá trình hội nhập, nông sản Việt Nam nói
chung cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn không nhỏ như yêu cầu về
của thị trường trong nước tăng cao, đòi hỏi chất lượng sản phẩm gắn với xuất xứ
nguồn gốc, các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn, các điều kiện về bảo hộ
thương hiệu,…. Vì thế nhiều năm qua chúng ta có nhiều chính sách xây dựng
thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của địa phương gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý
như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã trở thành định
hướng quan trọng nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản và đáp
ứng về phát triển chuỗi sản xuất nông sản gắn với chất lượng đảm bảo điều kiện
2
xuất khẩu như Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt
là chương trình 68), ngày 24/12/2020, Thủ tướng đã ký quyết định số 2205/QĐ-TTg
phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Các sản phẩm
CDĐL là những sản phẩm được công nhân và bảo hộ về nguồn gốc xuất xứ từ một
khu vực địa lý nhất định, xuất phát từ đặc điểm của mình, luôn có những đặc tính
vượt trội về chất lượng do các yếu tố riêng về điều kiện tự nhiên như khí hậu, thổ
nhưỡng, đặc điểm canh tác, kỹ thuật chế biến,… và vì thế có lợi thế cạnh tranh trên
thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng lựa chọn đã góp
phần mang lại nhiều giá trị cho các chủ thể có liên quan. CDĐL là một trong những
tài sản trí tuệ đặc biệt không phải thuộc sở hữu hữu của riêng một cá nhân, doanh
nghiệp nào sản xuất ra nó mà là một tài sản trí tuệ dùng chung của cả cộng động và
cần thiết có sự tham gia của tất cả các chủ thể khác nhau để bảo vệ và phát triển
CDĐL trở thành một thương hiệu chung của cộng động. Tuy nhiên, hiện nay vì
nhiều lý do khác nhau, việc bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm mang CDĐL bị
hạn chế dẫn đến gia tăng sự xuất hiện của sản phẩm giả, kém chất lượng, vi phạm
quyền SHTT, từ đó làm giảm uy tín, danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL trên thị
trường. Rất nhiều địa phương đang quan tâm và bắt đầu chú trọng khai thác các giá
trị, hiệu quả kinh tế của việc bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm chủ lực của địa
phương, nhưng chưa chú trọng đến việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ uy tín, danh
tiếng, phát triển hình ảnh thương hiệu mang CDĐL trên thị trường sau khi đã được
bảo hộ CDĐL theo quy định pháp luật. Chính vì vậy có thể thấy rằng, vấn đề bảo
vệ, thực thi quyền đối với CDĐL chắc chắn không chỉ dừng lại ở việc thực hiện
trình tự thủ tục đăng ký bảo hộ cho đối tượng quyền SHTT mà còn cần quan tâm
đến nhiều hoạt động khác như kiểm soát quá trình sản xuất, thu hoạch và chế biến
sản phẩm để chống lại sự suy giảm về chất lượng đặc thù bên trong, kiểm soát chặt
chẽ hoạt động phân phối, kinh doanh của các chủ thể liên quan để chống lại các
hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với CDĐL từ bên ngoài.
Long An là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện
tích đất tự nhiên của toàn tỉnh là 4.491,87 km2
, trên địa bàn tỉnh có 01 thị xã và 13
3
huyện, với 137,7 km biên giới, có điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi hàng hoá
với các nước Đông Nam Á và các quốc gia khác. Tỉnh Long An, được thiên nhiên
ban tặng đủ các điều kiện thuận lợi về tự nhiên và con người cho sự phát triển của
các ngành kinh tế, trong đó nổi bật là kinh tế nông nghiệp với xuất khẩu các loại
nông sản chủ lực góp phần quan trọng vào sự phát triển chung về kinh tế xã hội của
tỉnh. Thực hiện các chính sách chung của quốc gia thông qua Chương trình hỗ trợ
phát triển tài sản trí tuệ qua các giai đoạn 2016 - 2020 và đến năm 2030 của Chính
phủ ban hành1
. Những năm gần đây, tỉnh Long An đã có nhiều chính sách phát triển
ngành nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ gắn với xác lập quyền SHTT bảo
vệ thương hiệu nhằm khai thác tối đa thế mạnh đối với sản phẩm nông sản có giá trị
kinh tế cao2
. Theo đó, ngày 30/9/2020 vừa qua, tỉnh Long An đã chính thức bảo hộ
thành công CDĐL cho quả thanh long Châu Thành Long An3
. Đây là CDĐL đầu
tiên của tỉnh Long An được xác lập đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của tỉnh
trong công tác xây dựng mô hình quản lý CDĐL của tỉnh làm tiền đề cho sự phát
triển của các sản phẩm nông sản khác gắn với bảo hộ thương hiệu đặc sản của vùng.
Từ các lý do trên, tác giả chọn đề tài “Bảo hộ và thực thi quyền sở hữu
công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý qua thực tiễn tại tỉnh Long An” để thực hiện
nghiên cứu làm luận văn tốt nghiệp của mình là thiết thực trong giai đoạn hiện nay.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và CDĐL nói riêng trong
thời gian gần đây mới bắt đầu được quan tâm. Một số công trình nghiên cứu về
CDĐL như sau:
1 Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình
phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
2 Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2016 -2020 của tỉnh Long An, Quyết định số 2829/QĐ-UBND của
UBND tỉnh Long An ngày 16/8/2018 về việc phê duyệt Danh mục các nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong
đó có nhiệm vụ xác lập quyền bảo hộ đối với các sản phẩm như thanh long, chanh không hạt, khoai mỡ,...
3 Quyết định số 3957/QĐ-SHTT của Cục SHTT ngày 30/9/2022 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ
dẫn địa lý số 00085 cho quả thanh long Châu Thành Long An.
4
Luận án tiến sĩ luật “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam trong điều kiện hội
nhập kinh tế quốc tế” của tác giả Vũ Thị Hải Yến thực hiện tại trường Đại học Luật
Hà Nội năm 2008, luận án này tác giả tập trung phân tích những quy định của pháp
luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý và sau đó chỉ ra những nội dung còn bất cập trong pháp
luật sở hữu trí tuệ Việt Nam về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó là: Quy định chưa rõ ràng
về điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quy định không hợp lý về chủ thể có quyền đăng
ký chỉ dẫn địa lý, quy định về hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý chưa đủ mạnh, chỉ
ra các xung đột giữa bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu. Tác giả đã đưa ra
một số giải pháp khắc phục hạn chế tồn tại.
Luận văn thạc sĩ “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý
theo pháp luật Việt Nam” của tác giả Ninh Thị Thanh Thủy tại trường Đại học
Quốc gia Hà Nội năm 2009. Đề tài nghiên cứu về quy định hiện hành của pháp luật
Việt Nam về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đồng thời đưa ra hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý
trên thế giới như: Theo hệ thống đăng ký riêng; thông qua đăng ký nhãn hiệu tập thể
hoặc nhãn hiệu chứng nhận theo luật nhãn hiệu hàng hóa. Đề tài còn nghiên cứu
thực trạng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam. Từ đó, tác giả có đưa ra các yêu cầu và
kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam.
Luận án Tiến sĩ Kinh tế “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới góc độ
thương mại đối với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế
quốc tế” của tác giả Lê Thị Thu Hà thực hiện tại trường Đại học Ngoại Thương
năm 2010, trong luận án này tác giả làm rõ mối liên hệ tương quan giữa chỉ dẫn địa
lý dưới gốc độ pháp lý và thương mại. Qua cơ sở đánh giá thực trạng về hoạt động
bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế. Từ đó đưa ra các giải
pháp nhằm phát triển và gia tăng giá trị cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt
Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Và bài viết “Xung đột bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu trong Hiệp định
TPP và những vấn đề đặt ra với Việt Nam” trên Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Tập
32, Số 2 (2016) 16-25.
5
Luận văn thạc sĩ “Xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối
với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Phương Hải tại
trường Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2012. Nội dung luận văn tác giả đưa ra các
khái niệm về hành vi và các dạng xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Đánh giá
được các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về xử lý hành vi xâm phạm
quyền đối với chỉ dẫn địa lý ở gốc độ lý luận và thực tiễn. Từ đó đưa ra những giải
pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật Việt Nam về xử lý hành vi xâm phạm
quyền đối với chỉ dẫn địa lý thực tế.
Luận văn thạc sĩ “Bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý - kinh nghiệm
của một số nước và thực tiễn tại Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Hương tại
trường Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015. Nội dung đề tài tác giả đã đưa ra những
cơ sở khoa học về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sau khi phân tích và đánh giá thực trạng
hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và kinh nghiệm
một số quốc gia trên thế giới, tác giả đề xuất các giải pháp tăng cường bảo hộ chỉ
dẫn địa lý nhằm phát triển và gia tăng giá trị cho các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của
Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Luận văn thạc sĩ quản lý khoa học và công nghệ “Xây dựng hệ thống kiểm
soát độc lập để quản lý các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị
Phương Thảo thực hiện tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm
2016. Trong luận văn này tác giả nêu lên các cơ sở lý luận về chỉ dẫn địa lý và kiểm
soát độc lập đối với chỉ dẫn đị lý, đánh giá thực tế việc quản lý và kiểm soát các chỉ
dẫn địa lý được bảo hộ ở Việt Nam thông qua các mô hình thực tế. Từ đó đưa ra các
giải pháp hình thành hệ thống kiểm soát độc lập để quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm đảm
bảo và năng cao chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Luận văn thạc sĩ luật học “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ
dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể tại Bến Tre” của tác giả Lê Ngọc Hân thực hiện tại
trường Đại học Kinh tế TPHCM năm 2019. Nội dung luận văn tác giả khái quát
chung các vấn đề lý luận về quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý và